Sửa sao, khi "bà mụ" nặn nhầm?

Thứ Ba, 12/07/2022, 14:35

N.T.D. sinh năm 1984, quê ở Hà Giang. Trong mắt mọi người, D. là một cô gái có mái tóc dài và ăn mặc điệu đà. Nhưng đấy là người ngoài nhìn vào, còn D. thì cảm nhận rõ mình là một người lạ biệt. "Rốt cuộc thì mình có phải là nữ không?", D. luôn tự ti, dằn vặt mình, vì cô không có âm đạo và vòng một chỉ là… tivi màn hình phẳng. Những rối lẫn ngày một lớn dần, cho tới một ngày, D. quyết định tìm đường xuống Hà Nội để có bằng được câu trả lời…

1."Cô gái" D. ngồi trước mặt Giáo sư, Tiến sĩ (GS,TS) Trần Thiết Sơn - giảng viên cao cấp bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội), từng công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện tại công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai, ánh mắt dâng đầy những dằn vặt, lo lắng, khổ đau trước tình trạng khó nói của bản thân.

Bằng kinh nghiệm của một người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới, GS Sơn nhận ra bóng hình của một chàng trai ẩn sau mái tóc dài và vẻ bề ngoài nữ tính kia. Tiến hành các bước khám chuyên sâu, ông phát hiện ra D. là nam giới do mang nhiễm sắc thể XY. Oái oăm thay, những chỉ dấu quan trọng của một đấng mày râu ở D. lại mờ nhạt khi dương vật có được một chút, còn tinh hoàn thì…lạc trôi lên tận ống bẹn. Nếu không gặp bác sĩ Sơn, thì D. hoàn toàn ko biết mình là trường hợp lưỡng giới giả nam thể nhẹ. Bao nhiêu năm trời, D. cứ chịu đựng ngấm ngầm, những khát khao mơ hồ muốn trở thành nam giới bao lần dội lên ngay lập tức bị nhấn chìm xuống bằng lí trí  bởi D tự cho đó là sự lệch lạc.

Sửa sao, khi
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn - người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới.

Với trường hợp của D., bác sĩ Sơn đã theo dõi, đánh giá kĩ về mặt tâm lý và tư vấn cho bệnh nhân, chú trọng đến nguyện vọng của D. muốn là nam giới. D. đã  trải qua ca phẫu thuật kéo tinh hoàn về đúng vị trí để bộ phận quan trọng này hoạt động bình thường. Khi hormon nam dần được tiết ra, D. dần trở lại với những suy nghĩ, cảm giác giống như nam giới. Sau đó, D. được phẫu thuật tạo hình dương vật.

Trước và sau quá trình can thiệp, D. được ê kíp bác sĩ phẫu thuật theo dõi diễn biến tâm thần để kịp thời xử lý những bất thường tâm lý, vì sự thay đổi quá lớn này rất dễ khiến bệnh nhân bị tổn thương. Hai tuần sau phẫu thuật, D. hồ hởi khoe với bác sĩ rằng sau bao nhiêu năm thì cũng có lúc anh tự tin… bước vào nhà vệ sinh nam và lớn tiếng xưng "anh".

D. hài lòng về con người mình và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, "người đàn ông chính hiệu" tên D. còn lấy vợ và có cuộc sống hạnh phúc. Nhiều năm trôi qua, hồ sơ bệnh án của D. vẫn được GS Sơn lưu giữ cẩn thận. Với một người có giới tính xác định, sẽ chẳng có gì đáng nói. Nhưng với những người là phiên bản lỗi của tạo hóa thì hành trình từ một người bất thường đến một người bình thường mang đầy nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

Không chỉ mình D., có những người trẻ vào đời bằng một loạt những nghi ngại rất khó trả lời: mình là một cô gái hay một chàng trai, mình giống chàng trai hay cô gái, mình có thể sống tốt khi làm một chàng trai hay một cô gái, mọi người sẽ nghĩ gì khi mình trở thành một chàng trai hay một cô gái? Thoạt nghe, đó là những câu hỏi phi lý, nhưng thực tế có không ít người có vấn đề về giới tính, và trong đầu họ luôn nổi lên những băn khoăn như thế.

