Phỏng vấn một con cá

Thứ Năm, 19/05/2016, 15:28
Phóng viên (PV): Thưa anh cá, điều đặc biệt nhất trong cuộc đời của anh là gì?
Cá: Là khác với chim, gà, cọp, beo, thằn lằn, ruồi, muỗi, xã hội hầu như không nhìn thấy tôi khi dưới nước. Lúc họ có dịp quan sát kỹ, tức là tôi đã lên bờ, và đã chết.

PV: Dạ thưa anh, cá cũng như bao nhiêu loài trên trái đất, rồi cũng phải chết mà thôi?

Cá: Tất nhiên. Do đó từ nhỏ, giống như người, tôi cũng được giáo dục là không được sợ chết, và nếu có chết, phải hy sinh một cách anh hùng.

PV: Quá đúng. Lìa đời như một anh hùng là mong muốn chính đáng của tất cả chúng ta.

Cá: Do đặc điểm của mình, khác với loài người, khi băng hà thường có kèn trống và có nhiều câu nói tiếc thương rất vang lừng, loài cá chúng tôi ra đi lặng lẽ, chìm từ từ xuống tận đáy đại dương. Hoặc thực tế hơn, chìm vào mồm một con cá khác.

PV: Xin chia buồn cùng anh.

Cá: Cái chết không đáng buồn. Đáng buồn là nguyên nhân chết.

PV: A, vừa rồi ở một vùng biển rất nhiều cá chết chưa rõ nguyên nhân. Anh nghĩ thế nào về việc này?

Cá: Thật ra, cả loài người và cả loài cá đều biết nguyên nhân đấy chứ, nó chắc chắn do ô nhiễm. Chẳng qua chúng ta không biết ô nhiễm cái gì mà thôi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

PV: Vâng.

Cá: Nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở dưới biển sâu luôn luôn từ từ, luôn luôn mù mờ và khó xác định, khó đến mức nhiều khi chẳng thấy gì.

PV: Con người không thấy hay con cá không thấy?

Cá: Cả hai! Nếu như bom nổ ai cũng nghe, đạn bắn ai cũng biết thì thuốc độc xuống nước nhiều khi không mùi không vị, thậm chí còn trong suốt như cục pha lê.

PV: Đáng sợ thật.

Cá: Nhà báo ạ, suy cho đến cùng thì cái chết của chúng tôi vừa rồi cũng có tác dụng. Nó là hồi chuông cảnh báo rằng ô nhiễm không trừ bất kỳ ai, hay bỏ sót cái gì dù bay lượn trên trời hay tung tăng dưới nước.

PV: Vâng. Xưa nay trong ý nghĩ của chúng ta, trong văn chương, trong ca nhạc, hội họa còn gì mênh mông và rộng lớn hơn biển? Mênh mông đến nỗi nếu trai gái yêu nhau họ nói tới tim mở ra như biển là cùng?

Cá: Loài người đã bao nhiêu năm nay, chắc mẩm là trái tim không ô nhiễm. Họ chỉ lo đến cái mồm. Nhưng đùng một phát, rất nhiều cá lũ lượt ra đi để lại cho bà con một câu hỏi lớn, kèm theo một nỗi giật mình.

PV: Và chúng ta chợt nhận ra, gây ô nhiễm thì dễ mà tìm ra nguyên nhân của nó khó gấp vạn lần.

Cá: Tại sao? Tại cái chết đến thình lình nhưng ô nhiễm đến từ từ. Lại có thể đến do một hành vi vô cùng đơn giản.

PV: Ví dụ?

Cá: Như những ngày lễ vừa qua, tôi vô cùng thất vọng khi khách du lịch đến tắm trên các bãi biển, ra đi để lại ngập rác trên bờ. Họ làm thế rồi họ lại tự hỏi làm sao cá chết. Họ nghĩ bờ và nước không liên quan gì với nhau sao?

PV: Buồn thật.

Cá: Đại dương không phải là thùng rác của nhân loại, bờ biển không phải là cái nắp rác. Nếu những người đó có thể vứt bừa bãi mọi thứ trên bãi cát thì họ sợ gì mà không ném chúng chìm xuống dưới nước sâu.

PV: Vâng.

Cá: Tôi cực kỳ đau buồn khi thấy cá vừa chết, bao nhiêu tâm trạng lo lắng vừa nổi lên thì ngay sau đó bờ biển lại ngập đồ thừa và hơn cả đồ thừa. Rõ ràng rất nhiều kẻ nghĩ chuyện giữ gìn môi trường là của các cơ quan "chức năng", không liên quan gì tới họ.

PV: Buồn như vậy, anh ao ước điều gì?

Cá: Thú thực, tôi mong mình biến thành cá mập, để có thể nhe răng phóng lên bờ đớp và nuốt những thứ xả ra bừa bãi.

PV: A, lưu ý với anh, cá mập cũng đang tiệt chủng. Chúng đang bị giết để lấy vây cho vào súp hoặc bánh trung thu.

Cá: Tôi hiểu. Hóa ra loài cá dù có ác mấy cũng chẳng có khả năng ác hơn một số loài người.

PV: Xin trở lại vấn đề của chúng ta, với tư các nạn nhân trực tiếp, anh có thể cho biết mình chết vì đâu?

Cá: Vì một sự ô nhiễm cách đây 10 năm kết hợp với một sự ô nhiễm mới xảy ra 10 phút, trộn với một ô nhiễm vừa cách đó 10 giây. Tôi có thể nói như vậy đó. Ô nhiễm là một sự tổng hòa và nó có khả năng bắt đầu từ việc bỏ lại một… xương cá khô trên bãi biển xanh của những người mặc bikini xinh đẹp.

PV: Bikini thì liên quan gì ở đây?

Cá: À, tôi nghĩ cũng là một thứ gây ô nhiễm mắt.

Lê Thị Liên Hoan
.
.