Sử thi, thần thoại, truyền thuyết… như những tiền đề của văn chương dã sử

Thứ Hai, 27/02/2023, 14:46

Ký ức của một cộng đồng được lưu giữ và lưu truyền theo nhiều cách khác nhau. Thông qua ký ức, các cá nhân trong một cộng đồng gắn bó với nhau về cảm xúc cũng như trí tuệ, và cũng từ đó sự sinh trưởng của cộng đồng có tính liền mạch. Thần thoại, sử thi, truyền thuyết …và sau này là lịch sử, đều được hình thành để phục vụ mục đích này.

Hư cấu ký ức và lịch sử - như hai chiều kích của ký ức

Ký ức là một diễn trình phức hợp đa chiều mà tại đó một sự thật luôn được tiếp nhận và tái hiện một cách không nhất quán, bởi sự nhận thức của con người hữu hạn và bị chi phối bởi các ký ức đã ăn sâu trong tâm thức của người ấy. Ký ức không thể đong đếm, và nó không bao giờ ngừng mở rộng, bởi thông qua từng khoảnh khắc sự sống, nó lại được bổ sung. Nhưng khi ký ức không được lưu lại thì ký ức ấy sẽ biến mất khỏi tâm thức của cộng đồng, nên các cá nhân, các dòng tộc, các tộc người, các địa phương... đều mong muốn tái hiện và truyền trao ký ức, mà trong đó truyền trao chính là quá trình thiết yếu trong sự lưu giữ.

Sử thi, thần thoại, truyền thuyết… như những tiền đề của văn chương dã sử -0
Buổi ra mắt bộ tiểu thuyết dã sử "Công chúa Đồng Xuân" của nhà văn Trần Thùy Mai.

Khi con người chưa có chữ viết, ký ức được tái hiện thông qua lời kể của các bô lão trong các sinh hoạt cộng đồng. Ký ức ấy được kể trong một tâm thức cảm xúc để gợi nhớ, từ đó tạo nên các yếu tố nội tâm và sự sinh động trong ngôn từ. Đôi khi, người kể và nhân vật hòa làm một do sự tương thông về tình cảnh hoặc tâm trạng, tạo nên các chuỗi tự sự đẫm chất trữ tình, nhờ thế, hình thành các sáng tạo vừa lôi cuốn vừa truyền cảm. Trong dòng tâm thức tương thông từ thế hệ này sang thế hệ khác với nhiều ngẫu hứng sáng tạo thăng hoa, các yếu tố hư cấu được nảy sinh, có thể do hữu ý hoặc vô ý, nhưng nhờ thế, ký ức mang tính biểu tượng và ẩn ngữ nhiều hơn. Quá trình truyền trao ký ức này vốn nằm trong các hoạt động nghi lễ tâm linh của cộng đồng và bởi thế sự hư cấu này vừa cấu thành nên lại vừa là kết quả của trải nghiệm tôn giáo cổ xưa, mà đến nay ta được biết tới các hình thức như sử thi, thần thoại, truyền thuyết… thậm chí là cổ tích, truyện ma…

Theo thời gian, ký ức truyền khẩu dễ bị thất tán, do chiến tranh loạn lạc, hay dịch bệnh. Một biến cố tận diệt gần hết nhóm người tinh hoa trong một cộng đồng có thể dẫn đến sự biến mất của ký ức, và vì thế ký ức được lưu lại qua các ký tự, dần dần hình thành lịch sử. Không giống như quá trình từ tiếp nhận ký ức, chép lại ký ức trong não, tái tạo ký ức chung trong ký ức riêng của người kể, và tái hiện thông qua ngôn ngữ, lịch sử có tốc độ tái hiện nhanh hơn. Chuỗi sự kiện được ghi lại sau khi nó diễn ra cùng với thời gian và không gian, được cho là gần sự thật hơn so với lối truyền trao ký ức mang tính hư cấu, và trong suốt tiến trình lịch sử của lịch sử, những người ghi chép sử luôn tìm cách hoàn thiện để đạt tới sự lưu giữ gần với sự thật hơn, từ hoàn thiện lối diễn đạt, cho đến có thêm các yếu tố bằng chứng như viện vật, hình chụp, ghi âm, lưu dấu vết… Lịch sử bởi thế không phải chỗ cho cảm xúc hay ngẫu hứng, và nó vượt ra khỏi mục đích gắn kết cộng đồng, mà ngả dần sang sự truy vấn sự thật.

Như vậy, lịch sử và hư cấu của ký ức tạo ra hai chiều kích khác nhau. Nếu lịch sử cung cấp một lối truy cập vào ký ức cộng đồng đầy lý trí và chi tiết, thì các hư cấu của ký ức mở ra một thế giới ẩn ngữ mà tại đó người đọc không chỉ nhận biết ký ức mà thực sự nhập tâm và trải nghiệm ký ức đó. Có thể nói, nếu lịch sử tái hiện một ký ức tuyến tính và trật tự thì hư cấu ký ức tái hiện nhiều ký ức chồng lấn lên nhau từ nhiều thời đại và cá nhân khác nhau để "nén" các câu chuyện có chung mẫu vào một hình tượng. Bởi thế, nếu coi ký ức như một chỉnh thể thì lịch sử là thể xác còn các hư cấu ký ức thuộc về tinh thần, và chúng không loại trừ lẫn nhau. Nhận thức như vậy, ta dễ dàng hiểu tại sao dù con người đã có chữ viết và các nguyên tắc phản ánh dữ kiện gần sự thật nhất nhưng vẫn không ngừng sáng tạo nên các hư cấu ký ức mới mà chúng ta biết đến như các tác phẩm văn chương dã sử (ở dạng kịch, truyện thơ hoặc tiểu thuyết).

