Toàn cầu hoá và văn minh đô thị, nhìn từ những tiểu tiết
Có một dạo tôi thường xuyên đi công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, và cũng rất hay có mặt trong các lễ cúng của nhiều người tộc người thiểu số ở những nơi này. Không có lễ cúng nào là không có rượu để dâng trời đất, thần linh hay các bậc tổ tiên.
Điều khiến tôi chú ý là rượu cúng đặt trên ban thờ không đựng trong be sành, vò đất hay ống tre ống nứa – như cách người dưới xuôi thường hình dung về đời sống sinh hoạt gắn nhiều với tự nhiên của người miền ngược – mà đựng trong các vỏ chai mang nhãn Coca Cola (hay Pepsi và nhiều loại khác nhãn mác khác). Vì sao lại thế? Vì nó sẵn và tiện, chắc vậy. Nhưng sự sẵn và tiện ấy cũng chứng tỏ một thực tế rằng ở những vùng núi non ấy, thậm chí có những chỗ đúng là thâm sơn cùng cốc, cái món đồ uống Coca Cola xuất xứ từ nước Mỹ đã đi vào cuộc sống của người dân.
1. Xem các phim tài liệu về Tây Tạng, về những cộng đồng ít người ở các đảo Thái Bình Dương hoặc cao nguyên Nam Mỹ thì cũng thấy y hệt thế: Coca Cola xuất hiện ở khắp nơi. Và không chỉ Coca Cola, mà rất nhiều sản phẩm hàng hóa khác của Mỹ, rộng ra, của thế giới phương Tây hiện đại, dường như cũng đã phủ sóng toàn cầu.

Tôi nghĩ, chính những cái “bé bé” ấy mới là minh chứng hùng hồn cho điều mà vài chục năm nay đã trở thành một chủ đề rất lớn, được cả thế giới quan tâm, trong đó tất nhiên có Việt Nam: toàn cầu hóa. Có thể khẳng định thời đại này là thời đại của toàn cầu hóa, được đặc trưng bằng sự tồn tại và phát triển của những công ty đa quốc gia hùng mạnh, những thể chế kinh tế tài chính khổng lồ, những thị trường chung rộng lớn, những sản phẩm hàng hóa mang tính toàn cầu. Và những cái đó, như đang hiển hiện phổ biến, chủ yếu xuất phát từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ.
Còn văn hóa thì sao, trong làn sóng toàn cầu hóa? Đây có lẽ là câu hỏi khiến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải đau đầu tìm lời giải. Bởi thực tế nhãn tiền là lối sống và các sản phẩm văn hóa đại chúng của Mỹ và phương Tây đang từng bước, từng nhịp, chiếm lĩnh toàn bộ phần còn lại của thế giới. Phim ảnh của Hollywood thì cả thế giới hân hoan thưởng thức. Hip-hop, Rap không còn là thứ nghệ thuật underground nữa, mà nó đàng hoàng trở thành nội dung của các gameshow lớn trên sóng các Đài truyền hình, cả trung ương và địa phương, thu hút một lượng khán giả kỷ lục, các rapper ăn khách khi hứng lên còn có thể mời cả dàn nhạc giao hưởng đến phụ trợ cho mình đọc rap thì cũng là chuyện bình thường v.v...
Không nói đâu xa, ngay các ngày lễ - dịp để người ta có thể nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí – thì các ngày lễ xuất xứ phương Tây cũng đã và đang xâm nhập rất sâu và đậm trong đời sống của người Việt Nam, đủ cả: lễ Tình nhân, ngày của Mẹ, lễ Giáng sinh v.v... (nhất là lễ Giáng sinh, kẻ không đạo có khi rối tinh lên, vui sướng còn hơn cả những con chiên của Chúa).
