Cuối năm nghĩ ngợi vẩn vơ

Thứ Hai, 15/01/2018, 08:01
Năm nay mà không phải năm nhuận, thì bây giờ đã liu riu tháng Chạp rồi, thì bây giờ phương Nam nắng đã vàng mặt đường, gió đã se má hồng thiếu nữ rồi, Ngô tôi cũng đã sắp được nghỉ Tết, mua đất về chăm cây, trồng thêm mấy chậu súng rồi.

Mấy mươi năm hiện hữu trong cuộc đời này, vẫn ngóng Tết như ấu thơ ngóng mẹ đi chợ về, trẻ trai ngóng lần hò hẹn vậy.

Đợi mãi mà chưa Tết, buồn buồn ngồi đọc báo. Vì cái tội buồn buồn đọc báo, lại nghĩ vẩn vơ không biết phải khóc làm sao.

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể là một người có sắc diện rất vượng. Trong nội các Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có mấy bộ trưởng trông rất ưa nhìn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là một trong số đó.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp nhận cương vị đứng đầu Bộ này từ người tiền nhiệm là Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về Đà Nẵng làm Bí thư Thành ủy thay cho ông Nguyễn Xuân Anh. Bộ trưởng Nghĩa rời ghế, với tư cách là Bí thư Thành ủy cũng nói về BOT rất mạnh mẽ. Trước còn làm Bộ trưởng, Bộ trưởng Nghĩa không nói mạnh vậy bao giờ.

Bộ trưởng Thể không xa lạ gì với ngành giao thông, trước khi về Sóc Trăng làm Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng Thể là Thứ trưởng ngành giao thông nước mình. Có mấy cái BOT do chính tay Bộ trưởng Thể ký, điển hình nhất là BOT Cai Lậy.

Về đảm nhận lại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Thể có rất nhiều lợi thế trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bộ trưởng Thể trong cuộc họp với Tổng cục Đường bộ ở những ngày đầu năm 2018 này có nói một câu vô cùng chấn động: "Người dân kêu trời kêu đất vì mặt đường nâng hết lớp này tới lớp khác. Tại sao mặt đường cứ chồng dày lên 70-80cm? Các anh qua bên Campuchia xem thử người ta làm thế nào? Tại sao họ cào bóc tái chế được? Mình không biết thì cần đi học".

Đại khái, Bộ trưởng Thể nêu gợi ý cán bộ ngành giao thông nên học Vương quốc Campuchia về cách duy tu đường, bởi "Duy tu không kịp thời thì từ một ổ gà sẽ biến thành ổ voi, tài sản mất mát rất lớn. Tôi hầu như chưa hài lòng chất lượng duy tu của con đường nào, kể cả đường mới làm".

Chuyện đường sá ở nước mình là một câu chuyện rất dài mà Ngô tôi tin rằng đa phần bạn đọc đều hiểu, vì sao duy tu đường sá của nước mình lại hôm nay cứ kém hơn hôm qua để rồi hôm mai phải đi học tập của nước bạn là Campuchia. Trong lúc nhiều năm liền trước đây, khối ba nước Đông Dương, quốc gia của chúng ta vẫn luôn đi trước.

Minh họa: Lê Phương.

Điều này cũng từa tựa như phát biểu của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Sở Xây dựng Hà Nội: "Việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao ban quản lý dự án các quận huyện làm không tốt? Quá trình duyệt dự toán thế nào? Có việc "con ông cháu cha" cung cấp vật liệu để hưởng lợi không? Tôi biết là có việc đó". Đồng thời, Chủ tịch Chung cũng yêu cầu phải kiểm tra, làm nghiêm, xử lý công khai.

Vỉa hè Hà Nội được chỉnh trang lại, lót đá xanh rất đẹp, tiếng là đá 70 năm không suy suyển. Đùng phát, mới lót xong thì đá vỡ ngang đậu hũ nóng.

