Trà sữa và sự trỗi dậy của phương Đông

Thứ Hai, 27/02/2023, 11:39

Vài tuần trước, tôi mở trang Google để tra cứu một vài thông tin như hằng ngày vẫn thường sử dụng và chợt thấy trên thanh tìm kiếm hình ảnh một chú chó đầu bếp mời gọi tôi chơi một trò chơi. Trò chơi rất đơn giản, tôi chỉ việc làm theo hướng dẫn để pha một món đồ uống, đầu tiên là đổ vào ly một ít trân châu, sau đó là một ít trà nóng, tiếp theo là một ít sữa, rồi cuối cùng lắc đều. Vâng, tôi đang pha một ly trà sữa hoạt hình và thanh tìm kiếm của ngày hôm ấy đang tôn vinh trà sữa trân châu, một thức uống mà ta vừa dễ say mê, vừa dễ kỳ thị nó.

Bạn say mê hay kỳ thị trà sữa? Xung quanh trà sữa là vô vàn những lời đồn, rằng trà sữa gây ra béo phì, tiểu đường, rằng trà sữa là nguồn phát thải rác nhựa khổng lồ của đời sống đô thị. Trà sữa, với nhiều người, thực sự là một vấn nạn. Với những kẻ khác, trà sữa lại là thứ có tác dụng chữa lành. Thật thế, hãy đến một văn phòng agency sáng tạo vào một buổi chiều trong tuần nào đó, khi tất cả nhân viên đang mệt phờ sau một ngày làm việc vất vả và bỗng nhiên, khi chuẩn bị cắp cặp đi về thì một đầu việc từ trên trời rơi xuống. Bạn phải ở lại làm việc thêm. Và, sếp lúc đó nhất định sẽ hứa: Cố gắng nhé, ngày mua anh/chị đãi... trà sữa. Vì một cốc trà sữa, bạn tặc lưỡi ở lại làm việc.

Say mê cũng được, kỳ thị cũng xong, dù sao đi nữa thì trà sữa vẫn là một hiện tượng xã hội, có lẽ là thứ thức uống bành trướng nhanh nhất từ sau sự ra đời của những lon nước ngọt có ga. Khác nhau ở chỗ, nước ngọt có ga là hình tượng của chủ nghĩa tiêu dùng của phương Tây tràn vào phần còn lại của thế giới, còn trà sữa trân châu đại diện cho ẩm thực Á Đông đang dần len lỏi vào đời sống phương Tây.

Trà sữa và sự trỗi dậy của phương Đông -0
Google tôn vinh trà sữa trân châu.

Trà sữa như ta biết ngày nay bắt nguồn từ đảo Đài Loan, nhưng nguồn gốc của nó thì còn xa xưa hơn thế nhiều. Lịch sử của trà sữa gắn liền với lịch sử giao thương, trao đổi các ý tưởng giữa Đông -Tây và khi nhìn một cốc trà sữa, ta đừng nên chỉ nhìn nó như một ly nước giải khát hay món đồ yêu thích của những người trẻ vô ý thức với cơ thể mình. Bởi cần cả ngàn năm để có được cốc trà sữa như cốc trà sữa trước mặt ta. Chính trà sữa là biểu tượng cho một thế giới đa mạng lưới, nơi mà càng truy xuất nguồn gốc, ta càng thấy thế giới này đan móc với nhau sâu sắc thế nào, tiếp nhận từ nhau nhiều ra sao, như một đường tròn không có điểm đầu hay điểm cuối.

