Từ đỉnh cao tuyển sinh của ngành sư phạm năm 2021: “Lương sư, hưng quốc”, nhưng…

Thứ Bảy, 02/10/2021, 12:30

Tôi đã từng là một giáo viên. Tôi thi vào sư phạm vì yêu nghề giáo, và mong muốn được trở thành nhà giáo ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông. Mẹ tôi cũng là một nhà giáo, vì thế cả gia đình ủng hộ quyết định gắn bó với nghề giáo của tôi. Ấy vậy mà ngày tôi nuốt nước mắt quyết định giã từ nghề giáo, mẹ tôi cũng không còn cách nào khác ngoài một cái gật đầu: “Thôi, cũng đúng con ạ”.

Tôi không muốn ôn nghèo kể khổ về môi trường nhà giáo mà mình đã từng là một phần trong đó. Bởi ở đó vẫn có những người đồng nghiệp mà đến tận hôm nay nhìn lại tôi vẫn rất mực kính trọng, nhưng quả thật môi trường không như ý cộng với việc đồng lương giáo viên không đủ nuôi chính mình, chứ không nói gì tới việc nuôi con cái khiến tôi không còn quyết định nào khác hơn.

Ở đây, mọi thứ có lẽ cũng xuất hiện từ cái “tính gàn” của tôi: tôi kiên quyết không tham gia vào những đề tài “ma”, kiên quyết không đi luyện thi, dù được nhiều lời mời, và kiên quyết không nhận phong bì của người học. Tôi muốn sống đúng bằng lý tưởng nghề nghiệp, và muốn chứng minh rằng với lý tưởng ấy, mình có thể đi tới tận cùng con đường đã chọn. Nhưng rồi tôi đã không làm được như thế. Đó là điều mà mỗi lần nghĩ lại là một lần tôi tự hổ thẹn với mình.

Tôi không trách đời, không trách người, không trách hoàn cảnh, vì đến tận bây giờ, vì vẫn luôn đau đáu với cái nghề mà mình tin yêu nên nhiều lúc tôi tự đặt ra những câu hỏi: Phải làm gì để có nhiều học sinh giỏi đăng ký vào các trường sư phạm? Phải làm gì để sinh viên sư phạm sau khi ra trường có thể kiếm được việc mà không cần lo lót, chạy ngược chạy xuôi? Phải làm gì để khi đứng lớp, những người làm nghề thực sự có thể vừa thanh thản lương tâm, vừa sống được với đồng lương của mình?

Từ đỉnh cao tuyển sinh của ngành sư phạm năm 2021: “Lương sư, hưng quốc”, nhưng… -0
Ảnh: L.G

Vì tất cả những ý nghĩ đó, nên tôi đặc biệt chú ý đến hiện tượng “điểm cao bất thường” của các trường sư phạm trong mùa tuyển sinh đại học năm nay. Theo thông tin tôi đọc được ở trên những tờ báo uy tín thì trong hơn 200 ngành đại học có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, nhóm các trường sư phạm đã bất ngờ leo lên vị trí thứ hai. Ví dụ mà báo chí nói đến nhiều nhất chính là trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), so với năm ngoái thì điểm chuẩn của ngành Sư phạm ngữ văn năm nay tăng tới 9,25 điểm. Sư phạm địa lý tăng 7,75 điểm. Sư phạm toán tăng 6,1 điểm.

Ở Hà Nội, điểm chuẩn của Đại học Sư phạm Hà Nội cũng không thua gì, nếu không muốn nói là tương đương với điểm chuẩn của nhiều khối trường kinh tế vốn là những trường “hot” nhất. Chẳng hạn điểm chuẩn của ngành sư phạm tiếng Anh lên tới 28,53 điểm. Kinh hoàng! Thật sự kinh hoàng! Bởi 28,53 điểm cũng có nghĩa một thí sinh có ba điểm 9 cho ba môn vẫn sẽ trượt. Ngay cả khi có tới hai điểm 9, một điểm 10 cũng trượt như thường.

Những điểm số cao chót vót này làm tôi sực nhớ đến “thảm họa sư phạm” trong kỳ tuyển sinh năm 2017. Vâng, “thảm họa sư phạm” không phải là từ ngữ của tôi, mà là đánh giá của những nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục thời điểm ấy, khi điểm chuẩn của khối ngành sư phạm thấp tới mức kỷ lục. Tôi nhớ rất rõ là khi đó ở ngay trung tâm Hà Nội, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương chỉ yêu cầu người trúng tuyển đạt 4,3 điểm/môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh lấy 9 điểm đầu vào cho nhiều mã ngành. Phải nhắc lại một cách rõ ràng, chua xót rằng: 9 điểm đầu vào có nghĩa chỉ cần trung bình 3 điểm/môn là được. Trời đất ơi, 3 điểm/môn để vào sư phạm, để sau này đứng lớp, dạy dỗ học trò (nếu những bạn học sinh 3 điểm này đi đến tận cùng con đường, chứ không bỏ ngang như tôi) - đấy không phải là một “thảm họa” thì còn là gì nữa?

Vậy mà chỉ sau 4 năm, câu chuyện hoàn toàn thay đổi. Chỉ sau 4 năm, cái “vực sâu 2017” đã được thay thế bởi “đỉnh cao 2021” – phép màu nào thực sự đã diễn ra?

