Việt Nam trước ảnh hưởng thương chiến

Thứ Ba, 13/05/2025, 11:14

LTS: Thương chiến toàn cầu đang là mối quan tâm sâu sắc nhất của nhiều quốc gia. Ảnh hưởng của nó tới an-nguy của từng quốc gia đơn lẻ đã khiến gần như tất cả không còn mặn mà quá mức với những biến động chính trị khác mà điển hình như cuộc chiến ở Ukraine. Trong vòng xoáy ấy, Việt Nam có gì, ảnh hưởng gì và cần phải làm gì?

Tinh thần độc lập

Tôi có kinh doanh một loại đồ uống ở quy mô nhỏ, và thường xuyên phải tiếp xúc với các bên gia công khác nhau. Với cùng một thiết kế, tôi chưa bao giờ tìm được một bên gia công ưng ý từ A-Z. Đành phải chọn một nhà thầu ở trong Nam và một ở ngoài Bắc, cho cân bằng.

Anh_Bai_Pham_An-1746764516998.jpeg

Tôi chấp nhận sự thật này cho đến khi lướt mạng xã hội và bắt gặp một quảng cáo về bao bì từ... Trung Quốc. Tò mò ấn vào, tôi mới vỡ lẽ ra: các sản phẩm tương tự đã được gia công đủ chủng loại ở nước bạn từ rất lâu.

Tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về thị trường công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc, và cuối cùng tìm được một nhà thầu vừa gia công, vừa tư vấn cho chúng tôi rất tận tình về sản phẩm, với giá còn rẻ hơn một nhà thầu riêng lẻ tôi đã từng thuê ở trong nước. Quan trọng hơn, họ đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng của chúng tôi.

Trong một hội nghị lớn về công nghiệp phụ trợ được tổ chức vào cuối năm ngoái ở TP Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may thừa nhận rằng công ty vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu và phụ liệu nhập khẩu: cúc áo và khóa kéo của công ty đều phải nhập từ Trung Quốc và Đài Loan. Lý do đơn giản vì cúc áo và khóa của các công ty sản xuất trong nước không đủ chất lượng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25-30% thị phần trong ngành công nghiệp phụ trợ, trong khi các doanh nghiệp FDI đang giữ đến 70-75% thị phần. Trong một hội thảo về mức độ tự chủ trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, các số liệu thống kê được công bố cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong các ngành chủ lực vẫn còn ở mức thấp.

Cụ thể, với ngành ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 10-15%, nghĩa là chỉ một phần nhỏ các linh kiện được sản xuất trong nước, phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa đạt 30-35%, thể hiện sự phụ thuộc vào các thành phần nhập khẩu, đặc biệt là linh kiện công nghệ cao như chip và bo mạch. 

Ngành dệt may, dù lâu đời và đóng góp rất nhiều vào giá trị xuất khẩu, cũng chỉ đạt tối đa 50-60%, tức là vẫn không có khả năng tự cung tự cấp.

Những con số này phản ánh rõ ràng sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, nơi cung cấp nhiều nguyên liệu và linh kiện quan trọng. Tức là nền sản xuất của chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, không có nhiều khả năng tự chủ và độc lập.

Tôi nghĩ một phần sự bối rối của chúng ta khi cuộc "thương chiến" về thuế quan trở nên căng thẳng hơn đến từ chính sự thật này. Cơ bản là với một nền sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa thấp, chúng ta không có nhiều quyền quyết định trong ván cờ giữa các nước lớn với nhau.

Khoảng hơn một thập niên trước, có rất nhiều "doanh nhân" đã làm giàu bằng một thủ thuật đơn giản: họ đánh hàng từ Quảng Châu (địa danh này đã thành một huyền thoại trong giới đi buôn thời ấy), mang ra mặt tiền các phố lớn và bán với giá cao gấp 5-10 lần giá nhập vào. Sau này, cung cách ngầm ấy đã bị phơi bày sau khi một doanh nhân có tiếng nhất nhì đất nước, từng lên truyền hình nhiều lần, bị phanh phui là nhập đồ Trung Quốc về cắt mác rồi bán ra thị trường với giá cắt cổ.

