Tại sao con không muốn đến trường?

Thứ Năm, 02/12/2021, 10:45

Trong tuần này tôi nhận được 3 lời mời từ những ngôi trường tư cùng một chủ đề nói chuyện: Chuẩn bị tâm lý cho con khi trở lại trường. Cả 3 lời mời đó đều đính kèm sự lo lắng: Nhiều trẻ sau 6 tháng học online đã không muốn trở lại trường. Các con đều có những bất ổn tâm lý khi nghe thông báo về việc sắp được đi học trở lại. Tôi khá bất ngờ khi nghe những lo lắng đó.

Bởi tôi cũng như phần đông các phụ huynh đều tin rằng mọi đứa trẻ đều đang háo hức trở lại trường. Lũ trẻ đang khát trường học là có thật. Các phụ huynh và thầy cô đều đang nỗ lực hết sức mình với chủ đề: Đi học an toàn - làm sao để lũ trẻ an toàn khi tới trường, mà quên một số không hề nhỏ những đứa trẻ sợ đến trường sau 6 tháng học online.

Tâm lý này đã xảy ra ở người lớn sau khi các thành phố gỡ bỏ giãn cách, người lao động trở lại làm việc. Những người sau thời gian dài giãn cách đã thích nghi với Work From Home và thấy việc trở lại công sở là không cần thiết. Những người hướng nội, thậm chí sau hơn 90 ngày giãn cách ở TP Hồ Chí Minh, họ bắt đầu sợ đám đông, sợ sự ồn ào, sợ dịch chuyển. Vài người bạn đang làm quản lý nhân sự ở các công ty cũng bày tỏ sự khó khăn mà họ đang gặp phải với những nhân viên sợ trở lại văn phòng thế này. Trong số đó, nỗi lo F0 lẩn khuất cũng là một khúc mắc lớn. Bởi nếu đến văn phòng, như các tòa nhà, trong thang máy hàng chục người chen chúc, nếu có một F0, không chỉ phải nghỉ việc mà còn có thể khiến gia đình họ bị liên lụy.

Tại sao con không muốn đến trường? -0
Ảnh: L.G

Bên cạnh số người đang háo hức trở lại văn phòng, một con số không nhỏ những người khác ngần ngại, mất nhiệt huyết, muốn đổi việc để tìm việc khác không phải đến văn phòng, miễn là không phải chia sẻ không gian chung với nhiều người. Một số còn đông hơn là các phụ huynh có con nhỏ vẫn chưa được đến trường, họ ngần ngại đến công sở cũng vì họ muốn ở nhà chăm sóc con cái. Đợt dịch vừa qua, hơn 23.000 người tử vong vì COVID cũng tác động mạnh đến nhiều người trong tư duy sống, quan điểm sống, trân quý gia đình hơn, muốn dành nhiều thời gian cho người thân hơn.

Thế nên, việc một số cũng không nhỏ những đứa trẻ không muốn đến trường, sợ đến trường là một vấn đề mà dường như nhiều trường học, nhiều phụ huynh, nhiều người lớn đã bỏ qua. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng: “Tụi nó, bọn trẻ, không muốn đến trường chẳng qua vì ở nhà đang sướng, tha hồ dùng điện thoại, iPad, laptop mà không bị cha mẹ cấm đoán như trước. Đã thế lại nằm ngồi thoải mái, học online như chơi chơi”. Là nhiều phụ huynh nghĩ vậy. Quy kết rằng con cái lười biếng. Trong số đó, nhiều phụ huynh quát mắng con. Bởi họ cũng đang mất dần kiên nhẫn trong việc hỗ trợ con học online, nấu cơm nước cho con, đau đầu vì đã lâu không có bữa trưa công sở một cách thư thái. Hôm nào cũng tranh thủ cuống cuồng chạy từ cơ quan về nhà nấu cơm cho con rồi quay lại cơ quan. Hay nhiều cha mẹ không còn thời gian cho riêng mình nữa khi con vẫn học online ở nhà. Nên dễ dàng quy kết con không muốn đi học chẳng qua vì nó đang sướng việc ở nhà.

