Ứng phó với thảm họa?
LTS: Cơn bão số 3 (bão Yagi) với sức tàn phá khủng khiếp kéo theo đó là lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc đã tạo thành một thảm họa thực sự. Và nó đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về phương cách ứng phó với thảm họa bởi bão lụt đối với Việt Nam vẫn luôn là câu chuyện thường niên.
Từ thiện trong thảm họa
Mới 8 năm trước, MC Phan Anh kêu gọi được số tiền đóng góp từ thiện lên đến 24 tỷ đồng. Bây giờ, nhiều người nói rằng họ “chỉ gửi tiền đóng góp vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, thì ý tưởng về niềm tin này càng mạnh mẽ: quá nhiều người chuyển một đằng, đăng lên mạng một nẻo. Cá biệt có trường hợp chuyển khoản 10.000 đồng, sau đó đăng lên khoe đã ủng hộ… 100 triệu. Có người quyên góp thông qua cộng đồng được 10 triệu, nhưng chỉ chuyển có… 100.000 đồng.
Chuyện “phông bạt” này thoạt nhìn không gây thiệt hại gì nhiều (ngoài những trường hợp cố ý chiếm đoạt), nhưng thực tế thì nó tiếp tục tấn công vào một vị trí trọng yếu của công tác trợ giúp và ứng cứu người dân trong thảm họa: các hoạt động thiện nguyện và hoạt động nhân đạo từ cộng đồng.
Khi miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão Yagi, trước khi tiền được chuyển khoản đến tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì rất nhiều hàng hóa và tiền cứu trợ đã được quyên góp và đến tay những người cần sự giúp đỡ, nhờ những cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện.
Một trong những vai trò chính của các tổ chức từ thiện xã hội và cá nhân hoạt động thiện nguyện là lấp đầy những khoảng trống mà các tổ chức để lại. Trong thảm họa, điều này đặc biệt cần thiết, vì mọi sự cứu trợ đều diễn ra trong tình trạng khẩn cấp. Thêm vào đó, sự phức tạp của thảm họa khiến nguồn lực công bị kéo căng đến tối đa, và họ cũng cần sự trợ giúp.
Năm 2018, một cuộc điều tra quy mô lớn của báo The Times đã phanh phui nhiều bê bối tình dục của Oxfam khi tiến hành các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thảm họa sau vụ động đất ở Haiti. Một tượng đài từ thiện và nhân đạo với 21 tổ chức hoạt động trên 90 quốc gia đã bị hạ bệ như thế. Sau đó, lần lượt các tổ chức Save the Children, Christian Aid và Chữ thập đỏ Anh cũng bị vướng vào các cáo buộc về đạo đức.
Một nghiên cứu sau đó một năm cho thấy rằng tỷ lệ người nói rằng họ tin tưởng vào các tổ chức thiện nguyện/nhân đạo “khá nhiều” hoặc “rất nhiều” đã giảm từ 63% vào tháng 11/2019 xuống 59% vào tháng 8/2019. Một trong những lý do phổ biến nhất được trích dẫn liên quan đến đạo đức: đơn giản là họ không biết tiền của mình được chi tiêu như thế nào.
Tại Việt Nam, trong một thập niên qua, như đã nói, niềm tin của cộng đồng đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác: từ “chỉ tin vào người của công chúng” giờ đã chuyển sang “chỉ tin vào Mặt trận Tổ quốc”. Trong thực tế, đặc biệt là trong thảm họa, chúng ta cần cả hai. Nhưng quan điểm rằng liệu một con người bình thường có đủ lòng trắc ẩn để ứng cứu và giúp đỡ người khác trong thảm họa, nhất là khi được “tạm ứng” nguồn lực từ cộng đồng, hay không, tiếp tục bị thách thức.
