Văn hóa mạng xã hội: Chủ động được hay không?

Thứ Sáu, 11/04/2025, 11:14

LTS: Đã quá nhiều nội dung rác, nội dung nhảm nhí bỗng dưng trở thành xu hướng theo dõi trên mạng xã hội, mà đỉnh điểm là vụ livestream đấu tố tình ái của những người "được xem là nghệ sĩ" gần đây. Và tranh cãi lại lần nữa dấy lên sau nhiều năm về câu chuyện kiểm soát nội dung trên mạng xã hội như thế nào? Chúng ta có chủ động được hay mặc kệ với sự kiến giải rất AQ là "cái gì tồn tại là hợp lý".

Chống sự nhảm nhí

Trước khi chống lại sự nhảm nhí, ít nhất chúng ta cũng phải định nghĩa được xem rằng rốt cục, sự nhảm nhí của thời đại hiện tại là gì?

Văn hóa mạng xã hội: Chủ động được hay không? -0

Vào buổi tối mà scandal tình ái của một streamer làm mạng xã hội Facebook sáng đèn, tôi cũng ngồi lướt và dù không chủ định, dừng chuột một chút để nghe xem câu chuyện có gì.

Dù đến cuối cùng, tôi cũng không hiểu câu chuyện của họ nói gì, nhưng các con số nói lên rằng đấy là một buổi livestream thu hút sức chú ý "thành công": 1,6 triệu người xem cùng lúc, trong đó doanh thu từ việc người dùng mới đăng ký kênh để được bàn luận trong phiên trò chuyện live đó sơ sơ cũng gần trăm triệu đồng.

Có khá nhiều cái tên mà lần đầu tôi được biết đến chỉ vì scandal tình ái này, dù câu chuyện thì đúng là rất nhảm nhí, theo mọi tiêu chí thuộc nghĩa đen của từ này.

Nhưng rất vô tình thôi, tôi cũng đã góp vào một view (lượt xem) cho sự nhảm nhí ấy: trong lúc cuộn chuột, Facebook đã đưa cho tôi một nội dung để tiêu thụ, và tôi lập tức bị cuốn theo. Phải làm rõ điều này, vì tất nhiên với tiêu chuẩn luân lý của riêng mình, tôi không muốn chọn rác để tiêu thụ.

Tất nhiên là tôi, cũng như đa số mọi người khác, không bao giờ chủ động chọn "hôm nay tôi sẽ ăn một đồ ăn dở" hay "tôi sẽ xem một thứ thật nhảm nhí", mà đơn giản là khi tham gia mạng xã hội, mọi thứ cứ… tự nhiên nó thế.

Lướt điện thoại, tay tự động nhấn vào thứ vô bổ, giống như bước vào một cửa hàng đồ ăn nhanh, thì gần như lựa chọn đồ uống phổ biến của bạn là nước ngọt có gas. Ai cũng biết nước ngọt có gas là có hại, nhưng ngay từ khi lựa chọn bước vào cửa hàng đồ ăn nhanh, bạn đã chọn luôn cho mình mặt hàng chính để tiêu thụ. Việc tuyên truyền là đồ ăn nhanh có hại chẳng có ý nghĩa gì nhiều, vì nó phục vụ cho nhu cầu của xã hội hiện đại: nhanh và tiện lợi.

Nhu cầu ấy là giải trí: Người dùng mạng xã hội toàn cầu, với quy mô khoảng 5,07 tỷ người (62,6% dân số thế giới), dành trung bình 2 giờ 21 phút mỗi ngày trên các nền tảng như TikTok, Instagram, và YouTube, chủ yếu là nội dung giải trí như video ngắn, meme, và âm nhạc, tương đương với khoảng 14 giờ/ tuần/ người, tạo ra một lượng thời gian tiêu thụ khổng lồ trên toàn cầu. 

