Sự trỗi dậy của những biểu tượng cảm xúc
Một bài đăng trên Facebook khiến tôi bật cười. Tôi nháy đúp vào màn hình, một biểu tượng mặt cười hiện ra, giúp tôi bộc lộ cảm xúc rất tự nhiên với nội dung vừa thấy. Báo cáo do Adobe thực hiện tiết lộ, có tới hơn một nửa người dùng mạng xã hội - giống như tôi - tin rằng các biểu tượng cảm xúc giúp họ "yêu, ghét, giận, hờn" trên nền tảng số.
Adobe cũng tiết lộ rằng, các biểu tượng cảm xúc - với hành trình 40 năm sáng tạo của mình - có khả năng trở thành ngôn ngữ thâu tóm "cảm xúc số" trong tương lai.
Ba ký tự cho một khởi đầu
Vào lúc 11h44 phút sáng ngày 19-9-1982, giảng viên khoa học máy tính của Đại học Carnegie Mellon Scott Fahlman đã khởi tạo một cột mốc thú vị trên Internet chỉ bằng cách ghép một dấu hai chấm, một dấu gạch ngang và một dấu ngoặc đơn lại với nhau. Lúc đó, Internet mới đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, tuy nhiên những cuộc tranh luận nảy lửa đã xuất hiện, ít nhất là trên diễn đàn nội bộ trực tuyến của trường Carnegie Mellon.
Fahlman quyết định rằng cần phải có một gương mặt cười để xoa dịu những căng thẳng được tạo ra từ những phát ngôn đầy chế giễu. Và ông tìm kiếm trên bàn phím cách tạo nên gương mặt cười đó. "Tôi đề nghị dùng chuỗi ký tự :-) để chỉ những câu chuyện đùa", Fahlman trả lời tờ The Independent về cách biểu tượng mặt cười ra đời, khi ông đăng tải ký tự này trên trang diễn đàn của trường mình. "Đó chỉ là 10 phút ngắn ngủi trong đời tôi. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng ký hiệu này chỉ thu hút một vài người bạn và sự việc sẽ dừng lại ở đó", vị giáo sư thừa nhận. Có lẽ, ở thời điểm ấy, Fahlman cũng không ngờ rằng, biểu tượng mặt cười mà ông sáng tạo ra đã được Kỷ lục Guinness Thế giới mệnh danh là "biểu tượng cảm xúc kỹ thuật số đầu tiên" và là tiền thân của hơn 3.600 biểu tượng cảm xúc ngày nay.
Tên gọi emoticon, cùng việc sử dụng tập hợp các dấu chấm câu, chữ cái và số được sắp xếp để giống với khuôn mặt của con người, ra đời trên Internet từ đó. Và chính Fahlman, một cách vô tình, đã góp phần giải quyết một vấn đề quen thuộc với người dùng Internet ngày nay: truyền tải những cảm xúc vô hình trở thành hữu hình trên màn hình máy tính. "Khi bạn trao đổi bằng văn bản trên Internet, mọi người không thể biết bạn đang đùa hay thật. Không có ngôn ngữ cơ thể, không có biểu cảm khuôn mặt", ông nói về ba ký tự đã trở thành một biểu tượng cho sự phát triển của ngôn ngữ cảm xúc số sau này.
Trong 40 năm kể từ khi ba ký tự riêng lẻ bỗng trở nên có ý nghĩa, các biểu tượng cảm xúc, nay thường xuất hiện phổ biến dưới hình thức emoji, đã trở thành một phần không thể thiếu của các cuộc trò chuyện trên Internet, và thậm chí là trong cả các buổi họp hay thuyết trình ngoài đời thực. Có hơn 3.600 emoji ra đời, đáp ứng nhu cầu bộc lộ mọi cảm xúc của người dùng Internet, và giải quyết hiệu quả vấn đề ban đầu mà Fahlman từng mong muốn, đó là truyền tải hàm ý của lời nói một cách sâu sắc hơn, dù chỉ bằng một emoji vẫy tay, một khuôn mặt đang rưng rức khóc, hay một nhân vật tò mò đeo chiếc kính cận màu đen.
"Biểu tượng cảm xúc diễn đạt những điều mà ngôn ngữ nói bình thường không thể. Nó truyền đi thông điệp rõ ràng, giống như cách ai đó muốn thể hiện rằng tôi ổn", Jennifer Daniel, giám đốc phát triển biểu tượng cảm xúc của tổ chức giám sát tiêu chuẩn Emoji Unicode Consortium, cho biết. "Các emoji cũng có chức năng như một phương thức giao tiếp tương tự như ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, âm lượng, hay giao tiếp bằng ánh mắt", Daniel chia sẻ.
