Thể thao Việt Nam tìm vàng môn nào ở SEA Games 32?
Không rầm rộ như 1 năm trước, đoàn thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 32 với sự thận trọng. Trong bối cảnh nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như bắn súng, bắn cung bị lược bỏ, Việt Nam vẫn quyết tâm đặt ra mục tiêu táo bạo dù ngân sách có thể không lớn như trước.
Cắt giảm kinh phí, ưu tiên Huy chương vàng
Tròn 1 tháng trước ngày SEA Games 32 khai mạc, nhiều huấn luyên viên (HLV), vận động viên (VĐV) của thể thao Việt Nam đón nhận tin không vui. Từ con số dự kiến ban đầu lên tới 1018 người, Đoàn thể thao Việt Nam có thể cắt giảm nhân sự xuống chỉ còn trên dưới 900 người. Lý do được đưa ra là bởi Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) muốn các đoàn giảm quân số, trên cơ sở kinh phí dự kiến không đủ.
Khác với năm 2022, khi SEA Games 31 gần như là giải đấu lớn duy nhất của thể thao Việt Nam, năm 2023 có không ít sự kiện quốc tế diễn ra. Bên cạnh SEA Games 32 và một số giải khác, Việt Nam còn phải chuẩn bị cho kỳ ASIAD tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ngoài ra, các VĐV cũng sẽ dự một số giải vòng loại Olympic để cải thiện thành tích, hướng tới tham dự Thế vận hội.
Số giải đấu quốc tế của thể thao Việt Nam tăng lên rõ rệt so với 1 năm trước, nhưng kinh phí phân bổ cho ngành thể thao không vì thế mà tăng lên. Khoản ngân sách Nhà nước cấp cho thể thao trong năm 2023 dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, không chênh lệch quá nhiều so với năm 2022. Trên cương vị nhà quản lý, những cán bộ chuyên trách có lý do để không duyệt hầu bao chi thêm cho thể thao.
Thứ nhất, thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là điều được dự báo từ trước. Bên cạnh lợi thế sân nhà, cũng như các môn thể thao thế mạnh, Việt Nam còn có thêm thời gian chuẩn bị cho VĐV sau 1 năm hoãn giải vì COVID-19. Điều bất ngờ duy nhất chính là việc các VĐV đã mang về tới 205 Huy chương vàng (HCV), biến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều HCV nhất tại một kỳ SEA Games.
Thứ hai, trên phương diện ở các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, Việt Nam dường như chỉ thua kém mỗi Thái Lan về số HCV. Nhưng mỗi khi bước ra đấu trường ASIAD, và xa hơn là Olympic, thể thao Việt Nam lại ngày một hụt hơi. Thái Lan, Malaysia, Indonesia có thể đều đặn đào tạo VĐV đủ trình độ tranh HCV Olympic, nhưng Việt Nam lại chưa làm được điều đó một cách bài bản, hiệu quả.
Kể từ tấm Huy chương bạc (HCB) Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân, Taekwondo Việt Nam không có VĐV nào giành huy chương Olympic nữa. 2 tấm huy chương, 1 vàng 1 bạc của bắn súng được Hoàng Xuân Vinh mang về ở cùng một kỳ Olympic Rio. Môn thể thao duy nhất Việt Nam có thể giành huy chương ở các kỳ Olympic khác nhau là cử tạ (HCB 2008, HCĐ 2012), nhưng chúng ta cũng trắng tay ở 2 kỳ gần nhất.
Việc thể thao Việt Nam có thành tích tốt ở SEA Games, nhưng ngày một đuối dần khi bước ra sân chơi châu lục và thế giới trở thành một lý do khiến thể thao đỉnh cao không được mạnh tay duyệt chi như trước. Dù vậy, không thể phủ nhận là trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam vẫn được ngân sách ưu ái chi tiêu từ 572 tỷ đồng vào năm 2019, lên 900 tỷ đồng như hiện tại.
Thứ ba, ngành thể thao muốn giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước bằng việc huy động thêm các nguồn xã hội hóa như Liên đoàn Thể thao, hay các địa phương. Điều này được thể hiện trong câu chuyện của VĐV Lê Tú Chinh. Từng là Nữ hoàng điền kinh Việt Nam ở SEA Games 29 và 30, nhưng Tú Chinh đã không tham dự SEA Games 31 do gặp chấn thương. Cô đã bình phục trở lại, nhưng thành tích không quá ấn tượng.
Tại một giải điền kinh vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Tú Chinh chỉ tham dự vòng loại chứ không đấu chung kết. Việc này đặt ra dấu hỏi về thể trạng, cũng như phong độ của cô tại SEA Games sắp tới. Nhiều khả năng Tú Chinh sẽ không được tham dự SEA Games, trừ trường hợp cô vận động được các nguồn kinh phí xã hội hóa hỗ trợ mình, hoặc được ngân sách địa phương đầu tư.
Chỉ tiêu giảm nhưng tiền... không giảm
Khác với SEA Games 31, nơi các VĐV được thi đấu trên sân nhà, SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia. Việc đó phát sinh một chi phí khách quan là tiền vé máy bay. Ước tính, tiền vé máy bay khứ hồi sang Campuchia cho các VĐV, HLV và quan chức đoàn rơi vào khoảng 10 triệu đồng/ người. Con số này chiếm khoảng 1/3 kinh phí tham dự SEA Games tính trên đầu mỗi VĐV (30 triệu đồng).