Nicholas Carr, một nhà văn và nhà phê bình công nghệ, đã phát triển một lý thuyết quan trọng trong cuốn "Trí tuệ giả tạo - Internet đã làm gì chúng ta" (xuất bản năm 2010). Lý thuyết của ông tập trung vào tác động của Internet, bao gồm mạng xã hội, đến cách con người suy nghĩ và xử lý thông tin.

Carr chỉ ra rằng Internet, với đặc điểm là một môi trường gián đoạn (interruption-based), làm thay đổi cấu trúc não bộ thông qua tính chất "neuroplasticity" (khả biến thần kinh, tức não bộ sẽ "uốn dẻo" theo những gì nó tương tác).

Ông cũng chỉ ra rằng hành vi đa nhiệm (multitasking) trên mạng xã hội làm giảm khả năng tư duy sáng tạo, vì nó phá vỡ sự tập trung cần thiết cho suy nghĩ sâu sắc. Ông trích dẫn các nghiên cứu cho thấy đọc trực tuyến dẫn đến mức độ hiểu thấp hơn so với đọc trên giấy in.

Đấy là một phát hiện quan trọng: Tức là ngay cả việc bạn đọc nội dung này ở đâu đã quyết định xem khả năng bạn dính vào sự nhảm nhí ở cỡ nào, chứ đôi khi mọi chuyện không nằm ở tự thân nội dung. Nếu độc giả đọc bài báo này trên một tờ báo giấy thay vì đọc online, xin chúc mừng, bạn đã không tiêu thụ nội dung trong một quán đồ ăn nhanh.

Bạn có thể phản đối tôi rằng nếu "thức ăn" tốt cho não bộ nằm ở giấy báo in, thì chỉ cần đọc sách và báo nhiều lên là xong?

Nhưng những gì đã và đang diễn ra là một lựa chọn của con người hiện đại: Doanh thu quảng cáo từ báo giấy ở Mỹ giảm từ 46 tỷ USD năm 2002 xuống còn khoảng 9,8 tỷ USD vào năm 2022, tức là mất gần 80%. Đây là nguồn sống chính của báo giấy, và khi nó cạn kiệt, nhiều tờ không trụ nổi. Ngay cả ở Nhật, nơi báo in từng là "vua" với gần 50 triệu bản bán ra mỗi ngày vào đầu những năm 2000, đến năm 2022 chỉ còn khoảng 30 triệu bản, giảm 40%. Gần đây, mỗi năm các tờ báo Nhật mất thêm trung bình 2 triệu bản.

Tạp chí Beverage Digest, một nguồn thông tin uy tín về ngành đồ uống tại Mỹ, từng đưa ra một thống kê: khoảng 24% tổng doanh số bán nước ngọt có gas tại Mỹ đến từ kênh fountain  (máy phối trộn nước ngọt có gas, hay dùng trong các nhà hàng đồ ăn nhanh), tương đương với khoảng 2,23 tỷ thùng trong tổng số 9,3 tỷ thùng nước ngọt bán ra mỗi năm tại thị trường này.

Con số này nói lên điều gì? Nếu không bước vào cửa hàng đồ ăn nhanh, nhiều khả năng là bạn sẽ không tiêu thụ nước ngọt có gas, với tác hại đã quá rõ ràng và ai cũng biết. Cũng như tôi đã tiêu thụ một nội dung nhảm nhí không phải vì tôi thích thế, mà tôi đã sai từ đầu kể từ khi quyết định dành nhiều thời gian cho mạng xã hội.

Tất nhiên là bạn có thể tiếp tục vào cửa hàng đồ ăn nhanh và biểu tình chống nước ngọt có gas và cảm thấy khó hiểu là vì sao người ta vẫn bán một thứ như thế mỗi ngày. Nhưng đấy là chuyện làm ăn: khi còn người có nhu cầu tiêu thụ đồ ăn nhanh và các kích thích tức thời, thì công việc làm ăn vẫn ổn. Các nền tảng vẫn hút khách bằng đủ thứ nhảm nhí, nhưng luôn tạo ra sự kích thích.