Sử thi, thần thoại, truyền thuyết… như những tiền đề của văn chương dã sử -0
Bộ phim “Ivanhoe” (1952) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn dã sử Watler Scott.

Văn chương dã sử - hay những giả định sống động

Sự ghi chép lịch sử dù cố gắng bảo tồn sự thật tới đâu, vẫn có thể bỏ qua nhiều dữ kiện quan trọng, giống như khi chúng ta thấy một vụ án xảy ra có đầy đủ bằng chứng kết án, nhưng không tìm thấy động cơ gây án của tội phạm thì vẫn có thể sai sót trong nhận định. Động cơ của các nhân vật trong lịch sử để dẫn tới hành động là thứ không thể phản ánh trong các tư liệu lịch sử, và khi thiếu sự thấu hiểu động cơ, ta cũng không hình dung ra các hoàn cảnh dẫn đến một sự kiện lịch sử. Lịch sử, bởi thế luôn có những điểm mờ. Hơn nữa, do lịch sử được ghi chép bởi một số ít cá nhân tinh hoa có cơ hội tiếp cận với hạn chế nhận thức của thời đại thì chắc chắn sẽ bỏ qua không ít các sự kiện ngoài khả năng tiếp cận của thiểu số tinh hoa ấy. Các khoảng mờ khó tránh đó đã tạo nên không gian sáng tạo cho các cây viết bị thôi thúc bởi sự truyền trao ký ức, bởi thế mà William Shakespeare viết nên các thiên bi kịch lịch sử bi hùng, Walter Scott và Alexandre Dumas tạo nên dã sử về các hiệp sĩ thượng võ, Thi Nại Am và La Quán Trung gửi gắm chí nguyện của mình vào các anh hùng lịch sử thỏa chí tang bồng… còn tại Việt Nam, từ Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải…đến Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai… đều ý thức được trách nhiệm với dân tộc trước khi cầm bút tạo nên các hư cấu ký ức mới.

Văn chương dã sử đã đi tiếp con đường của các hư cấu ký ức nguyên thủy khi chữ viết ra đời, bởi những hư cấu ấy rồi cũng có ngày thất tán nếu không lưu trữ thông qua văn bản. Hơn thế nữa, chữ viết tạo ra tính cá nhân nhiều hơn, bởi người ta giảm thời gian tụ tập để nghe thuyết giảng hoặc xem diễn xướng để gia tăng trải nghiệm cá nhân, từ đó hình thành nên nhu cầu đọc thầm các hư cấu ký ức dưới dạng văn bản nhưng vẫn đòi hỏi sự nhập tâm tương tự thời sơ cổ bởi dữ kiện lịch sử không thỏa trí tò mò của những người mong muốn truy tìm sự thật trong quá khứ. Và cũng như các hư cấu thời cổ sơ, văn chương dã sử cũng đầy tính biểu tượng và biểu cảm, mà tại đó người đọc không chỉ tiếp nhận chuỗi dữ kiện, mà còn tham gia đi đến tận cùng của một giả định lịch sử nào đó và xét đoán khả năng diễn ra của nó, chiêm nghiệm các triết lý đúc rút ra từ giả định ấy và liện hệ với đời sống đang diễn ra dù ở khía cạnh cá nhân hay văn hóa xã hội. Văn chương dã sử, do đó, đóng một vai trò quan trọng trong tâm thức chung của cộng đồng dù cho các dữ kiện lịch sử ngày càng phong phú hơn. Thực tế là, lịch sử càng có nhiều tư liệu thì văn chương dã sử cũng theo đó mà phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phân định rõ những hư cấu ký ức với các hư cấu thuần túy dựa trên bối cảnh quá khứ. Hay nói một cách khác, nên phân biệt rõ ràng giữa tiểu thuyết dã sử và các cốt truyện hư cấu lấy lịch sử làm nền. Các cốt truyện hư cấu lấy lịch sử làm nền sẽ thường có ít mối liên quan đến bầu không khí lịch sử ấy, và nếu thay đổi chi tiết bối cảnh, thì dù đặt ở thời hiện đại hay thời khác cũng không suy chuyển gì đến cốt truyện, hoặc cốt truyện không tạo ra bất cứ giả định nào để giúp truy vấn quá khứ. Các hư cấu dựa trên nền lịch sử này có thể rất xuất chúng, nhưng chúng chắc chắn không đảm nhiệm được vai trò truyền trao ký ức. Chúng ta cũng cần phân định giữa văn chương lịch sử với văn chương dã sử. Văn chương lịch sử như các ký sự hoặc nhật ký, hồi ký chẳng hạn là cách lưu lại ký ức bằng văn bản dựa trên góc nhìn cá nhân mà tại đó số phận cá nhân và số phận chung của cộng đồng có tương tác liên đới tới nhau. Trong khi ấy, văn chương dã sử tạo ra một thế giới giả định để truy vấn quá khứ và tạo dây nối cảm xúc giữa các nhân vật trong tác phẩm và người đọc. Khi phân định rõ các phương thức biểu đạt quá khứ và hư cấu này, ta sẽ tránh được những băn khoăn cân nhắc giữa sự thật lịch sử và hư cấu của nhà văn trong các sáng tác văn chương dã sử. 

Hà Thủy Nguyên
.
.