Tiền bẩn từ Marseille đến Dubai

Thứ Sáu, 29/11/2024, 14:23

Hai tòa nhà cao tầng Act One và Act Two nằm tại khu phố kinh doanh đáng giá nhất tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Hiện ở hai tòa nhà có công dân của 100 quốc gia khác nhau sinh sống tại 778 căn hộ.

Đa phần các chủ hộ là những doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia người nước ngoài. Nhưng có 45 căn hộ không ai rõ chủ nhân thật sự là ai. Bí mật này chỉ mới được hé lộ gần đây sau một cuộc điều tra của cảnh sát Pháp về hoạt động rửa tiền của tội phạm ma túy nước này tại Dubai.

Theo dấu dòng tiền

Mùa đông đã đến nhưng thành phố Marseille ở miền Đông Nam nước Pháp vẫn còn “nóng” vì những vụ giết người. Vào ngày 4/10 vừa qua, anh Nassim Ramdane làm nghề tài xế taxi bị sát hại ngay trong xe của mình, sau đó thi thể nạn nhân cùng chiếc ôtô bị châm lửa đốt ở giữa phố lúc ban ngày. Thủ phạm là Mattéo F. (tên họ không được cảnh sát tiết lộ) năm nay mới chỉ 18 tuổi. Mattéo được băng đảng ma túy DZ Mafia thuê giết người với số tiền 20.000 euro.

Anh Nassim sau khi biết hành khách của mình là sát thủ đã từ chối đỗ xe tại nơi xảy ra vụ án để giúp kẻ giết người tẩu thoát. Mattéo giết hại nạn nhân vì lý do này. Toàn bộ việc tẩm xăng lên xe taxi rồi châm lửa đốt đều được Mattéo quay phim lại và tung lên mạng xã hội Snapchat. Cần nói thêm rằng anh Nassim là nạn nhân thứ sáu bị Mattéo sát hại.

Tiền bẩn từ Marseille đến Dubai -0
Cần sa chỉ là bước đầu trong tham vọng của nhiều băng đảng tội phạm Pháp.

Cái chết của người tài xế khiến dư luận Marseille xôn xao nhưng không ngạc nhiên. Chỉ mới hai ngày trước đó, một cậu bé 15 tuổi bị đâm 50 nhát rồi thiêu sống. Tính đến tháng 9/2024 đã có 68 vụ giết người có liên quan đến tội phạm ma túy ở Marseille, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Marseille luôn là điểm nóng ma túy của nước Pháp. Ngay từ thập niên 30 của thế kỷ XX, các băng nhóm mafia trên đảo Corsica (Ý) đã thiết lập được đường dây vận chuyển morphine chiết xuất từ cây cần sa ở Trung Á đến Marseille. Sau đó morphine được tinh chế thành heroin và vận chuyển đi khắp Châu Âu và Bắc Mỹ. Sau khi mafia Corsica bị cảnh sát triệt tiêu vào thập niên 1970 thì các băng đảng gốc Bắc Phi lại nhảy lên thế chỗ chúng. Các băng đảng này tập trung tại khu vực ngoại ô phía bắc thành phố, nơi có nhiều khu chung cư, nhà ở xã hội. Hai băng đảng mạnh nhất là Yoda và DZ Mafia đang gây chiến với nhau để xem ai sẽ là thế lực cuối cùng thống trị Marseille.

Ngoài những vụ giết người mang tính chất khủng bố nhắm vào đối thủ, tội phạm ma túy ở Marseille còn thường xuyên tấn công các cơ quan hành pháp. Ngày 14/5/2024, một nhóm sát thủ đã tông vào xe chuyên chở phạm nhân và sát hại hai sỹ quan cảnh sát để giải cứu ông trùm Mohamed Amra, đối tượng khi đó đang phải chịu án 18 tháng tù. Chiến dịch truy tìm Mohamed Amra của cảnh sát Pháp vẫn chưa có kết quả.

Cảnh sát Marseille hiện đang tiến hành chiến dịch truy quét triệt để tội phạm ma túy. Tính đến thời điểm hiện tại cảnh sát đã bắt giữ được 1.144 đối tượng, thu giữ 740 súng ống các loại và tịch thu 12 triệu Euro. Điều quan trọng hơn là trong số những kẻ bị bắt, có một số đối tượng đóng vai trò chủ chốt trong mạng lưới tài chính của mafia, đơn cử là tên Amdjad A. Tòa án Marseille mới đây đã tuyên án 8 năm tù với Amdjad vì tội rửa tiền cho các băng đảng ma túy ở Marseille, Nice và Lyon.