Và có thể vẫn là bạn, dù chống nước ngọt có gas, nhưng trong một tình huống khác, tuyên bố rằng báo giấy sẽ "chết" vì không hợp thời. Nhưng những thứ không hợp thời chính ra lại là nơi trú ẩn tốt và quan trọng hơn, không bán cho bạn nước ngọt có gas.

Phạm An

Chủ động được hay không?

Ầm ĩ liên quan đến livestream quanh chuyện tình tay ba, tay tư giữa một nữ rapper, một nhạc sĩ trẻ kiêm streamer và một KOC thu hút hàng triệu lượt xem với kết quả là "tất cả cùng được" (theo cách nghĩ của số đông) đã mở ra rất nhiều tranh luận về văn hóa trên mạng xã hội hôm nay. Một lần nữa, sau cả chục năm, lại có những tranh cãi về mặt tích cực hay tiêu cực mà mạng xã hội đem lại. Những tranh cãi ấy thực ra vô bổ khi cái cần hơn là mỗi người phải tự hiểu mình nên tồn tại trong thế giới ảo ấy theo cách nào.

Văn hóa mạng xã hội: Chủ động được hay không? -0

Đã có những quan điểm (thoạt nghe khá logic) cho rằng việc quá nhiều lượt xem dành cho những nội dung xấu (tạm gọi) là bởi vì cộng đồng không có nhiều lựa chọn. Lập luận của những người bảo vệ quan điểm này đơn giản là "nếu bạn bày ra một con phố sạch đẹp bên cạnh một con phố rác rưởi, không ai chọn con phố rác rưởi để lướt qua cả". Song song đó, còn thêm luồng quan điểm tương tự cho rằng "cứ công kích, lên án cái xấu thì liệu nó có bị triệt tiêu hoàn toàn hay không?".

Cùng lúc, có những người xem chuyện triệu người "hóng" buổi livestream đấu tố tình ái kia là "lựa chọn của xã hội". Và một khi xã hội đã lựa chọn, chúng ta cũng cần phải tôn trọng lựa chọn đó.

Sẽ khó đi tới tận cùng của cái đúng, cái sai của mỗi bên quan điểm nếu như chúng ta không thể bình tĩnh suy xét từ đầu, tức là từ khi mạng xã hội ra đời; cách nó chuyển biến, tiến hóa và cách con người thay đổi hành vi cùng với nó. Nhưng khi đã nhắc tới hai chữ "lựa chọn", ta nên đồng thuận trước với nhau rằng "đã lựa chọn là ta có quyền chủ động, chứ không chỉ thụ động nhận về những hiện tượng bất thường".

Trước tiên, tôi muốn lật trở lại câu chuyện của Quang Linh Vlogs và Hằng du mục trước đã. Đây là hai trong số những nhân vật nổi trội trong thế giới mạng xã hội được nhiều người hâm mộ. Kết cục của sự hâm mộ ấy là gì? "Biên tập viên VTV bị fans Quang Linh Vlogs tấn công" chính là một cái tít của một bài báo được đăng tải giữa tháng 3/2025, ngay sau khi BTV Sơn Lâm và Thư Hiền của VTV đưa tin và bình luận về hành vi quảng bá và bán hàng sai sự thật của Quang Linh và Hằng du mục. Chính cái tít ấy là một kết cục mà chúng ta rất dễ có thể chứng kiến trong thời đại này. Chỉ cần lên tiếng đi ngược lại một nhân vật có "số má" trong thế giới ảo, kể cả việc lên tiếng đó là đúng đắn, bảo vệ lẽ phải, chống lại cái sai trái đi nữa, hệ lụy cho người lên tiếng là rất lớn.