Các ý tưởng cho rằng không thể đặt quá nhiều niềm tin vào con người phát triển cùng với sự tiến bộ của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản, được khái quát ngắn gọn qua một đoạn viết nổi tiếng của kinh tế gia Adam Smith từ quyển 1 của “Sự thịnh vượng của các quốc gia” (1776): “Chúng ta không mong chờ bữa tối từ lòng tốt của người bán thịt, kẻ sản xuất bia hay thợ làm bánh, mà phải xuất phát từ sự quan tâm đến lợi ích của chính họ”.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2008, tỷ phú Bill Gates thậm chí nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích cá nhân trong các hoạt động từ thiện hiện đại: “Thiên tài của chủ nghĩa tư bản nằm ở khả năng làm cho lợi ích cá nhân phục vụ lợi ích chung hơn. Tiềm năng của một khoản lợi nhuận lớn cho sự đổi mới giải phóng một tập hợp rộng lớn các tài năng trong việc theo đuổi nhiều sáng kiến khác nhau”. Quỹ từ thiện của ông hoạt động dựa trên tinh thần chủ đạo này: đóng góp/ đầu tư cho các dự án cải thiện đói nghèo và y tế trên toàn cầu, nhưng không trực tiếp dùng tiền cải thiện ngay trạng thái đói nghèo.
Khi thảm họa xảy ra, chúng ta có xu hướng dùng ý tưởng này để phê phán sự trắc ẩn thuần túy hay nghi ngờ vào con người, rằng đã có quá nhiều bài học về chuyện biển thủ, và làm từ thiện sai rồi.
Nhưng trong thảm họa, đôi khi chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài tin rằng con người có lòng trắc ẩn, tức là sự thương xót từ trong tâm khảm đến người khác.
Một lái xe ôtô che chắn cho người đi xe máy khỏi gió trong cơn bão. Một bác sĩ bán xe ôtô, chấp nhận đi xe máy, để quyên góp tiền giúp đỡ người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi. Đấy đều là chuyện có thật. Cho nên dù biết rằng chúng ta đã mất niềm tin nhiều lần, và đa số con người đều bị dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân, thì tôi vẫn muốn chúng ta đặt thêm niềm tin vào xã hội hóa từ thiện. Chúng ta đã có Nghị định 93 năm 2021 để điều chỉnh chuyện cá nhân tham gia làm từ thiện, để họ buộc phải minh bạch số tiền quyên góp cũng như cách sử dụng nguồn lực được tài trợ.
Và vì thiện nguyện trong những bối cảnh khắc nghiệt cần sự trợ giúp trực tiếp từ cộng đồng. Đấy cũng là một quyết định lý trí: sự nghi ngờ thái quá trong những thời điểm khẩn cấp có thể tước đi cơ hội được giúp đỡ của rất nhiều người.
Phạm An
Quyết tâm sau đau thương
Sau những đau thương, ta có thêm quyết tâm để hành động mạnh hơn nữa cho tương lai.
Từ trước cả bão Yagi, đã có những thầy và trò tại Yên Bái phải di dời, đi học nhờ địa điểm khác. Mùa mưa xuống, nguy cơ sạt lở xuất hiện ở khắp nơi tại các vùng núi phía Bắc. Không phải chỉ có bão Yagi mới gây sạt lở; nó chỉ khiến từ “sạt lở” trở thành một nỗi đau cùng cực và được nhắc đến liên tục.
Thầy và trò ở Hồng Ca, Trấn Yên, Yên Bái đã mất trường từ cuối tháng 8. Một vết nứt xuất hiện, một mảnh đồi chênh vênh, chính quyền xem xét rồi nói: phải di dời. Nhưng di dời đi đâu? Phương án dựng nhà tạm bằng bạt và tre nứa để học tạm được tính đến, nhưng rồi sau vài tính toán, cũng không phù hợp. Thầy trò trường tiểu học và trung học phổ thông đành đi học nhờ, khai giảng nhờ ở trường mầm non của xã.