Nói cách khác, chi phí bình quân cho mỗi VĐV tham dự SEA Games 32 tăng đáng kể so với 1 năm trước. Nhưng ở chiều ngược lại, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ thấp đi nhiều. Kỳ tích giành 205 HCV là điều gần như không thể xảy ra, và thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ phải cạnh tranh gắt gao vị trí thứ nhì, hoặc thứ ba toàn đoàn với các quốc gia khác.
Xét về nguyên nhân khách quan, thể thao Việt Nam không có một số môn thế mạnh thuộc chương trình thi đấu SEA Games 32. Nhưng con số chỉ tiêu 100 HCV, chỉ bằng một nửa so với SEA Games trước đó thực sự khó có thể thuyết phục những cán bộ cấp cao thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Tại sao một số cán bộ thể thao vẫn muốn tăng ngân sách, trong khi chỉ tiêu lại giảm xuống?
Sau Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đã đến thăm một số Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Tại đây, ông thẳng thắn nhận xét: "Nhiều môn thể thao, nhất là các môn võ đặt chỉ tiêu cho SEA Games quá thấp. Các đội tuyển cần mạnh dạn giao chỉ tiêu hơn, đồng thời tạo điều kiện cho VĐV được cọ xát, thi đấu nhiều hơn".
Đăng ký chỉ tiêu từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm của các đội tuyển thể thao. Với tâm lý thận trọng, lo ngại những biến số có thể xảy ra ngay trước giải như VĐV gặp chấn thương, thể trạng không tốt... HLV và cán bộ phụ trách đội tuyển khá thận trọng trong việc này. Họ thường đưa ra con số thấp nhất có thể (nhưng đảm bảo giành HCV) để đăng ký chỉ tiêu với cấp trên.
Muốn có tiền, cần trao quyền
Việc thắt chặt chi tiêu cho SEA Games 32 chỉ ra một tư duy mới của những nhà quản lý thể thao Việt Nam. Những đồng tiền do ngân sách duyệt chi cần được sử dụng hiệu quả, dồn vào những VĐV chắc chắn có khả năng giành HCV. Điều đó cũng đúng với câu chuyện đầu tư vào những VĐV, hay những môn trọng điểm có khả năng cạnh tranh huy chương ở đấu trường ASIAD và Olympic.
Trong trường hợp những người làm thể thao muốn được cấp tiền nhiều hơn, nguồn ngân sách nhà nước đôi khi sẽ không đủ nữa. Trong bối cảnh đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa thông qua các Liên đoàn thể thao quốc gia sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng nút thắt trong vấn đề này là không giống bóng đá, những nhà đầu tư vào các môn thể thao muốn nắm trong tay quyền điều hành.
"Chúng tôi cần biết nguồn tiền mình chi cho môn thể thao được dành vào những việc gì, cho ai, chứ không thể cứ giao tiền cho người khác tiêu", một doanh nhân có nguyện vọng đầu tư vào thể thao tâm sự. Nói cách khác, với những môn thể thao có thể thu hút nguồn lực qua kênh xã hội hóa, cán bộ ngành thể thao cần phải trao quyền điều hành, kiểm soát cho những Liên đoàn cấp quốc gia.
Trên thực tế, mô hình Liên đoàn, hay địa phương cử VĐV tham dự những giải đấu cấp quốc tế đã bắt đầu manh nha xuất hiện. Vì không được bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) duyệt chi kinh phí, 3 thành viên đội Boxing Hà Nội đã xin kinh phí từ địa phương để tham dự Giải vô địch Boxing nữ châu Á 2022 và giành 1 HCV, 1 HCĐ.
Những môn thế mạnh Olympic của Đông Nam Á
Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Malaysia cũng chịu tình trạng ngân sách cho ngành thể thao bị cắt giảm. Chính phủ Thái Lan mong muốn nguồn lực đổ vào thể thao sẽ được phân phối đều đặn hơn từ các doanh nhân, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Trên thực tế, SEA Games từ lâu không còn là mục tiêu hàng đầu của thể thao Thái Lan.
Là cường quốc thể thao số 1 khu vực, Thái Lan luôn đảm bảo giành 10-12 HCV ở các kỳ Á vận hội, đồng thời duy trì thường xuyên đội ngũ 3-5 VĐV đủ khả năng tranh HCV Olympic. Những môn thể thao thế mạnh của Thái Lan tại đấu trường thế giới là Boxing, Taekwondo và cử tạ. Bên cạnh Thái Lan, Indonesia cũng có những VĐV đẳng cấp thế giới ở 2 môn cầu lông và cử tạ.
Với Malaysia, họ có một trung tâm tập luyện thể thao có quy mô và tầm cỡ quốc tế. Đây là cơ sở giúp thể thao Malaysia tiến ra đấu trường thế giới, nơi họ có những VĐV rất mạnh ở môn Cầu lông và Nhảy cầu. Sau khi Lee Chong Wei giải nghệ, cầu lông Malaysia hiện có một người kế thừa xuất sắc khác là Lee Zii Jia, tay vợt nằm trong top 3 thế giới.
Khiêm tốn hơn các quốc gia kể trên, nhưng thể thao Philippines cũng chứng kiến bước nhảy vọt thời gian gần đây. Họ liên tục nhập tịch các VĐV "Phi kiều" gốc Mỹ về khoác áo đội tuyển. Ở kỳ Olympic gần nhất, Philippines đã giành 1 HCV môn cử tạ. Họ cũng có thế mạnh ở các môn Boxing và Thể dục dụng cụ.