Viết đến đây, Ngô tôi lại nhớ một đoạn ngôn tình thần kỳ vẫn được đôi lứa yêu nhau lưu truyền và phổ biến: "Phật Đà A Nan trước khi xuất gia, trên đường gặp gỡ một thiếu nữ xinh đẹp, chỉ một lần như thế, từ đó mà yêu mến không quên. Phật tổ hỏi A Nan: "Con yêu người con gái đó đến mức nào?". A Nan trả lời: "Nguyện hóa thân thành cây cầu đá xanh, chịu năm trăm năm gió thốc, năm trăm năm nắng đổ, năm trăm năm mưa sa, chỉ cầu người con gái đó đi qua cầu"".

May là Phật Đà A Nan đã không gặp phải đá lót vỉa hè của Hà Nội, chứ không thì mới bảy lần bảy bốn mươi chín ngày đã nát như tương, người con gái mà Phật Đà A Nan mong cũng không biết đường nào mà bước lên để A Nan được lần chiêm ngưỡng cho thỏa một đoạn yêu đương.

Thế cho nên, Ngô tôi tin rằng câu hỏi của Bộ trưởng Thể nằm hết trong phát biểu của Chủ tịch Chung, là vì sao chúng ta duy tu đường lại kém như vậy, vì sao Campuchia duy tu đường hiệu quả còn chúng ta lại không… Bởi đơn giản là nếu không có con ông cháu cha thì là có nhóm lợi ích.

Hệt như cái BOT trên Quốc lộ huyết mạch vậy, ai cũng hiểu rõ vì sao sự vô lý lại tồn tại. Vấn đề chính là, thấy rồi có làm hay không, có quyết tâm chấn chỉnh hay không? Chứ thấy rồi chỉ để thấy, hay thấy rồi chỉ để đặt câu hỏi thì thấy làm gì cho phung phí một ánh nhìn.

2. Lẩn thẩn từ chuyện của tân Bộ trưởng sang nguyên Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa. Hồi chưa về làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bộ trưởng Nghĩa đặt câu hỏi khi đang trả lời chất vấn trực tiếp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Tự nhiên chúng ta đưa ra 70km. Tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy?".

Bộ trưởng Nghĩa hỏi thì báo giới trả lời, theo đó: "Năm 2015, trong một cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, diễn ra chiều ngày 27-5, Bộ trưởng Giao thông vận tải khi đó là ông Đinh La Thăng, đã thừa nhận có nhiều trạm thu phí được đặt không đúng cự ly 70km như dư luận phản ánh.

Quy định cự ly 70km đó được ông Thăng cho biết, khi triển khai đầu tư các dự án thì Bộ Giao thông vận tải kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương thực hiện theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thông tư 159/2013/TT-BTC tên đầy đủ là Thông tư Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, được ký ngày 14-11-2013.

Trang thứ 2 của Thông tư này có quy định trường hợp nếu khoảng cách các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi lập trạm phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính, UBND các địa phương". Sau đận đấy, Ngô tôi quan sát thấy Bộ trưởng Nghĩa ít hỏi hơn hẳn.

Về đảm nhiệm vị trí Bí thư Thành ủy, Bí thư Trương Quang Nghĩa với tư cách Đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có khẳng định: "Chính phủ đang tập trung giải quyết các dự án BOT. Chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các dự án BOT mới nhưng không thể làm như thời gian vừa rồi".

Dự án BOT giao thông nở rộ từ bức xúc của một số địa phương và trong đó có cả tính phong trào. Có cả lợi ích ở đấy nữa. Hiện các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều đang xắn tay vào làm. Trách nhiệm chính là Bộ Giao thông vận tải dù một dự án BOT có đến sáu Bộ cùng thông qua".

Lãnh đạo cấp cao trăm công nghìn việc, nhớ nhớ quên quên, lúc tại vị không chịu hiểu vấn đề, lúc sang chức vị khác lại hiểu rõ, nhưng khi ấy chim rời cành rồi, tên rời cung rồi, hiểu cũng chẳng làm được gì mà không hiểu thì cũng chẳng sao. Địa phận anh anh quản, địa phận tôi tôi lo.