Cũng không phải là mùa mưa này mảnh đồi sau trường mới xuất hiện nguy cơ sạt lở. Kế hoạch di dời trường và xây mới đã có từ năm trước. Nhưng xây một ngôi trường mới không đơn giản với nguồn lực địa phương. Đến giờ vẫn chưa xây được trường mới. Thế là đến khi những vết nứt xuất hiện, thầy và trò vẫn chưa có trường. Có thể là đến khi quả đồi sau trường thực sự sụp xuống, trường mới vẫn chưa xong.
Không phải chỉ có bão Yagi mới gây sạt lở. Nhưng khi bão đã tan rồi, cái khái niệm tàn khốc ấy có thể sẽ giống bao nhiêu thứ khác trên đời, trôi đi và mờ nhạt trong dòng tin tức.
Tôi nhắn hỏi một đồng nghiệp lớn tuổi, rằng bài báo đầu tiên anh viết về nguy cơ sạt lở do mất rừng là năm bao nhiêu. Anh bảo, năm 1993, ở Lào Cai. Hồi ấy anh đã so sánh những thân cây phi thẳng xuống bản làng, như là loạt mưa tên mà thần rừng bắn xuống. Tôi vào nghề sau anh, thậm chí còn chẳng phải phóng viên thực địa, cũng đã viết những bài cảnh báo nguy cơ sạt lở diện rộng, vì chất lượng thảm thực vật, từ cách đây hơn 10 năm.
Khi một số cơ quan truyền thông nói về việc “tăng cường cảnh báo sớm”, có thể họ đang nói đến phạm vi cảnh báo trong một cơn bão, một mùa mưa. Nhưng nếu nhìn rộng ra, về những cảnh báo vĩ mô, thì không thể sớm hơn được nữa. Thế hệ các nhà báo, nhà nghiên cứu môi trường, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước, đã nhận thức và cảnh báo các nguy cơ nhiều thập niên qua.
Yagi là một cơn bão cực đoan. Nhưng cũng không thể vì Yagi cực đoan mà ta đổ tất cả cho ông trời. Và không thể đặt ra vấn đề: mình có thể làm tốt hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan hay không?
Mùa mưa năm 2023, riêng Yên Bái đã đếm được 300 điểm có nguy cơ sạt lở trải dài ở 75 xã. Chúng không xuất hiện vì bão số 3. Những tỉnh có địa hình phức tạp hơn, như Sơn La, theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào tháng 8/2023 có đến gần 1.000 điểm có nguy cơ sạt lở.
Nguyên nhân, ngoài biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, cũng đã được nhìn nhận từ cách đây nhiều thập kỷ, bởi cộng đồng khoa học và các cơ quan quản lý. Chất lượng thảm thực vật suy giảm, hay nôm na là mất rừng, khiến đất không còn khả năng thấm nước và được giữ vững kết cấu như trước. Khi mới lập nước, diện tích che phủ rừng của Việt Nam là 42%. Con số này giảm xuống tới một nửa trong thập kỷ 90, trước khi có chương trình trồng 5 triệu ha rừng của chính phủ.
Độ che phủ ngày nay đã tăng lên gần bằng mức cũ (khoảng 42%). Nhưng rừng trồng không có khả năng chống lũ như rừng tự nhiên, theo giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng phát biểu trên website của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thì rừng trồng chỉ “có khả năng tích trữ, chống sụt lún, sạt lở bằng 1/5 rừng tự nhiên”.
Việc than thở và đổ lỗi không có ích gì. Những người đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam 40 - 50 năm trước giờ có khi cũng chẳng còn tại thế để trách móc, đay nghiến. Câu hỏi, là sau những gì đã qua, chúng ta có thêm quyết tâm để giữ rừng, giữ đất, giữ nước?