Sự thật không phải vậy, khảo sát của 3 ngôi trường tư dẫn tới việc họ phải tổ chức livestream đối thoại với phụ huynh cho thấy có ít nhất 25-39% học sinh của họ đang có những vấn đề về việc trở lại trường. Tất nhiên, trong số đó, cả tôi và ban giám hiệu của 3 ngôi trường đó đều biết rằng một phần là do chính cha mẹ. Nhiều cha mẹ vẫn phản đối việc trẻ em trở lại trường khi đài báo số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn đang ở mức đáng lo. Họ nói với tôi rằng: “Chúng tôi không đánh cược sinh mạng của con chúng tôi. Chừng nào chúng cũng được tiêm 2 mũi vaccine, chúng tôi mới cho con đến trường”. Mặc dù, như hôm Halloween, như trên tàu điện trên cao Cát Linh - Nhổn, như trong các khu vui chơi..., trẻ em vẫn nườm nượp. Cha mẹ vẫn đưa con đến nơi đông người và quên cả nhắc trẻ đeo khẩu trang đúng cách. Nhưng, đến trường thì không. Cứ như thể trường học mặc định là có COVID. Nỗi sợ COVID của cha mẹ chính là “nguồn lây” đến nỗi sợ của con trẻ. Nhiều bé trong khảo sát của 3 ngôi trường trả lời rằng chúng sợ đến trường vì trong trường học cũng có COVID. Và, dù giáo viên đã giúp các con hiểu về đường lây của COVID trong các tiết học online thì trẻ vẫn tin theo cha mẹ rằng COVID có thể lây qua lũ bạn có cha mẹ đi lung tung. Lũ trẻ sợ chính những người bạn của mình. Sợ đến mức chúng chỉ chấp nhận nói chuyện với nhau qua smartphone, webcam chứ không muốn gặp nhau.

Một số khác, những đứa trẻ hướng nội hoặc đã từng có trải nghiệm không tốt hồi còn đi học như bị bạn bè bắt nạt, không hòa nhập được với lớp thì càng sợ đi học lại. Chúng đã quen với việc trốn sau màn hình và cảm thấy thoải mái với việc học online. Nên khi có thông báo chuẩn bị trở lại trường, chúng đã hồi hộp, lo âu, sợ hãi và không muốn đến trường. Nhưng, chúng sẽ không bao giờ nói với cha mẹ về nỗi lo ấy bởi cha mẹ không hiểu và cũng bởi nhiều cha mẹ coi đó là chuyện vớ vẩn, bịa đặt, lấy cớ. Các thầy cô ở 3 ngôi trường tư ấy đã họp liên tục với tôi khi cùng xây dựng chương trình livestream đối thoại phụ huynh.

Tại sao con không muốn đến trường? -0
Ảnh: L.G

Chúng tôi cùng bàn với nhau về giải pháp. Làm sao để chuẩn bị tâm lý cho các con trở lại trường. Tất cả các giải pháp đều cần sự đồng hành của phụ huynh. Cần phụ huynh lắng nghe các con nhiều hơn. Cần các phụ huynh xây dựng kế hoạch trở lại trường, giúp các con tâm lý hưng phấn hơn. Như cá nhân tôi, cùng các con xây dựng kế hoạch “một tôi mới” khi trở lại trường. Chính các ngôi trường cũng phải chuẩn bị những chương trình riêng tạo hứng khởi cho các con chứ không chỉ là những kế hoạch học bù, ôn tập, bổ sung, lấp đầy kiến thức sau thời gian dài học online của các con. Tiếc là tôi không thấy kế hoạch đó trong những lời phát biểu của các thầy cô trên truyền hình, báo đài mỗi khi nói về việc nhà trường chuẩn bị gì khi đón các con trở lại trường.

Cũng như người lớn trở lại công sở, trẻ em khi trở lại trường rất cần một sự chuẩn bị tâm lý. Đó là việc thay đổi nề nếp. Khi lũ trẻ ở nhà học online, chúng đã quen với việc xen kẽ giữa học với làm việc riêng (mà thầy cô không thể quan sát hết qua webcam), việc lũ trẻ trở lại trường sẽ gặp những áp lực giống như sự mất tự do. Điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, năng suất học tập và cả sự kết nối, tương tác với bạn bè. Như câu chuyện tâm sự của cô con gái thứ hai của tôi: “Sau thời gian dài giãn cách, con cảm thấy con với HP không còn kết dính như trước nữa. Có lẽ tình bạn của tụi con đứt gãy rồi”. Đó chắc chắn không chỉ là tâm trạng của con tôi. Nhiều đứa trẻ đã và đang gặp những vấn đề như vậy. Nên việc trở lại trường khiến chúng chán nản, thậm chí, thấy tuyệt vọng. Chúng sợ phải đối mặt với những thứ đứt gãy thấy trước.

Trở lại trường, đó là ước muốn của nhiều đứa trẻ và của nhiều cha mẹ. Nhưng, nó cũng lại là sự ám ảnh, lo lắng của những đứa trẻ khác và của chính một số không nhỏ những cha mẹ chưa muốn con tới trường. Chuẩn bị tâm lý trở lại trường cho những đứa trẻ lại càng cần chuẩn bị tâm lý cho con trở lại trường của các bậc cha mẹ. 6 tháng học online không chỉ để lại di chứng cho trẻ, những vấn đề tâm lý, thể xác mà còn là một câu hỏi lớn về việc cha mẹ ở đâu trong hành trình trưởng thành của con cái mình.

Tôi nghĩ vậy! 

Hoàng Anh Tú
.
.