Thời của du lịch miễn phí đã kết thúc

Chủ Nhật, 26/05/2024, 16:09

Khi Venice quyết định sẽ thu phí tham quan hàng ngày đối với khách du lịch, đó là tiếng chuông báo hiệu cho một tư duy mới đang thắng thế trong ngành công nghiệp không khói này.

Từ câu chuyện ở Venice

Venice, thành phố lịch sử của Ý nổi tiếng với các kênh đào là một trong những điểm du lịch đông đúc nhất châu Âu. Bùng nổ du lịch đã đem đến nguồn thu lớn cho thành phố nhưng cũng đem đến những thay đổi lớn. Những năm 1970, Venice có khoảng 175.000 cư dân; đến 2023, dân số ở đây đã giảm xuống dưới 50.000 người nhưng số lượng giường dành cho khách du lịch thì lại vượt xa số cư dân.

Hàng năm, Venice thu hút khoảng 20 triệu du khách, con số khủng khiếp so với số dân cư ít ỏi và diện tích nhỏ bé của thành phố. Nhiều người trong số họ được gọi là khách du lịch "đến rồi chạy" vì họ không ở lại qua đêm mà chỉ ghé qua vài giờ để thăm những điểm tham quan nổi tiếng. Nguồn thu từ lượng khách này vì thế không cao nhưng chính họ khiến cho Venice lúc nào cũng chật ních người, thứ gây ám ảnh về tình trạng "du lịch quá đông". Sự chật chội này ảnh hưởng đến mức, nhiều cư dân của chính Venice đã lựa chọn rời thành phố trong những năm qua để nhường chỗ cho du khách và gây áp lực trở lại cho chính quyền thành phố để duy trì hoạt động. 

Thời của du lịch miễn phí đã kết thúc -0
Nhân viên thành phố Venice kiểm tra vé vào cửa thành phố trước ga tàu Santa Lucia.

Ngày 25/4/2024, chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch thử nghiệm để thu phí vào trung tâm đối với những người đi du lịch trong ngày như vậy. Tuy nhiên, thị trưởng Luigi Brugnaro khẳng định phí tham quan không nhằm mục đích tạo ra doanh thu mà là để "giảm tắc nghẽn" thành phố. Với chi phí khiêm tốn là 5 euro/người/ngày, biện pháp này nhằm mục đích hạn chế nhưng không hoàn toàn cắt giảm lượng người đi lại. "Mục tiêu không phải là đóng cửa thành phố mà là không để nó phát nổ", ông Brugnaro cho biết. Thực tế đây là một phương án kỹ thuật để hạn chế lượng khách qua lại thành phố thường xuyên gây ra tình trạng đông đúc, tạo cảm giác ngột ngạt trong khu vực nội đô lịch sử.

Dĩ nhiên, khoản phí mới này cũng vấp phải một số lời chỉ trích. Ông Massimo Cacciari, cựu thị trưởng thành phố gọi đó là "sự điên rồ thuần túy, hoàn toàn bất hợp pháp và vi hiến". Nhưng ông Brugnaro thì khẳng định: "Chúng tôi có nhiệm vụ bảo tồn những trung tâm lịch sử vĩ đại này của thế giới", đồng thời nói thêm rằng nếu kế hoạch thử nghiệm thành công, nó có thể trở thành hình mẫu cho các thành phố khác trên thế giới.

Trước khi thực hiện khoản thu phí này, chính quyền Venice cũng đã thực hiện nhiều biện pháp giảm bớt tác động do tình trạng quá tải du lịch đã gây ra. Năm 2021, thành phố cấm các tàu du lịch lớn đi vào đường thủy nội địa.  Đầu năm 2024, thành phố áp đặt giới hạn 25 người đối với các nhóm du lịch và cấm dùng loa phóng thanh ở trung tâm lịch sử thành phố. Tất cả các biện pháp với một mục đích tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống của cư dân sống nhưng vẫn duy trì hoạt động của du khách. Dẫu vậy, với lượng du khách khổng lồ, du lịch ngày càng trở thành gánh nặng cho các dịch vụ xã hội cũng như khả năng sống của cư dân thành phố.

Đến sự thay đổi trong tư duy làm du lịch

Khi ngành du lịch phục hồi sau thời kỳ suy thoái hậu đại dịch COVID-19, các quốc gia và thành phố trên toàn thế giới ngay lập tức quay lại chống tình trạng quá tải du lịch. Venice không hề đơn độc trong nỗ lực hạn chế du khách của mình. Hội đồng thành phố Amsterdam từ tháng 7/2023 đã bỏ phiếu cấm tàu du lịch cập cảng ở trung tâm thành phố. Hy Lạp cũng mới đưa ra giới hạn lượng du khách đến thăm điểm khảo cổ Acropolis ở mức 20.000 người/ ngày.

Mặc dù một số biện pháp này đang gây tranh cãi và có thể khiến việc đi lại trở nên bất tiện hơn đối với khách du lịch, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn có thể mới chỉ là bước khởi đầu. "Có khoảng 8 tỷ người trên hành tinh. Trong 20 - 30 năm tới, sẽ có thêm 1 tỷ người nữa. Rất nhiều người trong số đó sẽ đi du lịch. Họ sẽ đi đâu? Lại là những nơi giống như những người khác", ông Alan Fyall, Giám đốc tiếp thị của công ty du lịch của Visit Orlando cho biết. Và khi "có rất nhiều người có đủ tiền và thời gian để đi du lịch, sức ép sẽ lớn hơn". Ông Fyall, một người cũng rất quan tâm đến du lịch bền vững còn cảnh báo: "Nếu bạn không kiểm soát lượng khách vào một thời điểm nhất định, bạn sẽ hủy hoại tài nguyên đến mức không còn gì để xem".

