Tận thấy giao thông thông minh ở Hàn Quốc
Trở lại Hàn Quốc sau hai chuyến công tác cách đây gần 10 năm, lần này tôi quyết định khám phá xứ sở kim chi theo cách riêng của mình. Với ba ứng dụng NaverMap, Papago và KorailTalk, tôi đã sử dụng toàn bộ hệ thống giao thông công cộng mà không hề lúng túng hay lạc đường. Ngược lại, mọi thứ tạo nên một trải nghiệm không chỉ tiện lợi mà còn đáng nhớ trong suốt 8 ngày rong ruổi qua 3 thành phố: Daejeon, Busan và Seoul.
Những app nhỏ thông minh
Hàn Quốc đón tôi vào một ngày đầu tháng 5 trong tiết trời dịu mát như mùa thu Hà Nội. Sân bay quốc tế Incheon rộng lớn, từng đoàn người nối đuôi nhau đi theo mũi tên chỉ dẫn, lên tàu điện ngầm để về khu vực nhập cảnh. Với chiếc điện thoại đã lắp sẵn Esim có dữ liệu internet và tấm thẻ nhựa nhỏ mang tên T-money, tôi bắt đầu hành trình du lịch của mình.

Nhớ lời người bạn Hàn dặn trước khi đi: “Cứ tải KakaoMap hoặc NaverMap đi, rồi cậu sẽ thấy không cần hỏi đường, app sẽ chỉ tới nơi cần đến”, tôi mở NaverMap và chọn điểm đến là khách sạn ở thành phố Daejeon. Thật bất ngờ, bản đồ hiện ngay tuyến đường cho tôi bằng những chỉ dẫn cụ thể là đi về khu E, cột 11 (khu vực dành cho xe buýt tuyến tỉnh) và lên buýt để đến thành phố Daejeon, xuống bến Khu phức hợp chính quyền Daejeon rồi đi taxi tầm 2km là về đến khách sạn.
Tất cả gọn trong chưa đầy ba cái chạm tay. NaverMap thậm chí còn thông báo rằng 15 phút nữa sẽ có chuyến xe khởi hành, hành trình mất khoảng 3,5 tiếng và đoạn taxi cuối cùng mất chừng 10 phút. Tôi làm đúng theo chỉ dẫn và điều kỳ diệu là: mọi thứ diễn ra chính xác đến từng phút. NaverMap còn cho phép bạn chọn loại hình di chuyển: chỉ tàu điện, chỉ xe buýt, hoặc chỉ taxi. Mỗi lựa chọn đều được trình bày rõ ràng, kèm bản đồ chỉ đường, thời gian dự kiến và phương án tối ưu được đề xuất. Khi rời Daejeon để đến thành phố Busan, tôi dùng KorailTalk và chỉ cần nhập điểm đi - điểm đến là đã có danh sách các chuyến tàu, từ KTX tốc độ cao đến tàu chậm Mugunghwa với giá vé, thời gian và cả thanh toán trực tuyến bằng thẻ quốc tế.

Và càng sử dụng các phương tiện công cộng ở Hàn Quốc, tôi càng hiểu lý do người ta gọi thẻ T-money là “chiếc chìa khóa vạn năng”. Từ tàu điện đến xe buýt, từ mua nước ở cửa hàng tiện lợi đến gọi taxi, chỉ cần một cú chạm là xong. Không phải lục ví tìm tiền lẻ hay xếp hàng mua vé giấy, mọi chuyển động đều liền mạch và trơn tru, như thể tôi đã sống ở đây lâu rồi.
Khi đến thủ đô Seoul, tôi còn được người bạn giới thiệu thêm về chiếc thẻ Climate cực kỳ tiết kiệm mà chính quyền đô thị Seoul mới phát hành năm ngoái nhằm phục vụ du khách nước ngoài. Công dụng của thẻ Climate giống như T-money, chỉ có khác là cho phép người dùng sử dụng phương tiện công cộng (bao gồm xe buýt, tàu điện, xe đạp điện, xe scooter…) không giới hạn trong khu vực Seoul với gói 1 ngày giá 5.000 won (~95.000 VND), 3 ngày 10.000 won (~190.000 VND), và 5 ngày 15.000 won (~285.000 VND).

