Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi?

Thứ Năm, 30/06/2022, 11:08

Để phần nào trả lời cho câu hỏi “Vì sao một người trẻ quyết định viết và sống như thế nào để viết?”, Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng  xin trích đăng ý kiến của một số tác giả trẻ thể hiện thái độ sống và sáng tạo của người cầm bút.

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0
Còn gì cô đơn hơn nghề văn?

“Đa số tác giả trẻ viết nhiều, viết nhanh, nhưng bỗng dưng ngưng sáng tác, rời văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Dường như văn chương với người viết trẻ chỉ là cuộc dạo chơi. Viết để thoả mãn chính mình, viết xong rồi thôi, hoặc chuyển sang công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể… Thực tế một số người có tài, giàu tiềm năng văn chương lại dễ dàng từ bỏ, coi những thành công văn chương thuở nào chỉ còn là những ký ức vui vẻ. Ngược lại, có những người đằng đẵng theo đuổi nghiệp văn, trong khi họ không có thực tài, có thể thành công hơn, cống hiến được nhiều hơn khi tham gia vào những lĩnh vực công việc khác. Những người đó phải chăng cũng chưa trả lời câu hỏi: Vì sao chúng ta viết” - Đó là lời nhận xét dành cho những người viết trẻ được nêu trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra.

Để phần nào trả lời cho câu hỏi “Vì sao một người trẻ quyết định viết và sống như thế nào để viết?”, Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng  xin trích đăng ý kiến của một số tác giả trẻ thể hiện thái độ sống và sáng tạo của người cầm bút.

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng: “Quan trọng là “phương pháp đi” ra sao

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0

Đi – đọc - viết, đó là ba điều luôn thôi thúc tôi. Nếu chỉ đọc mà không đi thì thiếu vốn sống, trang viết sẽ nhạt. Nếu chỉ đi mà không đọc thì tác phẩm thiếu kĩ thuật viết. Với tôi đọc để học nghề, cụ thể là cách lẩy chi tiết, xây dựng tình huống truyện. Hai yếu tố đi và đọc đều quan trọng và cần được kết hợp đan xen.

Muốn có chất liệu viết, nhà văn cần đi để trải nghiệm và cọ sát với đời sống. Thời sinh viên, tôi đã đi nhiều. Và đến giờ tôi vẫn đi. Tuy nhiên với tôi, khái niệm “đi” không nhất thiết phải là đi đến một nơi nào xa xôi, mới lạ, phải lăn xả vào đời sống. Mà quan trọng là “phương pháp đi” của chúng ta ra sao. Có thể “đi” bằng cách trải nghiệm cuộc sống sát cạnh thôi, có thể chỉ là ở một làng quê, một con hẻm nơi bạn sinh sống thôi, nhưng nhất định bạn phải va chạm vào đời sống, phải lắng nghe, quan sát, lí giải cuộc sống bằng đôi mắt của nhà văn, bằng sự tinh nhạy, mẫn cảm với thân phận con người. Có như thế thì trang văn của bạn mới có hồn cốt của đời sống và động lòng trắc ẩn.

Còn nếu chất liệu viết được hình thành từ vốn đọc thì đời sống trong trang viết đã được tưởng tượng, hư cấu qua con mắt, suy nghĩ của nhà văn, không còn là “mỏ quặng đời sống” nữa. Nhà văn đi trước đã tinh chế từ đời sống thô, nhà văn đi sau lại lấy sản phẩm tinh chế đó là nguyên liệu thô của mình, thì liệu có là đời sống thật không, hay đó là sự trải nghiệm thứ cấp mà thôi ? Lấy một ví dụ, có phải cứ phải tham gia những bữa nhậu “tới bến” của dân miền Tây thì mới có thể viết về bữa nhậu đó. Tôi đã từng ngồi ở mâm nhậu đó, đã từng đứng gần đó quan sát mâm nhậu, và tôi tả buổi nhậu đó ra chất của bữa nhậu, giác quan tinh nhạy sẽ giúp nhà văn lẩy được những chi tiết đắt giá. Nhưng nếu không quan sát mà đọc đoạn văn viết về bữa nhậu thì có lẽ trang văn của tôi sẽ vẫn mang hơi hướng của nhà văn khác.