Thứ quyền lực có từ số đông ủng hộ kia chính là một điểm tựa để chúng ta càng nhận thấy quan điểm "lên án cái xấu không thể triệt tiêu nó hoàn toàn". Nhưng liệu có chính đính không khi chúng ta chọn một lẽ sống thủ thường bằng cách mũ ni che tai, kệ bên ngoài có xấu đến mấy đi nữa ta cũng tảng lờ vì không muốn nó liên lụy tới mình, đồng thời xem đó không phải là nghĩa vụ của mình?

Bây giờ thì tôi sẽ nói đến chọn lựa. Nếu bạn ngồi trong phòng khách, một buổi tối bình thường, và chợt nghe được từ một video hay một livestream nào đó mà con, cháu bạn đang xem có câu nói "Hút đi, hút cho vui, mấy anh em mình chơi với nhau, ma túy ấy mà, có gì đâu" thì bạn sẽ hành xử thế nào? Chắc chắn, chúng ta sẽ yêu cầu con, cháu mình phải bỏ qua ngay nội dung được cho là độc hại đó. Kỹ hơn, ta sẽ tìm hiểu tại sao chúng lại xem những nội dung như thế, mật độ có thường xuyên không, chúng hiểu gì từ đó và cuối cùng, ta giảng giải cho chúng biết rằng thế nào là sạch sẽ thế nào là độc hại. Nhưng rất tiếc, hiếm khi chúng ta có được cơ hội nghe, xem con, cháu mình đang theo dõi những nội dung nào. Tính cá nhân hóa trong thời đại kỹ thuật số đã khiến với mỗi người, mạng xã hội như một bí mật riêng. Chỉ cần một cái tai nghe, đứa trẻ sẽ thu mình vào thế giới của nó mà vĩnh viễn cha mẹ không bao giờ có khả năng khám phá ra được.

Và điều đáng nói, ví dụ ở đoạn trên là có thật. Nhân vật đã phát ngôn câu nói đó, trong ngữ cảnh đại ý kể lại chuyện nhân vật ấy đã rất khó dụ dỗ một người bạn của mình tham gia cuộc chơi tệ hại kia, là một nhân vật có thật, với lượng người hâm mộ theo dõi đông như một đội quân của một quốc gia mạnh nhất về quân sự.

Họ, những nhân vật có sức ảnh hưởng lan rộng, thích nói gì thì nói, đã tồn tại nghiễm nhiên như vậy, thậm chí kiếm được tiền từ sự tồn tại nghiễm nhiên này, rất nhiều năm rồi. Lý do họ tồn tại ư? Cũng là từ cái mà chúng ta gọi là "tôn trọng quyền lựa chọn của xã hội".

Thực chất, trong thế giới mạng xã hội hôm nay, dù có đa dạng đến mấy đi nữa thì cũng chỉ tồn tại 3 thực thể cơ bản. Thứ nhất là nền tảng. Thứ hai là những người tạo ra nội dung có sức hút trên các nền tảng. Và cuối cùng là những "tín đồ" của những người tạo ra nội dung đó. Cả 3 thực thể cùng chung một điểm duy nhất: hoạt động 24/24.

Trong số những người tạo ra các nội dung có thể tạo sức hút trên các nền tảng, không phải ai cũng là những người cung cấp toàn nội dung xấu. Có rất nhiều nội dung hấp dẫn, lành mạnh, thậm chí lay động lòng người. Các nội dung tích cực đó cũng rất đông người xem, và mang lại doanh thu lớn cho người tạo ra nội dung. Tất nhiên, xã hội mạng cũng không khác gì xã hội ngoài đời thật. Con người luôn dễ bị sa đà vào những gì giật gân, kể cả nó có tiêu cực đến mấy. Nhưng ít ra, có sự tồn tại của những nội dung tích cực giàu sức hút cũng đủ để chúng ta phải tiếp tục đồng thuận với nhau rằng "vẫn có những món ăn ngon".

