Vòng luẩn quẩn hết sa ngã lại vấp ngã của 2 trí thức

Chủ Nhật, 07/05/2023, 09:35

Vào tù, ra tội những tưởng chỉ là câu cửa miệng để nói về một trường hợp cá biệt nào đó, do nhận thức và hiểu biết pháp luật có hạn nên tái phạm sai lầm. Thế nhưng, với hai nhân vật dưới đây lại hoàn toàn khác. Họ đã từng tốt nghiệp đại học, thậm chí có người còn đứng dậy sau vấp ngã như một sự tự hào. Nhưng rồi, cám dỗ đời thường đã quăng quật đến bầm dập, lại tiếp tục vấp ngã.

1. Cuối tháng 3/2023, nghe tin Trần Hồng Chương (SN 1972), trú tại phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh bị TAND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tuyên phạt 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tôi không bất ngờ, mà chỉ thấy tiếc cho một trí thức có nhân cách méo mó.

Vòng luẩn quẩn hết sa ngã lại vấp ngã của 2 trí thức -0
Phan Hợi lần thứ 3 đứng trước bục khai báo.

Lần đầu tiên tôi gặp Chương cách đây 13 năm ở Trại giam số 3, khi Chương là Đội trưởng đội văn nghệ phạm nhân. Trại giam số 3 không có phạm nhân nữ, nên dưới sự đạo diễn tài tình của Chương, đội văn nghệ toàn nam này, mặc dù không ít lần phải giả gái để nhập vai biểu diễn, nhưng tiết mục nào cũng xuất sắc, nổi tiếng gần như trại giam nào ở khu vực phía Bắc và miền Trung cũng biết đến. Ngoài việc hát hay, múa dẻo, Chương còn sáng tác, đạo diễn nhiều chương trình hoành tráng, công phu, trở thành điển hình tiên tiến trong số hàng nghìn phạm nhân đang thụ án tại đây.

Chương là một phạm nhân đặc biệt, quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh); năm 1989, cùng lúc đỗ 3 trường đại học. Chọn ngành Kinh tế của Đại học Tổng hợp Hà Nội để theo học, Chương ôm mộng thay đổi số phận nghèo khó của mình. Sau 4 năm, ôm tấm bằng loại ưu trong tay, Trần Hồng Chương về quê loay hoay với cơm áo gạo tiền.

Thay vì bền bỉ mưu sinh bằng kiến thức được đào tạo, để giàu chóng vánh trong cơn lốc đưa người đi xuất khẩu lao động những năm 2000 ở xứ Nghệ, Chương mạo danh là cán bộ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), đứng ra lập văn phòng tuyển dụng người đi làm việc ở nước ngoài dù không được phép. Chỉ chưa đầy một năm, với con dấu giả trên tay, Trần Hồng Chương đã nhận hồ sơ và tiền, vàng của 38 người, tổng cộng hơn 80.000 USD, trên 500 triệu đồng và 1 lượng vàng.

Toàn bộ số tiền này, gã tiêu xài cá nhân hết, không đưa được bất kỳ ai ra nước ngoài. Kết cục là Chương bị bắt và lĩnh án 24 năm tù về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".

Vòng luẩn quẩn hết sa ngã lại vấp ngã của 2 trí thức -0
Bị cáo Trần Hồng Chương trước tòa.

Trong 16 năm thụ án trong Trại giam số 3, Chương có đủ thời gian để phát huy khả năng của bản thân. Từ viết nhạc, làm thơ, biên nhật ký đến viết sách, vẽ tranh, tất cả đều được thể hiện một cách sinh động, trọn vẹn qua bàn tay và khối óc của một tri thức sa ngã. Thậm chí, trong quãng thời gian sám hối này, Chương đã viết đơn tình nguyện hiến xác cho y học. Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh Chương đứng vẽ tranh, những nét vẽ tuy chưa thật xuất sắc, nhưng là cái nhìn đa chiều về các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của phạm nhân sau những giờ lao động, cải tạo. Tôi cũng đọc những bài thơ Chương làm, những dòng thi ca chứa đựng thông điệp hoàn lương, sám hối rõ ràng.

Tháng 10/2018, Trần Hồng Chương được xét tha tù trước thời hạn, rút ngắn thời gian cải tạo, được trở về nhà trước thời gian thụ án 8 năm. 16 năm trong trại giam là quãng thời gian quá dài, quá lãng phí đối với phận người ngắn ngủi, nhưng tiếc là Chương lại không coi đó là bài học. Bầu trời tự do vừa rộng mở, bước ra khỏi cánh cửa nhà giam, bản năng trỗi dậy, Trần Hồng Chương nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền. Cánh cửa nhà giam khép lại rơi vào thời điểm cơn sốt đất xứ Nghệ đang sình sịch. Thấy người ta đổ xô đi buôn đất, dù chẳng có tí ti kiến thức gì về bất động sản, gã cũng lao vào.

Dĩ nhiên, chẳng ai dám xuống tiền cho Chương đầu tư bất động sản. Để che giấu quá khứ, khoác lên sự hào nhoáng bản thân, gã bỏ quê vào Hà Tĩnh thuê nhà. Giữa tháng 2/2022, Chương đến cửa hàng cho thuê xe ô tô tự lái ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, thuê một chiếc xe Kia Moring với giá 10 triệu đồng/ tháng để làm phương tiên giao dịch làm ăn. Chỉ một tuần sau đó, bí bách về tiền, Chương làm liều đem xe cầm cố cho một người đàn ông ở Nghệ An với số tiền 110 triệu đồng.