Việc đọc nhiều giúp nhà văn có cái nhìn đa diện, tuy nhiên vẫn cần có một sợi dây đời sống để bám níu. Có những hiện thực đời sống mà nếu không trải qua thì dẫu có đọc, nghe kể lại chi tiết cỡ nào cũng không bao giờ chính xác được. Hơn nữa, văn chương đòi hỏi sự sáng tạo, nếu mình viết dựa trên vốn đọc,  tức là mình lấy vốn sống từ người khác để viết. Vậy nếu sắc lại, còn bao nhiêu phần trăm là của mình? Có người mượn một chi tiết là bước đệm để bật lên một vùng sáng tạo thì chỗ đệm đó chấp nhận được. Còn nếu mang theo chi tiết đó để bật nhảy luôn thì không phải của mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Viết về người dân miền Tây, mặc dù đã có những cây bút lớn, nhưng tôi – một người viết trẻ vẫn đau đáu về thân phận của họ trong thời đại công nghệ số. Người miền Tây hiền, thiệt thòi, nhưng họ không buồn vì sự thiệt thòi đó, họ vẫn bám víu vào những tia hy vọng để không rơi vào bế tắc. Bốn năm học đại học, tôi hứng thú với những chuyến đi tìm hiểu về văn hóa những vùng đất. Tôi đã từng có thời gian về đất Mũi Cà Mau, ăn với người dân, ngủ trong ngôi nhà không cửa, cảm nhận rõ được không khí nơi đây. Tôi đi tàu biển câu mực, đi xem người nuôi dơi, vào rừng U Minh… Những trải nghiệm đó, tôi gom góp lại để làm chất liệu viết, lẩy ra thành những chi tiết đắt giá trong những tác phẩm của mình..

Nhưng năm 2020 tôi lập gia đình, có con nhỏ, rồi dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến tôi ít có cơ hội đi trải nghiệm thực tế. Nhưng chính tháng ngày đó đã đặt ra cho tôi những vấn đề mới. Chính những trải nghiệm làm cha khi con đau ốm, khi vỗ về, thậm chí cả khi cạu với con,… khiến cho câu văn của tôi già dặn hơn. Tôi vẫn viết đều, vào những đêm khuya. Trong căn nhà nhỏ hẹp, để con thơ ngủ yên, tôi buộc lòng thu mình lại một góc, khẽ bật đèn, khép nhẹ cửa, kê tấm ván, đặt laptop lên và viết. Để mỗi khi con gái nhỏ giật mình tìm ba, là tôi lại có thể ôm con vào lòng vỗ về. Tôi đã sống và viết như thế đó…

Nhà văn trẻ Nguyệt Chu (Chu Thị Thu Hằng): “Ước được đến một cõi khác ngoài đời sống hiện thực này”

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0

Nhà văn phải có vốn sống để viết, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Nhà văn Nam Cao cũng đã từng tâm niệm “sống đã rồi hãy viết”. Nhưng phải chăng vốn sống chỉ được tích lũy qua những trải nghiệm thực tế, từ hiện thực thậm phồn mà chúng ta đang sống trong từng khoảnh khắc? Có lẽ điều đó là đúng nhưng chưa đủ.

Với tôi, việc tích lũy vốn sống để viết không chỉ được lấy từ đời sống mà nó được bồi đắp hằng ngày qua việc đọc sách. Chúng ta không thể đi hết mọi nơi, trải nghiệm hết mọi thứ trong đời sống này, bởi thế cần đọc để lấy vốn sống của người khác làm giàu thêm cho vốn sống của mình. Theo tôi, việc đọc sách nhiều khi còn quan trọng hơn việc trải nghiệm thực tế. Bởi viết theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực thì giờ không còn phù hợp lắm với thời đại. Các cây viết trẻ tìm tòi thể nghiệm nhiều khuynh hướng mới lạ, không tuân theo những bút pháp cổ điển. Viết cái gì không quan trọng bằng việc viết như thế nào.

