Đến tận cùng tự do

Thứ Năm, 18/07/2019, 13:41
Tự do là một từ mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều phản ứng tích cực với nó, và các cuộc cách mạng thường được bắt đầu với biểu ngữ nói về nó, các cuộc chiến tranh nhân danh nó, cũng như các chiến dịch tranh cử bấu víu vào nó.

Nhưng chính xác thì tự do có ý nghĩa gì? Có thể có các loại tự do khác nhau hay thậm chí xung đột với nhau hay không? Có thể việc thúc đẩy một loại tự do này sẽ làm giới hạn một loại tự do khác? Mọi người thậm chí có thể bị ép buộc nhân danh tự do?

Nhà triết học chính trị hàng đầu thế kỷ XX Isaiah Berlin (1909-1997) nghĩ rằng câu trả lời là "CÓ", với tất cả các trường hợp trên. Trong bài tiểu luận 'Hai khái niệm về tự do' (1958), ông đã phân biệt tự do làm hai loại: tự do tiêu cực và tự do tích cực.

Hai loại tự do

Tự do tiêu cực là tự do khỏi mọi sự can thiệp, đến mức mà người khác không thể hạn chế những gì bạn có thể làm. Nếu người khác ngăn cản bạn làm điều gì đó, trực tiếp bằng hành động của họ hoặc gián tiếp bằng cách hỗ trợ các thỏa thuận kinh tế và xã hội gây bất lợi cho bạn, thì đấy là lúc họ hạn chế quyền tự do tiêu cực của bạn.

Berlin nhấn mạnh rằng khái niệm này chỉ áp dụng với những hạn chế do con người áp đặt. Hạn chế do tự nhiên không được tính. Ví dụ như tôi không thể bay lên là một giới hạn tự nhiên về thể chất, nhưng đấy không phải là giới hạn tự do của tôi.

Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng chúng ta phải chấp nhận một số hạn chế đối với tự do tiêu cực của chúng ta nếu muốn tránh khỏi sự hỗn loạn. Tất cả các nhà nước đều yêu cầu công dân của họ tuân theo luật pháp và các quy định được thiết kế để giúp họ sống cùng nhau và làm cho xã hội vận hành trơn tru. Chúng ta chấp nhận những hạn chế này đối với quyền tự do của chúng như một sự đánh đổi cho các lợi ích khác, như hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Đồng thời, hầu hết chúng ta đều đòi hỏi rằng có một số lĩnh vực của cuộc sống không nên được quy định, nơi mà các cá nhân nên có quyền tự do đáng kể. Đây là lĩnh vực làm nổ ra những cuộc tranh luận lớn: ví dụ, nhà nước có nên hạn chế những gì chúng ta có thể nói hoặc đọc, hoặc có nên giới hạn những hoạt động tình dục chúng ta có thể tham gia?

Trong khi tự do tiêu cực là tự do bị kiểm soát bởi người khác, thì tự do tích cực là tự do kiểm soát bởi chính mình. Đạt đến trạng thái tự do tích cực tức là trở thành một bậc thầy của chính mình, hành động hợp lý và lựa chọn có trách nhiệm vì lợi ích của bản thân trong ranh giới cho phép.

Tự do là một khoảnh khắc đốn ngộ cởi bỏ xiềng xích trước ánh mặt trời của chân lý.

Điều này dường như chỉ đơn giản là một phiên bản khác của tự do tiêu cực: Tôi kiểm soát bản thân đến mức không ai kiểm soát tôi. Tuy nhiên, một khoảng cách có thể được mở ra giữa tự do tích cực và tiêu cực, vì một người có thể thiếu tự chủ ngay cả khi anh ta không bị người khác kiềm chế. 

Ví dụ, hãy nghĩ về một người nghiện ma túy không thể từ bỏ thói quen đang giết dần anh ta. Anh ta không được tự do tích cực (vì không hành động hợp lý cho lợi ích của riêng anh ta) mặc dù sự tự do tiêu cực của anh ta không bị giới hạn (không ai bắt anh ta phải sử dụng ma túy hết).

Trong những trường hợp như thế, thì cái gì chi phối chúng ta? Berlin nói rằng một người có hai trạng thái cái tôi: một cái thấp hơn, không hợp lý và bốc đồng; còn cái kia cao hơn, đầy lý trí và có tầm nhìn xa. Một người chỉ đạt đến trạng thái tự do tích cực nếu cái tôi cao quý của anh ta chiếm ưu thế. Nếu điều này là đúng, thì chúng ta có thể làm cho một người trở nên tự do hơn bằng cách… ép buộc anh ta.

