Phỏng vấn một cầu thủ bóng đá
Phóng viên (PV): Thưa anh, xin chúc mừng Anh.
Cầu thủ: Chúc mừng ư? Về vấn đề nào thế?
PV: Anh biết quá còn gì. Có lẽ chưa lúc nào, chưa ở đâu trên đất nước ta, cầu thủ được quan tâm như bây giờ.
Cầu thủ: Cám ơn.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Các cầu thủ, đặc biệt là ngôi sao được cả triệu người hâm mộ, ông già và bà già và các cô gái trẻ đều háo hức biết tên. Chả những họ, mà bố mẹ, anh chị em, bạn gái họ cũng được quan tâm đặc biệt.
Cầu thủ: Vâng. Cám ơn nhiều lắm. Thật là xúc động.
PV: Kìa, sao Anh có vẻ không vui hoàn toàn nhỉ?
Cầu thủ: Thú thực là tôi không thoải mái nhiều, nhà báo ạ.
PV: Vì đâu?
Cầu thủ: Vì trước tiên bóng đá là một môn thể thao có đặc điểm rất bất ngờ. Nhiều trận đấu có kết quả không sao hiểu được.
PV: Ví dụ?
Cầu thủ: Ví dụ như đội tuyển Brazil, rất nhiều lần vô địch thế giới mà còn có lúc thua đội tuyển Đức tới 7-1 bàn trên sân nhà kia kìa.
Và cũng rất nhiều cầu thủ lừng danh đá hỏng những cú sút 11 mét, khiến một quốc gia thua trận.
PV: Ừ. Những kết quả ấy khiến toàn nhân loại choáng váng, còn khán giả thì tê liệt.
Cầu thủ: Đó là chưa kể đôi lúc đội nhà thắng mà cầu thủ vẫn thua.
PV: Ví dụ?
Cầu thủ: Ví dụ như trận Việt Nam đấu với Indonesia ở Sea Games vừa qua, chúng ta thắng 2-1 nhưng thủ môn Bùi Tiến Dũng bị rất nhiều người coi là thua cuộc và họ nói về anh nhiều câu rất tàn nhẫn.
PV: Thật là bất công.
Cầu thủ: Đúng. Thật là bất công. Trong cuộc đời ai cũng có sai lầm, từ ông tổng thống đến nhà bác học nhưng chưa chắc họ đã bị giễu cợt như thế.
PV: Tôi hiểu, và tôi hoàn toàn không đồng ý điều này: Mọi người nên nhớ rằng rất nhiều sai lầm của chúng ta diễn ra trong bóng tối chỉ có ta biết, bạn bè, gia đình ta biết, nhưng sai lầm của một cầu thủ bóng đá luôn có hàng triệu người chứng kiến.
Cầu thủ: Trong khi họ vẫn là con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Họ có cha mẹ, anh em, có bạn gái… giễu cợt họ, chỉ trích họ về một động tác nhầm lẫn là hết sức bất công.
PV: Hết sức bất công.
Cầu thủ: Sai lầm của cầu thủ trên sân đa số không phải là sai lầm đạo đức, chỉ là phán đoán thiếu chính xác trong một vài giây, tại sao khán giả lại cay cú như thế?
PV: Có lẽ vì họ quá khát khao chiến thắng?
Cầu thủ: Nói thẳng nhé, tuy tôi là cầu thủ, tôi cũng thừa hiểu chiến thắng trong bóng đá dù lớn đến đâu cũng không phải thứ chiến thắng cao quý nhất mà một quốc gia cần đến để phát triển, còn nhiều mục tiêu quan trọng hơn cơ.
PV: Vâng.
Cầu thủ: Yêu bóng đá, mê bóng đá nhưng đừng có điên cuồng vì bóng đá, dùng bóng đá thay thế tất cả các mục tiêu.
PV: Vâng.
Cầu thủ: Hãy công bằng và có một cái nhìn bao dung. Hãy coi lý lịch mà xem, các cầu thủ Việt Nam đa số là con nhà nhân dân lao động. Rất nhiều chàng trai xuất phát từ các gia đình nghèo, ở những vùng nông thôn xa lắc.
PV: Tôi biết.
Cầu thủ: Đối với rất nhiều khán giả, bóng đá là niềm vui. Họ ngồi trong phòng máy lạnh hoặc đi xe hơi tới sân vận động. Nhưng đối với rất nhiều cầu thủ, bóng đá là nguồn sống duy nhất, là mang tiền cho mẹ sửa nhà, cho em đi học, cho bố chữa bệnh.
PV: Tôi hiểu.
Cầu thủ: Đời một cầu thủ bóng đá rất ngắn. Nếu như tuổi 30 nhiều chàng trai bắt đầu khởi nghiệp thì cầu thủ đã bị coi là lão tướng rồi.
PV: Khắc nghiệt vô cùng.
Cầu thủ: Xin quý vị hãy mở to mắt ra mà nhìn. Nếu như ca sĩ này khoe nhà hàng chục tỷ, diễn viên kia khoe siêu xe thì có mấy cầu thủ được như thế?
PV: Rất ít.
Cầu thủ: Nói tóm lại, nghề cầu thủ ở Việt Nam còn là một nghề nhọc nhằn, chưa bảo đảm tương lai bị dư luận rất áp lực. Cho nên hãy có cái nhìn, cách đối xử nhân văn với họ, tuyệt đối không nên giễu cợt một sai lầm nào.