Cũng vẫn là Bí thư Nghĩa, trong buổi nói chuyện cùng cán bộ hưu trí trung, cao cấp trong CLB Thái Phiên, Bí thư phải thốt lên đầy cảm xúc: "May quá là trụ sở UBND TP (cũ) không bán, chứ bán rồi thì không biết còn ra làm sao nữa!".

Chuyện xảy ra ở Đà Nẵng là một câu chuyện đau lòng, câu chuyện rất đáng buồn trong hệ thống chính quyền, đang được Đảng, Chính phủ kiên quyết mạnh tay xử lý. Bí thư Nghĩa giờ đứng đầu Đà Nẵng rồi, bật lên cảm xúc vậy làm chi.

Chuyện đâu còn có đó, ai sai ai quấy chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước pháp luật. Ai thông đồng mua bán chia chác công sản sẽ phải trả giá, công sản mua bán sai sẽ có hướng xử lý, Bí thư Nghĩa cứ bình tâm.

Việc của Bí thư Nghĩa bây giờ là giữ gìn sự đoàn kết của lãnh đạo thành phố, giúp thành phố đáng sống nhất miền Trung trở lại trạng thái bình an như trước đây càng sớm càng tốt, rồi thu hút đầu tư, rồi tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chăm lo cho đời sống người dân.

3. Chuyện nọ xọ chuyện kia, nói nốt chuyện cổng chào vậy. Tỉnh Thái Nguyên đang chuẩn bị xây cái cổng chào có trị giá 15 tỷ. Thôi thì thích cứ nhích, biết là làm sao.

Nhìn quanh thấy đâu đâu cũng cổng chào, cũng tượng đài, cũng quảng trường… Ngay cả những tỉnh năm này qua năm kia ngửa tay xin ngân sách của Trung ương cũng quảng trường, cũng tượng đài, cũng cổng chào. Song song đó là trụ sở hoành tráng, từ cấp xã rồi cấp huyện cho đến cấp tỉnh. Hệt như một dạo tỉnh nào cũng mong có sân bay.

Anh có được mà tôi không có được chắc chắn là rất không được. Nghèo nghèo cũng cho thằng Tèo đi học, nghèo nghèo cũng cổng chào tượng đài ngắm cho nó vui.

Thiệt ra thì cổng chào, tượng đài hay quảng trường gì cũng được. Nhưng chuyện đó đợi đến lúc nhân dân ấm no, nhân dân sung túc, đóng góp cho ngân sách nhiều rồi muốn làm gì thì làm. Mình dân chơi, mình có tiền mình muốn chơi sao thì chơi. Chứ mình quanh năm xài tiền của Trung ương mà còn nghĩ cách này cách kia để kiếm thêm tí chút thì mất tự trọng quá, thiếu liêm sỉ quá.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất chân thành: "Còn một bộ phận không nhỏ đời sống nông dân, ngư dân, diêm dân... vùng thiên tai, lũ lụt vừa qua, vùng núi, vùng dân tộc, nông dân còn khó khăn. 

Mấy lần tôi lên Sa Pa dịp rét đậm, rét hại khiến cả trâu bò cũng chết, khi vào nhà người dân thấy tài sản trong nhà không quá 500.000 đồng. Phải thấy nỗi đau đáu này để tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn, nông dân Việt Nam".

Sa Pa ở Lào Cai, dân không có quá 500 nghìn đồng tích lũy, tra google có thông tin cũ này: "Đấu giá đất biệt thự "đắc địa" Lào Cai: Toàn quan chức trúng", theo đó, "Cả 6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa bậc nhất Lào Cai sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình quan chức tỉnh này. Đáng nói, lô đất này trước đó được quy hoạch làm công viên".

Ngô tôi tính viết thêm, nhưng cuối năm rồi, chắc không nên lạm bàn nhiều quá.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.