Ngược gió chiều cuối năm

Thứ Năm, 08/02/2018, 17:05
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất có nhiều gió. Gió trong lời mẹ ru. Gió đẩy cánh võng trưa nồng. Gió bay mái tóc thiếu nữ có đôi mắt buồn chiều chiều vẫn giặt áo bên bờ kênh vắng. 

Gió không còn gì xa lạ với tôi, thậm chí đôi khi tôi nghĩ hồn tôi luôn chứa đầy gió, lúc vi vu, lúc ồn ã, lúc hiu hắt, lúc căm căm… Nếu không gặp gió bạt ngàn trên đồi cỏ tuổi thơ, chắc rằng đời sống của tôi sẽ trống trải lắm. Tôi giàu có gió, mà cũng có thể tôi là gió, thỉnh thoảng giật thành bão trong mỗi cơn mơ xa nhà.

Thế nhưng, cái gió chiều cuối năm lại mang cho tôi một cảm xúc khác, vừa êm dịu vừa nồng nàn. Cứ chiều cuối năm tôi lại nhớ gió, như nhớ lời hẹn tình nhân, như nhớ vai áo người con gái bất ngờ xuất hiện giữa đời tôi rồi thảnh thơi đi qua đời tôi, chỉ để lại những chiếc lá khô vỡ lắc cắc dăm tiếng vọng kỷ niệm mơ hồ.

Cuối năm khó kéo dài giấc ngủ chập chờn, tôi ngồi trông ra cửa sổ căn hộ chung cư, những ánh điện bận rộn bắt đầu thoi thóp sáng. Thành phố lại trang điểm cho một ngày xô đẩy danh lợi. Bà hàng xóm bán cà phê sớm, tiếng nhạc vọng sang âm thanh run rẩy. 

Ở miền Trung, chắc mẹ tôi cũng thức dậy rồi. Dáng người lom khom quét những chiếc lá ngơ ngác rụng đêm qua trong khu vườn nhỏ chỉ đo được mười bàn chân thanh thản. Thế mà mười mấy năm mẹ tôi vẫn tất tả với mảnh đất bé xíu kia. Tiếng chổi ngậm ngùi từng ngày báo tôi biết cuộc sống vẫn bình yên. Từ khu vườn ấp ủ bao niềm mong ước của mẹ, tôi mang tuổi 18 chia xa. 

Mỗi mùa xuân, hàng cúc bên bờ rào lại nở vàng thúc gọi tôi trở về sum họp. Sự lặng lẽ của mẹ, dạy tôi đứng gần đôi vai cam chịu những phận người lấm láp. Sự độ lượng của mẹ, dạy tôi chia sẻ bạn bè chậm chạp và yếu đuối. Sự âu yếm của mẹ, dạy tôi biết nhường chỗ cho hoa, giữa bạt ngàn cỏ dại xung quanh. 

Mỗi lần Tết, dù hãi lắm cảnh tàu xe, tôi vẫn khát khao chạy dọc con đường xa cách, để được đứng trong khu vườn của mẹ mà thấy mình cần lương thiện hơn. Áo mẹ thăm thẳm màu chiều, nên những lẽ cơ cầu réo tên tôi cũng bớt cay cú đi! Làm sao nói khác được, nỗi mẹ tôi mong con như bóng nắng lộng trời, mặc đợt lạnh nào còn day dứt cơn giông!

Cuối năm, còi tàu như bão nổi hụ thật dài một sân ga hoài niệm. Sân ga tiễn tôi hanh hao và dùng dằng có những bóng hồng choàng khăn len trắng như mây rập rờn triền cát ấu thơ. Khăn len trắng phập phồng lời ai không dám nói, cứ rộn ràng hò hẹn, cứ rộn ràng phân ly. Cảm ơn những đôi vai bé bỏng đi qua một lần, bỏ lại dăm hàng hiên giăng cơn mưa muộn màng nuôi tôi từng ngày chân thật. 

