Trách nhiệm của VĐV trong câu chuyện trắng tay ở Olympic

Thứ Sáu, 30/08/2024, 07:48

Ngay thời điểm VĐV Việt Nam cuối cùng khép lại hành trình ở Olympic Paris, ngành thể thao đã liên tiếp phải nhận chỉ trích vì hai chữ "trắng tay". Các VĐV, HLV cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc này, nếu như nhìn vào hành trình từ Olympic Tokyo đến nay.

Qua 3 năm vẫn gặp vấn đề về "tâm lý"

Tại Olympic Tokyo, Nguyễn Huy Hoàng là 1 trong 2 đại diện Việt Nam thi đấu môn bơi. Mặc dù sớm dừng bước sau vòng loại đầu tiên của 2 nội dung, Huy Hoàng để lại ấn tượng nhờ thông số khá tốt. Ở thời điểm ấy, anh chính là VĐV châu Á có thành tích tốt nhất ở đường bơi 800m và 1.500m.

anh2.jpg -0
Trịnh Văn Vinh dự Olympic và không đạt thành tích như kỳ vọng.

Ba năm sau, Huy Hoàng tiếp tục đến Paris tham dự 2 nội dung trên. Tuy nhiên, thành tích của anh không còn như trước. Mọi thông số Huy Hoàng đạt được kém xa chính anh 3 năm trước, kém cả thành tích VĐV này thiết lập tại 2 kỳ SEA Games gần nhất. Và khi ấy, Huy Hoàng đã nói những gì?

Ban huấn luyện đội tuyển bơi Việt Nam và Huy Hoàng cho biết, VĐV này đạt thành tích không như kỳ vọng vì "căng thẳng tâm lý". VĐV bơi số 1 Việt Nam thời điểm hiện tại nói, anh cảm thấy có phần bối rối khi đứng xung quanh mình là những VĐV to cao hơn, mạnh mẽ hơn đến từ châu Âu và Mỹ. Điều đó khiến anh không thể hướng đến kết quả tốt nhất.

"Căng thẳng tâm lý" là lý do được nhiều VĐV, HLV đưa ra khi thành tích không như kỳ vọng. Đằng sau lý do này là một sự thật: Có rất ít phương pháp đo lường, đánh giá được vấn đề tâm lý VĐV. Họ phải tự điều chỉnh thông qua trải nghiệm của bản thân. Vì thế, thay vì đổ lỗi cho tâm lý, ta nên đề cập đến phương diện kinh nghiệm thi đấu của VĐV.

Ở góc độ này, Huy Hoàng có thể được xem là VĐV giàu kinh nghiệm bậc nhất của bơi Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, Huy Hoàng và các tuyển thủ đội tuyển bơi Việt Nam thường xuyên có thời gian tập huấn dài ngày tại Hungary. Đây là cường quốc hàng đầu thế giới ở môn bơi, và các VĐV của họ đã giành 3 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Olympic vừa qua.

Bên cạnh đó, ta không thể không so sánh thành tích của Huy Hoàng trong quá khứ và hiện tại. Khi mới 18 tuổi, Huy Hoàng đã giành HCB ASIAD, giành huy chương giải vô địch trẻ thế giới cùng những thông số rất tốt. Nhưng từ đó đến nay, thành tích của Huy Hoàng có phần thụt lùi, đặc biệt là khoảng thời gian từ ASIAD 2023 đến Olympic Paris.

Với những VĐV đã ở đỉnh cao sự nghiệp như Huy Hoàng, họ hiểu rõ hơn ai hết áp lực đặt lên mình. Việc biến áp lực thành động lực hay vật cản cho bản thân phụ thuộc vào ý chí của VĐV. Vì thế, ngay cả trong trường hợp thi đấu không như ý vì gặp tâm lý, đó cũng là lỗi của cá nhân Huy Hoàng.

Cá nhân Huy Hoàng, cũng như ban huấn luyện đội tuyển bơi Việt Nam cần làm rõ vấn đề xung quanh thành tích của anh. Nguyên nhân của mỗi thất bại cần là những đại lượng có thể đo lường được, thay vì những nguyên nhân thiếu rõ ràng như tâm lý. Bởi, trước Olympic Paris, Huy Hoàng tự tin tuyên bố mục tiêu của anh là lọt vào vòng đấu chung kết.