Gần đây, tôi bị cuốn hút vào các nội dung chuyên về kỹ thuật chăm cây, trồng cây cảnh, cây bonsai. Qua các nội dung tôi xem được, tôi mới nhận ra rằng hóa ra có rất nhiều bạn trẻ đang lựa chọn một đời sống rất đẹp và thậm chí còn làm giàu được từ đời sống đẹp đó. Đơn cử như một nhân vật ở Lào Cai, có nick name là Hải tàu, chuyên đưa các nội dung về "cây du ký vào đá". Các nội dung của Hải chủ yếu xoay quanh việc làm sao để tạo ra rãnh đá đẹp và gắn một thân cây du mong manh lên đó, nuôi dưỡng nó để nó trở thành một tác phẩm bonsai đẹp mắt.

Đó cũng chính là những video ghi lại công việc hàng ngày của Hải, công việc mà tôi tin là mang lại cho cậu doanh thu rất ổn. Và những người trẻ như Hải không hề hiếm. Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Huế, Đắk lắk, TP Hồ Chí Minh cho tới tận miền Tây Nam Bộ, rất nhiều những người trẻ chơi cây đã và đang miệt mài tạo nội dung nhiều người xem như vậy. Song song, họ bán được sản phẩm. Đó có thể là cây cảnh, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ làm vườn v.v và v.v. Họ chỉ có một điểm chung rất lớn: nội dung sạch sẽ.

Và kiểu nội dung như của cộng đồng chơi cây không thiếu. Cộng đồng nấu ăn, cộng đồng thủ công, cộng đồng kỹ năng sinh tồn…, nơi nào cũng đông đảo thành viên và người theo dõi cả. Trong số họ, có ai "nghiện" mạng xã hội như những người nghiện xem các buổi livestream đấu tố, chửi bới nhau, thách thức nhau hay không? Cũng có, thậm chí có nhiều. Chỉ khác là họ lựa chọn khác, nên "cơn nghiện" của họ mang lại một kết quả khác.

Chúng ta ai cũng hiểu một điểm rất đơn giản là nếu ta tìm kiếm thứ gì đó trên Google, các thuật toán sẽ dẫn dắt ta đến những nội dung tương đồng với thứ mình đang tìm kiếm. Chính vì thuật toán ấy, chúng ta sẽ dễ sa vào trùng vây gợi ý của các nền tảng. Sự tham gia của nền tảng trong đời sống mạng xã hội nổi bật ở đó. Cơ bản, tất cả đều hướng vào doanh thu và mặc nhiên thuật toán xác định rằng thứ ta kiếm tìm chính là thứ ta mong muốn, thậm chí có thể là thứ ta sẽ mua. Bởi thế, càng gợi ý nhiều cho chúng ta những nội dung tương đồng càng tốt. Càng được gợi ý nhiều, ta sẽ tạo cho mình một thói quen tò mò vào một vài chủ đề trọng tâm nhất.

Đó chính là lựa chọn, một lựa chọn chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được ngay từ đầu hoặc can thiệp để thay thế một chọn lựa sai lầm khác.

Trong đời sống này, chúng ta thích điều gì? Ấy chính là câu hỏi cần nhất mà mỗi người nên tự hỏi mình. Chẳng lẽ, ngoài chuyện tò mò "anh A sao lại yêu cả cô B lẫn cô C trong khi tối qua mới qua đêm với chị D", chúng ta không còn say mê nào khác sao? Chủ động được hay không trong thế giới mạng, câu hỏi có vẻ đã dần có câu trả lời.

Quay lại với ẩn dụ ban đầu về con đường sạch sẽ và con đường rác rưởi, chúng ta hãy thử mở ra so sánh tương quan thế này. Con đường là nền tảng, sạch sẽ hay rác rưởi là sự biến đổi của con đường do chính người dùng tạo ra. Ném rác ra đường cũng không khác gì đẩy nội dung bẩn lên mạng xã hội cả. Và tại sao chúng ta lại có quyền chỉ trích những người đi dọn rác là "Ngu công dời núi"? Có người ném rác sẽ phải có người dọn rác. Có người ném rác sẽ phải có người lên án hành vi ném rác. Và có người ném rác, ắt sẽ đến lúc cần có chế tài pháp luật thật nặng để răn đe.

