Phỏng vấn con lừa

Chủ Nhật, 11/10/2015, 21:36
Phóng viên (PV): Thưa anh lừa, xưa nay cả thế giới luôn nghĩ về anh là một nhân vật hiền lành, chịu khó, có khả năng mang nặng rất cao và không phát biểu, kêu ca bao giờ.

Lừa: Đúng vậy. Nhân gian có câu “thân lừa ưa nặng” nhưng chưa ai cố gắng tìm hiểu xem tôi ưa nặng tới cỡ nào.

PV: Vậy tới cỡ nào, thưa anh? Vài tạ hay vài tấn?

Lừa: Tôi sẽ không bao giờ trả lời câu hỏi này một cách trực tiếp. Tôi xin nhường lời cho người phát ngôn của tôi.

PV: Dạ, thưa anh, người phát ngôn của lừa là ai? Nam hay nữ, gầy hay béo, xấu hay đẹp?

Lừa: Chả nam cũng chả nữ, đó là một căn nhà. Chả xấu cũng chả đẹp, mà cổ kính.

PV: Cổ kính? Cổ kính cỡ nào?

Lừa: Nhà báo có thấy căn nhà vừa sập ở Hà Nội mấy hôm trước không? Cổ kính cỡ đó.

PV: Ôi, nghĩa là cả trăm năm.

Lừa: Trăm năm. Hoặc lâu hơn thế!

PV: Tôi chả thấy có gì giống nhau giữa một con lừa và một ngôi nhà cả.

Lừa: Có đấy. Đúng là không giống nhau ở hình thức. Lừa luôn đẹp trai hơn. Nhưng giống ở mức độ im lặng và mang nặng. Những ngôi nhà cổ ở Hà Nội còn nhiều, nhiều lắm. Và cũng như tôi, chúng im lặng hàng thế kỷ qua, không phát biểu gì, không có ý kiến gì khi người ta mỗi ngày lại chất lên chúng thêm vài thứ.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ví dụ như các thứ nào ạ?

Lừa: Vô tận. Tôi đã từng ở Hà Nội, sau đó xa một thời gian và mỗi khi quay lại căn nhà cũ của mình tôi đều kinh ngạc lẫn kinh sợ khi thấy vẫn cái khung nhà đấy thôi người ta làm thêm bao nhiêu gác xép, nối thêm bao nhiêu ban công và đục bao nhiêu lỗ hổng trên tường.

PV: A, đấy đúng là tình trạng phổ biến thật.

Lừa: Tôi tin chắc những ai xa Hà Nội khoảng chục năm nếu có dịp trở về quê cũ đều không thể nhận ra căn nhà của mình. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều theo hướng chất chồng thêm, xù xì thêm và nặng nề hơn.

PV: Đúng vậy.

Lừa: Những ngôi nhà cổ như những con lừa theo thời gian, cứ lặng lẽ đứng yên để người chất lên lưng nó đủ thứ mỗi lúc một nhiều. Lừa không bao giờ nói và thiên hạ cũng không bao giờ hỏi. Chỉ có chất thêm, chất thêm, chất thêm… cho đến một phút giây lừa khuỵu xuống bởi vì lừa không phải là voi. Mà ngay cả voi cũng chưa chắc chịu được mãi thế này.

PV: Anh nói đúng. Anh lừa ạ. Nếu nhìn rộng ra, có lẽ chúng ta cũng có thói quen chất lên quá khứ nhiều thứ, mà quên mất quá khứ không phải vô hình, lại càng không vô tận.

Lừa: Ai có dịp tới căn phố cổ Hà Nội hôm nay đều nhìn thấy rõ ràng sự chồng chất, sự quá tải một cách ngoài sức tưởng tượng. Chẳng những về trọng lượng mà cả về môi trường, về vệ sinh và văn hóa. Nhưng thay cho lo lắng, thay cho việc nghĩ tới phải cải tạo, nhiều người lại hớn hở tung hô, coi đấy là một “đặc trưng” cần khai thác.

PV: Anh lừa ơi, anh nói đúng từ này: Khai thác.

Lừa: Một mỏ than khi khai thác xong thì nó hoang vắng. Một vườn cây khi hái quả xong thì nó tiêu điều. Nhưng một căn nhà khi khai thác không ngừng nó sẽ đổ sập và kinh nghiệm cho thấy cái gì càng im lặng thì  khi đổ sập càng nhanh.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sống trong các bức tường gạch ngói cả trăm năm mà chưa khi nào tự hỏi nó có thể chịu đựng ta đến bao giờ?

Lê Thị Liên Hoan
.
.