Thấy nhau trong bóng tối

Thứ Ba, 31/05/2022, 09:56

Đừng ngạc nhiên khi trong những câu chuyện của cha mẹ, những đứa trẻ giỏi giang với thành tích học tập nổi trội luôn có cơ hội xuất hiện và ngược lại, những đứa trẻ bất thường gần như vắng bóng. Bởi, chúng ta, sẽ dễ dàng nhìn thấy nhau trong hào quang rực rỡ và rất dễ lạc nhau trong bóng tối.

Trong một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam do UNICEF Việt Nam thực hiện, một trong các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần nhìn từ cấp độ cá nhân được chỉ ra. Đó là sự cô lập/tự cô lập về cảm xúc. Trẻ lựa chọn không muốn chia sẻ cảm xúc với ai do muốn bảo vệ cha mẹ khỏi những âu lo.

Nghiên cứu này đã trích một đoạn được cho là của một em gái 13 tuổi ở Hà Nội chia sẻ trong thảo luận nhóm, rằng: "Những người không biết chia sẻ với ai thì thường thường họ sẽ tìm những chỗ khác ngồi khóc một mình. Khóc xong lại tự đứng dậy, lại tỏ ra vui vẻ thế này thế nọ mặc dù họ rất đau buồn"...

1. Trả lời báo chí, một chuyên gia về sức khỏe tinh thần đã có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác khám, tư vấn và chữa trị cho các bệnh nhi tại Hà Nội nói rằng, thật đáng tiếc khi nhiều phụ huynh không nhận ra bất kỳ một dấu hiệu lo âu, hoảng loạn hay stress nào của bọn trẻ. Cuộc sống trong bóng tối của nỗi buồn, sự chán nản do những xáo trộn về cảm xúc thường gặp bởi tâm lý lứa tuổi gây ra của nhiều đứa trẻ, cha mẹ không nhìn thấy.

Trong 2 năm liên tiếp (2019 và 2020), Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành 2 cuộc khảo sát liên quan đến sức khỏe tâm thần của cùng một đối tượng là học sinh và kết quả đã chỉ một thực trạng nhiều lo ngại. Trong số 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên nằm trong diện khảo sát năm 2019, tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%. Năm 2020, với 1.111 học sinh ở 2 trường THCS, tỷ lệ trầm cảm là 26,1%, stress là 33% và lo âu 38%. Cho dù cả hai cuộc khảo sát nói trên chỉ ở trong diện hẹp với số mẫu không lớn nhưng kết quả của nó đã cho thấy những biểu hiện tiêu cực trong tâm lý của trẻ là có thực. Ở đằng sau cánh cửa phòng luôn đóng kín, hơn cả sự cô đơn là tuyệt vọng.

Một bài viết được xuất bản mới đây của tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về hiện tượng trầm cảm ở trẻ em cho biết, nguy cơ tự sát có thể xảy ra khi các em cảm thấy bản thân vô giá trị. Rồi từ đó, khi đối mặt với các khó khăn mà bản thân không thể giải quyết được, các em đã dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình.

Một trích dẫn trên báo chí của PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, tự tử xảy ra khi đứa trẻ cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị. Mặt khác, sự nhạy cảm quá mức với cái gọi là thể diện đã khiến các em chọn cách hy sinh cuộc sống mà không chịu sự chối bỏ, chê bai. Điều này cũng lý giải vì sao cùng là thất bại học tập nhưng khi đối mặt với nó, những đứa trẻ học giỏi - tức là trong diện được kỳ vọng - thường suy sụp nhiều hơn và nguy cơ khủng hoảng trầm trọng hơn.

1.jpg -0
Một bệnh nhân phải điều trị sức khỏe tâm thần đang được bác sĩ thăm khám.

Còn hơn cả việc nhận thấy bản thân vô giá trị, các em luôn bị giày vò bởi mặc cảm mình có lỗi. Con gái tôi đã từng lập kỷ lục điểm Toán thi học kỳ thấp nhất khối 10 của một trường chuyên danh tiếng. Năm cuối bậc trung học phổ thông, trong chuỗi ngày vận lộn với môn Toán, cả tôi và cô giáo cháu đều biết, cháu đã cố gắng rất nhiều nhưng hầu như chưa bao giờ đạt được điểm khá.

Có một lần, đêm, khi tôi đi tập thể dục về, tình cờ lên phòng học, thấy cháu vừa khóc vừa làm lại phần ôn tập Toán mà cô giáo đã cho từ tuần trước. Cháu  khóc vì cũng dạng bài ấy, nhưng khi được áp dụng vào bài kiểm tra 1 tiết thì con bị sai và kết quả cả lớp điểm cao, riêng con điểm thấp. Thấy tôi đứng lặng đi ngoài cửa, cháu hỏi: "Mẹ, mẹ có bao giờ lý giải được tại sao một người mẹ từng đoạt giải thi quốc gia mà lại sinh ra một đứa con học kém như  con không?". Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì cháu hỏi tiếp, nước mắt tràn qua kẽ tay: "Mẹ có bao giờ muốn đổi con lấy một đứa con khác học giỏi Toán không?".