Bốn thập kỷ không ngừng sáng tạo
Không mất quá nhiều thời gian để 3 ký tự : - ) vượt qua khuôn khổ mạng nội bộ của Đại học Carnegie Mellon. "Một tháng sau, tôi nhận được thư từ hãng nghiên cứu Xerox PARC rằng những ký tự này đang gây hiệu ứng mạnh. Tôi không rõ có phải người đầu tiên gõ ba ký tự đó liền nhau không, nhưng tôi tin gợi ý của tôi khi đó đã khiến nó lan truyền khắp thế giới", giáo sư Fahlman kể lại. Quả thực vậy, sau khi xuất hiện, biểu tượng mặt cười mang thương hiệu Fahlman trở nên phổ biến trên khắp nước Mỹ, trở thành một trào lưu khá phổ biến trong cộng đồng người sử dụng máy tính thời bấy giờ. Kể từ đó, cuộc đua phát triển những biểu tượng mặt cười đã diễn ra với một tốc độ chóng mặt. Rất nhiều khuôn mặt mới đã được tạo ra, cùng với đó là những chuỗi ký tự phức tạp hơn đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu diễn đạt cảm xúc của người sử dụng Internet, theo CNN.
Nhưng chương mới của ngôn ngữ cảm xúc trên nền tảng số thực sự bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi NTT Docomo, một công ty điện thoại di động Nhật Bản, đã đưa một trái tim nhỏ màu đen vào máy nhắn tin. Đến năm 1997, SoftBank, một công ty khác của Nhật Bản, đã phát hành bộ biểu tượng cảm xúc 90 ký tự được tải trên một mẫu điện thoại di động, nhưng nhanh chóng bị đánh bại bởi bộ 176 biểu tượng cảm xúc, mỗi biểu tượng có độ phân giải 12 x 12 pixel, do nhà thiết kế người Nhật Bản Shigetaka Kurita, khi đó đang làm việc trên một nền tảng Internet di động i-mode mang tên của NTT Docomo, thực hiện. Ý định của anh là thiết kế một bộ nhân vật đơn giản để người dùng truyền đạt thông tin một cách ngắn gọn. Và quả thật, các biểu tượng cảm xúc do anh sáng tạo đã khai sinh ra một ngôn ngữ thị giác hoàn toàn mới, trở thành điểm nhấn trong giao tiếp của con người trên nền tảng số. Đến đầu những năm 2000, khi các ứng dụng trò chuyện trực tuyến bùng nổ như Yahoo Messenger hay Facebook Messenger, các ký tự cảm xúc emoticon, và biểu tượng cảm xúc emoji mới bắt đầu chiếm ưu thế ở Nhật Bản, dù chưa được coi là một dạng ngôn ngữ cảm xúc chính thức.
Phải đến một thập kỷ sau, các emoji mới thật sự trở thành những đại sứ toàn cầu. Unicode, ông trùm thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế để hỗ trợ các ngôn ngữ khác nhau, đã nhận nhiệm vụ chuẩn hóa biểu tượng cảm xúc vào năm 2010 theo yêu cầu của các công ty công nghệ như Apple và Google. Sự hợp tác này đã tạo đà để Apple thêm bàn phím biểu tượng cảm xúc chính thức vào iOS vào năm 2011, và Android theo bước chân của họ vài năm sau đó. Cũng vì "một bức ảnh có giá trị hơn hàng ngàn lời nói" nên Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary - OED) đã sử dụng một hình ảnh để đại diện cho Từ của năm 2015 (2015 Word of the Year). Trong từ điển Oxford, từ emoji được định nghĩa "là một ảnh số nhỏ hoặc một biểu tượng được sử dụng để mô tả ý tưởng hoặc cảm xúc trong truyền thông điện tử. Emoji đến từ tiếng Nhật với nghĩa là bức ảnh và từ moji trong tiếng Nhật là chữ hay ký tự". Theo OED thì emoji đã từ lâu không còn chỉ được sử dụng bởi các bạn trẻ tuổi mà thay vào đó nó đã trở thành một ngôn ngữ cảm xúc và vượt qua rào cản của sự khác biệt về ngôn ngữ. Cũng trong năm 2015, bàn phím emoji đã được thiết lập mặc định trên tất cả các thiết bị iOS và dần trở thành một trong những bàn phím ảo phổ biến nhất trên thế giới.