Câu hỏi đó không chỉ dành cho các nhà quản lý, mà còn dành cho cả cộng đồng. Câu hỏi đó không chỉ dành cho mùa mưa bão năm nay, mà dành cho bất kỳ ngày nào trong năm. Khi đồng bào cả nước đồng lòng hướng về những người mất mát sau cơn bão số 3, chúng ta nhìn thấy một sức mạnh. Và sức mạnh đó, quyết tâm đó, ngoài chuyển thành các đợt cứu trợ khẩn cấp, có thể chuyển thành sức mạnh cải thiện hệ sinh thái, đối phó với biến đổi khí hậu?
Có thể, nếu ngày mai bạn tập một thói quen, không bấm “like” cho những video khoe “gỗ quý”, “gỗ khủng” nữa.
Có thể, nếu ngày mai bạn cũng hăm hở tham gia vào một chương trình cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi – dù không phải mùa mưa.
Có thể, nếu chúng ta nhận ra rằng năm nào cũng “có cảnh báo” về những gì có thể xảy ra (chứ không phải sớm hay muộn), và liên tục hành động vì điều đó.
Đức Hoàng
Năng lực trước tình trạng khẩn cấp
Thảm họa, hai tiếng ấy có thể nghe quá nặng nề, nhưng so với những gì mà bão lụt vừa rồi gây ra cho đồng bào miền Bắc, chúng ta khó có thể nào không thừa nhận mức độ của nó là một thảm họa. Chưa vội chỉ nói chuyện của những trận lũ, cơn lở núi chỉ phút chốc vùi cả một thôn trong đêm cướp đi bao nhiêu sinh mạng mà mới chỉ bàn chuyện hậu quả để lại với các doanh nghiệp, các hộ kinh tế gia đình cũng đã đủ để nhận định siêu bão Yagi và lũ lụt do hoàn lưu bão đã ở tầm thảm họa rồi. Khôi phục thế nào, khôi phục bao lâu, ngần ấy câu hỏi đủ khiến chúng ta phải đau đầu.
Vẫn hiểu rằng cấp độ thiệt hại về người và của do thiên tai như trận bão lũ vừa qua không phải là thảm họa thường xuyên nhưng việc đề ra các phương án lâu dài để ứng phó ngay từ lúc này là quá cần thiết. Dễ hiểu, Việt Nam là một quốc gia duyên hải với hình dáng như một cánh cung vươn mình ra biển. Chính cánh cung đó mỗi năm phải đón rất nhiều cơn bão với mức độ tàn phá khác nhau. Và cái dây cung chính là một vùng núi non kéo dài mà từ đó, lũ ở thượng nguồn luôn có thể kéo về bất thần mỗi mùa đủ để lại những vết sẹo rất lâu mới có thể lên da non. Ở vị trí địa lý như thế, việc xây dựng một hệ thống ứng phó quy chuẩn quốc gia là quá cần thiết.
Sau khi bão Yagi tan, đã có vài ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có Bộ Tình trạng khẩn cấp. Đây là một ý kiến đáng lưu ý tuy nhiên cũng cần phải xem xét kỹ. Thành lập thêm một bộ, tức là thêm một cơ quan vận hành cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách. Song, thành lập một cơ quan cấp quốc gia cho riêng các tình trạng khẩn cấp là cần thiết. Cơ quan ấy ở quy mô nào, cần sự đánh giá khách quan của những người hoạch định chính sách, những người điều hành bộ máy Nhà nước, cơ quan lập pháp và cả sự tham gia của những chuyên gia sâu về chuyên môn, có ý thức đóng góp tích cực.