Trước đây, tôi từng băn khoăn không biết phải miêu tả một trận đánh như thế nào, thì một nhà văn đã nói với tôi rằng, vậy thì cần gì phải miêu tả trực tiếp trận đánh đó. Tôi vỡ ra rằng chỉ cần nắm bắt được cái thần, cái hồn cốt, bối cảnh là mình có thể làm chủ được câu chuyện, không nhất thiết phải miêu tả hiện thực cụ thể, tỉ mỉ ra sao. Và như thế, từ cốt lõi hiện thực, văn chương được bay lên bằng đôi cánh của sự tưởng tượng, bằng những giấc mơ, bằng những hiện thực ngoài hiện thực, được gợi mở không chỉ từ phần ý thức mà cả từ tiềm thức và vô thức của con người.

Tôi bắt đầu viết truyện từ năm 2012. Trước đó tôi đã tìm đọc nhiều tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cả thơ ca và văn xuôi. Văn của ông cứ thấm vào hồn tôi một cách tự nhiên, gần gũi. Tôi tìm thấy chính mình, chính làng quê mình trong những câu chuyện đầy mê đắm của ông. Thế là tôi đặt bút và viết. Tôi viết về làng quê nhỏ bé của mình, về hiện thực cuộc sống xung quanh tôi được khúc xạ qua lăng kính đầy mơ mộng. Có bạn văn trêu rằng, đến cô đồng nát mà cũng nghe “Rồi mai tôi đưa em”, “Riêng một góc trời”, lại thuộc cả “Cuộc chia ly màu đỏ” thì đó chỉ có thể là trang văn của Nguyệt Chu. Có thể sẽ có người bảo là thiếu thực tế, nhưng ai đã đi hết cả đời sống này để khẳng định rằng, không có cô đồng nát nào lãng mạn, đắm đuối với thơ ca, âm nhạc?

Lịch sử là một trong các đề tài mà tôi theo đuổi. Nhưng đó là một lịch sử khác, là những góc khuất của lịch sử mà không chính sử nào ghi chép. Chính sử chỉ ghi chép sự kiện chứ không phản ánh tâm trạng của nhân vật lịch sử. Chính sử chỉ ghi chép những nhân vật anh hùng chứ có bao giờ điểm được những người vô danh đã góp phần làm nên lịch sử. Thế nên, cốt lõi lịch sử cũng chỉ như một cái đinh để nhà văn đóng trí tưởng tượng của mình lên đó, lý giải lịch sử bằng cái nhìn đương đại. Napoleon cũng đã từng nói rằng: “Lịch sử là gì nếu không phải là sự bịa đặt có thỏa thuận”. Nhà văn có quyền sáng tạo lịch sử riêng có của mình, đừng nên so sánh truyện lịch sử với những bộ sách lịch sử bởi đó là cách nhanh nhất để giết chết trí tượng tưởng trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.

Hằng ngày tôi đọc sách, tra cứu trên mạng Internet, xem phim để tích lũy thêm kiến thức cho mình. Đâu phải lúc nào cũng có điều kiện để xê dịch, và nhiều khi trong những cuộc xê dịch ấy, cũng chỉ cần thâu tóm được cái không khí là đủ, còn lại để cho trí tưởng tượng và ngôn từ thỏa thuê vùng vẫy.

Tôi là một giáo viên dạy văn tại Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội). Hằng ngày tôi vẫn cùng học sinh khám phá những cái hay cái đẹp của văn chương. Tôi gắn lịch sử vào bài giảng của mình, khơi gợi trí tưởng tượng của các em bằng cách đặt ra các giả thiết: Với câu chuyện này, nếu em là tác giả, em sẽ kết thúc như thế nào? Nếu em là nhân vật, em sẽ giải quyết tình huống ấy ra sao? Tôi luôn khuyên các em đọc nhiều, dù các em học theo khối nào, định hướng nghề nghiệp là gì. Bởi sách, đặc biệt là sách văn chương nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà nhiều giá trị sống bị đảo lộn. Học sinh của tôi, học chuyên Tin, thi khối A cũng say mê đọc truyện và đưa ra những nhận xét, những bình luận rất sâu sắc.

