Trào lưu Yolo - “Bạn chỉ sống một lần”: Gánh hậu quả nếu hiểu sai bản chất

Thứ Tư, 11/09/2024, 12:48

Yolo - “Bạn chỉ sống một lần” với ý nghĩa tích cực ban đầu là phong cách sống mới của nhiều bạn trẻ trên thế giới và Việt Nam theo đuổi hiện nay. Tuy nhiên, khái niệm này đang dần bị biến tướng, bị hiểu lệch lạc nên kéo theo nhiều hệ lụy xấu.

Trào lưu được nhiều người trẻ theo đuổi

Yolo là viết tắt của cụm từ “You only live once”, mang ý nghĩa rằng bạn chỉ sống một lần trong đời nên hãy sống cho bản thân mình thay vì sống cho người khác, sống cho hiện tại thay vì cho tương lai. Yolo không phải là trào lưu mới, nó được Drake - rapper nổi tiếng người Canada phổ biến từ năm 2011 và nhanh chóng lan ra khắp thế giới.

Bẵng đi một thời gian, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, Yolo trở thành một phong cách sống. Đây được xem là xu hướng đang hot của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Cứ sống thoải mái, sống vì đam mê, sống hết mình cho hôm nay mà không phải để sang ngày mai. Sống trọn vẹn để cống hiến và tận hưởng những phút giây ý nghĩa của cuộc đời. Sống sao cho mỗi phút giây trôi qua đều có ích và để lại những kỷ niệm khó quên cho mai sau.

Trào lưu Yolo - “Bạn chỉ sống một lần”: Gánh hậu quả nếu hiểu sai bản chất -1
Trào lưu theo phong cách sống Yolo đang được một bộ phận giới trẻ hưởng ứng.

Điểm đặc biệt trong xu hướng sống này là dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, sống theo sở thích, đam mê... Dù cho phía trước còn chông gai và nhiều vấp ngã thì hôm nay hãy cứ sống như chỉ một lần duy nhất được sống và tồn tại. Nó như một lời động viên, khích lệ, dặn dò chúng ta phải biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những phút giây mình đang có; giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Đây là động lực giúp các bạn trẻ phá vỡ các rào cản cá nhân để bước ra thế giới rộng lớn, để có thể đạt được những điều bản thân mong muốn.

Ngay khi lối sống này du nhập vào Việt Nam, đã có nhiều bạn trẻ tiếp nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Khi đó các bạn phải lựa chọn hai phong cách sống, đó là “an cư lạc nghiệp hay tuổi trẻ thì phải trải nghiệm?”. Nguyễn Hồng Hoa (sinh năm 1998, Ba Đình, Hà Nội) - một trong những bạn trẻ được coi là thấm nhuần lối sống này. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, thay vì tìm kiếm một công việc ổn định, xây dựng gia đình thì Hoa lại quyết định sống theo ý của mình. “Bản thân em luôn tò mò, muốn khám phá thế giới ngoài kia có gì, rồi nghĩ mình có bị bỏ lỡ điều gì hay không? Liệu khi về già mình có phải hối hận hay không?”, Hoa tâm sự.

Hoa quyết định xin phép bố mẹ để mình trải nghiệm những thứ chưa bao giờ nghĩ tới. Hoa lên kế hoạch cho chuyến “tour du lịch 0 đồng”, đi qua 6 nước Đông Nam Á trong tháng 10/2022. Hoa tâm sự: “Trong chuyến đi ấy, em đã thử làm rất nhiều công việc khác nhau. Khi ấy mình đã biết được năng lực thực sự của bản thân. Mình có thể vừa đi du lịch, vừa trải nghiệm ở bất kỳ đâu ghé chân tới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm nhưng em cảm thấy mình không nuối tiếc việc gì, được sống hết mình cho hôm nay”.

