Tiền ảo sợ thật

Thứ Tư, 02/07/2025, 14:18

Dư luận Pháp vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ bắt cóc táo tợn diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua. Những kẻ bắt cóc định bắt một người mẹ và em bé ngay giữa ban ngày trên đường phố Paris. Điều đáng nói là người mẹ là con gái của triệu phú Pierre Noizat, nhà đồng sáng lập sàn giao dịch tiền ảo Paymium.

Trường hợp trên là một trong số nhiều vụ tấn công nhắm vào các triệu phú tiền ảo và gia đình họ diễn ra gần đây. Cho dù tài sản của bạn có là "ảo" đi nữa, điều đó không ngăn cản tội phạm nhắm vào bạn.

Những vụ bắt cóc

8h20 ngày 13/5, một toán người đeo mặt nạ trượt tuyết, tay cầm bình xịt hơi cay bất ngờ xuất hiện trước sự sững sờ của người dân quận 11 Paris. Chúng lao đến một cặp vợ chồng đang đi dạo phố cùng em bé của họ. Người chồng theo bản năng lấy thân mình che cho vợ khỏi bị xịt hơi cay. Trong khi một số kẻ đấm đá người chồng đang quằn quại dưới đất, những tên khác giằng co với người vợ để buộc cô và con lên chiếc xe van giao hàng. May mắn làm sao khi những người qua đường vừa la hét vừa tìm cách cản đường bọn bắt cóc. Một người bán hàng còn xách bình chữa cháy lao đến và buộc bọn bắt cóc phải tháo chạy.

Tiền ảo sợ thật -0
Đừng nghĩ rằng vì tiền của bạn là ảo mà bạn an toàn.

Vụ bắt cóc bất thành trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi cảnh sát Paris đột kích vào sào huyệt một nhóm bắt cóc khác và bắt được 7 đối tượng. Những kẻ này đã bắt cóc người con trai của một triệu phú tiền ảo để đòi từ 5 đến 7 triệu Euro tiền chuộc. Danh tính của nạn nhân và những người liên quan vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo viện công tố Paris thì thân nhân nạn nhân không hề trả một khoản tiền chuộc nào.

Những người sở hữu tiền ảo luôn phải sống trong nỗi lo bị bọn hacker tấn công. Một phương pháp được nhiều triệu phú crypto lựa chọn là ngắt kết nối server tiền ảo của họ, vậy là tội phạm không thể hack họ qua Internet. Vậy nhưng bọn tội phạm cũng đã "tiến hóa" theo thời cuộc. Gần đây liên tục có những vụ tấn công nhắm vào các triệu phú tiền ảo và gia đình họ. Giới chuyên gia gọi kiểu tấn công này là "wrench attacks". "Wrench" nghĩa là cái cờ lê trong Tiếng Anh. Gọi thế bởi vì bọn bắt cóc thường xuyên dùng cờ lê để bẻ ngón tay, ngón chân nạn nhân.

Ông Jameson Lopp, nhà đồng sáng lập công ty bảo mật tiền ảo Casa (Mỹ), nhận xét: "Chủ ví tiền ảo đang càng ngày thông thái hơn trong việc bảo vệ tiền ảo của mình. Điều mà họ lo lắng nhất hiện nay là bị tấn công ngoài đời thật. Ngay cả khi họ đã có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân thì vẫn có khả năng bị bọn bắt cóc điều tra rồi tấn công".

Tỷ phú David Balland là nhà đồng sáng lập sàn giao dịch tiền ảo Ledger (Pháp). Ông đã rời khỏi ngành crypto được vài năm và hiện sống ẩn dật cùng gia đình tại xã Vierzon, tỉnh Cher. Không ai ở cái tỉnh lỵ yên bình này có thể ngờ rằng có những kẻ sẵn sàng sử dụng súng để bắt cóc cặp vợ chồng tỷ phú. Chỉ vài giờ sau khi vợ chồng Balland bị bắt đi vào sáng 21/1, thân nhân và đồng nghiệp của họ đã nhận được video quay cảnh David bị chặt ngón tay. Bọn bắt cóc yêu cầu được trả 10 triệu Euro.

Theo lời khuyên của cảnh sát, người nhà nạn nhân trả một phần tiền chuộc làm "mồi nhử". Cảnh sát theo dấu túi tiền đến được một ngôi nhà cho thuê ở vùng nông thôn cách nơi xảy ra vụ bắt cóc khoảng 40 phút đi xe. Họ giải cứu được David Balland, nhưng bọn bắt cóc khôn ngoan đã tách hai vợ chồng rồi giam mỗi người ở một nơi.