Những hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu này chưa chắc đã phải là kết quả kéo theo của làn sóng toàn cầu hóa về kinh tế. Đây là vấn đề phức tạp, nên tôi tạm gác lại, chưa bàn, để nêu một câu chuyện khác: đổi lại thì văn hóa Việt Nam, với tất cả sự dồi dào phong nhiêu và các giá trị đặc sắc từ truyền thống đến hiện đại của nó, đã có cái gì đó trở thành thứ mang tính toàn cầu tương tự hay chưa? Câu trả lời hiển nhiên là “Chưa”, và cũng chưa thấy có một manh mối tín hiệu nào về hiện tượng văn hóa toàn cầu “made in Vietnam”.
Nhìn sang mấy quốc gia từng là “đồng văn” trong quá khứ thì quả là ta thua họ: ít ra, Nhật Bản còn có manga (truyện tranh kiểu Nhật), ca nhạc Hàn quốc có K-pop, điện ảnh Trung Quốc cũng đã kịp xây dựng thương hiệu cho dàn đạo diễn và minh tinh Hoa ngữ. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa mà không tạo được những giá trị văn hóa mang tính toàn cầu, thì quả thật là điều khó hình dung.
Chưa hết đâu. Đấy là nói về việc “ra với thế giới”. Còn ở trong nước, sự phủ sóng xâm nhập và lấn lướt của các giá trị văn hóa mang tính toàn cầu từ nước ngoài (phương Tây và Mỹ) còn có nguy cơ làm thu hẹp, thậm chí làm mai một, tiêu biến các giá trị văn hóa Việt Nam. Lớp trẻ Việt Nam bây giờ, mấy ai còn xem tuồng, chèo, cải lương, nghe hát xẩm, nghe hát ví dặm, hò bài chòi, nghe ca Huế, nghe kể khan Tây Nguyên, hay thưởng thức một đêm hát xoan thờ Hùng Vương? Mà không có khán giả, không có người nối nghề cổ truyền, thì những giá trị văn hóa bao đời ấy quả rất khó tồn tại chứ chưa nói đến phát triển.
Tôi xin mạnh dạn nói rằng để giải quyết được những vấn đề ấy, thì những người sáng tạo văn hóa, các nghệ sỹ, các nghệ nhân là không đủ, mà phải có sức mạnh của Nhà nước. Cái sức mạnh ấy không dừng lại ở việc ra các nghị quyết, mà nó phải được thể hiện ở lòng khát khao thực hiện, các chế độ chính sách, chiến lược và kế hoạch thực hiện một cách bài bản. Phải học cách người ta quản lý văn hóa nghệ thuật, học cách người ta bảo tồn, phát huy để khai thác thế mạnh của văn hóa Việt Nam, học cách quảng bá, phát hành các sản phẩm văn hóa. Ít nhất, cũng như cách người Mỹ quảng bá và bán sản phẩm Coca Cola trên toàn thế giới này.

2. “Quy trình chuẩn” của rất nhiều cư dân đô thị hiện nay khi đi từ ngoài đường (cơ quan, công ty, hoặc đâu đó) về đến nhà riêng của mình – tôi muốn nói đến những căn hộ trong các chung cư đang mọc lên như nấm – hoặc từ nhà riêng của mình ra đường, là đi từ bãi đỗ xe đến cái thang máy, và ngược lại. Bãi đỗ xe là một đầu mút, cái thang máy là một đầu mút. Ở bất cứ đầu mút nào, chỉ cần chịu để ý một chút thôi, ta cũng gặp vài chuyện khó chịu, khó chịu nhưng rất phổ biến, mà vì rất phổ biến nên lâu dần cũng thành ra quen, nhàm, và người ta lại thấy... bớt khó chịu.
Hãy nói bãi đỗ xe trước. Xe hơi tạm không bàn, nhưng xe máy thì quả là bạt ngàn: sự quá tải của bãi đỗ xe ở các chung cư cũ, mới đã trở thành chuyện thường. Xe nọ cứ sát sạt xe kia, hàng trên hàng dưới, ken chặt vào nhau, nhiều khi không còn lấy một khoảng hở. Ấy thế nhưng ở rất nhiều xe, cái bộ phận để người ngồi sau đặt chân lên khi xe chạy trên đường vẫn hiên ngang chìa ra, chiếm chỗ. Dĩ nhiên đây là chuyện “bé tí”, nhiều người nghĩ vậy, nhưng những ai đã từng hoặc hàng ngày vẫn đang phải làm cái việc đưa xe vào lấy xe ra ở bãi đỗ xe chung cư mới thấy nó gây phiền vô cùng. Nó vướng víu, nó tạo ra sự khó khăn kích rích, nó khiến người ta phải vất vả trong việc đưa vào lấy ra. Đôi khi có những người sơ ý, nếu vớ phải bộ phận đặt chân xe máy được chế tạo bằng kim loại sắc nhọn, là dễ bị rách da, chảy máu như chơi.