Trong thủ thuật làm giàu kể trên, chúng ta nhìn thấy một sự tìm kiếm thặng dư rất đơn thuần, ăn chênh lệch khi nhận thức của các thị trường tiêu dùng còn chưa trưởng thành. Cho dù có kiếm ra tiền, thì con đường này trong một thời gian dài đã làm tê liệt một tinh thần mà các quốc gia có nền sản xuất vững mạnh có: Sự độc lập.

Tất nhiên, bạn có thể bắt gặp những ý kiến phản đối đã trở nên quá phổ biến kiểu như "thời này rồi, ai mà tự làm nữa làm gì, chuỗi cung ứng giờ là toàn cầu rồi".

Điều đó không sai, nhưng không có tinh thần độc lập trong đó. Và điều này có quan trọng không? Tôi nghĩ là có, thậm chí là một giá trị cốt lõi trong kỷ nguyên đầy biến động trước mắt.

Trong những ngày này, khi dư âm của những lễ kỷ niệm vẫn còn vang vọng, thì suy nghĩ về hai chữ "độc lập" không còn chỉ mang tính biểu tượng. Nó có ý nghĩa sống còn: nếu không thể độc lập và tự chủ về sản xuất, chúng ta có thể sẽ phải rất bối rối mỗi lần thế giới có những biến chuyển lớn.

Phạm An

Bài toán không đề bài

Trước khi bắt đầu mỗi bài thi, thứ đầu tiên người ta cần làm không phải là tìm lời giải, mà là đọc đề bài.

anh bai duc hoang.jpg -0

Hội An là một đô thị giao thoa giữa cái cũ, truyền thống hàng thế kỷ, với cái mới, tư duy sáng tạo của những người làm sản xuất và dịch vụ. Ở đây là những quán chè, quán bánh tự hào là "gia truyền", "lâu đời". Ở kia là những mô hình sáng tạo, những món ăn fusion (kết hợp Á- Âu) và những mẫu thiết kế đồ thủ công chưa từng có.

Đó là một bức tranh lý tưởng, nếu đô thị này không vác trên vai một danh hiệu đầy trọng trách: Thành phố sáng tạo UNESCO. Việt Nam có ba thành phố trong mạng lưới sáng tạo UNESCO, là Hà Nội (thiết kế), Hội An (thủ công) và Đà Lạt (âm nhạc). Bạn sẽ nhìn thấy tấm biển vinh danh “Thành phố sáng tạo” nổi bật trên đường vào phố cổ.

Lúc này, sứ mệnh của Hội An là sáng tạo, chứ không còn là việc tùy tâm, có thì đáng khen, không có thì cứ kinh doanh túc tắc trên những mái nhà cũ, món ăn cũ, đồ thủ công truyền thống nữa. Và đó là lúc mà câu hỏi cốt tử xuất hiện: Hoạt động sáng tạo đang đóng góp bao nhiêu phần trăm vào nền kinh tế du lịch của Hội An?

Không có thống kê. Những du khách hài lòng với việc ngồi xuống các quán ăn ven đường Phan Chu Trinh, thoả mãn khi được chủ quán thông báo: "Quán này đã bán 50 năm và thực đơn không thay đổi". Cơm gà, cao lầu, chè xu xoa,… như một phần danh tính của Hội An, lâu đời và nguyên bản là một giá trị. Sau khi no bụng, họ đứng dậy đi dọc những con phố phủ ánh đèn lồng huyền hoặc, thích thú khi nhặt lên một bức tượng gốm có thiết kế mới, lật giở một mẫu áo dài cách tân, xem một chiếc túi da theo kiểu dáng đương đại. Chúng sẽ được tán thưởng là các nỗ lực "sáng tạo" trong ngành thủ công mỹ nghệ tại Hội An.

Nhưng làm thế nào để biết rằng Hội An đã thực hiện sứ mệnh của một "Thành phố sáng tạo"? Tất cả hòa quyện trong một tổng thể mờ như dưới ánh đèn lồng. Chúng không được bóc tách thành các con số định lượng: bao nhiêu phần trăm GRDP đang đến từ hoạt động sáng tạo? Bao nhiêu mô hình kinh doanh dựa trên sáng tạo, chúng có tăng trưởng không? Bao nhiêu sản phẩm sáng tạo đã được các làng nghề truyền thống đưa ra trong những năm qua?