Nếu cho tôi một điều ước về nơi được đến và trải nghiệm thì tôi ước được đến một cõi khác ngoài đời sống hiện thực này. Trong ba cõi thiên - địa - nhân, tôi sống ở cõi người, bên cạnh niềm vui là nỗi đau “thảo nào khi mới chôn nhau/ đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Tôi muốn đến một cõi khác xem có khác xa trí tưởng tượng của tôi hay không. Rất nhiều tác giả từ cổ chí kim đã viết về các cõi khác, nhưng đã có ai được trải nghiệm thực tế bao giờ?

Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên: “Viết trong tiếng khóc trẻ thơ, tiếng nhộn nhạo phố Phường, tiếng cơm sôi giục lửa”

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, khi tiếp nhận bản thảo của tôi ngày tôi là sinh viên đã nhận xét rằng những gì tôi viết chỉ là chút kinh nghiệm bản thân, chỉ như gạch đầu dòng. Điều quan trọng nhất của người viết là trải nghiệm sống, kĩ năng quan sát và tình cảm của người viết đặt vào đó. Đến bây giờ nhìn lại, cách nhìn nhận và trải nghiệm của tôi đã khác xưa. Thay vì mơ mộng với những rung động nhẹ nhàng, tôi mạnh dạn đi sâu vào từng ngóc ngách cuộc sống, nắm bắt từng biến động dữ dội nhất của thời đại để đưa vào trang viết. Tôi viết bằng trải nghiệm và bằng trái tim của mình, bằng những khát khao được bạn đọc đồng cảm, để gieo vào trái tim người đọc lòng trắc ẩn, sự cao đẹp của tình người.

Tôi thấy rằng tưởng tượng chính là đôi cánh của văn chương. Và hiện thực ở phía mặt đất kia chính là chất liệu quan trọng để đôi cánh ấy được bay cao. Khi đã lên cao, nhà văn lại có cơ hội nhìn thấu mặt đất phía dưới. Giai đoạn đầu mới viết văn, tôi viết bằng tưởng tượng nhiều hơn. Sau dần tôi mới nhận ra được, chất liệu cuộc sống vô cùng quan trọng. Vậy là tôi quan sát và chắt lọc. Những mảnh đời đi qua tôi khiến tôi rung cảm đều trở thành nguyên mẫu trong trang viết. Có lần, tôi viết truyện ngắn về một gia đình nông dân ở quê tôi. Khi báo đăng, họ đọc được truyện ngắn ấy và hỏi tôi rằng. “Cháu viết về gia đình chú à?”. Câu hỏi làm tôi giật mình. Tôi cứ lo họ sẽ quở trách, nhưng may sao họ chỉ cười tủm tỉm.

Trước đây, tôi không tưởng tượng được các nhà văn nữ khi có gia đình, con cái thì sẽ sáng tác thế nào. Thì giờ đây tôi đã hiểu, và càng trân trọng những thành quả lao động sáng tác của họ hơn nữa. Bởi tôi cũng có gia đình, có trải nghiệm đầy đủ những khó khăn của một người mẹ trẻ. Sau một ngày dài vật lộn với cuộc sống thường nhật, đêm đến, khi nhìn con say giấc bình yên là lúc tôi thấy hạnh phúc và thanh thản nhất. Đó cũng là lúc tôi chắt ra một khoảng thời gian cho đam mê sáng tác. Đôi khi chúng ta không được lựa chọn giữa đam mê cá nhân và thiên chức của người phụ nữ. Thay vì gồng mình lên, chi bằng ta hãy dung hòa, biến những trải nghiệm đời sống thành những chất liệu đưa vào trang viết. Thời gian dành cho sáng tác càng ít thì càng phải chắt chiu và trân trọng. Tôi, có khi viết cả trong tiếng khóc trẻ thơ, tiếng nhộn nhạo phố phường, tiếng cơm sôi giục lửa.