Phóng viên báo Le Monde dựa trên biên bản xét xử vụ Amdjad A. để lần ra được 37 căn hộ do hắn sở hữu tại hai tòa nhà Act One và Act Two ở Dubai. Hắn đã mua toàn bộ tầng 46 tòa nhà Act One và các tầng 4, 5, 40 và 41 của Act Two. Người đứng tên đồng sở hữu các căn hộ này với Amdjad là ông trùm ma túy Cédric S. Amdjad và Cédric vốn là bạn thưở nhỏ của nhau. Cả hai từng bị đưa vào trại giáo dưỡng vào năm 2006 sau khi châm lửa đốt xe buýt khiến một người bị bỏng nặng.

Một đối tượng khác có liên quan đến vụ án trên là Eddy M. Eddy đang phải thi hành án tù 7 năm tại nhà tù Grasse. Cảnh sát Pháp phát hiện vợ của Eddy thường xuyên đi du lịch nước ngoài để mua sắm và lưu trú tại các khu resort cao cấp, trong khi cô ta làm nghề thợ sửa móng tay. Sau khi bị tòa án Pháp phạt 10.000 euro vì tội trốn thuế, vợ của Eddy gửi đơn yêu cầu tòa xem xét gia cảnh để giảm tiền phạt. Ngạc nhiên làm sao khi cùng thời điểm đó cô ta bỗng nhiên trở thành chủ của 12 căn hộ tại Dubai (trong đó có bốn căn tại tòa nhà Act One) với tổng trị giá 7 triệu Euro. Chưa đầy hai năm sau đó, đối tượng bán toàn bộ 12 căn hộ với mức giá chỉ vỏn vẹn 2 triệu Euro. Đây là bằng chứng cho một vụ rửa tiền điển hình.

Điểm đáng chú ý là Amjad, Cédric và Eddy không phải là những đối tượng tội phạm Pháp duy nhất sở hữu căn hộ tại tòa nhà Act One. Toàn bộ tầng 47 của tòa nhà này thuộc về sở hữu của Abdel Karim Touil, “ông vua ma túy” khu vực Lyon. Abdel Karim nhiều năm liền lẩn trốn tại UAE và trong thời gian này đã mua bảy căn hộ tầng 47 của tòa nhà Act One với tổng số tiền 4,6 triệu Euro. Karim sau đó chạy trốn sang Lebanon nhưng bị cảnh sát nước này bắt được và trục xuất về Pháp. Tòa án thành phố Bordeaux đã kết án Abdel Karim 15 năm tù vào ngày 31/10.

Một cái tên đáng chú ý khác trong số danh sách chủ căn hộ tại hai tòa nhà là Yassine M. Yassine hiện đang phải chịu án 5 năm tù sau khi cảnh sát Pháp bắt được hai tên đàn em của hắn lái xe chở 603 kg cần sa vượt biên giới Tây Ban Nha-Pháp. Yassine sở hữu một căn hộ tại tầng 22 tòa nhà Act One và một căn trên tầng 30 tòa nhà Act Two. Ngoài ra hắn và vợ còn đứng tên một số bất động sản khác tại thành phố Abu Dhabi.

Việc tội phạm đa quốc gia rửa tiền tại Dubai không phải là hiếm, một phần vì chính sách nhập cư rất “thoáng” của UAE. UAE mới chỉ ký kết hiệp định dẫn độ với gần 40 quốc gia trên thế giới. Họ đồng thời cho phép đối tượng bị trục xuất từ 6 - 18 tháng để kháng cáo.

Nhiều đối tượng tội phạm nước ngoài cũng đang kiếm lời từ thị trường bất động sản Dubai hiện đang rất “nóng”. Ví dụ như trong vụ án của Amdjad A., tên này đã biến một số căn hộ của mình tại tòa nhà Act One trở thành điểm lưu trú AirBnB. Một căn hộ của hắn có giá thuê 1.000 euro/ đêm nhưng vẫn hút khách đến thuê nhờ cửa sổ nhìn thẳng ra tòa nhà chọc trời Burj Khalifa cao nhất thế giới.

