Lịch sử cái tôi và vấn đề đặt ra trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Thứ Năm, 08/02/2018, 17:38
Trí tuệ nhân tạo có phải là một hiểm họa đối với nhân loại hay không? Câu hỏi này từng được đặt ra nhiều lần, nhưng gần đây trở nên nóng hơn bao giờ hết trên báo chí sau sự xuất hiện của những người máy có khả năng tư duy và cảm xúc.

Năm 2017, người máy Sophia do Hãng Hanson Robotics chế tạo thậm chí được Saudi Arabia trao quyền công dân. Ngay sau đó, người máy có gương mặt phụ nữ này đã có một cuộc trò chuyện với Andrew Ross Sorkin, phóng viên của tờ New York Times, và hàng loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Sự xuất hiện và những cuộc đối đáp xuất sắc của Sophia không chỉ làm người nghe thích thú mà còn gây nên sự lo ngại. Ý kiến của các chuyên gia rất mâu thuẫn. 

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking và nhà tỷ phú công Elon Musk, người đứng sau những thành tựu của SpaceX và Tesla, cho rằng robot sẽ là mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhân loại. Bill Gate từng rất lạc quan về trí tuệ nhân tạo, gần đây cũng bắt đầu cảnh báo về nguy cơ của nó.

Trong khi đó Ben Goertzel, chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Hanson Robotics lại tin rằng các robot thông minh sẽ mang lại những điều tốt lành cho con người. 

Mới đây, trong cuộc hội thảo về cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) tổ chức tại Hà Nội, ông Pierre Bonnet, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch Orchestra Network, một tập đoàn hàng đầu thế giới về Big Data cũng tỏ ra lạc quan với công thức:

Con người + Trí tuệ nhân tạo > Trí tuệ nhân tạo.

Có đúng là con người cộng với trí tuệ nhân tạo bao giờ cũng lớn hơn trí tuệ nhân tạo hay không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào câu hỏi: con người là gì. Nếu con người có bản ngã, tức là có một cái tôi tự thân, độc lập và bất biến, thì trí tuệ nhân tạo không bao giờ có thể đe dọa nhân loại. Bài viết này chỉ là một bài chấm phá lịch sử lâu dài của cái tôi nhằm trả lời cho câu hỏi đó.   

Có thể nói rằng bản chất cái tôi là một vấn đề nan giải xuyên suốt toàn bộ lịch sử triết học phương Tây. Thật đáng kinh ngạc, dường như sau hơn hai ngàn năm, những bộ óc lớn nhất của phương Tây lại hội tụ với tư tưởng phương Đông.

Từ rất sớm, đạo Phật đã chủ trương rằng bản ngã chỉ là một ảo giác: Giống như một chiếc xe được tạo thành bởi nhiều bộ phận, một con người cũng được tạo thành bởi các hợp thể của thể xác và tâm trí.

Trong khi đó, ở phương Tây, thời Hy Lạp cổ đại, những nhà triết học như Platon dường như cho rằng có một cái tôi siêu việt tồn tại cùng với một thế giới mà họ gọi là “thế giới tự nó”, tức là cái thế giới luôn luôn tồn tại độc lập với con người, tồn tại ngay cả khi con người không tồn tại.

Thế giới tự nó như vậy có thể được khảo sát bởi cái tôi. Cái tôi của chúng ta, cái tôi của con người, có thể nghiên cứu thế giới như thể một cá nhân nghiên cứu một căn phòng từ bên ngoài. Chúng ta vẫn nói: “Con người và thế giới”. 

Chúng ta cũng nói: “Tôi và thế giới”. Nhưng con người là ai? Tôi là ai? Quan hệ giữa tôi và con người như thế nào? Con người, hoặc cái tôi, có thể vừa là một phần của thế giới vừa có thể đối mặt với thế giới không?   

Những câu hỏi này chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng, nhưng quan niệm về cái tôi siêu việt có ảnh hưởng rất lớn trong hàng ngàn năm và vẫn còn để lại ảnh hưởng quan trọng của nó đến tận thời của Descartes, nhà triết học đồng thời là nhà toán học vĩ đại của nước Pháp.

Descartes cố gắng xây dựng nền móng chắc chắn cho tòa nhà tri thức của ông theo cách toán học xây dựng từ những tiên đề của nó. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực để tìm cơ sở của nhận thức, ông thấy rằng không có bất cứ thứ gì chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn. Descartes thấy rằng ông có thể nghi ngờ ngay cả sự tồn tại của chính ông.

Giống như Trang Tử, Descartes tự hỏi: Phải chăng sự tồn tại của ông chỉ đơn thuần là giấc mơ của ai đó? Rồi ông tự hỏi: nếu chỉ là giấc mơ, thì tại sao có những quy luật bất biến – hết ngày bao giờ cũng đến đêm, con ngựa luôn lớn hơn con kiến, và hai quả cam cộng hai quả cam luôn bằng bốn quả cam?

Nhưng ông lại suy luận tiếp: sẽ ra sao, nếu đây chỉ là một giấc mơ dài, và trong mơ người ta cũng có thể mơ thấy nhưng quy luật bất biến? Cuối cùng, ông chợt phát hiện ra một điều quan trọng: ông có thể nghi ngờ mọi điều, nhưng có một điều mà ông không thể nghi ngờ, đó là ông đang nghi ngờ.

