Phỏng vấn Goni
Goni: Tôi phi giới tính vì tôi không phải con người. Cũng không phải sinh vật. Tôi là một cơn bão.
PV: A, bão. Đó là một thứ đáng ghét vô cùng. Đặc biệt là gần đây, bão liên tiếp xảy ra.
Goni: Tôi biết. Nhưng đáng ghét hay không thì bão là một hiện tượng thiên nhiên đã, đang và sẽ tồn tại cùng với trái đất này hàng triệu năm.
Minh họa: Lê Tâm |
PV: Triệu năm?
Goni: Đúng thế.
PV: Vậy thì đời tôi, đời con tôi và đời cháu tôi chắc chắn chả có cách gì ngoài phải sống chung với bão?
Goni: Chắc chắn rồi. Chả lẽ phóng viên không biết điều đó.
PV: Tôi biết. Nhưng…
Goni: Nhưng sao?
PV: Điều ấy khó lắm.
Goni: Quả là khó thật. Nhưng hoàn toàn có thể làm được mà.
PV: Xin cho ví dụ?
Goni: Ví dụ như Nhật Bản là xứ sở nổi tiếng về động đất đúng không nào, cả thế giới biết điều đó.
PV: Ừ, tôi cũng biết.
Goni: Tại vì thế ở Nhật Bản từ bao đời nay luôn luôn làm nhà từ những vật liệu nhẹ, để khi có động đất xảy ra không đè sập chết người.
PV: Ừ nhỉ.
Goni: Còn ở Philippines, nơi mà gần như không cơn bão nào quên ghé thăm, người dân cũng làm nhà và tạo ra các thói quen ứng phó, cho nên thiệt hại luôn ở mức thấp tối đa.
PV: Vâng. Nhưng có lẽ Việt Nam khác.
Goni: Chẳng có gì khác cả. Bằng chứng là Miền Tây Nam Bộ luôn luôn có lũ lụt. Cho nên bà con ở đây nhà nào cũng có xuồng, có thuyền và họ biến các cơn lũ lụt thành một lợi thế thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần thảm họa.
PV: Vâng. Thậm chí năm nào miền Tây không có lũ, bà con cô bác lại lo.
Goni: Thấy chưa. Thật ra, không hiện tượng thiên nhiên nào không có hai mặt, vấn đề là chúng ta biết phòng chống và tận dụng nó hay không.
PV: Ý cậu là sao?
Goni: Ý tôi là miền Trung Việt Nam là nơi hứng chịu nhiều bão lũ. Chuyện ấy chắc chắn chả phải bàn. Nhưng hình như việc đối phó còn chưa thỏa đáng.
PV: Không hề. Chúng tôi cẩn thận lắm. Luôn luôn hối thúc và sơ tán người dân, chưa kể nhà nước và những nhà hảo tâm còn hỗ trợ.
Goni: Chuyện ấy tôi công nhận. Nhưng sơ tán suy cho cùng là biện pháp nhất thời. Cứu trợ dù đáng hoan nghênh nhưng chỉ góp phần khắc phục hậu quả. Sao không có cách gì cơ bản hơn nhỉ?
PV: Cơ bản thế nào?
Goni: Là xây nhà cửa ra sao để đến khi nước lụt lên vẫn có khả năng an toàn. Việc ấy khó lắm ư?
PV: Có lẽ đứng về mặt thiết kế hay thi công thì không khó.
Goni: Rõ ràng Việt Nam có bao nhiêu kiến trúc sư. Nhiều vị giành các giải thưởng lớn về kiến trúc phù hợp với sinh thái trong các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Tại sao không có ai nghĩ hộ dân miền Trung chuyện này.
PV: Dạ, theo tôi chắc chắn họ có nghĩ. Nhưng áp dụng lại khác, áp dụng sẽ vấp phải rào cản về phong tục, về thói quen…
Goni: Tôi biết. Người dân tuy là nạn nhân trực tiếp của bão lụt nhưng họ thiếu kiến thức, thiếu kinh phí và thiếu cả sự quyết tâm. Cho nên đáng ra chính quyền phải noi gương chứ.
PV: Noi gương là thế nào?
Goni: Là kêu gọi các nhà khoa học lập dự án sau đó lên một số công trình, một số căn nhà làm mẫu, để khi có chuyện xảy ra trước lợi ích thực tế, người dân sẽ noi theo.
PV: À.
Goni: Ai cũng biết phòng chống bão lụt là việc lâu dài, gian nan và muốn thay đổi phải đi từ các biện pháp căn cơ, đúng không nào? Cho nên chúng ta đừng để người dân tự phát, mà phải huy động đội ngũ trí thức và khoa học tiên phong.
PV: Cậu nói cũng phải.
Goni: Cho nên tôi rất buồn khi thấy bão xảy ra chỉ đọc thấy toàn tin cứu trợ. Cứu trợ là rất tốt, rất tình người. Nhưng sao không thấy tin nào nói về công trình dân dụng nào đứng vững hay an toàn trong bão cả. Đó mới là kim chỉ nam để tồn tại sau này.
PV: Chắc chắn có đấy. Nhưng hình như ít lắm.
Goni: Tôi nhắc lại, Việt Nam có nhiều kiến trúc sư, có nhiều tiến sĩ, có nhiều vật liệu xây dựng phong phú, tại sao không thấy điều ấy thể hiện trong việc chống lại những tác hại của bão lụt năm nay.