Chống dịch, ở nhà… đọc sách

Chủ Nhật, 12/04/2020, 20:37
Viết xong một quyển sách. Vừa viết xong. Tự dưng thấy trong đầu trống rỗng. Bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu đã sắp xếp ngay hàng thẳng lối trên trang bản thảo, như người lính đi ra trận. Đi là đi. Mãnh liệt và dứt khoát. Nhìn lại, doanh trại trống huơ trống hoác, chỉ còn vài anh em vì lý do gì đó, phải ở lại, số lượng này không đáng kể.

Khác với người lính, có thể không về, ngã xuống với cỏ cây làm nên hồn thiêng sông núi; chữ lại quay về. Và sau đó, lại tiếp tục dàn binh bố trận trên trang viết mới. Cứ thế, nhà văn lại viết. Quá trình sống và viết, họ lại thu thập thêm từ mới, làm phong phú thêm vốn từ. Nhọc nhằn thay công việc sáng tạo của nhà văn.

Mà nay, một khi chưa có cảm hứng để viết, vậy, phải làm gì? Lai rai ba sợi chăng? Có thể. Nhưng thời buổi Corona, phố vắng, ai ở yên đấy, đành chịu. Có câu vần vè mới nhất đang lưu truyền trên mạng xã hội: “Chống giặc thì phải xông pha/ Chống dịch dứt khoát ở nhà, nhớ chưa?”.

Nhớ nằm lòng, nào dám quên. Nhưng rồi, nếu Corona liều lĩnh mò đến nhà thì sao? Lại có bài vè hiện đại: “Đừng cà khịa tao/ Tao chẳng cần dao/ Chẳng cần súng đạn/ Tao uống rượu mạnh/ Cho mày chết say/ Tao năng rửa tay/ Cho mày chết sặc/ Coi mày như giặc/ Tao chống đến cùng/ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Đang ở chỗ nào thì ở yên chỗ đấy”.

Ảnh: L.G.

Ở nhà, uống rượu một mình, chẳng thú vị gì, nhất là lúc con đang còn nhỏ, phải chăm, phải dỗ, phải hằm bà lằm công việc phải làm. Thế thì, nói tóm lại, khi chưa có hứng viết, thư giãn tốt nhất vẫn là đọc sách.

Vừa đọc bản thảo Loanh quanh Sài Gòn sắp in của đồng nghiệp là nhà báo Lê Công Sơn. Sách đã dàn trang, chỉ còn chờ bài tựa. Vài trăm trang viết về di tích Sài Gòn xưa. Đọc nhẩn nha. Không gì phải vội. Sực nghĩ rằng, ôn cố tri tân là điều cần thiết. Lịch sử của một dân tộc là một trong những hành trang quan trọng nhất nhằm dẫn thế hệ đương đại đi về phía tương lai.

Đi có ý thức và không chệch hướng. Có nhiều cách học sử. Học từ sách và học từ thực tế quan sát các di tích, tìm về những nơi đã diễn ra các sự kiện đó…

Tập bản thảo này là học theo cách thứ hai, nhằm bổ sung cho cách học thứ nhất. Những gì đã được các nhà sử học đã ghi trên giấy trắng mực đen, nay với tư cách nhà báo, Sơn có điều kiện soi rọi lại từ thực tế, qua đó phát hiện ra những chi tiết mà trước đó, không phải ai cũng tường tận.

Thú vị là ở chỗ đó.

Không riêng gì người Sài Gòn, với cả nước thì Dinh Độc lập vẫn một địa chỉ không thể quên, bởi nó đã từng đóng vai trò quan trọng của chính trường miền Nam. Tại đây, những sinh hoạt đời thường của nhân vật chóp bu như các ông Thiệu, Kỳ… nào ai biết đến, chính sử nào ghi nhưng anh bật mí:

“Phòng ngủ của vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu nằm tại góc dinh, một mặt hướng ra mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q. 1), một mặt nhìn ra khu vườn cây xanh rợp mát phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, toàn bộ trang trí theo phong cách của thập niên 70 thế kỷ 20.