Trước một bài toán kinh tế hệ trọng, chúng ta chỉ có thể… cảm nhận đề bài. Một vài nhà báo, đến Hội An và phỏng vấn một mô hình kinh tế sáng tạo, có thể tuyên bố rằng Hội An đang làm rất tốt. Còn bản thân tôi, có thể tuyên bố rằng Hội An đang làm rất chậm. Vẫn là những cửa hiệu cũ, dịch vụ cũ, hàng hoá cũ. Đã là cảm nhận thì làm gì có cơ sở biện chứng để truy cứu.

Tương tự, thống kê gần nhất về đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo vào GRDP của Hà Nội - các máy tìm kiếm với AI siêu việt nhất ngày nay tìm được - ở tận năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp chỉ 3,7% tổng doanh thu nội địa của thủ đô, còn riêng lĩnh vực nghệ thuật, giải trí và vui chơi chỉ đóng góp 0,49%. Trong suốt những năm đó, hoặc chúng ta không làm tốt công tác thống kê, hoặc chúng đã được thực hiện âm thầm mà không công bố.

Lại một lần nữa, một vài người, giả như các nhà tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Hà Nội, có thể tuyên bố Hà Nội đã thực sự trở thành một thành phố sáng tạo. Họ trưng ra một vài triển lãm, một vài thiết kế mới, một vài cá nhân đột phá làm minh chứng. Còn tôi vẫn có thể tuyên bố: Hà Nội chẳng sáng tạo gì đáng kể. Không có dữ liệu để truy cứu.

Đà Lạt không khá hơn nếu chưa muốn nói là tệ nhất. Vì ngay cả "cảm nhận" rằng nơi này đã trở thành một thành phố sáng tạo âm nhạc cũng còn khó khăn. Có vẻ như khá nhiều ca sĩ đem show lên diễn ở Đà Lạt. Và chỉ thế thôi? Nội lực của thành phố đã được xây dựng như thế nào?

Nếu không biết câu hỏi là gì, chúng ta sẽ không thể tìm được các câu trả lời hoặc những câu trả lời vô nghĩa. Điều này cũng giống như cắm cúi giải toán khi… chưa hề biết đề bài là gì. Nhưng các hành trình tiến vào kỷ nguyên mới của Việt Nam đều đối mặt với nguy cơ không tìm thấy câu hỏi. Lý do cố hữu: công tác thống kê yếu.

Sáng tạo là một hoạt động cốt tử với một nền kinh tế ngày nay. Những ngày tháng gia công dựa trên thiết kế của người khác và vẫn kiếm đủ lợi nhuận đã đi qua. Bây giờ, nó trở thành một hình thức tự vệ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao trên toàn cầu, khi các nền kinh tế lớn phát động "thương chiến" để bảo vệ nền sản xuất nội địa của họ. Sáng tạo trong kinh tế giúp một quốc gia giảm phụ thuộc vào các nước lớn, khẳng định vị thế và danh tính quốc gia, tìm kiếm các mô hình phát triển bền vững.

Nhưng khi cả ba đầu tàu "sáng tạo" được vinh danh tại Việt Nam đều không thể xác định được trạng thái, chúng ta có một nan đề: mọi tuyên bố về trạng thái sáng tạo của cả quốc gia đều là định tính. Nếu ban biên tập yêu cầu tôi viết một bài khẳng định rằng Hội An, Đà Lạt hay toàn bộ Việt Nam đang hừng hực tinh thần sáng tạo, tôi cũng có thể viết ngay, với dăm ba dẫn chứng. Tôi sẽ lại phỏng vấn Làng Củi Lũ ở Hội An, nói về Mây lang thang ở Đà Lạt, nói về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Nhưng trên tinh thần biện chứng, sau tất cả điều tra, tôi chỉ có thể nói rằng tất cả ở trạng thái mù mờ. Việc đề bài của nền kinh tế vĩ mô mù mờ là điều không thể chấp nhận được. Nhất là khi điều đó được tạo ra từ một vấn đề quá cũ: thống kê yếu, dữ liệu không đầy đủ, xây dựng chính sách không dựa trên bằng chứng.