2. Không dễ dàng tìm ra được giới tính thật của bệnh nhân. Nhưng khi đã xác định đúng giới tính rồi thì việc có nên chuyển họ về đúng với giới tính không, làm thế nào để tốt nhất cho họ lại là vấn đề đau đầu, cần sự cân đo đong đếm đầy trách nhiệm và tận tâm của các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

Ở vùng quê Hà Nam, nhìn "chị" B. ai chẳng bảo đó một người phụ nữ với vòng một đầy đặn, khung chậu nở nang, chân tay tròn lẳn. Thế nhưng, khi đã 32 tuổi, hàng tháng chị vẫn không có dấu hiệu của người phụ nữ. Đi khám, được GS Sơn làm các xét nghiệm chuyên sâu, chị B. mới biết mình không hề có âm đạo và choáng váng khi biết mình là nam giới vì mang nhiễm sắc thể XY. Nhưng có điều trái khoáy là ở cơ thể B., cơ quan sinh dục nam không đáp ứng hoàn toàn sự điều khiển của tuyến yên thành ra bị "chết yểu". Nhân cơ hội đó, hormon nữ ở tuyến thượng thận trỗi dậy, làm cơ thể phát triển theo xu hướng nữ giới. Tiến hành siêu âm, các bác sĩ phát hiện tinh hoàn của B. không đúng vị trí mà "chu du" trong ổ bụng bao năm trời nay.

Ê kip phẫu thuật tiến hành mổ cho B., nhưng phải xử lý theo hướng hoàn toàn ngược lại.  Nếu như bệnh nhân D. bị kẹt trong hình hài nữ nhưng lại có thiên hướng về nam giới, nên việc phẫu thuật định giới tính nam giới cho D. là hợp lý. Còn với B. thì dù mang nhiễm sắc thể XY nhưng bác sĩ vẫn hướng B. thành nữ bằng cách tái tạo âm đạo. Vì sao vậy? Vì trong trường hợp này B. không có thiên hướng về nam giới, mà ngược lại đã quá quen với việc mình là nữ, sống cuộc sống của một người nữ, não bộ đã tư duy theo nữ giới trong một thời gian dài.

Theo GS Trần Thiết Sơn, không nên trả B. về trạng thái giới tính thật là nam mà tốt nhất để B. ở giới tính ngụy biện là nữ đang có. Sau khi được tái tạo âm đạo, chị B. không còn cảm giác lo lắng, thiếu hụt mà trở nên tự tin vào bản thân, đã lấy chồng và có cuộc sống hạnh phúc. Sau này, những niềm vui lớn trong đời, chị B. đều chia sẻ với bác sĩ Sơn - người đã nặn hình hài trọn vẹn cho chị, như đã sinh ra chị lần thứ hai.

Sửa sao, khi
Bác sĩ Sơn và êkip trong một ca phẫu thuật tạo hình.

Theo GS Trần Thiết Sơn, để quyết định một cá nhân "theo đuổi" giới tính nào phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kinh nghiệm của bác sĩ, tuổi của bệnh nhân và thể bệnh. Ví dụ đối với thể bệnh lưỡng giới giả nữ điển hình thì cho dù ở tuổi nào cũng không nên trả họ về giới tính thật của họ là nam giới. Bởi họ đã sống đời sống của một người nữ, tinh thần, thói quen, tập quán đã định hình quá lâu. Nếu thay đổi họ sẽ bị sốc và sẽ rất khó khăn, khổ sở để hòa nhập đời sống. Vì vậy hãy để họ sống với giới tính mà họ đang có, thiếu yếu tố gì các bác sĩ sẽ "bù".

Ví dụ có thể phẫu thuật thẩm mỹ để tạo nên vòng một như ý muốn, không có âm đạo thì sẽ tạo hình âm đạo. Họ sẽ sống hoàn toàn bình thường, hạnh phúc với kiểu hình nữ bên ngoài và quên bẵng đi việc họ là một người đàn ông. Đó là một lời khuyên tốt nhất của một bác sĩ có tâm và giỏi nghề dành cho bệnh nhân.

