Trường công và cán cân giáo dục

Thứ Tư, 12/07/2023, 15:40

Mới 2 giờ sáng, phụ huynh đã rồng rắn xếp hàng để nộp hồ sơ ở một số trường dân lập, thậm chí có người “đặt gạch” từ... 12 giờ đêm. 5 giờ sáng, nhà trường mở cổng, bắt đầu phát phiếu cho phụ huynh và sau 3 tiếng, cơ hội đăng ký hồ sơ đã hết. Đấy là cảnh tượng mà nhiều người đã, đang và sẽ còn gặp, thậm chí có thể tự mình trải qua, khi kết thúc kỳ thi tuyển vào lớp 10 ở hà nội.

Cuộc chạy đua làm bạn liên tưởng đến không khí nhốn nháo của những lần tranh cướp mua bán cổ phiếu ở phố Wall.

Thiếu trường, thiếu lớp

Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, 33.000 học sinh không có suất vào các trường công lập, vốn hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh trên toàn thành phố. Về mặt con số, mọi thứ có vẻ ổn.

33.000 học sinh này vẫn còn chỗ ở các trường dân lập hoặc tư thục. Nhưng, ngay trong đêm biết kết quả, cuộc chạy đua khốc liệt đã bắt đầu và cho dù chúng ta đã phổ cập giáo dục rất tốt trong nhiều năm thì những thời điểm này lại phơi bày tính thị trường đến điên rồ của nó.

Trường công và cán cân giáo dục -0
Không khí khẩn trương trước cổng một trường dân lập ở Hà Nội trong những ngày tranh suất vào lớp 10.

Bạn có thể nhìn bằng mắt thường được sự chênh lệch khủng khiếp giữa cung và cầu này. Nhà tôi ở khu Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), đi vài bước chân là đến Trường THCS Nghĩa Tân, cứ tan tầm là đường tắc, chật cứng vì phụ huynh đi đón con. Đi lên một đoạn thì đến điểm tắc ở... cổng Trường Tiểu học Nghĩa Tân. Lý do rất đơn giản: Trường đạt chuẩn quốc gia, với cơ sở vật chất hiện đại. Một lựa chọn vừa (có thể) đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phải chăng về giá cả.

Nhưng, không có nhiều lựa chọn kiểu ấy trong khu vực. Để xây một ngôi trường to đẹp với sự khang trang nhường ấy, tốn cỡ vài thập niên cố gắng, qua nhiều thế hệ thầy và trò. Tôi là học sinh của trường từ lúc nó còn không có một nhà vệ sinh sạch sẽ ra hồn và vườn sinh vật (để học các môn như sinh học) chỉ đơn giản là một cái vườn nhỏ quây lại ở giữa sân trường.

Và, vì gắn bó với ngôi trường lâu đến vậy, tôi nhìn nó hiện tại như một start-up giáo dục thành công đến mức thần kỳ, có lẽ nhờ rất nhiều nỗ lực tự thân, cộng thêm may mắn. Ngôi trường sau 30 năm lột xác hoàn toàn ấy hẳn là tâm huyết của rất nhiều con người. Nhưng, một lý do có lẽ đã đóng vai trò lớn, giúp nó không ngừng phát triển và cho đến giờ vẫn có thể đáp ứng chất lượng giảng dạy với số lượng học sinh không ngừng tăng: Một quỹ đất lớn từ quy hoạch.

Một ngôi trường có diện tích hơn 1.000 mét vuông từ những năm 90, khi dân số của quận Cầu Giấy chỉ bằng một phần mười hiện tại, có thể đã đạt chuẩn quốc gia ngay từ thời điểm ấy. Đâu đó quanh khu vực, bạn có thể gặp nhiều ngôi trường được xây vội vã có diện tích chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba và lập tức hiểu ra rằng nó rất khó đáp ứng chất lượng giáo dục lâu dài, dưới tư cách một thực thể kinh tế, lẫn một ngôi trường. Đơn giản là nó không đủ “dung lượng” để phát triển.

Một quy hoạch tốt có thể tạo ra một ngôi trường công có chất lượng thế kỷ và đấy là vấn đề phải được soi lại hằng năm, dưới kính hiển vi. Ở Mỹ, Trung tâm Thông tin quốc gia về cơ sở giáo dục (NCEF) là cơ quan chịu trách nhiệm chính về tài trợ, đánh giá, bảo trì, vận hành và thiết kế các trường học mới. Đây là nguồn thông tin cơ bản của chính phủ về kế hoạch cơ sở hạ tầng trường học và lãnh đạo giáo dục từ mầm non đến đại học.

NCEF có dữ liệu toàn diện về cơ sở giáo dục. Nó được tài trợ bởi một tổ chức phi lợi nhuận được biết đến là Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng quốc gia, được ủy quyền bởi Quốc hội Mỹ để hoạt động như một cơ quan có uy tín trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xây dựng. Nó cung cấp thông tin rất quan trọng cho các cơ quan chính phủ để quyết định xem việc xây dựng một trường học mới là cần thiết hay không.