Tương lai của "cảm xúc số"
The Conversation nhận định, cho đến nay, các emoji vẫn đang từng ngày giúp cải thiện cuộc sống, đặc biệt là trong việc thể hiện bản thân, xây dựng mối quan hệ và bồi đắp sức khỏe tinh thần. Tính linh hoạt của các biểu tượng cảm xúc cho phép gia tăng khả năng kết nối giữa người với người, mà đại dịch COVID-19 là một ví dụ không thể phủ nhận. "Biểu tượng cảm xúc cung cấp cho mọi người những tài nguyên mà họ cần để có thể thể hiện bản thân và thể hiện cảm xúc của họ, cho dù đó là trên mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin. Chúng cho phép mọi người truyền tải nhiều hơn những lời nói trên màn hình và kết nối sâu sắc hơn với những người khác", Kamile Demir, nhà khoa học máy tính tại Adobe, nhận định. Cho đến nay, gần 92% "dân số" trên mạng Internet sử dụng emoji.
Báo cáo của Facemoji phát hiện rằng tỷ lệ sử dụng nhìn chung đang tăng lên. Lần lượt một loạt các biểu tượng cảm xúc đã được các ông lớn như Facebook, Twitter đưa vào sử dụng, giúp người dùng mạng xã hội có thể biểu đạt cảm xúc dù không thể gặp nhau. Năm 2020, Twitter đã tạo ra một "biểu tượng cảm xúc rửa tay" (handwashing emoji) mới để nhắc nhở mọi người duy trì các thói quen vệ sinh tốt trong suốt đại dịch COVID-19. Facebook lại thêm emoji "thương thương" như cách để thể hiện sự quan tâm tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh trong đại dịch. Giữa không gian bí bức của chuỗi ngày cách ly, những emoji dần trở thành đại sứ cảm xúc cho con người bằng cách ấy.
Mới đây nhất, báo cáo xu hướng biểu tượng cảm xúc toàn cầu năm 2022 tiết lộ, hơn một nửa số người dùng Internet toàn cầu đã tích cực tăng cường sử dụng biểu tượng cảm xúc để thể hiện chính con người họ trong 12 tháng qua, với gần như tất cả người dùng (75%) gửi tới 50 biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn trực tuyến của họ mỗi ngày. "Với tư cách là nhà lãnh đạo ngành công nghiệp sáng tạo và thành viên của Unicode Consortium, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của biểu tượng cảm xúc để thúc đẩy sự hòa nhập, khơi dậy văn hóa các cuộc trò chuyện và thậm chí tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần", chuyên gia Kamile Demir bày tỏ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù gần như tất cả (92%) người dùng toàn cầu sử dụng emoji để giao tiếp, vượt qua các rào cản ngôn ngữ, bản thân các emoji cũng được sử dụng như một công cụ cảm xúc. Gần như tất cả người dùng toàn cầu (91%) sử dụng biểu tượng cảm xúc để làm dịu tâm trạng và thể hiện sự ủng hộ đối với đối phương khi giao tiếp trên Internet. Trong khi đó, 2/3 người dùng toàn cầu nghiêng về việc sử dụng biểu tượng cảm xúc khi họ gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc bằng lời nói. Tình yêu (73%) và hạnh phúc (71%) là những cảm xúc hàng đầu mà người dùng biểu tượng cảm xúc trên toàn cầu thể hiện bằng cách sử dụng những cảm xúc.
Nhà thiết kế typography của Adobe, Paul D. Hunt đã nhận xét về một bài đăng trên blog rằng: "Ngôn ngữ đôi khi khá trừu tượng và điều này hay xảy ra khi phần lớn giao tiếp của chúng ta được thực hiện thông qua lĩnh vực kỹ thuật số, nơi mà giao tiếp có thể không cần phải thể hiện nét mặt, cử chỉ hoặc nghe thấy giọng nói của ai đó. Do đó, tôi tin rằng chúng ta đang thể hiện cảm xúc của mình qua hình ảnh nhiều hơn, cụ thể là các biểu tượng emoji so với việc chỉ thể hiện bằng các đoạn text hoặc từ ngữ. Đây thực sự là sức mạnh tiềm ẩn của các biểu tượng emoji nhằm giúp mọi người kết nối, cảm nhận sâu sắc và thể hiện rõ hơn những thông điệp được gửi bằng văn bản kỹ thuật số". Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về việc các emoji sẽ khiến con người lười nhác trong việc diễn tả cảm xúc của mình. Đó có thể sẽ là thách thức với những nhà sản xuất thứ "ngôn ngữ" mới này, trong việc tìm hướng đi mô tả đúng cá tính người dùng nhất.