Đọc sách mà ngẫm xa gần

Thứ Năm, 09/05/2019, 10:20
“Ngồi tù khám lớn” của Phan Văn Hùm là một quyển sách hay, có giá trị về tư liệu lịch sử của một thời. 

Năm 1929, vừa in ra đã bị nhà cầm quyền Pháp tịch thu. Nay, đã tái bản. Ông Hùm viết quyển này, sau khi đã cùng Nguyễn An Ninh bị ngồi tù. Một trong những chi tiết thú vị, có thể kể đến là sinh hoạt của những tay giang hồ cộm cán thời đó. 

Họ rất mộ tiết tháo của Quan Công: không chém người dưới ngựa, kính vợ anh em, trọn đạo tam cương ngũ thường. Do ngưỡng mộ ông Ninh, bọn anh chị tìm cách để trò chuyện. 

Trước đó, họ thường xăm lên tay, lên ngực những câu như “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”, “Tứ hải giai huynh đệ”; “Chí quân tử cửu châu lập nghiệp/ Đại trượng phu tứ hải vi gia”, “Phu thê như y phục”, Huynh đệ như thủ túc”, v.v… 

Nhưng sau khi trò chuyện với ông Ninh, có những tay anh chị đã xăm: “Liberté - Egalité - Fraternité” câu khẩu hiệu cách mạng Pháp! Thế mới biết, một khi con người ta dám xả thân vì nước, trong bất kỳ tình huống nào cũng nhận được sự kính trọng.

Mấy mẩu nhỏ nhặt

Hãy nghe Phan Văn Hùm kể lại hình phạt của giới anh chị dành cho một nhà giáo trắc nết, ngồi tù vì tội lường gạt giả làm lính kín (mật thám) để ngủ với đĩ mà không trả tiền; đã thế hắn ta còn trộm cắp đồ đạc của họ. 

Anh em tù rất khinh, định nện một trận thì một tay anh chị bảo: “Có đánh thì đánh người “bảnh”, người “cứng”, chứ người “xò” chỉ dơ tay!”. 

Vậy, họ bày ra trò phạt lạ lùng là mỗi ngày tay thầy giáo đó phải quần áo chỉnh tề, đứng thẳng thớm trang nghiêm bên cầu tiêu, trông vào lỗ, rồi chắp tay sụp lạy nhịp nhàng, lên gối xuống gối đúng lễ, nói đúng ba lần: “Tôi lạy ông cố nội tôi”.

Đọc xong, không muốn bình luận gì thêm. Tởm tận óc cho loại người như tay thầy giáo này. 

Vẫn còn nhan nhản ra đó. Sực nhớ đến bài thơ của ông bạn già Xuân Sách: “Đã đi qua một thời “Giông tố”/ Qua một thời “Cơm thầy cơm cô”/ Còn để lại những thằng Xuân Tóc Đỏ/ Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ”. Chán. Chán thì chán nhưng làm sao có thể né tránh? Thế thì, một khi quay về với thư hương vẫn là cách tìm vui chăng?

Thuở sinh thời, có lần nhà văn Sơn Nam kể lại khi chính quyền Ngô Đình Diệm lùng bắt những ai đã từng tham gia kháng chiến thời chín năm, ông đã né tránh bằng cách ngày ngày giấu mình trong thư viện. Nhờ vậy, ông đã viết được cuốn biên khảo Tìm hiểu đất Hậu Giang. Thỉnh thoảng đọc lại vẫn còn thấy nhiều chi tiết hay. 

Rằng, sau khi người Pháp đem máy móc đào vét lại các dòng kênh ở Nam Bộ thì sinh hoạt vùng đất nơi ấy thay đổi hẳn. Sự giao lưu văn hóa, buôn bán thuận tiện hơn trước và dần dần trở nên sầm uất, tấp nập tàu bè qua lại. 

Có thể nói, bấy giờ phát triển tột bậc của miền Hậu Giang nhờ khoa học kỹ thuật phương Tây qua cái xáng đào kinh, theo Sơn Nam là một loại “văn minh kinh xáng”.

Đáng nể nhất, với y, chính Sơn Nam đã phát hiện ra sự giao lưu văn hóa trên sông nước thời đó đã cho ra đời “kỹ thuật bẻ câu hát” trong hò đối đáp. Thú thật, dù mày mò, chịu khó tự học qua sách vở nhưng y chưa nghe ai nói đến kỹ thuật độc đáo này.

Nhà văn Sơn Nam cho biết: “Dòng nước ngọt từ Hậu Giang đổ xuống theo kinh xáng. Các nơi mới khai hoang bấy lâu nay sầm uất, dốt chữ đều lần lượt văn minh nhờ lúa gạo bán tăng giá. Họ tổ chức những cuộc hát đối đáp thi tài giữa trai và gái. Các bô lão, các hương chức làng được mời đến chấm thi. 

Thầy dạy hò ở Cần Thơ xuống (Phong Điền - Cái Tắc) được tín nhiệm nhứt. Các thầy áp dụng kỹ thuật bẻ câu hát. Bẻ tức là uốn nắn những câu hát sẵn có để thích ứng với hoàn cảnh. Thí dụ, câu hát từ miệt Tân An:

Chiếu bông mà trải góc đền
Muốn vô làm bé, biết bền hay không?