Vật liệu sử dụng đa phần bằng gỗ, màu sắc chủ đạo là màu vàng. Chiếc giường ngủ đặt giữa phòng cũng đơn giản, không hoa văn nhiều. Bên trên đầu giường treo bức phù điêu bằng gỗ có hình hai con rồng chụm đầu vào nhau, ôm trọn lấy chữ Phúc. Bên cạnh giường đặt tấm ảnh của bà Nguyễn Thị Mai Anh là vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngay cửa ra vào phòng ngủ là bộ bàn ghế salon dùng để uống trà, bên trên tường treo trang trọng tấm ảnh của cả gia đình Tổng thống đã cũ kỹ theo thời gian.

Nối thông với phòng ngủ có phòng vệ sinh được trang trí đặc biệt bằng gạch men màu vàng chanh và phòng để quần áo, giày dép. Bàn trang điểm của bà Mai Anh khá gọn gàng, ngăn nắp, có gương sáng cao lớn để dễ soi.

Khu vực để quần áo của vợ chồng Tổng thống gần đó khoảng 20 bước chân, gồm nhiều tủ đứng bằng gỗ kê dọc bên tường. Toàn bộ trang phục tiếp khách, ngoại giao của Tổng thống đều được chọn ủi sẵn, phù hợp với từng lễ nghi, mắc sẵn ở giá để ông tùy nghi sử dụng”.

Ai dám nói những chi tiết này không cần thiết, nếu cần phục dựng, tìm hiểu dĩ vãng một thời? Sở dĩ miêu tả được các chi tiết này, còn là do ưu thế của nhà báo, trong chừng mực nào đó được tận mắt quan sát sự vật mà người khác khó có thể. Nếu nhà văn, nhà làm phim dựng lại cảnh đó tại Dinh Độc Lập nhằm phục vụ cho chi tiết nào đó cũng cần tham khảo, chứ chẳng lẽ bằng… trí tưởng tượng?

À, nếu ngày xưa, các nhà báo cũng được tiếp cận với lối làm rượu “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của vua Minh Mạng thì tốt quá, nay đỡ phải tranh luận lằng nhằng đâu là thang thuốc “hết sẩy con bà Bảy” ngâm vào rượu có cả thảy bao nhiêu vị đại bổ lấy từ thiên nhiên?

Nếu ngày xưa, có clip quay lại cách làm “Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” của Quảng Nam, thì nay, ắt cũng không xảy ra tình trạng dù cũng sản xuất loại rượu này, cũng lấy tên Hồng Đào nhưng mỗi nơi làm mỗi phách.

Lại nữa, ở Bến Tre còn lưu truyền câu chuyện về thời lưu dân đi mở đất, đại khái, ở vùng Ba Tri vào thế kỷ XIX có ông cọp dữ thường xuống vùng Châu Bình, Tân Xuân, Bảo Thạnh sát hại sinh linh. Do đó, họ đã “chiêu dụ” bằng cách cao tay ấn là… cử ông cọp nhận chức hương cả, may ra ổng “cải tà quy chánh”, phù hộ dân làng thì tốt quá. Chuyện trọng đại này các hương chức hội tề có ghi biên bản giấy trắng mực đen hẳn hoi chứ nào đùa.

Biên bản viết trên giấy đỏ, cuốn tròn bỏ vào ống tre, bên cạnh là cái đầu heo quay thơm nức mũi, hũ rượu đặt cạnh gốc cây đa. Ngay đêm ấy, cọp ăn trọn đầu heo, uống hết rượu, cắp luôn ống tre, tức là đã đồng ý nhậm chức. Từ giai thoại này, tại vùng này hiện nay đã có trang trại dày công nghiên cứu ra… loại rượu mà ngày xa xưa, tiền nhân đã làm ra dâng ông Cả Cọp!