Với cô gái trẻ này, việc chi tiền cho trải nghiệm không có nghĩa là sống buông thả, phung phí cho các món đồ không cần thiết. Vì thế, trong mỗi chuyến đi, cô vừa sống tối giản, vừa theo lối sống Yolo. Tức là sống hết mình với lựa chọn hiện tại, đặt bản thân vào những thử thách mới mẻ để tìm ra chính mình.

Với cách nhìn nhận khác, Nguyễn Thái Hà (sinh năm 1995, Phủ Lý, Hà Nam) lại lựa chọn cách sống Yolo bằng việc dành 80% số tiền kiếm được để chi trả cho các trải nghiệm cá nhân và những sở thích giải trí, thể thao. “Hiện tại, thay vì đắn đo suy nghĩ, nhấc lên đặt xuống về một khoản chi, em đã dứt khoát hơn để thưởng thức các món ăn ở những nhà hàng đắt tiền, hay nâng cấp món đồ công nghệ. Việc sống hết mình ở thời điểm hiện tại sẽ tạo ra động lực nội sinh để hoàn thành tốt công việc. Em cũng sẽ tự mình đặt ra mục tiêu cao hơn để chi trả cho những cảm xúc, sở thích cá nhân”, Hà chia sẻ.

Không phủ nhận lối sống Yolo có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên nhiều bạn trẻ đã hiểu sai bản chất của nó. Có những người dù thu nhập cao nhưng chi tiêu tối đa cho nhu cầu cá nhân nên thường xuyên rơi vào cảnh nợ nần. Thậm chí, họ còn cho rằng, cứ sống cho hôm nay đi, ngày mai tính tiếp nên đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Theo chia sẻ của Ngô Thu Liên (Cầu Giấy, Hà Nội), cô đã thấm thía cuộc sống vật lộn sau một thời gian dài sống theo phong cách Yolo. Cách đây không lâu, sau một vụ tai nạn, Liên phải nhập viện để bó bột do rạn xương. Cô đã phải vay mượn khắp nơi để có đủ 10 triệu đồng lo viện phí. Liên không phải là người khó khăn về tài chính bởi lương của cô hơn 20 triệu đồng/tháng. Tháng lương gần nhất, cô nàng này đã dành tiền mua chiếc túi xách 12 triệu đồng, chi trả 3 triệu tiền thuê trọ và 4 triệu đồng cho khóa kick-boxing có huấn luyện viên riêng. “Thực sự, em thấy khó khăn quá, tiền viện phí là khoản phát sinh, nằm ngoài kế hoạch nên phải đi vay mượn. Bây giờ mới thực sự thấm thía cảnh không có tiền tiết kiệm”, Liên kể lại.

Một bạn trẻ khác là Lê Mạnh Hưng (Đan Phượng, Hà Nội), dù đã ngoài 30 tuổi nhưng Hưng chưa có ý định xây dựng gia đình riêng. Từ ngày ra trường, Hưng chưa bao giờ có ý thức phải tiết kiệm cho những việc lớn như mua nhà, sắm xe hay cưới vợ. Toàn bộ số tiền lương 30 triệu đồng/tháng Hưng dùng để phục vụ nhu cầu cá nhân. Vốn là người ưa công nghệ, thích thời trang nên Hưng liên tục thay điện thoại, máy chơi game đời mới. Quần áo, phụ kiện thời trang toàn đồ hiệu, cái rẻ nhất cũng có giá vài triệu đồng. Mỗi ngày đi làm, Hưng chi từ nửa triệu đến cả triệu đồng cho tiền cà phê và ăn uống cùng đồng nghiệp.

“Tôi không muốn sống giống bố mẹ mình, phải dành dụm từng đồng cho gia đình và từ bỏ ước mơ, sở thích của bản thân. Tôi muốn làm ra tiền để được mua những thứ mình thích”, Hưng cho hay.