Thì bẻ lại:

Gió xuôi, chạy gió buồm mền
Muốn vô làm bé, biết bền hay không?

Như thế cho hợp với vùng kinh xáng. Câu này của đồng bằng sông Cửu Long:

Nước ròng chảy thấu Nam Vang
Mù u chín rụng sao chàng biệt ly?

Thì bẻ lại:

Nước ròng chảy thấu Tam Giang
Sầu đâu chín rụng sao chàng biệt ly?

Như vậy để hợp với vùng Tam Giang, gần mũi Cà Mau, và cây sầu đâu mọc hoang rất nhiều bên vùng ven sông Ông Đốc, Gành Hào” (Tìm hiểu đất Hậu Giang, Tạp chí Văn hóa Á châu số 1.1959 - tr.88). 

Đọc xong, y bèn vỗ đùi cái đét: “Cha chả là hay, sao lâu nay chưa nghe ai nói đến?”. Thông tin này góp phần lý giải một điều quan trọng, đại khái vì sao ca dao, hò đối đáp nói chung có nhiều dị bản? 

Vì lẽ đó, đi tìm dân ca, ca dao, hò vè nào ra đời từ một vùng đất cụ thể nào là điều không dễ dàng. Khó lắm. Khó có thể phân biệt một cách rạch ròi. Nói thế để thấy rằng, ngay cả văn bản chữ viết rành rành ra đó, một khi muốn khôi phục lại nguyên bản cũng khó nốt.

Cứ lấy kiệt tác Truyện Kiều làm thí dụ. Từ xưa đến nay, mãi sau này nữa, các nhà nghiên cứu, các nhà Kiều học luôn đau đáu “Đi tìm nguyên tác Truyện Kiều”. 

Rất đáng hoan nghênh. Rất cần ủng hộ. Tuy nhiên đừng quên rằng, dù có tìm ra nguyên tác đi nữa thì nó vẫn tồn tại song song cùng nhiều văn bản khác nữa. Đơn giản là khi Truyện Kiều đã phổ biến rộng rãi thì công chúng đã tiếp nhận và đã “bẻ” chữ theo cách hiểu, tùy theo tâm trạng của họ. 

Còn nhớ câu: “Phận sao phận bạc như vôi”, thầy Thích Nhất Hạnh cho biết là bà mẹ quê mùa của thầy dạy con phải đổi “phận” thành “phấn” - do sợ từ phận ấy vận vào cuộc đời thì khốn. “Cỏ non xanh rợn chân trời”, nhưng nếu ai đó thích đổi “rợn” thành “tận” thì đã sao? Một văn bản ra đời, công chúng tiếp nhận, nghĩ cho cùng họ cũng là người sáng tạo thứ hai chứ gì?

Chuyện chữ với nghĩa, có bàn cả đời cũng không hết. Chỉ thầm thán phục rằng, các ông nhà văn đúng là giỏi thiệt. Chữ ở đâu mà ngày nào cũng cứ dào dạt, ào ạt dễ dàng như lật bàn tay, như móc tiền trong trong túi áo? 

Còn nhớ, có lần họa sĩ Ớt kể trong đời vẽ biếm họa, viết báo có lời khen khiến anh hả hê, tự hào nhất vẫn là câu nói ngạc nhiên của thân phụ: “Chữ ở đâu mà ngày nào cũng viết được?”. 

Nào, ai có thể trả lời giúp? Lại nghĩ, nhà văn sử dụng chữ có phải như tay đầu bếp lành nghề chế biến món ăn không? Nguyên vật liệu đã có sẵn, cần phải cậy đến các tay nội trợ giỏi bếp núc thì mới khoái khẩu, bằng không... cũng không là gì. Muốn tìm chữ, có đâu nhiều bằng các quyển từ điển? Nhưng sử dụng các con chữ đó như thế nào cho đắc địa lại là câu chuyện khác. 

Từ điển đầy chữ cũng tựa như cuộc đời mỗi người đầy tình tiết, thừa sức dựng lên quyển tiểu thuyết cực hay nhưng rồi mấy ai có thể kể lại? Mấy ai được như Henri Charrière với Papillon người tù khổ sai?

Cái khoái trên đời

Tự dưng lại nhớ đã lâu lắm rồi, đâu khoảng năm 1992 thì phải, có lần nhà thơ Lê Giang đọc cho nghe bài Vè bán quán từng phổ biến ở Nam Bộ. Nghe xong, mới giật mình nghĩ ngợi xa gần, đại khái, các món ăn này đã từng ăn, ăn mòn răng nhưng nếu phải kể một mạch, kể liền mạch chắc gì kể nổi? 

Ừ, cứ cho là kể nổi nhưng liệu người nghe có thèm ăn đến độ nuốt nước bọt cái ực và quyết phải ăn cho bằng được? Khó lắm. Bài vè mà nhà thơ Lê Giang sưu tầm được, người kể phải là đầu bếp thứ xịn nhưng cũng có thể là tay nhà văn nào đó đã quan sát và ghi lại chăng? 