Thực tế, việc đối phó với thảm họa từ xưa tới nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng vũ trang. Không có sự tham gia của lực lượng vũ trang, chắc chắn hậu quả của nhiều thiên tai khó có thể khắc phục được nhanh đến thế. Nhưng lực lượng vũ trang vẫn còn có những nhiệm vụ cấp thiết của mình. Điển hình như lực lượng Công an. Tập trung 100% sức lực trong thời gian ngắn cho việc ứng phó trước thảm họa bão lụt, lực lượng Công an vẫn không thể bỏ bê nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự. Chính vì thế, để tham gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài nỗ lực của từng cá nhân còn rất cần sự nhạy bén, sự sắp xếp thông thái của những người điều hành. Tương tự là lực lượng quân đội. Và chính trong những lúc như thế này, chúng ta mới hiểu một chiến lược bài bản để đối phó tình trạng khẩn cấp với các kế hoạch, kịch bản được xây dựng chi tiết là cần thiết đến mức nào.
Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp cần được xây dựng là để làm những việc ấy: đánh giá tổng quan, đưa ra chiến lược tổng thể dài hơi và lên các kế hoạch chi tiết, khoa học trước các tình huống thảm hoạ cụ thể.
Việc xây dựng một cơ quan như thế, nhiều người đều tin rằng Chính phủ đã có kế hoạch từ rất lâu rồi. Có lẽ, sau mùa mưa bão năm nay, kế hoạch ấy sẽ được thôi thúc hơn, nhất là khi tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày một thách thức hơn với những kịch bản cực đoan khó lường hơn. Song, trước khi hình thành nên một cơ quan cấp quốc gia như vậy, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm lại về năng lực sau các lần thiên tai gần nhất, để đưa ra sách lược phát triển một cách hiệu quả nhất.
Một trong những năng lực mà chúng ta cần nghiên cứu, đánh giá chính là năng lực sơ tán. Nói gì thì nói, thiên tai qua đi, mất mát lớn nhất là mất mát nhân lực. Của cải mất đi có thể làm lại được còn con người thì không. Còn con người, chúng ta còn cơ hội tạo ra lại của cải đã mất. Mất con người, chúng ta mất đi rất nhiều. Và hình ảnh những người trơ trọi ngồi trên các mái nhà ở các trận lụt ở miền Trung nhiều năm qua khi được tái hiện ở miền Bắc gần đây cho chúng ta một câu hỏi lớn: năng lực sơ tán của chúng ta đang ở đâu?
Năng lực sơ tán đầu tiên phải xét đến các điểm: năng lực đánh giá cận chính xác mức độ thảm họa; năng lực cơ sở vật chất hạ tầng hỗ trợ người được sơ tán; năng lực thuyết phục người dân tham gia sơ tán. Đánh giá cận chính xác mức độ thảm họa là công việc của những nhà khoa học và họ đang làm khá tốt cho tới hiện nay. Việc dự báo khá chuẩn cấp độ của bão Yagi đã chứng minh cho điều đó. Còn năng lực cơ sở vật chất hạ tầng và năng lực thuyết phục thì còn phải cải thiện rất nhiều, đặc biệt là năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng.
Đầu tiên, hãy thử đánh giá xem ở mỗi địa phương trong cả nước, nơi nào có điểm an toàn có khả năng tạm trú ẩn cho hàng chục ngàn người sơ tán. Một đất nước có vị trí địa lý phải đón nhận thiên tai thường niên như Việt Nam rất cần những nơi trú ẩn như thế và hãy thử hình dung, nếu Lào Cai hay Yên Bái chẳng hạn có một vài điểm sơ tán an toàn đủ đáp ứng cho một lượng cư dân rất lớn, thiệt hại về con người ở đợt thiên tai vừa qua có thể được giảm đi nhiều tới mức độ nào và nhiệm vụ xử lý hậu quả thiên tai của lực lượng vũ trang sau đó cũng được giảm nhẹ đi khá nhiều.
Điểm khó trong việc thuyết phục người dân sơ tán nằm ở chỗ người Việt thường tin vào thói quen kinh nghiệm. Một người từng trải qua nhiều cơn bão trong đời ắt sẽ khó bị thuyết phục rằng họ rất cần phải rời khỏi nơi cư trú để tới điểm sơ tán. Song, sau những hậu quả khó lường như vừa rồi, có lẽ người dân sẽ cảm thấy kinh nghiệm cá nhân là chưa đủ. Và nếu chúng ta có các cơ sở vật chất hạ tầng sơ tán tốt hơn nữa, việc thuyết phục họ cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều lần.