Việc này rất dễ giải quyết: chỉ cần khi xuống xe, nhớ dùng chân hất/ gạt/ đẩy cái bộ phận ấy lên, thế là xong. Nhưng nhiều người mãi không chịu nhớ, hoặc họ không thấy bất tiện, không nảy sinh cảm giác khó chịu, nên nhất định không chịu làm. Không là không. Và cái sự ấy nó vẫn cứ thế diễn ra.
Giờ mới nói đến cái thang máy. Khi thang máy dừng lại, mở cửa, bất kể ở một tầng nào, người bên trong chưa kịp ra thì người bên ngoài đã hối hả ào vào. Lúc thưa người thì không sao, người ta có thể tránh nhau. Nhưng khi đông người, thậm chí đông chật, nhất là vào các giờ cao điểm của cái sự trẻ con đi học người lớn đi làm, thì việc va quệt nhau cứ xảy ra côm cốp. (Rất giống với tình hình xe cộ trên đường: dường như ai cũng vội, ai cũng muốn nhanh hơn người khác một chút dù nghĩ cho cùng, nhanh hơn cũng chẳng để làm gì). Đến đây tôi mới nhớ ra cách nay ít năm, từ một vụ việc bị tố là sàm sỡ, quấy rối tình dục trong thang máy ở một chung cư Hà Nội, hình như chính quyền đã ra quy định rằng nếu hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục trong thang máy được coi như cấu thành thì kẻ vi phạm sẽ bị phạt 200.000 đồng. Trộm nghĩ: giá kể quy định này được thực hiện thật nghiêm, thì với cái việc người ta nhắm mắt nhắm mũi ra vào thang máy lúc đông người như thế, những tờ 200.000 đồng ắt sẽ bay như bươm bướm.
Chưa hết đâu, cái thang máy ở các chung cư, ngoài chức năng vận chuyển lên xuống, thì bây giờ nó còn có nguy cơ trở thành cái phòng ăn cho trẻ con. Nói cho đúng, thành cái phòng để các bà, các mẹ, nhưng thường thì là osin, dỗ bọn trẻ con biếng ăn. Cơm canh, cháo sữa, bế cắp nách, ngồi trong xe nôi hoặc dắt díu nhau, cứ thế những người trông trẻ và những đứa trẻ ở trong thang máy, lên lên xuống xuống qua các tầng, mùi thức ăn ngan ngát tỏa khắp cái hộp bằng thép và inox. Nghĩa là có một sự chuyển dịch: cái kiểu cho trẻ đi ăn rong, theo chiều ngang, qua các nhà hàng xóm ngày trước, thì nay được thay bằng kiểu cho trẻ đi ăn rong theo chiều dọc, trong thang máy chung cư.
Bãi đỗ xe và cái thang máy, hai không gian ấy và những câu chuyện “bé tí” vừa nêu trên, như tôi nghĩ, đã và đang góp một phần vào việc định hình diện mạo, lối sống của cư dân đô thị ở nước ta hiện nay. Nó có phải là biểu hiện cho khía cạnh nào đó của “văn hóa thị dân”, hoặc “tật xấu người Việt” hay không – tôi đang nghĩ đến cuốn sách rất dày công khảo cứu về “căn tính người mình” của nhà văn Di Li, vừa xuất bản mới đây – thì tôi không chắc lắm. Tôi chỉ chắc rằng đó không phải là những ví dụ sáng giá một nếp sống, nếp nghĩ văn minh.