Chỉ có một điểm khác giữa con đường và nền tảng mà thôi. Ngoài đời, trót đi vào đường có rác bẩn, ta có thể quay lại ngay, chọn đường sạch sẽ hơn, dù có thể dài hơn. Còn trên mạng xã hội, sự dẫn dụ ngoằn ngoèo dễ làm ta đắm đuối trên con đường ngập rác ấy.

Để kết, xin đưa một ví dụ mà tất cả chúng ta đều sẽ phải đồng thuận với nhau ở mọi điểm. Thực tế, đúng là nhiều nội dung sốc, giật gân, thậm chí bẩn thỉu thu hút hàng chục triệu, thậm chí trăm triệu lượt xem nhưng kỷ lục về lượt xem vẫn chính là những bài hát thiếu nhi. Đó chính là những nội dung đạt tỷ lượt xem sớm nhất trong lịch sử mạng xã hội. Và khán giả của những bài hát thiếu nhi trong sáng đó là ai? Là những đứa trẻ trong sáng.

Giữ mình trong sạch trước cám dỗ của thế giới nội dung trên mạng, âu cũng là một chủ động đúng không nào?

Hà Quang Minh

Ai đưa cái gì "lên ngôi"?

"Lên ngôi" là cách ngôn ngữ Việt mô tả các hiện tượng văn hóa đại chúng trở thành chủ đạo trong đời sống. Một cách dùng từ đặc sắc: nó có tính dân chủ. Ai, cái gì, lên ngôi đều qua bầu chọn.

Văn hóa mạng xã hội: Chủ động được hay không? -0

Trong ngôn ngữ Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất khi bàn đến văn hóa đại chúng, người ta thường dùng từ "dominate" (thống trị) để mô tả các hiện tượng văn hóa nổi bật. Các từ khác, như "widespread" (lan tràn) hay nhẹ hơn là "emerge" (nổi lên) đều là động từ có tính chất chủ quan, nghĩa là chủ thể tự làm được. Khi nói, "Nhạc rap đang thống trị các bảng xếp hạng", ngôn ngữ bắt chúng ta tư duy một chiều: nhạc rap tự làm việc đó bằng quyền lực nội tại của nó.

Nhưng "lên ngôi" trong ngôn ngữ Việt lại khác. Biện pháp hoán dụ này cho phép người ta đặt câu hỏi: Ai đã đưa nó lên ngôi? Cách dùng từ này không tuyệt đối hóa quyền lực nội tại của cái chủ thể đó. Kể cả thời phong kiến đi nữa, ai lên ngôi cũng phải thông qua một cuộc chiến, một cuộc thâu tóm quyền lực và nhận được sự ủng hộ của đa số kia.

Đó là câu hỏi của ngày hôm nay: Khi chúng ta nhìn thấy một hiện tượng văn hóa xấu "lên ngôi", thực ra ai đã làm điều đó? Và ngược lại, tại sao văn học nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa có giá trị khác lại không thể "lên ngôi"? Ai đã không làm điều đó?

Khi hàng triệu người vào xem một livestream cãi lộn về chuyện ngoại tình của những người nổi tiếng; khi một diễn viên "tổ chức họp báo" để thanh minh vì bị tố cáo ngoại tình, khi những người có ảnh hưởng sẵn sàng làm những trò lố lăng tục tĩu để có thêm tương tác, rất nhiều lần, câu hỏi "Tại sao?" đã được đặt ra.

Nhưng nếu nhìn vào các cơ chế giám tuyển, những cơ chế có trách nhiệm đưa cái này hoặc cái kia "lên ngôi" ở Việt Nam, ta sẽ dễ dàng trả lời: vì có ai đưa cái gì khác lên ngôi đâu? Thứ thuận tiện nhất, dễ tiếp cận nhất, là nội dung mạng xã hội, sẽ luôn chiến thắng.