Ngoài các năng lực cần đánh giá kể trên, một năng lực quan trọng là phổ biến kiến thức, kỹ năng sinh tồn trong thiên tai còn chưa được đẩy mạnh để thành một thói quen của từng người dân. Hãy nhìn vào ví dụ của người Nhật, một đất nước quá quen với động đất. Họ luôn có ý thức cần phải làm gì khi động đất xảy ra, cần phải lưu trữ thường xuyên những gì trong nhà để có thể sinh tồn khi thảm họa ập tới. Tất cả những ý thức đó đều phải đến từ giáo dục, cả ở ghế nhà trường lẫn ở trong cộng đồng sinh sống. Giáo dục này phải được xem là bắt buộc, được lặp lại thường niên. Chỉ có như vậy nó mới tạo ra phản xạ có điều kiện cho từng cá nhân.
Trong một phóng sự mới phát trên VTV hôm 17/9 vừa rồi, nói về ổn định đời sống sau bão Yagi ở Hải Phòng, có một chi tiết rất đáng lưu ý: Sau bão, chính quyền thành phố Hải Phòng nhận thấy sự an toàn của các chung cư cũ là rất đáng ngại và lập tức đã lên kế hoạch di dời các cư dân sinh sống ở đó sang nơi ở mới. Yêu cầu đặt ra từ chính quyền thành phố là phải hoàn thành trước ngày 20/9. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự nhạy bén trong việc lên kế hoạch ứng phó với thiên tai, thảm họa. Mùa mưa bão chưa chấm dứt và việc di dời sớm này chính là nhiệm vụ cần làm ngay. Đợi nước đến chân mới nhảy, rất có thể sẽ trở thành thảm họa thực sự.
Hiện nay, tái thiết lại cơ sở vật chất cho các hộ dân chịu thiệt hại ở miền Bắc cũng là việc mà cả trung ương lẫn nhiều địa phương đang làm. Vậy thì ngoài việc xây dựng, ổn định nơi an cư mới, chú trọng xây dựng các điểm sơ tán khi thiên tai cũng là việc cần làm song song. Từ đó, chúng ta mới có thể bắt đầu tạo cho người dân một phản xạ hữu ích mỗi khi gặp hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường. Đó mới là cách vận hành một bộ máy đối phó các tình trạng khẩn cấp một cách lý tưởng nhất bởi nó có thể giúp giảm nhẹ hậu quả, đặc biệt là thiệt hại về con người.
Nhưng vượt trên hết, chúng ta vẫn cần một năng lực khác nữa được phát huy. Tình trạng khẩn cấp, suy cho cùng cũng chỉ là chuyện bất thường. Đối phó với bất thường, dù gì cũng dễ được cảm thông hơn là đối phó với những cái bình thường. Và thứ năng lực chúng ta cần là năng lực đánh giá thực tế lâu dài và năng lực hoạch định sách lược phù hợp với cái lâu dài ấy. Việt Nam là nước ở hạ nguồn của các con sông lớn nên do đó, sự lệ thuộc vào hoàn cảnh thượng nguồn là rất lớn. Chúng ta đã và đang ứng biến thế nào với các đập, các kênh đào ở nước bạn? Đây là câu hỏi cần đáp án không phải cho ngày hôm nay, mà là cho nhiều thế hệ sau để nhằm có thể chủ động được trước các diễn biến phức tạp từ thiên nhiên và ngoại vi.
Khi chủ động được việc giảm nhẹ hậu quả, tất nhiên, nhiệm vụ tái thiết cũng sẽ giảm nhẹ hơn nhiều.
Hà Quang Minh