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu tâm lý nhưng bằng bản năng của người mẹ, giây phút ấy, tôi hiểu cháu đang hoang mang cực độ về bản thân. Cháu đang nhìn vào các bạn học giỏi Toán ở lớp để thấy bản thân vô giá trị. Cháu đã nhìn vào giải quốc gia môn Văn của tôi ở quá khứ xa lắc xa lơ để thấy mình có lỗi khi không xứng đáng với mẹ. Tôi đã lặng đi trong giây lát, cố để ghìm lại những giọt nước mắt xót xa vì nếu tôi cũng khóc nữa thì chẳng những sẽ chẳng có tác dụng gì mà chỉ làm gia tăng sự thất vọng trong cháu.

Đó là một cảm giác thực sự nguy hiểm bởi khi trạng thái tâm lý ấy được đẩy lên cao trào, đứa trẻ gần như bị cô đơn hoàn toàn trong khủng hoảng và tuyệt vọng đến, như một kết thúc không thể khác. Cũng may là tôi đã bình tĩnh và chúng tôi đã đồng hành cùng nhau, thoát ra khỏi những mặc cảm, hoang mang bằng sự tự tin vào những giá trị mà con đang có.

Nhiều năm trước tôi đã từng đọc một bài báo viết về hành trình chữa trị khủng hoảng tâm lý cho một người đàn ông trưởng thành của một nhà trị liệu tâm lý nước ngoài. Người đàn ông này đã từng bị ám ảnh bởi tuổi thơ đau đớn không chỉ bởi đòn roi của cha mà còn bởi luôn khát khao tình thương yêu, sự vỗ về từ người cha nhưng vô vọng. Vì, cha anh độc đoán và nóng nảy. Nhưng những đòn roi ngày cũ đã dạy anh rằng, anh là đứa trẻ xấu xa và bị đánh vì anh không ngoan hiền như những đứa trẻ khác.

Khi nhà trị liệu tâm lý yêu cầu anh phải viết ra giấy những câu chuyện trong quá khứ đã làm anh đau đớn thì "tất cả giống như một cuốn phim quay chậm với những phân đoạn loang lổ, tựa như vết dao cứa vào tận đáy tâm hồn" và "mỗi hình ảnh đều gợi lại sự tổn thương nhức nhối" của đứa - trẻ - ngày - cũ trong anh. Đáng nói là, trong suốt những năm tháng thanh niên sau này, anh luôn luôn mặc định rằng, đứa - trẻ - ngày - cũ ấy là xấu xa, là tội lỗi nên bị cha đánh đập. Vì thế, các biện pháp trị liệu mà nhà tâm lý áp dụng với anh không phải nhằm để tha thứ cho người cha hung dữ kia mà cho đứa - trẻ - ngày - cũ trong tâm hồn anh, để anh tin rằng "đưa trẻ - tôi- không có tội".

a2.jpg -0
Một góc Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Ảnh: Minh Tiến.

2. Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống khủng khoảng tâm lý (PCP) năm 2010, ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15-24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao nhất. Tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia năm 2010 về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam thực hiện trên 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy: 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% trong số đó đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Nhưng đó không phải là hiện tượng ở riêng Việt Nam hay của riêng quốc gia nào. Bản Báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới mới nhất - năm 2021-  của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử.

Điều đáng nói là những dấu hiệu stress, trầm cảm trước tự tử lại ít được phát hiện hoặc nhận ra. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nhận định, hầu hết các ca bệnh được phụ huynh đưa đến khám đều đã ở vào tình trạng rối loạn vừa và nặng, rất ít ca nhẹ. Điều này cho thấy, cha mẹ các em đã đưa trẻ đến khám ở giai đoạn muộn, tức là  những biểu hiện tâm lý bất thường, những lo âu, căng thẳng, stress, thậm chí trầm cảm ở trẻ đã không được cha mẹ các em sớm nhận ra.

Một em bé tại Hà Nội đã trải qua một quá trình bức bối tâm lý lâu dài và đã từng thổ lộ với bạn bè. Trước khi tự tử đã từng lên mạng bán con game mà em yêu thích như một lời chào vĩnh biệt bạn bè. Nhưng không ai biết, kể cả mẹ em. Chỉ đến khi em kết liễu đời mình bằng chiếc khăn quàng cổ trong phòng tắm, mẹ em mới biết. Em được đưa đi cấp cứu nhưng khi đến viện đã rơi vào tình  trạng hôn mê sâu, mất hết phản xạ.

Câu hỏi làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này luôn là trăn trở không của riêng ai và cứ sau mỗi vụ tự tử đau thương thì báo chí và truyền thông mạng xã hội lại dấy lên vấn đề này, bao gồm cả những cảnh báo và tư vấn. Nhưng rồi, giống như những lớp sóng nối đuôi nhau, lớp sau đè lớp trước, truyền thông lại tiếp tục chạy theo dòng thời sự khi sự kiện của ngày hôm qua đã trở thành cũ với ngày hôm nay.

Điều quan trọng là, có khi nào chúng ta tự hỏi, ở đằng sau những  cánh cửa khép kín đầy riêng tư của mỗi gia đình, đã bao giờ chúng ta đủ quan tâm và biết cách quan tâm để có thể nhìn thấy con ở trong bóng tối của những chuỗi ngày khủng hoảng và cô đơn chứ không phải ở hào quang rực rỡ của những tấm huy chương. Bởi suy cho cùng, yêu một người cũng là một quá trình tu tập. Đó là cả một hành trình nhẫn nại, cố gắng học hỏi để biết "yêu thương cho phải cách"...

Đặng Huyền
.
.