Còn nhớ đoạn kết trong bộ phim Ván bài lật ngửa, lúc diễn ra đảo chính năm 1963, bấy giờ Ngô Đình Nhu và Đại tá Nguyễn Thành Luân gặp nhau cuối đường hầm trong Dinh Gia Long, sau đó ông Luân quay ngược trở lên. Phim chuyển sang cảnh hai ông Diệm, Nhu bị giết. Có phải đó là nơi có con đường thông đến Chợ Lớn, hoặc thông ra bờ sông Thủ Thiêm?

Một trong những nhân chứng thời đó là ông Phan Kim Thịnh - chủ bút tạp chí Văn học tại miền Nam, sau này viết nhiều sách, ký tên như Lý Nhân, Phan Thứ Lang cho biết: “Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ kể nhiều chuyện bí hiểm về đường hầm trong Dinh Gia Long.

Có thông tin cho rằng đường hầm ăn sâu dưới lòng đất 3m, không kể người mà xe cộ cũng có thể ra vào thoải mái. Hầm thông ra tới bờ sông Thủ Thiêm để vào trại Hải Quân, hay vào tới Chợ Lớn để Diệm - Nhu tới nhà bang trưởng Mã Tuyên được an toàn”. Với những gì đã chứng kiến tận mắt, Lê Công Sơn khẳng định: “Tất cả đều là những thêu dệt, sự thật chỉ là hầm dùng để cố thủ, đề phòng những trường hợp bất trắc, đảo chính, chứ không phải đường thoát”.

Không những thế anh còn cho biết thêm: “Bản vẽ thiết kế xây dựng hầm trú ẩn của Dinh Gia Long của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ còn lưu lại hoàn toàn trùng khớp với hiện trạng hiện nay. Căn hầm được đào sâu xuống dưới mặt đất khoảng 4m, đúc bằng xi măng cốt thép vô cùng kiên cố, độ dày của tường là 1m, đủ sức chịu đựng các loại trọng pháo và bom 500kg. Toàn bộ hầm bí mật có 6 cửa bằng sắt, đóng mở bằng bánh lái như tàu thủy bằng cách xoay, bên trong có chốt sắt lớn để cài và một hệ thống cửa thông gió. Nóc hầm ngầm được ngụy trang bằng nhiều chậu cây cảnh cùng hệ thống điện thắp sáng, nước sạch và cống dẫn thải đầy đủ để cho hầm được hoạt động thông suốt…”. Nói đến thế, nào ai dám cãi.

Về vai trò của nhà canh tân Nguyễn Tường Tộ, gần đây giới nghiên cứu đã nói đến vai trò kiến trúc sư của ông liên quan đến ngôi nhà thờ cổ nhất Sài Gòn “La Sainte Enfance”.

Ngôi nhà thờ này ở số 4 Boulevard de la Citadelle (đường Cường Để sau này và nay là Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM), khởi công xây dựng năm 1862, hai năm sau hoàn thành.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ghi nhận: “Điều đặc biệt nhất là lúc ấy chưa có “xi măng cốt sắt” nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Trường Tộ vẫn thiết kế được những mái vòm uốn lượn đẹp như thế và các khối đá xanh lấy từ Biên Hòa (Đồng Nai) về dùng làm trụ móng chỉ bằng vôi và mật ong mà vẫn dính chặt vào nhau, chứng tỏ tài năng của ông Nguyễn Trường Tộ quá giỏi”.

Như bổ sung thêm, theo Lê Công Sơn: “Sơ Anna cho biết: “Phần vôi vữa kết dính giữa các viên gạch chắc như đá. Muốn thay viên nào thợ phải đục cả tiếng đồng hồ. Phần tường nhà, trần, móng nền, dù nằm ngay sát bờ sông nhưng theo thời gian vẫn chẳng có gì thay đổi, tòa nhà hoàn toàn không có hiện tượng lún nứt như một số công trình bây giờ”. Thế thì, chất kết dính của người Việt xưa thực hiện theo công thức cụ thể ra làm sao? Khó có thể kết luận một cách quả quyết.