Nếu ngăn chặn người nghiện dùng ma túy, chúng ta có thể trợ giúp cái tôi cao hơn kiểm soát anh ta. Bằng cách hạn chế tự do tiêu cực, chúng ta có thể sẽ tăng tự do tích cực của anh ta. Đây cũng là lý do cho giáo dục bắt buộc: chúng ta yêu cầu trẻ em đến trường (một cách hạn chế sự tự do tiêu cực của các em) bởi vì chúng ta tin rằng điều này là tốt nhất cho lợi ích của đứa trẻ. Bỏ mặc trẻ vị thành niên làm theo bất kỳ điều gì chúng muốn có thể dẫn đến việc chúng bị lạm dụng, hoặc sa vào các tệ nạn.

Trong trường hợp người lớn cũng vậy, người ta cho rằng nhà nước có trách nhiệm giúp công dân của mình sống sung túc và văn minh, thông qua các chương trình văn hóa, giáo dục và y tế. Những sự trợ giúp của nhà nước như vậy có thể đặc biệt cấp bách trong các xã hội tiếp thị tự do, khi mà các nhà quảng cáo có xu hướng thu hút những thị hiếu thỏa mãn cái tôi "thấp hơn" trong mỗi công dân.

Nhưng điều này cũng làm dấy lên một câu hỏi: Liệu người ta có thể lạm dụng hạn chế tự do tiêu cực để áp đặt quá khắc nghiệt lên mỗi cá nhân? Bởi vì nhân danh sự giúp đỡ cho cái tôi cao quý hơn, những tổ chức cộng đồng (một nhà nước, một bộ lạc, một chủng tộc..) có thể dễ dàng biện minh cho sự ép buộc các cá nhân, không chỉ vì lý do đảm bảo an ninh chung cho cộng đồng, mà còn tự coi sự ép buộc đó như một sự giải phóng cho các cá nhân.

Những sự phản kháng lại có thể bị quy kết là biểu hiện của cái tôi thấp hèn hơn, một sự nhân danh mà Berlin đã gọi là "quái dị", điều từng xảy ra trong chế độ toàn trị của Đức Quốc xã trước đây.

Vậy thì tự do thực sự chỉ có khi chúng ta có thể dùng cái tôi cao quý và lý trí để kiểm soát các hành vi của bản thân mình, nhưng làm thế nào để đạt được trạng thái tự nhận thức bản thân?

Từ niềm tin nội tâm đến tận cùng tự do

Vào thập niên 1970, nhóm nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Claude Steele đã tiến hành một thử nghiệm về nhận thức bản thân giữa cộng đồng. Họ gọi điện đến nhà của các phụ nữ tại Salt Lake City, bang Utah (Mỹ) - một nơi mà cư dân được cho là có đạo đức cộng đồng rất mạnh.

Đóng vai trò là những người đang cần khảo sát xã hội học, một số nói với các phụ nữ được khảo sát rằng cả khu đó biết rằng chị/cô/bà không có nhiều ý thức đóng góp cộng đồng. Nhóm những người phụ nữ còn lại được bảo rằng họ được biết đến như điểm sáng vì những đóng góp cho cộng đồng.

Hai ngày sau, nhóm nghiên cứu gọi điện lại, giả đò rằng mình không liên quan đến cuộc gọi trước đó, và yêu cầu những người phụ nữ nhận khảo sát đóng góp cho một dự án cộng đồng. Kết quả? Những người phụ nữ bị góp ý tiêu cực có tỉ lệ nhận lời cao gấp đôi những người được khen ngợi về ý thức đóng góp cho cộng đồng. Có vẻ như những người bị giáng một đòn choáng váng vào bản thân đã cố gắng khôi phục lại hình ảnh tự thân của mình - những cá nhân có ý thức phục vụ cộng đồng.

Phát hiện của Steele đã thuyết phục ông tin rằng một người luôn cần một hệ thống hoạt động tốt để tự "cắt nghĩa" bản thân mình. Theo cách này, chúng ta duy trì trải nghiệm phi thường như một thực thể luôn tìm cách thích nghi đầy đủ về mặt đạo đức.

Cách chúng ta nhận thức về bản thân sẽ luôn cảnh giác với các mối đe dọa, và được kích hoạt bất cứ khi nào tiếp nhận một thông tin có nguy cơ làm hỏng tính toàn vẹn của nó. Khi cơ chế này được kích hoạt, hệ thống sẽ "nhấn nút" khôi phục lại ý niệm đã có của chúng ta về bản thân mình.

Khi ai đó chịu một đòn giáng mạnh vào hiểu biết về bản thân của anh ta, điều đó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tự thân. Đấy chính xác là những khoảnh khắc "tập thể dục" cho tinh thần tự do. Những gì chúng ta làm vào thời điểm như vậy giống như một lò luyện kim nội tâm, có thể góp phần giải phóng chúng ta như những cá nhân tự "điêu khắc" đích thực ra bản ngã của mình.