Vì dân số tiếp tục tăng mỗi năm, sẽ luôn có nhu cầu tiếp tục xây dựng trường học mới. Khi xây dựng trường học mới, có những công thức địa điểm được đề xuất cho các công trình xây dựng. Đó là 10 mẫu đất cho cấp tiểu học, 20 mẫu đất cho cấp trung học và 30 mẫu đất cho cấp cao đẳng. Phần trăm chi phí cho việc xây dựng các trường học mới có thể được phân bổ dựa trên các đề xuất sau đây: 67% cho công trình xây dựng, 2% cho mua đất, 9% cho phát triển đất, 14% cho trang, thiết bị nội thất, 8% cho phí và chi phí khác.

Trường công là cốt lõi của giáo dục

Những trường trung học có tuổi đời lâu bậc nhất của Mỹ thường là trường tư, trong đó có West Nottingham Academy tại Colorado (Maryland), được thành lập năm 1744 và Phillips Academy tại Andover (Massachusetts), được thành lập năm 1778. Cho đến những năm 1830, nhận thức về giáo dục như một cái gì đó phải có lợi cho số đông công chúng mới được thể hiện rõ ràng, chủ yếu nhờ nhà cải cách giáo dục và chính trị gia Whig Horace Mann.

Mann đã ủng hộ việc đưa trẻ em từ nhiều nền văn hóa khác nhau cùng học tập trong một cộng đồng và khai sinh ra mô hình trường công lập. Đến cuối thế kỷ 19, các bang đã nỗ lực tích cực để nhân rộng mô hình này, bên cạnh các trường tư thục. Và, cho đến giờ, nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới khác, giữ hai lựa chọn này song song trong hệ thống giáo dục. Nhưng, trường công chính là cán cân giữ lại sự công bằng trong giáo dục, với số đông.

Trường công và cán cân giáo dục -0
Trường công là mô hình mang lại sự cân bằng về cơ hội giáo dục cho số đông.

Nghiên cứu của các học giả chính sách giáo dục Christopher A. Lubienski và Sarah Theule Lubienski cho thấy cho phép trường học tư thục hoạt động hoàn toàn độc lập và không có tiêu chuẩn có thể làm suy yếu hiệu suất học tập của trẻ em. Lý do là tại sao phải cố gắng nếu không ai quan tâm?

Ngược lại, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các yêu cầu khắt khe của giáo dục công lập - bao gồm các kết quả kiểm tra được báo cáo công khai và các tiêu chuẩn học tập phổ quát, cùng với các chính sách như quy định chứng chỉ giáo viên (hay ở Việt Nam là các phong trào thi đua giáo viên dạy giỏi) - có tác động tích cực đến cải thiện chất lượng trường học. Tất nhiên, phụ huynh phải có đủ khả năng tài chính để đưa con em mình đến các trường tư thục tốt để đạt được kết quả học tập tốt - và trong trường hợp không có số liệu đáng tin cậy, các phụ huynh không lúc nào biết mình đang bỏ tiền vào đâu.

Và, trong một thế giới có quá nhiều trường tư thục, những người giàu sẽ luôn có điều kiện tốt hơn những người nghèo: Họ có thể trả tiền cho các trường tư thục có chất lượng cao đến mức các trường này sẽ công khai dữ liệu học tập của mình. Với những người khác, việc thiếu các chỉ số minh bạch, dễ so sánh có thể dẫn đến kết quả khác biệt nghiêm trọng cho học sinh tùy thuộc vào thu nhập của gia đình mình.

Điều này giải thích tại sao ở những vùng mà trường tư thục quá phổ biến, bất bình đẳng càng trở nên rõ rệt hơn. Linda Darling_Hammond, giáo sư danh dự tại Đại học Stanford và Chủ tịch Viện Chính sách học tập, chỉ ra Chile là minh chứng cho tác động bất lợi mà một hệ thống giáo dục quá thiên về tư nhân có thể tác động đến công bằng giáo dục.

Ở Chile, hơn 50% học sinh đến trường tư thục được trợ cấp, là kết quả của hệ thống giáo dục thị trường miễn phí được thiết lập vào những năm 1980 bởi nhà độc tài Augusto Pinochet. Ngày nay, chính phủ cung cấp các phiếu trợ giúp học phí, nhưng những khoản trợ cấp đó không đủ để trang trải chi phí cho những trường tư thục cao cấp. Kết quả là, người giàu vẫn có quyền tiếp cận các trường học chất lượng cao hơn, trong khi người nghèo bị mắc kẹt trong các trường học chất lượng thấp hơn mà khoản trợ cấp có thể trang trải.

Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận rằng ý kiến cử tri cho rằng thành phố thiếu trường, thiếu lớp là một góp ý xác đáng: “Quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, đặc biệt là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp”.

Lý do là trong quy hoạch, rất nhiều nơi đã bỏ qua tiêu chí giáo dục: Nhiều khu đô thị xây đã 10- 15 năm, dân cư ở ổn định nhưng các công trình xã hội, đặc biệt là trường học thì hầu như được đầu tư rất chậm. Khi đô thị ngày càng phát triển, người ta lại đặt yếu tố quan trọng nhất xuống hàng cuối cùng, chỉ vì nó là thứ mà chưa cho ra kết quả ngay được.

Nhưng, hậu quả thì sau mỗi kỳ thi, bằng mắt thường, bạn có thể kiểm chứng sự khan hiếm trường công tử tế có thể làm cho thị dân khốn khổ đến thế nào.

Ban Cầm
.
.