Cụ thể, theo Miranda Brown, một giáo sư Hán học của Đại học Michigan, trà sữa đã có mặt từ thời... nhà Đường ở Trung Hoa, vào thời ấy, người Trung Hoa đã dùng trà đen với sữa hay kem, một thói quen học được từ các bộ tộc du mục ở thảo nguyên phương Bắc. Đến thế kỷ 17, khi người châu Âu đáp những chuyến tàu cập bến Trung Hoa, họ liền học hỏi cách uống trà với đường hoặc sữa từ người bản địa, trong khi ở chính Trung Hoa thì món trà sữa dần trở nên lỗi thời và rồi vào thế kỷ 19, giới quý tộc Anh quốc lại đem trà sữa trở lại vùng đất này. Mãi tới thập niên 80 của thế kỷ trước, một phụ nữ Đài Loan trong một ngày làm việc buồn chán đã thử bỏ vài thìa bánh trân châu vào ly trà sữa của mình, một cơn sốt trà sữa nổ ra, đầu tiên là trên khắp Đông Á và sau đó lan dần sang khắp Mỹ và châu Âu.

Hình ảnh trà sữa thường gắn liền với nền văn hóa thanh xuân vườn trường thường thấy trong các bộ phim xứ Đài. Trong “Thời đại thiếu nữ của tôi” của đạo diễn Trần Ngọc San, một tác phẩm tình yêu học đường lấy bối cảnh những năm 1990 với kinh phí chỉ 2 triệu USD nhưng doanh thu hơn 80 triệu USD, khán giả sẽ thấy các nhân vật chính thường ngồi đọc sách với nhau bên trong một quán trà kem sữa. Ngọt ngào, beo béo, dễ nghiện như tuổi trẻ, trà sữa luôn mang hình ảnh thơ ngây và cái nhìn cuộc sống màu hồng trong veo. Nhưng, có thật chỉ là như vậy không?

Cùng thời điểm với cơn sốt trà sữa trân châu đầu tiên ở Đài Loan, khoảng thập niên 80 và thập niên 90 cũng chứng kiến sự cởi trói của xã hội Đài Loan sau khi thời kỳ thiết quân luật mà Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đặt ra bắt đầu dãn dần rồi chính thức chấm dứt. Các phong trào văn chương và điện ảnh bản địa dâng trào ồ ạt, sản sinh ra những bậc thầy nghệ thuật lớn nhất châu Á bấy giờ như Hầu Hiếu Hiền, Dương Đức Xương hay Lý An, Thái Minh Lượng. Năm 1993, Lý An làm bộ phim “Hỷ yến” kể về Wai-Tung, một anh chàng đồng tính Trung Hoa đã định cư ở Mỹ nhiều năm. Anh sống cùng với một người bạn trai nước ngoài, nhưng anh chưa bao giờ dám thừa nhận tính giới của mình cùng cha mẹ, những người già đại diện cho các giá trị theo anh là đã hóa đá từ lâu. Một ngày nọ, cha mẹ anh đùng đùng sang Mỹ và anh lên kế hoạch cưới vợ giả hòng qua mắt phụ huynh, song cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.

Khó có thể tưởng tượng một bộ phim với tâm thức tự do như vậy được làm vào thời kỳ trước đó, chỉ trong xã hội đang xào xáo lại các giá trị, nơi truyền thống đã lung lay nhưng hiện đại vẫn còn đầy nghi vấn, thì “Hỷ yến” mới có thể ra đời. Nồi lẩu thập cẩm tây-ta trong danh tính của Wai-Tung dường như cũng rất giống với lịch sử dịch chuyển liên tục xuyên các bờ đại dương của... trà sữa, với các dòng chảy văn hóa tác động qua lại lẫn nhau. Trà sữa dường như có trong mình nỗi băn khoăn của người châu Á khi họ ngày càng sống giống với người Tây phương - lối sống đô thị tự do, chủ nghĩa tiêu dùng nhanh, sự nở rộ của các franchise, sự mua chuộc con người bằng đường - nhưng vẫn đau đáu niềm khao khát được tạo nên dấu ấn bản sắc của riêng mình, thu phục thế giới bằng quyền lực mềm là những viên trân châu dai dai, vị trà thơm hòa cùng sữa ngậy. Trà sữa không còn là thức uống nữa mà đã thành một danh tính.