Hãy thử xem xét một kịch bản để hiểu rõ hơn điều này: một người lính, tạm gọi là A, chứng kiến một sỹ quan cao cấp phạm tội ác chiến tranh, nhưng quyết định không báo cáo việc này, vì ý thức trung thành với danh tiếng của quân đội. Giả sử rằng viên sỹ quan cao cấp đó, vì sợ lộ, đã xâm nhập email của A và tìm ra một bí mật có thể uy hiếp A và bắt A phải im lặng.

Bằng chứng uy hiếp ấy không bao giờ phải dùng đến. A đơn giản làm điều đó vì niềm tin của mình - sự trung thành với danh tiếng của quân đội, và đơn giản là tiếp tục thực hiện những gì anh ta đã bắt đầu. 

Tình huống này đã thử thách A, bởi vì nó đặt ra trước mặt anh ta một câu hỏi rằng liệu A có dám hành động theo đúng những gì anh ta đã lựa chọn để định hình bản thân mình, bất chấp những rủi ro xảy đến, và sự phán xét đạo đức của số đông (sẽ coi anh ta là một người đồng lõa dối trá với một tội phạm chiến tranh)?

Ở đây, A chọn việc làm một người lính giữ gìn danh tiếng quân đội, và mối quan tâm đó làm lu mờ đi tất cả những điều khác, hơn là bất kỳ cảm giác xấu hổ hay sợ hãi nào. Việc viên sỹ quan cao cấp đánh cắp thông tin bí mật về A không làm mất đi nhận thức tự thân của A về hình ảnh một người trung thành với quân đội. Vì thế, A thật sự tự do, cho dù chúng ta có thể không thích việc anh ta làm với tự do của mình.

Cái tôi cao hơn của A đã đưa ra một lựa chọn đích xác về bản thân, và quyết định làm theo lựa chọn đó một cách toàn vẹn, không vì vụ lợi, hay bất cứ lý do phục vụ cho cái tôi bản năng, thấp hèn nào. Giống như những cuộc cách mạng luôn có những người "tử vì đạo": cái tôi lý trí của họ sẽ chọn chiến đấu cho lý tưởng, bất chấp việc bị tra tấn, đánh đập, hoặc thậm chí là mất mạng. Họ thực sự đã tự do.

Tất nhiên, việc đưa ra lựa chọn của A là một tổng hòa những ý niệm xuất hiện trong anh ta kể từ khi A tiếp xúc cuộc sống này, bao gồm xuất thân, giáo dục, và cả những điều ảnh hưởng từ vô thức.

Nói đến tận cùng, hầu như chúng ta sẽ không tránh khỏi việc là một tập hợp của những ý niệm đã tạo ảnh hưởng lên mình. Tên mật thám Javert trong Những người khốn khổ có thể bị coi như một kẻ phản diện đáng ghét, nhưng y không thể tránh khỏi định mệnh đã tạo tác nên y, và bản thân y luôn có ý thức đầy lý trí trong việc tự khắc một cái tôi cao quý theo ý mình: một kẻ máu lạnh săn đuổi đến cùng tội phạm, không phải vì vụ lợi, mà vì y tin công lý là như thế. Vì thế, y cũng được tự do.

Tất nhiên, tự do không chỉ là hành động theo một khuôn mẫu sẵn có, mà còn có thể phát triển lên một bậc cao hơn: vượt qua cả những điều cũ kỹ đã quy định bản thân mình một cách vô thức. 

Một nô lệ tin rằng mình là nô lệ trung thành và hành xử nhất quán với niềm tin ấy cũng có tự do của riêng mình, nhưng một nô lệ được "cấy" ý niệm bậc cao hơn như là sự bình đẳng sẽ thúc đẩy tự do ở một hình thái mới, và có thể tạo ra ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.

Một người lính bị giới hạn với niềm tin với quân đội cũng có tự do của riêng anh ta, nhưng hành xử theo lương tâm và chân lý để tố cáo một tội phạm chiến tranh sẽ thúc đẩy tinh thần tự do trên một phạm vi rộng lớn hơn, và có thể định hình thứ tự do thực sự: đấy không chỉ là phục trang bản ngã (self-conception), mà còn là những điều có thể vượt qua bản ngã. 

Bạn tự do thực sự khi dám hành động vượt ngoài khuôn khổ bản thân, thậm chí (đặc biệt là) bất chấp việc người khác nghĩ rằng bạn không thể.

Ban Cầm
.
.