Tấm lòng vàng trong bão lũ
Cơn bão Yagi qua đi, để lại bao đau thương, mất mát về người và tài sản đối với các địa phương bị ảnh hưởng bão. Nhưng, trong đau thương và mất mát ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm hi sinh để bảo vệ sự sống và tài sản của nhân dân vùng lũ, đã xuất hiện biết bao tấm lòng vàng trong công tác từ thiện, cứu trợ và giúp đỡ bà con vùng bão lũ.
Trong những tấm lòng vàng đó, tôi rất khâm phục tấm lòng của một số nhà hàng ăn uống trên địa bàn cả nước. Họ chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, thời bao cấp gọi là tiểu thương, nhưng tấm lòng của họ thì thật lớn lao. Dù sự đóng góp của các nhà hàng đó không lớn, nhưng nó thể hiện sự nhanh nhạy, sát sao trước tình huống khẩn cấp do thiên tai mang đến.
Đầu tiên là phải kể đến nhiều khách sạn lớn nhỏ ở các địa bàn bị ảnh hưởng bão lũ, đặc biệt là ở thị xã Sapa, đã mở lòng, mở cửa để đón khách tới ăn ở miễn phí trong suốt thời gian xảy ra lũ lụt. Sau đó, tôi đặc biệt khâm phục những chủ quán đã nghĩ ra một cách thức rất thông minh và nhanh nhạy để đóng góp vật chất trực tiếp cho đồng bào vùng bão lũ vừa qua. Đó là các chủ quán đã đề nghị khách thanh toán tiền ăn uống trực tiếp vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do nhà hàng cung cấp.
Báo chí truyền thông đã nêu ra nhiều tấm gương về các nhà hàng đó, nhưng với cá nhân người viết bài này, tôi rất thích thú với 2 nhà hàng dưới đây mà báo VnExpress và Dân trí đã đưa tin. Trong 4 ngày, từ 12-15/9, anh Nguyễn Hẹn, 37 tuổi, chủ quán cà phê ở phường An Mỹ, TP Tam Kỳ đã đề nghị khách thanh toán tiền đồ uống bằng cách chuyển khoản vào tài khoản Ban cứu trợ Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ở chính giữa quán, anh chủ quán Nguyễn Hẹn căng băng rôn mang dòng chữ “Vì tinh thần ủng hộ các tỉnh phía Bắc bị thiên tai lũ lụt”. Ở mỗi bàn, anh đặt mã QR số tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đề nghị khách chuyển số tiền đồ uống mình đã dùng vào đó để ủng hộ đồng bào miền Bắc. Trong ngày đầu áp dụng hình thức thanh toán này, khách của quán đều bày tỏ sự ngạc nhiên, sau đó ủng hộ nhiệt tình. Đa số khách chuyển nhiều hơn số tiền đáng lẽ phải thanh toán. Ví dụ, có người uống ly cà phê hết 14.000 đồng nhưng chuyển 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. Một số người lớn tuổi không có tài khoản ngân hàng, quán cho nhân viên hướng dẫn chuyển giúp.
Đó là chuyện một nhà hàng ở TP Tam Kỳ trong Quảng Nam. Còn ở thị xã Sapa, nhiều nhà hàng cũng đã đề nghị khách thanh toán vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc. Anh Đàm Quang Trung, 33 tuổi, chủ quán lẩu nấm gà đen nằm trên đường Điện Biên Phủ (Sapa). Đợt mưa lũ đỉnh điểm dù đã qua đi nhưng những mất mát đau thương còn ở lại. Không thể tự tay hỗ trợ tới từng người dân, anh Trung nảy ra ý tưởng sử dụng tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để khách thanh toán cho các đơn hàng tại quán. Anh Trung đã dán toàn bộ mã QR của Mặt trận Tổ quốc xung quanh nhà hàng. Theo đó, từ ngày 16-18/9, toàn bộ số tiền các bữa ăn của khách đều được chuyển thẳng tới địa chỉ tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng chung ý tưởng với anh Trung, chị Nga (nhà hàng Sapa By Night) cũng quyết định thay mã QR của cơ sở mình bằng số tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sapa và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai. Từ ngày 16-20/9, toàn bộ doanh thu của nhà hàng sẽ được chuyển trực tiếp vào 2 tài khoản này để hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, vượt qua giai đoạn khó khăn. “Là người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sapa, chứng kiến những đau thương mất mát to lớn ở quê hương, tôi chỉ muốn góp phần nhỏ bé ủng hộ đồng bào. Mỗi hóa đơn thanh toán của khách chính là tấm lòng vàng, là lời động viên gửi tới bà con vùng lũ", chị Nga nói với phóng viên Báo Dân trí.
Đọc những lời tâm sự ấy, tôi chợt nhớ những ca từ xúc động trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Người xưa cũng có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Quả thực, truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” chưa bao giờ được thể hiện một cách sinh động, thiết thực như những ngày qua của người dân cả nước với đồng bào bị bão lụt.
Chia sẻ với phóng viên báo chí, ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, cho rằng tuy đây là những hành động đơn lẻ nhưng vẫn là nghĩa cử cao đẹp, có thể lan tỏa để hướng tới cộng đồng.
Và, tôi cũng muốn dùng lời nhận xét đó để kết thúc bài viết về những tấm lòng vàng của các chủ nhà hàng trong bão Yagi và lũ lụt vừa qua.