Mỗi người đều có một con đường, một mối duyên khi bước vào văn chương. Tôi chưa bao giờ hỏi liệu rằng sự dấn thân của mình trong chữ nghĩa có được công nhận không. Bởi lẽ, nếu cứ đắn đo, cứ suy tính mãi thì còn dám làm gì nữa!

Tác giả trẻ Yang Phan (Phạm Tuấn Anh): Trải nghiệm thực trong cộng đồng LGBT được tôi đưa lên trang văn

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0

Có hai mảng đề tài trong sáng tác của tôi: Thứ nhất là những vấn đề phổ quát nhất của loài người. Vốn liếng để viết mảng này tôi lấy từ sách vở, từ những tác phẩm văn học dịch phương Tây với lối diễn ngôn, phương thức biểu đạt khác lạ. Tôi bị thu hút bởi những tác phẩm có đề tài về nguồn cội. Tôi đặc biệt thích những sáng tác của nhà văn Linda Lê với những câu hỏi khiến độc giả trăn trở. Cách đây vài năm tôi đọc thêm tác phẩm của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Việt và thấy rằng họ viết rất hay. Tôi đọc và học từ họ  cách khai thác chủ đề, góc nhìn, lối diễn đạt, cấu tứ tác phẩm. Sau đó tôi tìm ra những góc riêng cho bản thân mình.

Thứ hai, tôi viết về đề tài người trẻ với nhiều góc khuất liên quan đến tình dục, trầm cảm và tự sát. Tôi không hề giấu giếm rằng tôi là một người LGBT. Những trải nghiệm thực trong đời sống của tôi, của cộng đồng giới tính được tôi đưa lên trang văn. Đấy chính là một dạng đời sống thực đang diễn ra của một trong những cộng đồng của nhân loại. Tôi muốn chính tôi và những người LGBT được thừa nhận, được tự do sống với chính mình. Và tôi cũng không ngần ngại phản ảnh những góc khuất trong đời sống của một bộ phận người trẻ. Đấy chẳng phải một phần hiện thực đời sống đương đại cần được nắm bắt đó sao?

Mỗi thế hệ nhà văn có đặc trưng riêng trong sáng tác. Với tôi, việc lặn sâu vào đời sống không hẳn là lao ra ngoài đời thực, mà là xâm nhập vào đời sống ảo của người trẻ trên không gian mạng xã hội nhưng lại là phần đời sống quan trọng với họ. Ở thế giới ảo đó, con người thật của họ phô bày ra tất thảy. Họ nhanh nhạy, họ thành công và tràn đầy năng lượng. Nhưng một bộ phận trong số họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm, có ý định tự sát, ngập ngụa trong tình dục, khoái lạc, ma túy và những mối quan hệ vừa xác thịt – vừa là bạn bè nhưng không phải tình yêu. Và tôi viết về những điều đó để lý giải về những hiện tượng lạ lùng đang diễn ra trong cuộc sống này. Điều quan trọng là dù đi vào vùng tối của một bộ phận giới trẻ, nhưng tôi luôn để cái kết có lối thoát, để hướng tới những điều nhân văn hơn.

Đã có thời gian tôi coi văn chương là tất cả, tôi viết điên cuồng để thỏa niềm đam mê. Có thời điểm tôi liên tục gửi bản thảo cho các nhà xuất bản, cho một vài tờ báo nhưng đều không được đăng. Điều đó khiến tôi chán nản, lãng đi việc viết gần một năm. Sau đó, nhớ nghề, tôi quay lại, viết từ đó đến giờ. Đoạt giải Nhì Cuộc thi Văn học tuổi 20 năm nay với tôi là một sự bất ngờ. Nhưng nhờ có nó mà tôi vững tâm viết tiếp. Nhờ có nó mà những dự định mơ hồ về con đường văn chương với tôi trở nên tường minh hơn. Tuy thế, giờ đây, tôi chỉ coi văn chương là nghề tay trái, song song với công việc của biên tập viên ở một tạp chí thời trang. N

Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu: Chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm sáng tác

Với người trẻ, văn chương là cuộc dạo chơi? -0

Theo quan điểm của tôi, không nên đối lập giữa việc “đọc” và “sống” của người cầm bút, bởi “đọc” cũng là một chiều kích của “sống”. Nếu như cho rằng nhà văn, nhà thơ phải lăn lộn từng trải với cuộc đời thì mới viết được, còn việc đọc là xa rời thực tế, thì e rằng hơi hẹp hòi. Và đây cũng không hẳn là chân lý đối với người sáng tác. Bởi có nhiều nhà văn lớn trên thế giới trước tiên là những độc giả lớn. Điều làm nên sự hấp dẫn ở họ chính là chiều kích văn hóa họ thể hiện qua việc đọc. Và để đọc được tác phẩm của họ, đòi hỏi độc giả phải có những trải nghiệm trong tri thức, trong sự thấu hiểu con người.

Nhà văn Phạm Thị Hoài vào những năm cuối thập niên 80 thế kỉ XX có tiểu luận “Viết như một phép ứng xử”, có đề cập đến một vấn đề, đó là việc các đồng nghiệp Việt Nam gần như không biết đến các đồng nghiệp trên thế giới đang làm công việc gì. Nhưng hiện nay, một số nhà văn trẻ của Việt Nam đang hiểu rất rõ thế giới đang viết như thế nào. Việc đọc tác phẩm của đồng nghiệp làm nên sự lịch lãm trong sáng tác của các tác giả. Đây là điều đáng ghi nhận ở lớp nhà văn trẻ hiện nay mà ở các giai đoạn trước đó dường như không có được.

Sống hay đọc là sự lựa chọn của từng nhà văn, nhà thơ và điều này ứng với tạng sáng tác của họ, không thể coi đó là công thức. Ở thời điểm này, chúng ta nên chấp nhận sự đa dạng trong các quan điểm sáng tác. Nhà văn đi theo con đường nào cũng được, nhưng để thuyết phục được người đọc thì không có con đường nào dễ dàng. Nếu nhà văn lặn sâu vào đời sống nhưng kể chuyện không hay thì tác phẩm của họ cũng không thu hút độc giả. Ngược lại có những nhà văn đọc nhiều nhưng cách biểu đạt thiên về vay mượn thì công chúng hoàn toàn có quyền lựa chọn tác phẩm nào đáng đọc hơn.

Nhiều nhà văn trẻ hiện nay đều coi nghề viết chỉ là nghề tay trái, mặc dù họ vẫn viết đều, viết khỏe. Bởi nếu căn cứ vào mức thu nhập thì đa phần họ không sống được bằng việc viết văn. Ở Việt Nam chỉ có một vài tác giả bestseller, có thể sống tốt nhờ việc viết. Trên thế giới, những nhà văn không theo đuổi văn chương thương mại cũng không phải là người giàu có, thậm chí có tác giả còn sống một cách chật vật. Vì thế đa phần các nhà văn, nhà thơ phải làm công việc khác nữa. Viết văn với nhiều người hiện nay là phương tiện để xây dựng hình ảnh. Nhuận bút nhận được từ các tác phẩm không nhiều nhưng họ có được ảnh hưởng về mặt xã hội và từ đó họ có thể kiếm tiền dựa trên phương diện đó. Nhưng điều đáng nói là dù làm việc gì khác thì họ vẫn coi việc viết là một phần quan trọng trong đời sống của họ. Suy cho cùng, việc các nhà văn trẻ coi nghề viết là nghề tay trái là điều dễ hiểu, chúng ta không nên phê phán họ, mà phải thấy rằng điều đó đáng được thông cảm, trân trọng vì dù thế nào họ cũng vẫn hết mình với văn chương.

Huyền Châm (thực hiện)
.
.