Hay trạng thái này hữu ích? Khi thương chiến toàn cầu đang đến hồi căng thẳng nhất, chúng ta có quyền được tự "bốc thuốc" trạng thái của mình, cảm thấy nói sao cho yên lòng thì cứ nói vậy?

Đức Hoàng

Con đường Việt Nam

"Vào năm 2008, một điều kỳ lạ đã xảy ra với cách nhìn về luận thuyết của Karl Marx: "Ông ấy đã trở lại!" đã là một cái tít được giật ra bìa trên tờ London Times. Ở Đức, các nhà xuất bản cho biết doanh số bán cuốn "Tư bản luận" đã tăng 300% sau khi một bộ trưởng chính phủ tuyên bố rằng những ý tưởng của Marx "rất đáng được tham khảo". Trong khi đó, tại Pháp, Nicolas Sarkozy bị bắt gặp đang lật giở ấn bản tiếng Pháp của kiệt tác này. Chất xúc tác cho cơn sốt Marx chính là cuộc khủng hoảng tài chính năm đó. Chủ nghĩa tư bản đang sụp đổ. Marx đã tiên đoán đúng về nó".

giay.jpg -0
Doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đang gia công cho nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới.

Trên đây là đoạn trích trong phần nhập dẫn chương 3 của cuốn "PostCapitalism" (Hậu tư bản) của tác giả Paul Mason được xuất bản năm 2015. Sau 10 năm ra mắt, những gì được chỉ ra và cả những dự báo trong cuốn sách này đều đã được phản ảnh trên thực tế. Không ít người đã cùng chung một quan điểm sau khi đọc "PostCapitalism" cũng như quan sát thực tế. Đó là chủ nghĩa tư bản đã đạt đến đỉnh của phát triển và thoái trào. Nhưng kế tiếp nó sẽ là gì? Đó vẫn là câu hỏi mở.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ở lần thứ nhất ông Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ dường như chỉ là một cữ tập dượt cho cuộc chiến lần thứ hai này. Ở nhiệm kỳ của ông Joe Biden, dư luận thế giới dồn quan tâm vào chiến tranh tại Ukraine là chủ yếu nhưng thực chất, lặng thầm phía sau, các chính sách hà khắc của ông Donald Trump trong quan hệ thương mại với Trung Quốc không hề bị xóa sổ. Nó có thể được làm nhẹ bớt đi, nhưng vẫn tồn tại âm thầm và củng cố nền tảng để lần thương chiến này trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Nhưng suy cho cùng, bản chất của cuộc thương chiến với các mức tăng thuế ngẫu hứng và phi lý ấy là gì? Có phải là việc đưa sản xuất trở lại nước Mỹ hay không khi việc chuyển dịch cả hệ thống sản xuất từ quốc gia này sang quốc gia khác có khi sẽ đòi hỏi thời gian dài hơn một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ? Bản chất thật ra rất đơn giản: Nó chính là một khủng hoảng.

Cuốn "PostCapitalism" đã phân tích những khuyết điểm lớn của hệ thống tư bản hiện tại và đề xuất một tầm nhìn về tương lai hậu tư bản. Luận điểm cốt lõi của nó chỉ ra rằng Chủ nghĩa Tư bản (CNTB) đang đối mặt với khủng hoảng không thể giải quyết trong khuôn khổ hệ thống hiện tại của nó. Song song, sự phát triển của công nghệ thông tin (như việc chi phí sao chép gần như bằng 0; các đồng tiền ảo đang thách thức hệ thống ngân hàng trung ương cổ điển…) ngày càng làm xói mòn các cơ chế giá cả và thị trường truyền thống khi ở nhiều lĩnh vực, chi phí cận biên gần như bằng 0. Và cuối cùng, áp lực chuyển đổi đang ngày một lớn khi bản chất hệ thống (của CNTB) đã không còn đáp ứng được xu thế hiện đại và xã hội loài người buộc phải tìm kiếm một mô hình kinh tế mới thay thế.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, CNTB đã trải qua nhiều chu kỳ dài (mỗi chu kỳ khoảng nửa thế kỷ) và các chu kỳ đều kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính 2008 và các khủng hoảng sau đó, cùng với chiến tranh thương mại lên đến đỉnh điểm hôm nay dường như không phải là một cú vấp đơn lẻ mà nó đang phản ảnh thực tế sự lạc hậu của hệ thống so với thời cuộc. Ngoài ra, mô hình của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) ngày càng cho thấy nó hoá ra không đẹp đẽ như mô tả khi đã thất bại trong việc tạo ra môi trường phát triển bền vững và phân phối của cải công bằng. Tất cả hợp sức lại làm suy yếu cơ chế thị trường và thách thức logic truyền thống của hệ thống tư bản.