Công tố viên Laure Beccuau phát biểu trên kênh truyền hình Pháp TF1: "Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, và cảnh sát đang đi sau bọn bắt cóc một bước... Nếu những kẻ gây án không phải là tội phạm có tổ chức thì ít nhất chúng đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về nạn nhân và cách phản ứng của cảnh sát".

Gia đình nạn nhân phải trả một khoản tiền chuộc nữa, sau đó cảnh sát mới tìm được người vợ trong một chiếc xe van bỏ không cách nơi nhà tỷ phú bị giam cầm khoảng một tiếng đi xe.

Không phải chỉ ở Pháp mới diễn ra các vụ bắt cóc. Ví dụ vụ bắt cóc CEO sàn tiền ảo WonderFi (Canada) Dean Sakura vào tháng 11/2024. Sau khi gia đình nạn nhân trả cho bọn bắt cóc 3 triệu Dollar Canada, chúng mới thả Sakura ra ở một công viên tại Toronto. May mắn thay, bọn bắt cóc đòi gia đình trả bằng tiền ảo Tether, mà đặc điểm của Tether là sàn crypto có thể "đóng băng" giao dịch được. Sàn giao dịch đã làm vậy sau khi Dean Sakura được tự do, và kết quả là nạn nhân đã thu hồi được hơn 80% số tiền bị mất.

Ông Jameson Lopp (Mỹ) là một nhà đầu tư có tiếng trong thế giới tiền ảo bởi vì bản danh sách các triệu phú crypto từng bị tấn công. Lopp lập ra danh sách sau khi bản thân ông bị lừa mất Bitcoin vào năm 2017. Theo danh sách của Lopp thì trong năm 2013 có 24 vụ tấn công nhắm vào các triệu phú crypto, 31 vụ trong năm 2024, và 21 vụ chỉ trong 5 tháng đầu năm nay. Những con số trên rõ ràng cho thấy những người giàu nhờ tiền ảo đang càng ngày trở thành "miếng mồi ngon" cho tội phạm.

Tiền ảo sợ thật -0
Kẻ bắt cóc John Woeltz bị cảnh sát New York bắt giữ bên ngoài ngôi nhà giam cầm nạn nhân.

Làm gì cũng sợ

Ngày 2/3/2025, 4 đối tượng xông vào nhà Amouranth (tên thật: Kaitlyn Siragusa) và dùng súng buộc cô giao nộp laptop và tài khoản ví tiền ảo của cô. Amouranth khéo léo dẫn bọn tội phạm đến nơi chồng cô đã phục sẵn. Người chồng nổ súng và khiến những kẻ tấn công phải tháo chạy. Một đối tượng trong nhóm sau đó bị cảnh sát bắt và khai rằng chúng nảy ra kế hoạch vụ cướp sau khi nhìn thấy Amouranth đăng ảnh khoe ví điện tử của cô đang có đến 20 triệu tiền Bitcoin.

Trường hợp tương tự từng xảy ra với Teufeurs (tên thật: Killian Desnos) sống ở một ngôi làng miền Tây Bắc nước Pháp. Tháng 8/2023, cha của Teufeurs mở cửa thì bị một kẻ giả danh làm nhân viên giao hàng Amazon dùng súng uy hiếp bắt phải lên xe. Bọn bắt cóc yêu cầu Teufeurs phải trả cho chúng 5 triệu Euro bằng tiền ảo. May mắn là ngay ngày hôm sau đó cảnh sát đã giải cứu được con tin và bắt hai kẻ chủ mưu. Trong bối cảnh giá trị tiền ảo tăng trung bình tới 54% trong năm 2024, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tội phạm có tổ chức càng ngày quan tâm tới các chủ ví tiền ảo. Chúng sẵn sàng làm mọi việc vì mức sinh lời quá cao.