Olympic, thế giới và SEA Games

Vào thời điểm Trịnh Văn Vinh thất bại trong lượt cử giật thứ 3 ở Olympic Paris, Lại Gia Thành và Ngô Sơn Đỉnh nghĩ gì? Đây là 2 VĐV cử tạ Việt Nam được đánh giá rất cao, có tố chất thi đấu quốc tế. Nhưng thay vì lên hạng cân 61kg cạnh tranh sòng phẳng cùng người đàn anh, cả hai lựa chọn "an phận" ở hạng 55kg, vốn không nằm trong Olympic.

3 năm trước, tại Olympic Tokyo, ngành thể thao từng nói môn cử tạ gặp khó khăn vì Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) bất ngờ điều chỉnh hạng cân thi đấu. Đến ASIAD vừa qua, rồi sau đó là Olympic, lý do này lại được đưa ra. Nhưng trong khi cử tạ Việt Nam thụt lùi, những quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines vẫn thành công.

Lại Gia Thành và Ngô Sơn Đỉnh có thể mang tố chất tốt như những chuyên gia đội tuyển cử tạ Việt Nam nhận định. Nhưng tại sao họ lại không đôn cân thi đấu ở hạng mục nằm trong chương trình Olympic Paris? Tại sao họ quyết định an phận thủ thường ở một hạng cân không nằm trong chương trình thi đấu Thế vận hội, cùng danh xưng đẳng cấp thế giới?

Trong phạm vi cử tạ Việt Nam, Thạch Kim Tuấn là người hiếm hoi đôn cân lên thi đấu để nhắm đến mục tiêu Olympic. Anh có thể chưa từng giành huy chương Thế vận hội, nhưng xứng đáng được ghi nhận vì không ngại chinh phục dấu mốc mới cho bản thân. Đó cũng là điều được nhiều VĐV quốc tế hướng đến.

Trước thời điểm IWF điều chỉnh hạng cân thi đấu, Maude Charron (Canada) là một trong những VĐV hàng đầu thế giới ở hạng 63kg nữ. Cô lên ngôi vô địch tại Olympic Tokyo với hạng cân mới 64kg. Tuy nhiên, hạng cân này lại không xuất hiện ở Olympic Paris, khiến Maude Charron một lần nữa phải điều chỉnh nội dung thi đấu. Cô ép cân để xuống hạng 59kg.

Ba năm trước tại Nhật Bản, Maude Charron đạt mức tổng cử 236kg. Đến Olympic Paris vừa qua, cô tiếp tục tái lập thành tích này, dù nhẹ hơn 5kg so với trước đây. Đó thực sự là minh chứng cho thấy thành quả của nỗ lực, nếu VĐV sẵn sàng bước ra vùng thoải mái của họ và hướng đến kết quả cao.

Tiền và tự mãn

Vào thời điểm Ánh Viên đạt thành tích không như kỳ vọng ở Olympic Tokyo, từng có ý kiến cho rằng cô thụt lùi vì "ưu tiên SEA Games hơn Thế vận hội". Quan điểm này có phần không chính xác. Ánh Viên mới "chỉ" giành 25 HCV ở các kỳ SEA Games. Joseph Schooling, VĐV bơi Singapore từng vô địch Olympic Rio 2016, thậm chí có tới 29 HCV SEA Games.

anh1.jpg -0
Huy Hoàng và Ban huấn luyện khẳng định mình bị tâm lý nên không thi đấu tốt tại Olympic Paris.

Panipak Wongpattanakit, VĐV Taekwondo người Thái Lan giành 2 HCV Olympic Tokyo và Paris, cũng xuất hiện tại mọi giải đấu quốc tế lớn nhỏ. Cô tham dự trọn vẹn mọi kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic, cũng như những giải vô địch Taekwondo cấp độ châu lục. Đó thực sự là minh chứng sống cho thấy, ngay cả những nhà vô địch Olympic cũng "cày" HCV SEA Games.