Hệ lụy xấu nếu hiểu sai

“Bạn chỉ sống một lần” với hàm ý tích cực, là phong cách sống mới được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, khái niệm này đang dần bị biến tướng, mang đến không ít những hệ lụy xấu. Có thể thấy Yolo đang bị các bạn trẻ lạm dụng, họ chỉ tập trung vào hiện tại, cái gì cũng muốn “luôn và ngay”. Họ thích tiêu tiền vào những thứ làm nổi bật bản sắc cá nhân của họ mà người ngoài nhìn vào không mấy thiện cảm vì căn bệnh hình thức, lòe, khoe của...

Trào lưu Yolo - “Bạn chỉ sống một lần”: Gánh hậu quả nếu hiểu sai bản chất -0
Nhiều người hiểu sai về phong cách sống Yolo nên đã nhận hệ lụy xấu.

Họ bị kích thích bởi cảm giác khan hiếm giả tạo nên chỉ thích săn lùng hàng hiệu (được thiết kế độc bản, không dụng hàng) để trưng diện. Thậm chí, sẵn sàng sử dụng hàng fake, thuê đồ chỉ để “check in”. Nhiều người trở nên nghiện mua sắm và mua sắm theo trend, theo dư luận mạng xã hội, theo quảng cáo một chiều từ những người ảnh hưởng chứ không phải xuất phát từ cái mình cần. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ Yolo luôn trong tình trạng mất cân bằng tài chính. Họ làm ra được bao nhiêu tiêu hết. Họ còn vay trước để tiêu và đến những giai đoạn khủng hoảng xã hội như COVID-19 thì không còn gì để sống nữa.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), đưa ra quan điểm: “Không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng, nhiều người sống theo phong cách Yolo đang trở nên coi thường các quy định và có xu hướng phá vỡ những chuẩn mực. Nam thanh niên sẵn sàng uống rượu say, rồi đua xe gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng; những cô gái Yolo có thể sẵn sàng “cởi hết” sau một sự kiện vui và buông thả trong các mối quan hệ. Yolo bị lạm dụng khiến cho nhiều bạn trẻ đang bán rẻ tương lai. Đừng để Yolo thành một lời xin lỗi vì bạn chưa giàu đã già”.

Theo ông Nam, một phần nguyên nhân là từ bộ phận không ít cha mẹ thế hệ trung lưu mới nổi, giàu xổi nên cưng chiều con hết mực. Họ sẵn sàng mọi điều kiện cho con thụ hưởng sớm, khiến con sống Yolo từ bé theo phong cách cha mẹ. “Mặt trái của cách sống này là khiến trẻ không yêu lao động, không tôn trọng một số nghề lao động chân tay. Bên cạnh đó, khiến hành vi sống hưởng thụ leo thang. Chẳng hạn, một đứa trẻ từ nhỏ ăn vạ mẹ để đòi mua bộ đồ chơi lego, lớn lên có thể đòi những cái khác giá trị hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Khi giới trẻ hiểu sai về lối sống Yolo rất dễ khiến họ thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, rất dễ rơi vào tình trạng suy sụp khi rủi ro hoặc biến cố xảy ra. Theo Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do Backbase thực hiện đầu năm 2021, cho thấy, có tới 67% người Việt Nam được khảo sát đang thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền cũng cao nhất trong 10 nước được khảo sát.

TS. Trương Tuấn Anh, Viện Chiến lược và Phát triển kinh tế cho biết, mỗi cá nhân đều phải hiểu đúng và học cách quản lý tài chính cá nhân bao gồm cả kiếm tiền, tiết kiệm tiền, đầu tư, bảo hiểm, hưu trí và quản lý gia sản. Ví dụ, với phương pháp 50-30-20, lời khuyên phổ biến là 50% tiền lương dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% chi tiêu linh hoạt, 20% tiết kiệm và đầu tư.

“Chúng ta không thể lường trước được việc gì sẽ xảy ra vào ngày mai, chính vì thế cũng nên tính toán các khoản tiết kiệm. Như đại dịch COVID-19 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất về điều này”, ông Trương Tuấn Anh chia sẻ.

Đinh Hiền
.
.