Du lịch trên toàn thế giới đã tăng trưởng đều đặn kể từ những năm 1950, một xu hướng khó có thể chậm lại. Bà Andria Godfrey, chuyên gia về du lịch tại Đại học Nam California, nói: "Mọi người giờ đây có nhiều khả năng tiếp cận các điểm đến hơn trước. Nhưng vấn đề không phải là lượng khách du lịch ở bất kỳ địa điểm nào, mà thực tế là tất cả họ đều đến cùng một lúc và đến cùng một địa điểm". Mạng xã hội là một phần lý do khiến nhiều người muốn đến cùng một địa điểm cụ thể khi họ ghé thăm một điểm đến, chỉ vì nó quá nổi tiếng. Điều đó dẫn đến vấn đề chính là mọi người đều đến cùng một nơi, cùng một lúc.

Thời của du lịch miễn phí đã kết thúc -0
Thông báo về việc thu phí tham quan hàng ngày của Venice.

Ông Amir Eylon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Longwoods International, một công ty tư vấn nghiên cứu thị trường chuyên về ngành du lịch, nói rằng có 5 cách chính mà các chính quyền đang sử dụng để giải quyết tình trạng quá tải du lịch.

Hai phương án đầu tiên là những gì mà Venice và Athens đang làm, thu phí và hạn chế lượng khách để giảm lưu lượng người qua lại ngay cả ở những điểm du lịch công cộng. Các địa điểm cũng thông báo sẽ phạt tiền những du khách vi phạm thông qua các đội tuần tra thực địa. Tại Rome, mức phạt rất lớn tại những địa điểm đặc biệt như Đấu trường La Mã. Một du khách nếu bị phát hiện "phá hoại di tích" có thể bị phạt tới 15.000 euro hoặc thậm chí ngồi tù. Mặc dù thực tế, những loại phí và thuế thường không đủ để giảm số lượng khách du lịch nhưng nó có thể cung cấp cho địa điểm đó nhiều nguồn lực hơn để cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư vào nhà ở cộng đồng lâu dài. Đây là những lựa chọn hàng đầu, thứ sẽ khiến cho du lịch giá rẻ kết thúc khi mọi thứ không còn miễn phí nữa.

Một cách làm phổ biến khác là áp dụng hệ thống đặt chỗ bắt buộc với mọi du khách muốn tham quan. Biện pháp này rất phổ biến cho những địa điểm du lịch thiên nhiên hoang dã để nhà quản lý có thể tính lưu lượng phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên trong từng thời điểm.

Một cách tiếp cận khác không liên quan trực tiếp đến việc hạn chế hoặc tính phí khách du lịch là giới hạn phát triển từng khu vực. Các chuyên gia cho rằng nên nhân rộng mô hình này. Bởi những điểm du lịch được mở ra để đón ít hơn số khách có thể giữ được môi trường phù hợp với cư dân địa phương, thứ tạo nên bản sắc cộng đồng độc đáo để thu hút du khách. Cuối cùng, đó là cách các điểm đến tiếp thị về chính mình nhằm định hướng khách phù hợp. Như thành phố Amsterdam đã phát động một chiến dịch trong năm 2023 nhắm vào những khách du lịch chỉ muốn đến thành phố để tiệc tùng với thông điệp mạnh mẽ "Hãy tránh xa ra!".

Không phải ngẫu nhiên trong thời gian ngắn mà mọi thứ thay đổi như vậy. Bởi trong ngành du lịch đang phổ biến một câu nói: "Du lịch tốt cho cộng đồng - cho đến khi không". Các chuyên gia cho biết có một số dấu hiệu rõ ràng khi nào du lịch quá mức trở thành một vấn đề: quá nhiều tiếng ồn, mức độ ô nhiễm cao và quá nhiều người trong một khu vực thật khó để người dân địa phương có thể tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Cư dân của những địa điểm như vậy thường sẽ bày tỏ sự không hài lòng của họ. Như ở Barcelona, Tây Ban Nha, những cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra chống lại ngành du lịch và rất nhiều cư dân đã rời khỏi khu vực mà họ đã sống vì phiền toái.

Thách thức đối với các điểm đến du lịch hiện nay là tìm ra sự cân bằng giữa quảng bá du lịch để thu được lợi ích từ nó, đồng thời bảo vệ được di tích cũng như cuộc sống của người dân địa phương. Mặc dù các biện pháp quản lý du lịch có thể gây bất tiện cho du khách nhưng đó là cách duy nhất để bảo tồn những địa điểm quý giá nhất trên thế giới. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy du khách thay đổi tư duy bằng cách lên kế hoạch trước cho chuyến đi của mình.

Bà Anna Abelson, giảng viên của Đại học New York, nói: "Chúng tôi muốn tất cả các thế hệ đến thăm Venice. Nhưng tôi không chắc họ sẽ tìm thấy Venice khi họ đi". Chính vì vậy "Không làm gì vào thời điểm này không phải là một lựa chọn". Những địa điểm quý giá cần được bảo vệ, bao gồm cả cộng đồng cư dân, thứ tạo nên bản sắc đặc trưng cho địa điểm đó, và chính quyền đã hành động.

Tiểu Phong
.
.