Tôi đã nghe/đọc rất nhiều lý giải của rất nhiều chuyên gia giáo dục trên các phương tiện truyền thông. Người thì lý giải hiện tượng này ở việc do ảnh hưởng của COVID-19 nên đề thi năm nay quá dễ. Đề dễ thì điểm cao, đấy là điều tất yếu. Nhưng nó cao ở tất cả các khối ngành nói chung, chứ không riêng gì ngành sư phạm, đến mức có những thí sinh đạt tới 30 điểm, nghĩa là ba điểm 10 cho ba môn vẫn có nguy cơ trượt như thường. Cho nên với riêng khối ngành sư phạm, lý do “đề dễ - điểm cao” có thể chưa phải là lý do bản chất. Tôi rất đồng tình với cách giải thích của PGS.TS Lưu Trang – hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng trên báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, rằng nguyên nhân thực sự tạo nên phép màu điểm số của ngành sư phạm năm nay chính là… COVID-19.

Từ đỉnh cao tuyển sinh của ngành sư phạm năm 2021: “Lương sư, hưng quốc”, nhưng… -0
Điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay cao đột biến. Ảnh: L.G

Chúng ta đều đã biết, theo chính sách mới, từ năm 2021, sinh viên sư phạm không chỉ được miễn học phí, mà còn được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng. Và theo PSG.TS Lưu Trang thì sự càn quét của COVID-19 khiến kinh tế của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình nông thôn đi vào khó khăn, khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, nuôi con ăn học đại học là một thách thức thực sự. Do vậy, kỳ vọng con em mình được vào trường Sư phạm thực sự là một “lối thoát” hữu ích. Thực sự là khoản hỗ trợ 3,6 triệu/tháng, lại rơi vào đúng thời điểm kinh tế khó khăn như lúc này là một lý do quan trọng giúp cho cánh cửa các trường sư phạm bỗng nhiên… có giá.

Tuy nhiên cũng chính vì đặc điểm này mà trong tôi nảy lên hai băn khoăn. Thứ nhất, những em học sinh thi vào trường sư phạm vừa để giúp gia đình bớt gánh nặng kinh tế, vừa thực sự là những người yêu nghề thì quá tốt. Nhưng cũng sẽ có những em học sinh chọn trường sư phạm có thể chỉ vì lý do đầu tiên, vậy thì mong rằng trong quá trình học sau này, tình yêu nghề nghiệp sẽ dần dần nảy nở trong lòng các em. Bởi nếu chọn đầu vào chỉ vì lý do kinh tế, những năm ngồi giảng đường sau đó cũng chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế, mà thiếu tình yêu đích thực thì sẽ rất khó làm nghề trọn vẹn.

Thứ hai, nhìn ở cấp độ vĩ mô,  phải làm gì để câu chuyện “đầu vào” của khối ngành sư phạm không chỉ là câu chuyện lấp lánh như trong mùa tuyển sinh 2021? Phải làm gì để “thảm họa sư phạm” như trong mùa tuyển sinh năm 2017 không lặp lại? Tức là phải làm gì để có thể tạo ra những thay đổi thực chất và bền vững, chứ không phải chỉ là những sự trồi lên, thụt xuống mang tính hiện tượng như những gì chúng ta đang thấy?

Theo tôi, muốn tạo ra những thay đổi thực chất như vậy thì  môi trường giáo dục cũng cần phải có những chuyển biến thực chất. Phải làm sao để khi ra trường, sinh viên sư phạm không phải tính đến chuyện lo lót để hoặc có được “một hợp đồng”, hoặc có được “cái biên chế” ở một nơi nào đó? Phải làm sao để khi đứng trên bục giảng, toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp của mình, giáo viên thực sự sống được bằng đồng lương chân chính, mà không phải nghĩ đến chuyện “kiếm thêm” bằng nhiều hình thức khác nhau? Phải làm sao để phát huy dân chủ, tiếng nói của người tài được lắng nghe và thi triển trong mỗi nhà trường? Phải làm sao để khát vọng dạy thật – học thật – điểm số thật thực sự lan tỏa trong từng suy nghĩ, từng hành động của từng giáo viên đứng lớp?

Mặc dù không còn ở trên bục giảng, không còn thực hiện niềm đam mê và những lý tưởng nghề nghiệp mình  vạch ra và theo đuổi ngày nào, nhưng tôi luôn trăn trở nhiều về câu chuyện của ngành giáo dục nói chung, và câu chuyện của những người giáo viên nói riêng. Dẫu sao thì cũng rất phấn khởi khi điểm đầu vào của ngành sư phạm năm nay tăng cao đột biến. Giáo dục là cái gốc của sự phát triển. Trình độ và phẩm hạnh người thầy là cái gốc của giáo dục. “Lương sư” thì “hưng quốc”, tất cả chúng ta đều biết vậy.

Và chúng ta cùng hy vọng những điểm sáng rất đáng ghi nhận của mùa tuyển sinh năm nay sẽ là một động lực để tạo ra những thay đổi căn cơ, thực chất cho ngành sư phạm. Có như vậy thì mới có “lương sư” đúng nghĩa.

Và có như vậy thì mới “hưng quốc” nay mai!

Vương Trọng Tín (Ghi theo lời kể của một cựu giáo viên đã từng hết mình vì nghề nghiệp)
.
.