Trả tiền thuê xe 3 tháng để làm tin xong, số tiền còn lại, gã tiêu xài cá nhân hết sạch rồi bỏ trốn. Bản án 6 năm tù khi đã bước qua bên kia dốc cuộc đời, có lẽ sẽ khép lại tương lai của gã, đóng chặt những khát vọng, những giấc mơ và cả sự tử tế còn sót lại về việc sẽ tặng tim, hiến xác cho y học như đã từng tâm nguyện. Bởi, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, và với Chương cũng vậy...

2. Phan Hợi sinh năm 1983 ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cũng từng là nhân vật điển hình của tôi từ 10 năm trước, khi còn trên giảng đường đại học. Sinh ra trong một gia đình đã nghèo và bất hạnh khi bố bỏ 4 mẹ con đi biệt. Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, Hợi học xong cấp 3 thì nhập ngũ. Năm 2006, Hợi ra quân, vào Đồng Nai xin học nghề tại một trường cao đẳng và vết trượt cuộc đời cũng bắt đầu từ đây. Sa vào đàn đúm, cám dỗ vì tiền, trong quá trình làm bảo vệ tại một nhà hàng, Hợi nhiều lần lấy xe máy cũ tráo đổi xe mới đem bán lấy tiền tiêu xài. Sự việc bị phát giác, Hợi bị bắt sau đó lĩnh án 24 tháng tù.

Quãng thời gian này, biến cố gia đình ập đến khi mẹ phát hiện bị ung thư. Ngày ra trại cũng là ngày mẹ mất, Hợi bơ vơ nhưng không suy sụp. Hợi về lại quê nhà, dựng lều trên mảnh đất của mẹ để lại, vừa đi làm vừa mua sách tự học, ôn thi. Kỳ thi năm 2010, Hợi đỗ vào ngành sư phạm, Khoa Lịch sử trường Đại học Vinh. Năm tháng trên giảng đường, Phan Hợi nổi lên là một tấm gương vượt lên nghịch cảnh, nhận được nhiều sự quan tâm của bạn bè, thầy cô, được làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn. Ngày Hợi cầm tấm bằng loại khá bước ra khỏi cánh cổng đại học, thương khi nghe Hợi bảo thật khó để đứng trên bục giảng với quá khứ lầm lỗi ấy, tôi đã liên hệ cho Hợi vào làm tại một doanh nghiệp vận tải ở Nghệ An, với mức thu nhập ban đầu đủ để cậu ta bám trụ lại thành Vinh.

Vòng luẩn quẩn hết sa ngã lại vấp ngã của 2 trí thức -0
Một bức vẽ của Trần Hồng Chương trong thời gian thụ án tại Trại giam số 3.

Bẵng đi một thời gian, Hợi lại gọi cho tôi nhờ xin việc khác vì công việc vận tải không phù hợp vì không có chuyên môn. Sau vài lần liên hệ, tôi cũng quên bẵng đi. Đầu năm 2020, nghe tin Hợi bị Công an thành phố Vinh bắt giam vì trộm cắp tài sản, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán. Bản án 6 tháng tù giam sau đó cũng không làm cho cậu ta thức tỉnh, khi mà hết thời gian cải tạo, trở về quê nhà thay vì kiếm việc tử tế để mưu sinh, Hợi lao vào chơi game để giết thời gian rồi không thể dứt ra được.

Để có tiền chơi game, Phan Hợi lại giẫm lên vết xe đổ của quá khứ khi vào tháng 10/2022, vờ mượn xe máy của người cháu họ cùng thôn để đi công việc, nhưng thực chất là chạy thẳng một mạch đến Vinh mang đến tiệm cầm đồ, cầm cố lấy số tiền 9 triệu đồng để trả nợ và chơi game. Hợi lần thứ 3 đứng trước vành móng ngựa, bị cáo buộc với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với mức án 16 tháng tù giam.

Hợi từng kể, ngày xưa khi quyết tâm thi đỗ vào đại học là để thực hiện lời hứa với mẹ trước khi bà trăng trối, rằng sẽ trở thành người tốt. Nhưng khi chạm được vào giấc mơ ấy, thì ranh giới mong manh giữa tốt và xấu anh ta lại không phân định và bước qua được. Cuộc sống không động lực, không phương hướng đã khiến Hợi chênh chao giữa dòng đời vô định. Và như một sự tất yếu, anh ta tiếp tục ngã vào lầm lỗi của quá khứ. Tương lai, liệu có dứt ra được với những sai lầm ấy nữa hay không, chính bản thân Hợi cũng không chắc chắn.

Với những người ít học, nhận thức pháp luật hạn chế và có thể là vì quá túng quẫn, bí bách dẫn đến làm liều, thì sự vấp ngã liên tiếp trong một chừng mực nào đó, có thể hiểu được. Nhưng, thật khó chấp nhận khi hành vi ấy, cứ lặp đi lặp lại, lại xảy ra với những người học hành tử tế, tương lai đầy hứa hẹn như Trần Hồng Chương, như Phan Hợi.

Hẳn nhiên, những trường hợp như vậy, trong cuộc sống này không phải là cá biệt. Đời người, ai cũng có lúc sai lầm. Nhưng có người họ biết vượt qua những thứ đó, thậm chí lấy nó làm động lực, đặng tìm đường sáng cho tương lai phía trước. Nhưng với một số người, từ sai lầm của quá khứ, bất luận dù lớn hay nhỏ, vô hình trung trở thành bệ băng, trượt dài trên con đường tội lỗi.

Với họ, nẻo thiện dù đi mãi, vẫn không có lối để về.

Thiên Thành
.
.