Có khi về ngang một ngõ vắng, vui hay buồn cũng nhoà nhạt, hình như nơi đây một dạo chưa xa nào đó, mình thẫn thờ đứng mong một mái tóc thẹn thùng thả xuống ngang lưng. Có phải vì trời đất ngập ngừng xuân giúp con người từ tốn thêm chăng? Không thể nào trách giận được, những người con gái đã lì xì chút say mê một thời mà tôi đa đoan tiêu pha suốt đời không hết!

Cuối năm, nghĩ đến quê nhà thấy mình mắc nợ bao nhiêu ân tình. Quê nhà ngất ngây rượu ủ. Quê nhà nồng nàn bánh mứt. Quê nhà lâm râm khói bếp. Góc quán quen bạn bè thương vẫn thường nhường tôi chỗ ngồi nơi khuất gió. Hơn 20 năm tôi rời thị xã, mỗi năm lại mọc thêm một dãy nhà, mỗi năm lại đầy thêm một nỗi nhớ.

Phiên chợ Tết, cô em nghèo còn bán những quả bóng xanh đỏ đong đưa giấc mơ tuổi nhỏ? Ở hàng hoa, ông già râu tóc bạc phơ còn gửi niềm tin trên khuôn mặt khắc khổ vào những bông vạn thọ? Còn người phụ nữ nông thôn đội xụp chiếc nón lá trên đầu và xách cái giỏ nhẹ tênh trên tay, chị mua gì cho bữa cơm tất niên? Rất nhiều câu hỏi ngổn ngang mà cũng không ít câu trả lời dang dở. 

Những bóng người liêu xiêu mùa xuân ẩn hiện bên tôi như ảo ảnh im lìm. Tôi chưa giúp được gì cho họ, chỉ thấy ở họ song song sự cực nhọc và sự cao đẹp. Họ rau với dưa, họ nước mắt và nhẫn nại. 

Họ bám làng bám xóm, họ giữ từng mái tường loang lổ rêu phong để hồn cha ông còn quanh quẩn phố phường. Nhờ có họ dung dị và chất phác, mỗi lần kẻ phiêu bạt là tôi ngoái đầu lại quê nhà vẫn thấy Tháp Nhạn bồn chồn những ngọn gió tha hương!  

Suốt mười hai tháng vội vã áo cơm, chiều cuối năm đãi ngộ tôi sự yên lành bằng cái gió ngút ngàn nỗi phố mông lung. Có buổi chiều cuối năm, tôi xao xác đợi tàu trên sân ga Sài Gòn. 

Người đông đúc quá, còi xe mịt mùng quá, tôi tưởng mình đang rỗng ra như chiếc ly còn sót sau bữa tiệc rộn ràng. Bất chợt, một làn gió nhẹ tạt qua tôi, ấm áp tựa như một bàn tay đưa tiễn. Rồi tiếng gió và tiếng còi tàu thay người thân nói lời từ giã chốn thị thành. Tôi lại đi trong gió quê nhà…

Gió cuối năm buôn buốt lạnh. Khoác thêm một tấm áo ấm áp sẽ vơi đi nỗi nhớ gió, tôi không muốn thế, cứ phong phanh gió lang thang để gặp bao mặt người đồng cảm với nhau. Gió quê tôi náo động mãi trong câu thơ Trần Mai Ninh "Ơi cái gió chuyên cần và phóng túng". 

Từ bé đến tận bây giờ tôi cứ ám ảnh câu thơ ấy, gió chuyên cần vì đâu và gió phóng túng do đâu, tôi không rõ nữa. Tôi tha thẩn dọc về ngoại ô, đỉnh Chóp Chài mờ sương bàng bạc. Con đường đất nho nhỏ, người nông dân gầy gò đạp xe ngược gió, cái guồng chân mạnh mẽ sao cô độc thế, sao nôn nao thế. Tôi nghĩ phía đầu gió là ngôi nhà của người nông dân sắp nhóm bếp giao thừa. Ngọn đèn chờ sáng lên bữa cơm cuối năm không cho phép ai lỗi hẹn. 