Thế là trong 3 ngày, tôi đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở thủ đô Seoul, thậm chí còn dành thời gian vào lúc hoàng hôn để đạp xe trong các công viên xanh mướt hoặc đi scooter đến chân cầu Bampo chiêm ngưỡng đài phun nước bảy sắc cầu vồng giữa đêm… Không phải lúc nào du lịch nước ngoài cũng là một trải nghiệm dễ chịu, nhất là khi ngôn ngữ là rào cản. Nhưng ở Hàn Quốc, công nghệ dường như đã được thiết kế không chỉ để phục vụ người bản địa mà còn dang tay chào đón người nước ngoài.
Công nghệ dự đoán và phục vụ người dân
Ngày thứ hai ở thủ đô Seoul, tôi bắt xe buýt từ quận Mapo sang Gangnam vào giờ tan tầm - điều thường đồng nghĩa với việc phải chịu cảnh xe nhích từng bước một. Nhưng bằng công nghệ, Seoul lại có cách riêng khiến người ta không sợ tắc đường. Trước khi rời khách sạn, tôi mở NaverMap xem tuyến xe buýt nhanh nhất. Ứng dụng không chỉ hiển thị tuyến xe sắp đến mà còn cập nhật thời gian thực về tình trạng giao thông, lượng hành khách trên xe và thời gian đến từng trạm, chính xác đến từng phút. Xe buýt đến đúng hẹn và nhờ luồng giao thông được điều phối thông minh, xe chẳng mấy chốc đã vượt qua ba nút giao lớn mà không cần dừng lâu.

Tôi ngồi phía trước, gần tài xế và để ý thấy trên bảng điều khiển có màn hình hiển thị tình hình giao thông toàn tuyến. Những luồng đèn, những ký hiệu màu, dòng chữ nhấp nháy báo hiệu các nút tắc nghẽn… Dường như cả hệ thống trí tuệ thông minh (AI) và dữ liệu lớn (big data) đang phối hợp để dự đoán trước các rủi ro và giúp tài xế tránh nó từ xa.
Tàu điện ngầm cũng vậy. Dù mạng lưới phức tạp với gần 30 tuyến, mỗi Line đều được mã hóa bằng màu sắc và số hiệu giúp những người nước ngoài như tôi dù chưa từng dùng, vẫn đi lại dễ dàng. Chẳng hạn, Line 2 màu xanh lá chạy vòng tròn quanh trung tâm, Line 9 màu vàng nối dài từ sân bay vào trung tâm thành phố… Từng đường nét trên bản đồ đều rõ ràng như một tấm sơ đồ tư duy trực quan. Ngay cả ở những ga có nối chuyến thì các đường màu sắc (theo màu Line) cùng mũi tên chỉ dẫn vẫn dễ dàng giúp hành khách tìm đến đúng tàu tiếp theo.

Trên tàu, mỗi trạm đều được thông báo qua loa bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, đôi khi cả tiếng Trung và Nhật, cùng bảng LED báo hiệu trạm kế tiếp, thời gian đến, hướng cửa mở. Tôi chỉ cần ngồi yên, lắng nghe và... cảm thấy được chăm sóc. Ngay cả khi có thay đổi bất ngờ như một trạm bảo trì, một tuyến chậm trễ…, thông báo được cập nhật tức thì trên app.
Không có cảnh đứng ngơ ngác ở ga như tôi từng gặp ở nhiều nơi, ở Seoul, công nghệ dường như không chỉ phục vụ vận hành, mà còn giúp con người an tâm khi di chuyển. Mọi sự cố nhỏ xảy ra với hành khách đều được giải quyết một cách nhanh chóng mà chưa cần đến sự xuất hiện của các nhân viên nhà ga. Tôi nhớ lúc đến ga Jungno-2 (Seoul), hai cô gái Nga xuống cùng chuyến tàu bị chặn lại vì thẻ T-money hết tiền. Họ nhanh chóng đến máy nạp tiền kế bên, quét thẻ, thanh toán và đi qua trong chưa đầy một phút mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên nhà ga...