Trong bối cảnh đó, thật ra Việt Nam đang có một lợi thế rất lớn, phát xuất từ hoàn cảnh của chúng ta cũng như hệ thống chúng ta đang có. Tầm nhìn hậu tư bản đánh giá tương lai sẽ là một xã hội dựa trên hợp tác, chia sẻ thông tin và tài nguyên thay vì cạnh tranh. Trong đó, vai trò của Nhà nước sẽ tích cực hơn trong việc kích thích, hỗ trợ, tạo hành lang cũng như kiểm soát chặt mô hình kinh tế này. Lợi thế ấy của Việt Nam, nhiều năm qua chúng ta vẫn gọi là "Kinh tế thị trường định hướng XHCN", một nền kinh tế mà vai trò điều tiết của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Như vậy, trong cơn bão thương chiến toàn cầu với nhiều kết quả ngắn hạn là không thể đoán trước, con đường Việt Nam sẽ là con đường như thế nào? Chắc chắn, đó phải là một con đường được dẫn dắt chủ đạo từ Nhà nước ngay cả khi thành phần kinh tế tư nhân được tạo điều kiện phát triển trở nên chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu kinh tế chung đi chăng nữa. Chỉ có Nhà nước mới can thiệp sớm để ngăn chặn các lũng đoạn và cũng chỉ có Nhà nước mới có thể định hình sớm để thúc đẩy phát triển thứ chúng ta đang thiếu: sản phẩm đặc sắc thuần túy Việt Nam.

Nếu nhìn vào cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta dễ nhận thấy điểm dễ tổn thương nhất với nền kinh tế ở thương chiến lần này chính là Việt Nam chưa có sản phẩm đặc sắc thuần túy Việt Nam. Một ví dụ đơn giản thôi, doanh nghiệp may mặc của chúng ta có thể gia công cho Nike, cho Adidas, cho H&M hay bất kỳ nhãn hiệu thời trang nào trên thế giới nhưng rốt cuộc, cái chúng ta sản xuất ra không phải hoàn toàn là của chúng ta. Khoác lên một cái mác, chúng sẽ là thương hiệu từ quốc gia khác và chính cái mác đó mới tạo ra giá trị lớn cho sản phẩm chứ không phải công sức của những công nhân Việt và tâm huyết của những doanh nhân may mặc Việt.

May một tấm áo là sản xuất, là gia công. Tạo ra một thương hiệu quần áo đủ sức thu hút người tiêu dùng trên thế giới, đó chính là sáng tạo và tri thức. Chúng ta cần thoát ra dần khỏi vị thế gia công và bắt đầu xây dựng nền sản xuất có thể tạo ra những sản phẩm đặc sắc thuần tuý Việt Nam, những sản phẩm chỉ Việt Nam mới có thể cung cấp và trở thành thói quen sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng toàn cầu.

Chọn ra con đường Việt Nam cần phải đi chính là nhiệm vụ lớn lúc này. Rất cần những chỉ đạo chặt chẽ từ Đảng, Chính phủ và sự đóng góp bằng ý kiến xây dựng, phản biện xây dựng từ đội ngũ trí thức, chuyên gia và cả những nghiên cứu thế giới hiện nay trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn để từ đó, quyết sách đã đưa ra là chuẩn chỉnh và tầm nhìn phải tính bằng nhiều đơn vị thập niên.

Hà Quang Minh

.
.