Người Việt, tình Việt

Thứ Bảy, 20/01/2018, 06:59
Lòng quả cảm, tính dũng mãnh cộng hưởng với tình đoàn kết yêu thương luôn là một đòi hỏi duy nhất, tối thượng để lập nên nhân cách, cốt cách cho người Việt. Một cốt cách cao đẹp, không đồng lẫn, khó so bì...


Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng...

Câu ca dao có tự ngàn xưa mà như vẫn tươi son cung bậc cảm xúc tháng năm này. Tiếng reo hân hoan ngày hội ngộ, vẳng sâu hơn có tiếng thầm thì tình ly loạn sầu thương... Ấy là lời đúc kết, ký thác ẩn mang niềm dự cảm lo âu của tổ tiên nòi giống.

Lại thêm một tiếng thơ cũng nặng niềm cảm khái về tình dân tộc, nghĩa xương máu đồng bào: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" (Huỳnh Văn Nghệ).

Đôi tiếng tơ tình u trầm mà thống thiết, ngỡ đồng vang tự những mấy ngàn năm. Đó chừng là lời thiên mệnh, do thế trụ chiến lược, sừng sững của hình hài sông núi mà nhiều phen phải nếm trải thiên tai, địch họa. Ở nơi thế đất này, vì vậy, lòng quả cảm, tính dũng mãnh cộng hưởng với tình đoàn kết yêu thương luôn là một đòi hỏi duy nhất, tối thượng để lập nên nhân cách, cốt cách cho người Việt. Một cốt cách cao đẹp, không đồng lẫn, khó so bì.

Chuyện ngàn năm về tình đồng bào dân tộc Việt thì nhiều. Bài viết nhỏ này chỉ xin mở đôi tấm "nhiễu điều" soi lấy chiếc "giá gương" vừa qua thời binh lửa. Đôi câu chuyện liên quan đến nghề văn báo bút mực.

Ngày đất nước còn chia cắt, ở miền Nam những năm cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 thuộc về chính phủ Ngô Đình Diệm. Dù là lãnh đạo của hai miền đối địch nhưng Bác Hồ, khi nhắc về vị tổng thống họ Ngô vẫn dành lời tôn trọng đúng mức.

Như sách Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, đã dẫn lời Đại sứ Ba Lan tại Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định Giơnevơ năm 1954, kể lại trong hồi ký của mình rằng "cuối năm 1954, trước khi vào Sài Gòn, tôi tới chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tiễn tôi ra cửa, Chủ tịch nói: "Nhờ đại sứ chuyển lời hỏi thăm của tôi tới ông (chú ý: Chủ tịch không nói tổng thống - NV) Ngô Đình Diệm".

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Chủ tịch nói tiếp: Ông Diệm là người Việt Nam. Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước. Ông ấy yêu nước theo cách của ông" (nguyên văn tiếng Pháp "à sa manière).

Hay Ông Edward Miller dẫn chi tiết nhà ngoại giao Ấn Độ Ramcohundur Goburdhun, hỏi Hồ Chí Minh về Ngô Đình Diệm (tại Hà Nội, 1962): Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem Ngô Đình Diệm là một "nhà yêu nước" và nhắn gửi với Goburdhun rằng: "Hãy bắt tay ông ấy [Diệm] giùm tôi nếu như ngài gặp ông ấy". "Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam".

Sự tôn trọng đối phương, qua lời Hồ Chủ tịch giản dị, thành thực mà căn cốt sâu xa. Tình cảm ấy có từ tinh thần - văn hoá truyền thống. Tình yêu nước, gốc rễ xuất phát bởi tình yêu con người. Vậy hiển nhiên tình cảm yêu nước lớn lao mạnh mẽ bao nhiêu thì tình yêu con người lớn bấy nhiêu.

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ dân ta đã lưu bao lời nhắc nhủ: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...". Nhẹ nhàng hơn: "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau...". Hay gọn mà sắc: "Lời nói gói vàng", "Lời nói đọi máu"... Lời nhắc nhủ của Hồ Chủ tịch, soi vào ngàn năm tình dân tộc như thấy một dòng huyết mạch bền bỉ không ngơi.

Lại liên hệ việc gần. Trong chuyến đi thăm Mỹ của cựu Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, có diễn ra cuộc gặp mặt ấm áp tình đồng tộc với bà con Việt kiều. Vị cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa (cũ) Nguyễn Cao Kỳ là một trọng khách. Trả lời phỏng vấn báo chí, vị cựu Phó tổng thống có nói, đại ý, ...

Chúng tôi cũng muốn thống nhất đất nước, nhưng đã không làm được. Những người anh em phía bên kia họ làm được. Vậy tôi xin ngả mũ kính chào họ...". Quả là lời sòng phẳng, có chính khí, biết tôn trọng đối phương, tôn trọng thực tế lịch sử.

Những ý kiến đó có điểm gặp ở tình đồng bào dân tộc. Ấy là tình người sinh tự một dòng, lớn trong một nước, biết vượt lên trên quan điểm chính trị.

Tình cảm, tinh thần dân tộc, sâu xa trong tâm thức người Việt và nó luôn chi phối, dẫn đường cho các thế hệ cháu con, lệch kê, nghiêng đỡ, chị ngã em nâng mà đi qua mọi đau thương dâu bể thế thời. Với các bậc học thức cao, các vị nguyên thủ thì phẩm chất tinh thần, tình yêu dân tộc càng cần phải đặt lên trên hết. 

Có vậy tư cách dân tộc, nhân cách con người mới đủ sức chinh phục, đủ tầm đại diện. Tạo dựng một đời sống xã hội yên bình, hạnh phúc trong tình yêu thương gắn kết con người, đồng loại mới đích thực là biểu hiện cao quý nhất cho một nền chính trị tri thức, tiến bộ.

Trọng tình - Đạo sống căn bản của người Việt, là khuôn vàng thước ngọc cho mọi thời.

Người làng - nước với nhau thì trong phép cư xử: "Máu chảy ruột mềm; Con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; Tối lửa tắt đèn có nhau; Lá lành đùm lá rách...". Với giặc giã vẫn soi đường trong chiếc "giá gương" nhân nghĩa, "Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" và, "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo..." (Nguyễn Trãi).

Trọng tình - Đạo sống căn bản của người Việt. Nếu ví tượng hình: Trọng tình là một đài hoa lộng lẫy sắc hương, thì đài hoa tình Việt nhiều phen nở bên bờ vực thẳm. Ví là một nụ cười thì nụ cười tình Việt bao lần nở trên vết thương sâu.

Bởi lý do vô cùng giản dị mà thiêng liêng của người Việt, tình Việt: Gìn giữ toàn vẹn tình yêu thương dân tộc, đồng nghĩa gìn giữ toàn vẹn đất đai thiêng liêng Tổ quốc.

Đỗ Trọng Khơi
.
.