Phỏng vấn một con kiến
Kiến: Đơn giản thôi, đó là tôi không biết sợ.
PV: Xin anh nói rõ hơn?
Kiến: Với tư cách sinh vật nhỏ bé nhất có thể được nhìn thấy, tôi luôn luôn hiểu sức mạnh cơ bắp của mình bằng 0, và chỉ có khả năng tồn tại bằng việc phát huy trí tuệ.
PV: Vâng
Kiến: Và hay quá, trí tuệ lại là thứ duy nhất không phụ thuộc vào kích thước bên ngoài. Chẳng hạn cho tới phút này, toàn nhân loại đều biết chuyện kiến thông minh hơn voi.
PV: Voi thì đúng rồi, nhưng cũ quá, chưa kể ai mà không biết voi vẫn ngốc từ xưa. Sao anh không so sánh mình với một thứ gì khác lớn lao hơn thì người ta mới tin anh được.
Kiến: Vâng, ví dụ như công ty chế tạo ra cái máy điện thoại Iphone có vĩ đại không nào?
PV: Ái chà. Vĩ đại nhất còn gì nữa.
Kiến: Rõ ràng hàng tỉ người đã và đang công nhận điều đó. Họ cho rằng Apple khủng khiếp vô cùng. Là nơi tập trung biết bao nhiêu tiến sĩ giáo sư, toàn những bộ óc siêu việt mà thế giới chúng ta có được. Nhưng than ôi, theo kiến này, đã có nhiều khi công ty ấy ngốc ghê.
PV: Thôi can anh. Một con kiến mà dám chê Apple ngốc ư? Anh không sợ thiên hạ giẫm chết bây giờ.
Kiến: Dám đấy. Ví dụ như chiếc điện thoại mới nhất của họ đã chìm nghỉm mất tăm trên thị trường vì sao?
PV: À, vì khách hàng chán nó.
Kiến: Tại sao chán? Nó có quá đắt không? Không? Nó có kém chức năng không? Không. Nhưng nó phạm một lỗi lầm khủng khiếp là giống hệt model trước đó.
PV: Giống thì sao nào?
Kiến: Thì Apple đã tính toán đủ thứ, nhưng không tính toán đến một điều cực kỳ to lớn là tâm lý khách hàng. Đó là tính khoe khoang. Khi người ta sắm một thứ đắt tiền, người ta luôn có khát vọng tuy rất tầm thường nhưng lại bình thường là muốn cho chung quanh biết mình vừa mới sắm.
PV: Đúng thế. Sự khoe khoang luôn luôn tồn tại cùng với loài người.
Kiến: Tôi chưa từng thấy ai mua một viên kim cương to đùng sau đó trùm chăn đeo vào cổ. Tôi cũng chưa từng thấy ai chỉ mặc quần áo mới khi ở kín trong phòng. Sự khoe khoang không xấu, nó là động cơ để cho hàng hóa đẹp lên và phong phú hơn lên.
PV: Chính xác.
Kiến: Đáng ra, khi chế tạo một sản phẩm mới, thì ngoài các chức năng kỹ thuật, Apple cần phải lưu ý tới sự khác biệt vỏ ngoài. Sự khác biệt đó không nhất thiết phải cần thay đổi kiểu dáng hay chất liệu, nhưng chỉ cần thiết kế lại màu sơn hoặc tìm ra những sự nhận dạng có khả năng quan sát từ xa đã thấy.
PV: Nhưng họ đã không làm thế.
Kiến: Đúng. Họ không làm thế. Hậu quả nếu một chàng trai hoặc một cô gái trẻ, chính là dân sắm điện thoại nhiều nhất bây giờ, đưa một chiếc máy Iphone mới lên tai, sẽ không ai xung quanh nhìn ra được nó. Chức năng khoe bị tước bỏ hoàn toàn.
Do đó họ không mua nữa.
PV: Tôi nghĩ Apple mới bị ế có thể không phải do như thế.
Kiến: Tùy nhà báo. Nhưng đó lại là kết luật của tôi. Nếu tôi nhớ không lầm, trong kinh doanh bây giờ có một câu ai cũng phải thuộc lòng và dán lên tường trong tất cả các phòng ban "Khác biệt hay là chết" và sự khác biệt phải ở cả bên ngoài lẫn cả bên trong mới được coi như toàn diện. Thế nhưng Apple không thấy, và buồn cười nhất, hàng tỉ con người vẫn nghĩ họ thông minh, vẫn cho rằng đấy là một đế chế siêu nhiên, kẻ tầm thường không nên đánh giá. Apple đúng là một ông hoàng đế, nhưng rất ít người dám tin có khi hoàng đế cũng cởi truồng.
PV: Ừ nhỉ.
Tuy chưa biết đúng hay sai, nhưng việc một con kiến cũng dám có ý nghĩ phê phán Apple là một việc nên làm, nếu không như vậy biết bao giờ kiến mới lớn lên.
Kiến: Nhiều người khuyên chúng tôi cẩn thận. Kiến có nhìn xa lắm thì cũng chỉ nên so sánh với ruồi, hoặc một con bò đã là vô cùng. Nhưng tôi không đồng ý, tôi vẫn cứ quyết tin rằng kích thước bộ não chả nói được điều gì và cái chính là cách vận hành của nó.
PV: Phải. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều phân cấp, và có vẻ như đã quá định hình. Nếu chúng ta công nhận như thế và nghiêm chỉnh chấp hành điều đó, chúng ta sẽ không khi nào đột phá được tương lai.
Kiến: Phải không khiếp sợ các suy nghĩ khác, phải tin rằng trí thông minh có chỗ cho mọi cá nhân.