Và văn hóa giao thông thân thiện
Sáng đầu tiên ở Busan, tôi vội vã vào ga Yeong để đi thăm làng văn hóa Gamcheon. Trên tàu, tôi thấy một hàng ghế màu vàng và một ghế màu hồng nằm xen giữa hàng ghế màu xanh. Một nhóm cụ ông, cụ bà ngồi bên hàng ghế màu vàng, riêng ghế màu hồng không có ai ngồi. Quan sát xung quanh, tôi nhận ra, dãy ghế màu vàng là dành riêng cho người già, người khuyết tật. Ghế màu hồng dành cho người mang thai, nên dù toa đông nhưng không một ai ngồi vào, không có biển cảnh báo, không cần nhân viên nhắc nhở, chỉ có sự tự giác.

Ở Hàn Quốc, tôi nhận ra, văn hóa giao thông không nằm ở luật mà nằm trong ý thức mỗi người. Ngôn ngữ tử tế nhất ở đây là ánh mắt, là sự kiên nhẫn, là những hành động không lời. Mỗi sáng, hàng dài người xếp hàng trước cửa xe buýt, không chen lấn, không vượt lên, ngay cả khi trời mưa. Trên tàu, ai cũng đeo tai nghe hoặc nói chuyện nhỏ tiếng, như thể hiểu rằng nơi công cộng là chốn cần giữ yên lặng. Tôi nhớ lần đầu nạp tiền cho thẻ T-money còn lúng túng, một bạn sinh viên đã đến giúp. Lần khác, khi đang loay hoay tìm đường đổi Line, một bác lớn tuổi tiến tới hỏi tôi bằng tiếng Anh và dẫn tôi đến đúng cửa. Hay như đôi nam nữ người Hàn, dù đang vội, vẫn kiên nhẫn chờ tôi dùng Papago dịch rồi dắt tôi đi cùng sang Line 3 khi tôi đang chưa biết đi từ Line 1 sang bằng cách nào...

Một điều thú vị nữa là hầu hết các bến xe buýt ở Seoul đều lắp hệ thống cảm biến giao tiếp thông minh, khi người khiếm thị hoặc người cao tuổi đến gần, loa sẽ tự động đọc thông tin. Với một nút bấm đơn giản, họ có thể báo cho tài xế biết cần hỗ trợ. Đèn giao thông ở ngã tư có bộ đếm ngược, đèn LED báo hiệu đổi màu (xanh-đỏ) ở trên cao lẫn dưới mặt đường. Nếu còn 20 giây, loa sẽ phát còi nhẹ nhắc người đi bộ rảo bước. Tại khu dân cư, các biển cảnh báo tự động sáng lên khi có người băng qua đường và ô tô khi đi đến khu vực có vạch dành cho người qua đường (dù không có đèn cảnh báo) bao giờ cũng dừng lại chờ hết người qua rồi mới đi… Ngay cả robot hướng dẫn ở nhà ga cũng có giọng nói dịu dàng, khuôn mặt hoạt hình thân thiện như muốn nói: ở đây, bạn được chào đón và lắng nghe.
Rời Hàn Quốc, tôi mang theo chiếc thẻ T-money và Climate như một món quà. Không chỉ vì sự tiện lợi, mà vì chúng còn nhắc tôi rằng: một thành phố hiện đại không nhất thiết phải vội vã; một hệ thống giao thông thông minh không chỉ đưa ta đến nơi, mà còn khiến ta thấy mình được tôn trọng và bảo vệ.