Tháng 5/2025, cảnh sát thành phố New York (Mỹ) đã bắt giữ John Woeltz, đối tượng mệnh danh là "vua crypto Kentucky", vì tội bắt cóc và tra tấn một người đàn ông Ý để buộc ông này giao nộp tài khoản tiền ảo của mình cho hắn. Woeltz đã dẫn dụ nạn nhân đến New York bằng lời chào mời đầu tư rồi bắt giam người này trong một ngôi nhà thuê trên phố Prince, quận Manhattan. Trong hai tuần liền, nạn nhân bị bọn bắt cóc đánh đập, chích điện và đe dọa cắt chân tay bằng một cái cưa điện. Chúng còn buộc nạn nhân dùng cocaine, nghe nhạc ầm ĩ mà không được ngủ, và các biện pháp tra tấn tâm lý khác. Mọi hành động của chúng đều được ghi lại bằng máy ảnh Polaroid làm "tư liệu" đe dọa gia đình nạn nhân.

Người đàn ông Ý may mắn trốn thoát vào sáng ngày 23/5. Khi nạn nhân đến đồn cảnh sát thì trên cổ ông ta vẫn còn đeo chiếc AirTag được bọn bắt cóc cài vào để theo dõi ông. Cảnh sát đã ngay lập tức bắt khẩn cấp John Woeltz khi tên này vừa mới tắm xong.

Tiền và họa

Mới đây sàn giao dịch tiền ảo Coinbase tuyên bố rằng hơn 97.000 khách hàng của họ đã bị đánh cắp thông tin tên tuổi, địa chỉ và tài khoản ví crypto. Những kẻ đánh cắp thông tin sau đó đã đòi sàn giao dịch 20 triệu USD, nếu không sẽ công khai số thông tin kể trên. Coinbase từ chối yêu cầu trên. Sàn giao dịch còn cho biết nhiều khả năng số dữ liệu trên bị đánh cắp bởi nhân viên, có thể là đã nhận tiền của tội phạm hoặc là người do bọn tội phạm cài vào.

Trường hợp của Coinbase chỉ là một trong số ba vụ đánh cắp thông tin ví crypto lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hai trường hợp còn lại xảy ra với sàn giao dịch Ledger và công ty tư vấn đầu tư Kroll (Mỹ). Riêng trong vụ hack Ledger thì ước tính có khoảng 272.000 nạn nhân đã bị rò rỉ thông tin.

Bà Taylor Monahan, chuyên gia bảo mật tại công ty tiền ảo MetaMask (Mỹ), trả lời phỏng vấn Le Monde: "Tội phạm đang càng ngày giỏi hơn trong việc tìm hiểu thông tin nạn nhân. Có cả một thị trường "ngầm" chuyên mua bán thông tin cá nhân, trong đó người bán là hacker và người mua là tội phạm lừa đảo, bắt cóc...".

Nước Pháp nằm trong số các quốc gia có nhiều trường hợp "wrench attack" nhất, và chính phủ nước này đã và đang có những bước đi mang tính phòng vệ. Sáng ngày 16/5, Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau đã có cuộc họp với lãnh đạo các công ty crypto tại Pháp nhằm phổ biến cho họ về chính sách tăng cường bảo vệ nhóm đối tượng này. Từ giờ các ông chủ doanh nghiệp tiền ảo tại Pháp sẽ được phép gọi vào đường dây tối khẩn cấp của cảnh sát, đồng thời cảnh sát sẽ thường xuyên viếng thăm nhà riêng và nơi làm việc của họ để tư vấn. Bộ trưởng Retailleau còn tuyên bố rằng đội ngũ cảnh sát sẽ sớm được huấn luyện về các biện pháp chống rửa tiền qua crypto.

Ngày 27/5, cảnh sát thành phố Nantes (Pháp) đã đột kích sào huyệt của một toán tội phạm và bắt giữ 24 đối tượng. Những tên này có liên quan đến vụ bắt cóc bất thành con gái và cháu trai của triệu phú Pierre Noizat. Vào thời điểm bị bắt thì chúng đang lên kế hoạch bắt cóc một số cá nhân khác. Những kẻ bắt cóc khai rằng đa số chúng không biết nhau từ trước mà chỉ làm quen qua các mạng xã hội Telegram và Signal, nơi những đối tượng tội phạm thường xuyên dùng làm nơi tụ tập và trao đổi thông tin.

"Cái khó ló cái khôn". Công ty bảo hiểm tiền ảo AnchorWatch (Mỹ) mới đây đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm cho những trường hợp "wrench attack". Người mua bảo hiểm trong trường hợp bị bắt cóc và buộc trả tiền chuộc có thể sẽ được bồi thường lên tới 100 triệu USD. AnchorWatch cho biết họ đang nghiên cứu phát triển sản phẩm tư vấn giúp khách hàng phòng vệ trước những vụ cướp và bắt cóc.

Lê Công Vũ
.
.