GS Trần Thiết Sơn được biết đến là người có "bàn tay tài hoa" trong việc phẫu thuật tạo hình xác định lại giới tính - một lĩnh vực vô cùng khó. Muôn hình vạn trạng những trường hợp bệnh nhân, những câu chuyện bi hài, dở khóc dở cười có lẽ chỉ có bác sĩ Sơn mới gặp. Càng gặp nhiều ca trớ trêu, ông lại càng trăn trở. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, vấn đề khám sàng lọc giới tính được quan tâm từ rất sớm. Bệnh nhân ngay từ khi là những đứa trẻ đã được phát hiện tình trạng bệnh, giải quyết về tâm lý, điều trị hormon, trừ trường hợp các thể bệnh nặng như không có âm đạo, dương vật quá nhỏ mới phải can thiệp. Còn các thể trung gian có thể điều chỉnh, can thiệp bằng nội khoa. Đáng tiếc là ở Việt Nam, bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khi bệnh nhân đã qua tuổi dậy thì quá lâu. Mà khi đã muộn thì chẩn đoán dễ hơn nhưng xử lý khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.

GS Trần Thiết Sơn khuyến cáo các ông bố bà mẹ hãy quan sát, để ý cơ thể con mình từ lúc nhỏ để đi khám kịp thời. Trong lĩnh vực này, kinh nghiệm của bác sĩ đóng vai trò quan trọng. Nếu bác sĩ nhi khoa phát hiện sớm được tình trạng của trẻ, thấy bất thường, sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục, phát hiện chẩn đoán ngay được giới tính của trẻ. Ví dụ, trẻ sinh ra kiểu hình giống con gái nhưng thực ra có tinh hoàn lạc chỗ và một chút dương vật. Phương pháp điều trị đơn giản mà lại ít tốn kém là cho dùng hormon hoặc kéo tinh hoàn xuống để trẻ phát triển theo xu hướng nam giới. Nhưng nếu bố mẹ và cả bác sĩ không để ý, xử lý không đúng cách sẽ dẫn đến đứa trẻ phải nhiều năm sống với kiểu hình bề ngoài hoàn toàn giả tạo và chịu nhiều đau đớn về tinh thần.

Tâm lý của bệnh nhân khi có vấn đề về giới tính sẽ khác rất nhiều so với tâm lý của bệnh nhân mắc các bệnh khác. Họ thường đến gặp bác sĩ trong tình trạng hoang mang lo lắng, lúc nào cũng che đậy, giấu giếm, không muốn cho người khác biết về tình trạng của họ. Bác sĩ phải dành nhiều thời gian gặp gỡ bệnh nhân để đánh giá tâm lý, tìm hiểu mong muốn của họ, tác động tâm lý cho họ. Có bệnh nhân đã ngoài 30 tuổi, vừa có dương vật vừa có âm đạo, sống như một người nữ, nhưng lại mong muốn được làm người đàn ông đích thực.

Với trách nhiệm của một chuyên gia đầu ngành, GS Sơn đã dành thời gian giải thích, rằng đã ở tuổi trưởng thành, không thể nói muốn chuyển thành nam giới là có thể chuyển ngay được, bởi quãng đời đã qua đã quy định tập quán, lối sống của họ là nữ giới. Vậy nếu tiến hành phẫu thuật thì liệu cuộc sống của họ có khả dĩ hơn hay lại mang đến cho họ nhiều khó khăn, rào cản. Bác sĩ phải làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân biết là họ đang muốn sống như thế nào, điều gì tốt cho họ lúc này. Nếu làm, sẽ phải trải qua những bước như thế nào, trong thời gian bao lâu để đạt hiệu quả cao nhất. Đây làm một mảng phẫu thuật tạo hình vô cùng khó và nhạy cảm trong quan niệm tâm lý xã hội mà không phải vị bác sĩ nào cũng muốn dấn thân.

Thái Hưng
.
.