Tại sao lại có nhiều đối tượng tội phạm khác nhau cùng mua căn hộ ở hai tòa nhà tại Dubai? Một đối tượng tội phạm rửa tiền hiện đang ngồi tù trả lời phóng viên tờ Le Monde: “Dubai là địa điểm trung lập, được các ông trùm thường xuyên chọn làm nơi đàm phán với nhau. Họ cũng chia sẻ cho nhau các “bí quyết” rửa tiền như là doanh nghiệp Dubai nào sẵn sàng làm “bình phong” cho tiền của họ”. Điểm đáng chú ý là các căn hộ cho thuê BnB của tội phạm ở hai tòa nhà Act One và Act Two đều được quản lý bởi cùng một công ty trung gian, Medait Star Holidays. Medait hiện vẫn chưa phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của tờ Le Monde.

Các đối tượng tội phạm Pháp đã mua 45 căn hộ tại Act One và Act Two với tổng số tiền 21,7 triệu Euro. Số tiền này được chi trả toàn bộ trong vòng 100 ngày. Làm thế nào các đối tượng chuyển được số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy mà không bị cảnh sát chú ý? Theo lời khai của Amdjad thì khoảng hơn 600.000 euro tiền mặt dùng để đặt cọc được đàn em của hắn giấu trong người khi bay sang Dubai.

Số tiền còn lại được Amdjad “rửa” thông qua một số đối tác là các doanh nghiệp xây dựng đăng ký trụ sở tại UAE và có công trình đang thi công ở Châu Âu. Khách hàng mua ma túy bằng tiền lẻ, rồi Amjad sẽ chuyển những cọc tiền lẻ cho chủ các công ty xây dựng. Các công ty xây dựng thường xuyên thuê người nghèo, người di cư không có giấy tờ tùy thân rồi trả công họ bằng tiền mặt nhằm lách luật. Đổi lại các ông chủ công ty xây dựng sẽ sử dụng tài khoản công ty tại ngân hàng UAE để chuyển tiền cho những kẻ buôn ma túy.

Tiền bẩn từ Marseille đến Dubai -0
Ngày càng có nhiều tổ chức tội phạm sử dụng thị trường bất động sản Dubai để rửa tiền.

Cuộc chiến lâu dài

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại Marseille nói riêng và nước Pháp nói chung vẫn đang diễn ra rất cam go. Tuy cảnh sát Pháp đã đạt được một số thành công nhất định trong việc trấn áp tội phạm băng đảng, họ xác định “chìa khóa” trong cuộc chiến chống ma túy là đánh vào được “ví tiền” của mafia. Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố trong chuyến thị sát thành phố Marseille vào tháng 9 vừa qua: “Chúng ta sẽ làm kiệt quệ khả năng tài chính của các băng nhóm buôn bán ma túy bằng cách triệt tiêu các nguồn đầu tư và vốn hoạt động của chúng”. Đây là một phần của chiến dịch chống ma túy quốc gia Place Nette (tạm dịch: Đường phố sạch sẽ) được chính quyền của ông Macron khởi xướng.

Thượng nghị sỹ Jérôme Durain, người lãnh đạo cuộc điều tra của Quốc hội Pháp về hoạt động rửa tiền của tội phạm ma túy, nhận xét: “Chỉ một hang ổ buôn bán ma túy tại Marseille thôi cũng đã có thể kiếm được mỗi ngày từ 25.000 euro – 90.000 euro. Ước tính tổng số tiền mà tội phạm ma túy kiếm được hằng năm từ 3,5 đến 6 tỷ Euro. Cảnh sát Pháp hiện không có đủ nhân lực và nguồn lực để đối phó với “bộ máy” tội phạm ma túy và càng không đủ sức giải quyết mạng lưới rửa tiền đa quốc gia của chúng”.

Có cùng quan điểm trên là thượng nghị sỹ Étienne Blanc, một thành viên khác của Ủy ban điều tra quốc hội. Ông Blanc cho biết: “Chúng ta không thể cứ mãi đuổi theo những con “cá nhỏ” được. Chúng ta phải bắt được các ông trùm và triệt tiêu mạng lưới tài chính của chúng... Cuộc chiến chống ma túy tại Pháp đang đi đến thời điểm quyết định. Nếu chúng ta để cho các băng đảng tiếp tục tích lũy tiền bạc và vũ khí thì sẽ không lâu nữa chúng sẽ có đủ khả năng để thách thức quyền điều hành xã hội của chính quyền”. 

Lê Công Vũ
.
.