Các tình tiết được sắp xếp lớp lang, hấp dẫn, đâu ra đó. Nay chép lại, âu cũng là một cách giúp cho những ai khoái tìm về ca dao, hò vè lưu hành trong dân gian. Bằng không, qua đó ta cũng biết vài cách chế biến mà cái gì phải đi chung với cái gì thì mới đúng điệu của nghệ thuật ẩm thực.

Chẳng hạn, “Thịt chó xào rau cần/ Thịt bò thì nhúng giấm/ Gà tơ thì nấu nấm/ Chim sẻ thì rô ti/ Cua lột chiên bột mì/ Cá lý ngư làm gỏi/ Nem nướng rồi bánh hỏi/ Trứng vịt, trứng gà ung/ Hẹ bông nấu với lòng/ Cá thu thì kho rục/ Lẩu mắm và rau nhút/ Gà ác thì chưng sâm”. Ngon quá, phải không? Còn thêm món gì nữa? “Chuột đồng thì ướp sả/ Cà cưỡng lại kho tiêu/ Thịt luộc cuốn trái điều/ Cá trê thì kho tộ/ Cá lóc thì xối mỡ/ Thịt gà nấu lá giang”. 

Đã ăn thì phải uống. Uống chút men cho đời lên hương. “Cô nhắc cùng Uýt ki/ Pha với nước sô đa”, chi tiết này cho thấy dứt khoát không phải ăn nhậu lai rai ngoài bưng biền, đồng ruộng mà ít ra là phải ở nhà hàng vì có các loại rượu Tây không rẻ tiền. 

Lại thêm một chi tiết khác, cho thấy cách buôn bán quán ăn ở trong Nam không khác gì ngoài Trung. “Người nào xài tiền kĩ/ Tính toán thiệt chi li/ Cứ kêu một tô mì/ Rồi xin thêm nước súp”. 

Nói thật, thuở mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, nhất là thời sinh viên túng khó, y cũng đã từng làm y chang. Không gì mắc cỡ, chẳng ai dè bỉu gì cả. 

Thậm chí, đêm hôm khuya khoắt, bụng đói, xách cái tô ra mua xe bán mì gõ mua tô nước lèo, đem về ăn cơm nguội cũng chẳng sao. Chủ quán hiền lành, thương tình còn cho thêm vài tóp mỡ.

Ăn vẫn là cái sự khoái trá, sung sướng nhất trên đời. Mỗi ngày được ngồi ăn với món khoái khẩu, chỉ ăn với ăn mà không phải bận tâm suy nghĩ thêm điều gì khác kể ra cũng là hạnh phúc đời người. 

Giây phút ấy đáng trân trọng lắm, bởi thế mới có câu “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Thế nhưng một khi đã mất tự do, phải Ngồi tù khám lớn như ông Phan Văn Hùm thì lại khác. Hãy nghe ông kể cảnh tù nhân lúc ăn cơm đã bị đánh. 

Theo y vẫn là sự hạ nhục nhân phẩm đến mức cùng cực nhất, khốn nạn nhất. “Mà cái chỗ đánh được sướng hơn hết, là cái sân cơm. Họ đánh “thả cửa”, “xả máy”, “hết cỡ”, “đúng chữ”, “hết ga”.

 Mà họ có cớ luôn. Thằng tù này ngồi bậy, thằng tù kia giành ăn, thằng tù nọ chửi lộn, bao nhiêu là cớ có căn cứ hoặc không căn cứ, hề gì, miễn sao thằng tù bị đánh đó rồi tối lại phải biết tính “phải chăng” với họ, thời thôi”. Tù năm 1929 tại Khám lớn Sài Gòn đó.

Trộm nghĩ, khi đọc một văn bản cũ cũng là lúc ta có thể tìm ra được những từ từng phổ biến, có thể nay đã mất. Mất dần. Chỉ là tìm được chữ thôi ư? Không, quyết là không, qua chữ, ta còn có thể hình dung ra nét sinh hoạt của một thời quá vãng. 

Vẫn quyển sách của ông Hùm, khi đọc ta biết những người đầu bếp (cũng phạm nhân) hàng ngày gánh các thùng cơm cung cấp cho tù nhân, thời ấy gọi là “mật cật”. Đố ai tra từ điển tìm thấy từ này. 

Nguyễn An Ninh giải thích: “Mật cật là tiếng macaque nói trại ra. Macaque là một loài khỉ. Những mật cật thường khi vác cơm hay bốc đồ ăn, ăn vụng dọc đường. Cái bộ vói tay lên bốc, mà bỏ vào miệng nhai lia lịa, rồi rủi gặp ngục tốt (cai ngục) tây, nếu không kịp nuốt, thời dồn lại một má, cái bộ mặt ấy thời là khỉ thật. Vì vậy là ngục tốt tây mắng macaque, rồi mà tiếng ấy thành tục, để chỉ tù dọn cơm”.

Lê Minh Quốc
.
.