Có sự nghi ngờ, tức là phải có một cái gì đó đang nghi ngờ. Sự suy nghĩ có thể đúng hoặc sai, nhưng nếu có sự suy nghĩ, thì phải tồn tại cái gì đó đang suy nghĩ. Đó chính là bản chất quan niệm của Descartes về cái tôi thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Cogito, ergo sum” (Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại).

Niềm tin vào cái tôi duy lý ấy là niềm tin căn bản của phong trào Khai sáng cũng như của thời hiện đại nói chung. Người ta cho rằng, con người, với lý trí như là một năng lực phổ quát, có thể hiểu mình, hiểu người, hiểu thế giới, có thể nhận thức thế nào là chân, thiện, mỹ, có thể làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân.

Chính niềm tin vào năng lực phổ quát có tên là lý trí ấy, Immanuel Kant đã sáng tạo ra mô hình trường Đại học hiện đại có sứ mệnh khai sáng, trong đó vai trò trung tâm thuộc về khoa triết học.

Khác hẳn trường đại học Trung cổ mà về bản chất là trường dạy nghề, trường đại học hiện đại của Kant có nhiệm vụ quan trọng nhất là khai sáng, tức là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi những nhà tù của sự sợ hãi và quan niệm xã hội để sử dụng lý trí một cách tự do. Mô hình trường đại học khai sáng của Kant về sau được Humboldt hiện thực hóa tại Berlin, Đức. Trường đại học này cho đến nay vẫn mang tên là Đại học Humboldt.

Chính niềm tin vào cái tôi duy lý mà người ta đưa ra những ý tưởng trung tâm của thời hiện đại: Đó là ý tưởng về sự tiến bộ khoa học dựa trên sự tích tụ các tri thức có được nhờ lý trí. Đó là ý tưởng về giáo dục phổ thông, trong đó mọi người đều có thể đi học để thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ và trở thành những công dân tự do. Đó cũng là nền tảng của ý tưởng về dân chủ, trong đó những cá nhân tự do về mặt trí tuệ, có đầy đủ năng lực để lựa chọn, ra quyết định và thực hiện các quyết định đó trong xã hội.

Nhà tư tưởng phương Tây đầu tiên tra vấn quan niệm cái tôi nói trên là David Hume. Tuy nhiên, người đưa ra quan niệm gần với đạo Phật nhất có lẽ là các nhà tư tưởng Marxist. Marx quan niệm con người là một động vật xã hội. Con người dĩ nhiên là động vật, nhưng cái làm cho con người thành con người chính là các quan hệ xã hội.

Người máy Sophia trong một cuộc phỏng vấn.

Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, ông khẳng định. Tất cả các hệ thống niềm tin, hệ thống giá trị, hệ thống thẩm mỹ, hệ thống đạo đức… đều có bản chất xã hội. Nói một cách tóm tắt, toàn bộ thượng tầng kiến trúc xã hội đều là những kiến tạo xã hội. Chủ nghĩa Marx cho rằng, không có cái tôi phổ quát, không có cái tôi siêu việt. Con người sinh ra với tư cách là các cá thể động vật bậc cao, có năng lực tương tác với xã hội, với người khác, với môi trường.

Nhưng đó chưa phải là cái tôi. Con người, với năng lực đó, trong quá trình tương tác với xã hội và môi trường, dưới sự tác động của cả những yếu tố tất nhiên lẫn những yếu tố ngẫu nhiên, tạo nên cái tôi. Cái tôi không phải là một thực thể, cũng không phải một trạng thái bất biến, mà là một quá trình.

Vì thế, cái tôi không ngừng thay đổi. Ta là ai? Ta là điều mà chúng ta làm. Một người suốt đời làm thơ sẽ trở thành nhà thơ. Khi anh hay chị ta chấm dứt cuộc đời, người ta nói: một nhà thơ từ trần. Một kẻ suốt đời ăn cắp sẽ trở thành kẻ cắp. Cái tôi là cái chúng ta không ngừng kiến tạo trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.

Trở lại vấn đề về trí tuệ nhân tạo. Tôi nghĩ rằng những gì viết ở trên đã động chạm đến vấn đề cốt lõi: tôi đồng ý với Stephen Hawking, Elon Musk và Bill Gate. Nếu con người có bản ngã, tức là có một cái tôi tự thân, độc lập và bất biến, thì trí tuệ nhân tạo vĩnh viễn chỉ là sản phẩm của con người.

Nhưng nếu cái tôi chỉ là một ảo giác, hay nói đúng hơn là tập hợp những quan hệ phi vật chất, là kết quả không ngừng biến đổi của quá trình tương tác với môi trường xung quanh, thì không có gì có thể ngăn cản trí tuệ nhân tạo lặp lại một quá trình tương tự - với tốc độ và cường độ lớn hơn gấp nhiều lần. Một khi trí tuệ nhân tạo có thể có cái tôi của nó thì điều gì có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự diệt vong?

Ngô Tự Lập
.
.