Cũng tựa như nhiều nhà hoài cổ đã dành nhiều thời gian đi tìm bí quyết của chất kết dính từ giữa hai viên gạch đã dựng nên tháp Chàm sừng sững theo thời gian, điều khiến cho con người hiện đại ngạc nhiên nhất vẫn là giữa hai viên gạch đó, không lộ ra vết vôi vữa gì cả, chỉ tựa như xếp hết viên này đến viên khác mà không cần thêm thao tác phụ trợ nào. Người xưa làm cách nào?

Đọc sách, còn lý thú ở chỗ, từ thông tin của quyển sách này, ta liên tưởng đến thông tin từ quyển sách kia. Rồi lại đặt ra câu hỏi, đâu mới là chính xác nhất. Dám đồ rằng, ông văn hào Maxim Gorky là người đã từng đọc rất nhiều sách phân tích về tâm lý, nói như thế vì đang nhớ đến giai thoại kỳ thú: Ngày nọ, Maxim Gorky cùng hai đồng nghiệp cũng là nhà văn nổi tiếng vào một nhà hàng. Trong lúc đang bia bọt lai rai, chuyện trò rôm rả, từ phía ngoài cửa có ba thực khách mới bước vào, các nhà văn bèn đố nhau, đố ai biết ba người đó đang làm nghề gì? Quan sát một lúc, quan sát từ cách ăn mặc, gọi món ăn đến cách ăn, mỗi người tự đưa ra câu trả lời.

Cuối cùng chỉ có mỗi Maxim Gorky trả lời chính xác nhất. Giỏi chưa? Quá giỏi. Dám nghĩ rằng, không chỉ giỏi về phân tích tâm lý, nhà văn Kiếm sống còn giỏi về quan sát và luôn biết liên tưởng trong lúc quan sát. Đúng vậy không?

Vâng, đọc sách cũng là lúc cần liên tưởng. Tỷ như hôm nọ về Bến Tre,  có đi ngang sông Hàm Luông. Tự hỏi, tại sao lại “luông”? Phải là “long”, ngụ ý “hàm rồng” thì đúng hơn? Vì thế, có người cho rằng do kỵ húy Vua Gia Long nên mới gọi chệch ra luông? Nếu thế, ta giải thích ra sao về các từ long bào (áo của vua), long đình (sân rồng), long sàng (giường vua nằm), long xa (xe của vua)… mà thiên hạ vẫn nói ầm ầm? Đã có ý kiến cho rằng chẳng phải kỵ húy gì cả, chẳng qua “luông” là từ cổ của “long” như có câu ca dao lưu truyền ở Huế: “Kim Luông nhiều ả mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi” - được cho là của Vua Thành Thái.

Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển lại quả quyết “luông” này là từ của người Miên, có nghĩa “vua”. Trong tập sách Nửa đời còn lại (NXB Tổng hợp TP HCM - 2013), cụ cho rằng: “Về vùng đất Vĩnh Long lúc Phan Thanh Giản trấn nhậm, kinh lược ba tỉnh miền Tây, đây là: “Đất Vãng trước của Cao Miên, danh gọi Kompong Luông, ta dịch ra Vũng Luông, rồi biến ra Vĩnh Long theo Hán tự, chứ thật ra “luông” tiếng Miên, tiếng Lào là “vương”, là “vua” tỷ như Luang Prabang (Lào) và Kmphong Luong (Miên) vậy” (tr. 167).

Chưa hết, về vị trí của Cột cờ Thủ Ngữ hiện nay, “thì đó Bến Tắm sông của vua Cao Miên ngự tại Sài Gòn, tên Bến Ngự là do ta đặt ra” (tr. 378). Ai nói gì thì nói, y vẫn tán thành ý kiến của nhà sưu tập cổ ngoạn trứ danh nhất tại miền Nam.

Những ngày chống dịch Corona, nằm nhà thư thả đọc sách, hiểu thêm vài chi tiết nọ kia, tự dưng thấy vui. Vui thế nào? Vui hơn nhậu chứ gì? Chỉ được cái nói đúng.

Lê Minh Quốc
.
.