Suốt lịch sử, bất chấp sự bùng nổ của thị trường giải trí, các nền văn hóa luôn tìm cách duy trì những cơ chế giám tuyển độc lập. Người ta có thể chê giải Oscar vào mùa này, hoài nghi giải Emmy ở mùa khác, hay thậm chí là phủ nhận cả giải Nobel (có nhà văn vì bất mãn trả lại cả giải), nhưng có một thực tế: chúng được thiết kế để giám định văn hóa độc lập với đám đông. Người ta có thể thừa nhận hoặc phủ nhận, nhưng họ đi theo lối bình chọn của riêng mình. Oscar không trao giải cho phim kiếm nhiều tiền nhất, Emmy không quan tâm đến phim có rating cao nhất, và Nobel Văn chương không đoái hoài đến số lượng sách của tác giả.

Tại Việt Nam, từ lâu, đã có các ý kiến bất mãn của giới nghệ sĩ với các cơ chế giám tuyển này. Chúng rất ít: một vài giải thưởng của các hội nghề nghiệp và cơ quan thông tấn. Chúng không gây được hiệu ứng lên đại chúng, và thậm chí không trở thành niềm tự hào của người làm nghệ thuật. Một số danh hiệu, ví dụ như trong lĩnh vực kiến trúc, còn gần như tàng hình trước truyền thông. Điều này dẫn đến một bức tranh quái lạ: hầu hết các cơ chế giám tuyển, hay nôm na là cơ chế "giới thiệu cái hay" cho cộng đồng ngày nay đều do chính... nhà buôn của lĩnh vực đó làm.

Nếu bạn nhận giấy mời về một hội thảo về "kiến trúc tương lai", khả năng rất cao rằng nó bị chi phối hoặc thậm chí tổ chức bởi một ông chủ đầu tư bất động sản. Nếu bạn tham gia một tọa đàm về "Hội họa Việt Nam trong kỷ nguyên mới", rất dễ đó là sự kiện do một nhà đấu giá hoặc gallery tổ chức. Một hội thảo về sách, về tâm lý học, cũng thường xuyên là sản phẩm của các công ty xuất bản. Đây là một nghịch lý, khi sứ mệnh của các tổ chức này là tạo ra lợi nhuận từ việc bán hàng. Chúng ta không nên trông vào một ông bán nhà khi cần giới thiệu kiến trúc.

Ai giới thiệu, ai bầu chọn cho thứ gì lên ngôi? Các trường đại học, các bảo tàng, các viện nghiên cứu. Những người sống bằng việc nghiền ngẫm "cái gì là giá trị". Nếu đặt ra câu hỏi đó ở bất kỳ quốc gia nào, câu trả lời chắc là thế. Nhưng ở Việt Nam, câu trả lời là: các nhà buôn, thuật toán mạng xã hội, và công chúng tự loay hoay.

Nhiều ý kiến ngoài nghi về "gu thưởng thức" và "thị hiếu" của giới trẻ trong kỷ nguyên số. Nhưng đó không phải thứ có thể tự hình thành giữa một biển thông tin hỗn độn được tạo ra bởi các nền tảng số. Những nền tảng đó, cũng như một nhà buôn, có trách nhiệm với cổ đông của họ, về việc giành giật sức chú ý của công chúng cho-bất-kỳ-thứ gì. Nó không có nghĩa vụ giám tuyển, không có nghĩa vụ với cái hay, không có nghĩa vụ với bất kỳ giá trị nào ngoài giá trị cổ phiếu.

Ai có nghĩa vụ với việc thứ gì sẽ "lên ngôi"? Nếu chúng ta cương quyết công chúng phải tự xây dựng bộ lọc của riêng mình, câu trả lời đã luôn có trong suốt một thập kỷ qua rồi. Bất kỳ thứ gì, miễn bàn giá trị.

Đức Hoàng

.
.