Hoặc, theo một cách nhìn nhận khác, thập niên 80-90 tuy là thời bùng nổ kinh tế ở thành phố Đài Bắc, nhưng cũng là thời kỳ mà con người sống trong âu lo về một ngày những bong bóng giấc mơ vỡ tan. Đời sống giữa những tòa nhà cao tầng ngày một trở nên ảm đạm và thiếu sinh khí như trong những bộ phim u tối đầy cái chết và bạo lực vô cớ của đạo diễn Dương Đức Xương. Con người cô đơn đến mức trong khi kẻ này đang tự sát ở một phòng thì kẻ kia đang bận làm tình ở phòng bên cạnh như “Viva Lamour” của Thái Minh Lượng. Phải chăng, trong một đời sống bòn rút con người đến vậy thì sự xuất hiện cảu một thứ ngọt ngào đơn thuần như trà sữa là sự tất yếu, giống như liều thuốc giảm đau làm xoa dịu những chấn thương tinh thần?

Trà sữa và sự trỗi dậy của phương Đông -0
Hình ảnh cô bé uống trà sữa trong phim “Over the moon”.

Trà sữa đã theo chân những Hoa kiều tới Mỹ lập nghiệp, tức là những người như anh chàng Wai-Tung trong “Hỷ yến”. Và, trong một thời gian ngắn, những tiệm trà boba (tên gọi khác của trà sữa trân châu) mọc lên như nấm, trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của văn hóa Á Đông cùng K-pop. Ước tính vào năm 2023, thị trường trà sữa toàn cầu sẽ đạt doanh thu lên tới 3,2 tỷ USD.

Những thức uống luôn thì thầm với chúng ta rất nhiều về các đế chế. Nếu như sự phát triển của cocktail gắn liền với tiềm lực sáng tạo và sức mạnh thống trị của nước Mỹ trong thế kỷ trước thì sự nở rộ của trà sữa chắc chắn là biểu hiện cho sức mạnh của Trung Hoa, sức mạnh của Á Đông đang trỗi dậy. Mặc dù đã trải qua những hành trình chu du phức tạp, nhưng sau rốt nhắc đến trà sữa là nhắc tới châu Á, thậm chí có cả những ảnh chế một em bé được gội đầu bằng trà sữa trân châu, với lời bình “đây là cách rửa tội của người châu Á”. Hình ảnh trà sữa ở khắp nơi đồng nghĩa với hình ảnh của những người da vàng mắt hí ở khắp nơi.

Trong ca khúc “Bobalife” của nhóm nhạc rap gốc Hoa Fung Brothers, họ táo bạo gọi thế hệ mình là “boba generation” - thế hệ trà sữa. Thậm chí, nhóm nhạc này cho rằng việc báo chí nước ngoài liên tục phê phán trà sữa như một thức uống bẩn chẳng qua đến từ sự kỳ thị châu Á ngấm ngầm mà thôi, chứ không phải vì họ thực sự quan ngại về sức khỏe con người.

Tất nhiên, trà sữa có tốt hay không lại là một câu chuyện khác mà bài viết này không thể lạm bàn. Nhưng, mỗi khi xem lại bộ phim hoạt hình “Ponyo” của đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki về cô bé người cá Ponyo trốn khỏi đại dương và được gia đình cậu bé Sousuke cưu mang, đến đoạn Ponyo được mẹ Sousuke pha cho ly trà sữa mật ong trong một đêm mưa bão và ngay ở lần chạm môi đầu tiên, gương mặt cô bé đã sáng lên đầy hạnh phúc thì tôi đột nhiên nghĩ, với một thức uống như thế, người ta có thể thu phục cả thiên hạ, dẫu là người hay người cá, và với “vũ khí” mật ngọt này, châu Á có thể nắm lấy tương lai thế giới.

Hiền Trang
.
.