Tôi cũng vậy, chiều cuối năm tôi sợ nhìn thấy đôi mắt mòn mỏi của mẹ tôi ngóng ra cửa chờ người thân còn nhọc nhằn danh lợi phương xa. Với những ai tha phương cầu thực, ngọn gió chiều cuối năm xâm xẩm như câu ca hành khất lạc giọng đàn cò.

Chiều cuối năm dường như mỗi người đều kiệm lời hơn. Có lẽ ai cũng dành phút tĩnh tâm nghe lòng mình nhẹ nhõm. Bao điều còn - mất, được - thua luôn có thật trên cuộc đời, nhưng giây phút này ai cũng bao dung hơn. Dẫu bạo nghiệt đến đâu, dẫu đắng cay chừng nào, gió chiều cuối năm cũng lau khô tủi hờn uất nghẹn. Tôi nhìn vu vơ theo làn khói bếp nhòa nhạt tỏa bên sông. 

Nồi bánh Tết đã đủ lửa rồi, sắp sôi ùng ục niềm ngưỡng mộ thiêng liêng ngày tháng tổ tiên đã sống. Tuổi thơ tôi thường ngồi bên cạnh bà nội trông nồi bánh chưng. Lá dừa khô cho vào miệng lò cháy rừng rực đỏ, soi khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn của bà nội, còn khói bay cay xè giàn giụa mắt tôi. Bây giờ nội tôi chỉ còn một nắm cỏ vàng úa trên con dốc xưa, tôi qua thời thơ dại mà vẫn thèm ngoái về chạy chân đất theo người phiên chợ đông. 

Ngày nào bánh chưng bà nội tôi gói vuông vức lắm, mở lớp lá chuối sẫm màu ra, rồi dùng một cọng cói cắt từng miếng bánh xanh ngan ngát. Màu xanh ấy không phải màu xanh của mây trời, màu xanh ấy không phải màu xanh của lộc mới, màu xanh ấy là màu xanh tình thương của bà nội tôi dành cho gia đình, cho một điềm lành với cháu con. 

Cuộc sống tất bật hơn, ít ai tiếp tục cặm cụi với nồi bánh chưng riêng mình. Bánh chưng bán ngoài phố, bánh chưng bán giữa chợ. Thứ bánh chưng kia cũng ngon lắm, xanh lắm nhưng tôi vẫn thấy thiếu vắng một hương vị gì đó: Hương vị không bán mua được, hương vị chắt chiu từ nét hồn hậu của ông bà cầu mong con cháu năm mới khỏi phải xuôi ngược đắp đổi, khỏi phải bôn ba ăn đong! 

Thế mà xa rồi, gió thổi lạnh bên sông, khiến tôi bất giác rùng mình thiếu vắng bóng dáng con đò năm nào khua mái chèo trên bến cũ… Gió thoáng xao động ngọn sóng líu ríu trên sông mà bãi bờ đã từng cơn đau đáu!

Từ những làng nhỏ ngoại ô, nhộn nhịp các chuyến xe ngựa chở hoa về thị xã. Hoa nở hồng đôi môi người em gái đội nón nghiêng nghiêng. Hoa như tình của đất ban tặng cho khát khao vun vén bàn tay thợ vườn. Mùa xuân tưng bừng hoa hội ngộ với người. Dù bán mua trả giá, hoa vẫn đẹp màu hoa, những cánh hoa đong đưa trong gió chẳng nói gì mà như nói tất cả.

Tình hoa vẫn ở trong tình người đấy thôi. Tôi lặng im nhìn bao người chọn hoa. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai cả, nhưng mọi người đều có chung nét hân hoan ở ánh mắt hồi hộp chiều cuối năm. Tôi bỗng nhìn thấy trên mỗi mặt người, phiền muộn đã vơi đi. Có nỗi gì rối bời như chiều cuối năm, mà cũng có nỗi gì đắm đuối như chiều cuối năm.

Gió chiều cuối năm vẫn lồng lộng chân trời nhưng cũng không còn lang thang. Tôi đi trong chiều cuối năm cùng gió quê nhà, để rồi mai đây trên đường đời bất tận, ngọn gió se lòng tôi thương nhớ người không còn ở lại với lòng tôi! 

Lê Thiếu Nhơn
.
.