VĐV Việt Nam không có lỗi khi cày ải ở những đấu trường cấp độ khu vực như SEA Games. Thứ nhất, họ làm theo chỉ đạo của huấn luyện viên và ban huấn luyện đội tuyển quốc gia. Thứ hai, giành huy chương SEA Games đồng nghĩa với nhiều khoản thưởng ở cấp trung ương và địa phương. Điều này cũng liên quan trực tiếp đến chế độ đãi ngộ của VĐV tại địa phương.

Suy cho cùng, VĐV chỉ là người làm công ăn lương. Họ nhận lương hàng tháng, và thi đấu theo yêu cầu của đơn vị chủ quản. Trên phương diện người lao động, VĐV đương nhiên muốn hướng đến những công việc mang lại thu nhập tốt. Bởi, phần lớn VĐV thể thao Việt Nam có gia cảnh dưới mức trung bình. Phía sau họ là nỗi lo cơm áo gạo tiền của một gia đình.

Điều đáng trách ở VĐV là nhiều người trong số họ sớm nảy sinh thái độ tự mãn, mắc bệnh ngôi sao khi bắt đầu có thành tích tốt, cùng một chút tiền thưởng. Việc này xảy ra ngay cả trong một số gương mặt đại diện thể thao Việt Nam tham dự những giải đấu lớn như Olympic. Chính thái độ thiếu cầu thị đó đã giết chết sự nghiệp của nhiều VĐV Việt Nam.

Một trong những VĐV Việt Nam mất nghiệp vì thái độ chính là cựu tuyển thủ thể dục dụng cụ Phạm Như Phương. Nguyên nhân chính khiến Như Phương nghỉ thi đấu không phải việc cô tố cáo mình bị ăn chặn tiền thưởng, cũng như tham gia bớt xén ngân sách thông qua việc chấm công tập luyện ngày Chủ nhật. Câu chuyện bắt nguồn từ lối sống, thái độ tập luyện.

Trước thời điểm Như Phương gây chú ý bằng câu chuyện "ăn chặn" tiền thưởng, cô thường xuyên đăng những tấm hình, video cho thấy cảnh vui chơi vào buổi tối. Điều đó liệu có phù hợp với những VĐV vốn đã mệt nhoài vì tập luyện ban ngày? Những bê bối sau giải nghệ của Như Phương càng cho thấy một con người rất khác của vận động viên này.

Điều may mắn của thể thao Việt Nam là những VĐV kể trên chỉ chiếm một con số rất nhỏ. Phần lớn trong số họ vẫn chăm chỉ tập luyện, cần cù và hướng đến kết quả tốt hơn trong tương lai. Một VĐV đỉnh cao từng nói: "Nếu không có thể thao, chắc em chẳng bao giờ bước chân khỏi làng, nhà cũng chẳng bao giờ được sửa chữa. Chính thể thao đã cho em tất cả".

Tuyển thủ quốc gia sẽ được tăng đãi ngộ

Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, tính toán lại ngày công, ngày lương cho VĐV, HLV đội tuyển quốc gia. Qua đó, chế độ và chất lượng cuộc sống của VĐV, HLV sẽ được cải thiện nhiều hơn trong tương lai. Các cơ chế khuyến khích tài năng thể thao cũng bắt đầu được áp dụng ở một số địa phương.

Việt Nam hiện có khoảng 22.000 vận động viên trực thuộc các địa phương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đây là con số không hề nhỏ, nếu chưa bao gồm danh sách các huấn luyện viên, nhân viên phòng ban, cũng như VĐV thuộc các lứa năng khiếu, phong trào của Việt Nam.

Với những VĐV thể thao thành tích cao, cách duy nhất giúp họ cải thiện thu nhập lúc này là đạt thành tích tốt tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Trong trường hợp VĐV giành huy chương tại các giải quốc gia, mức phụ cấp hàng tháng ở địa phương sẽ được tăng thêm khoảng 2-4 triệu đồng/tháng.

Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc nâng cao chế độ cho VĐV, HLV đạt thành tích cao tại các giải quốc tế. Theo đó, bên cạnh tiền thưởng một lần, VĐV HLV có thành tích thi đấu quốc tế còn được nhận trợ cấp hàng tháng, không tính vào tiền lương. Con số này ở mức 7 triệu đồng/tháng với tuyển thủ quốc gia, 15 triệu đồng/tháng cho HCV SEA Games.

Đơn Ca
.
.