Song Kang-ho: Kẻ “quái” bình thường
Năm 1996, bộ phim đầu tiên của Hong Sang-soo mang tên “The Day A Pig Fell Into The Well (Ngày con lợn rơi vào cái giếng) phát hành.
Trong phim, có một nhân vật rất nhỏ, bạn của nhân vật chính, người chỉ thốt ra vài câu thoại rất đỗi bình thường, gương mặt cũng rất đỗi bình thường, trông anh giống như bất cứ một người bình thường nào mà ta có thể bắt gặp trên một bàn nhậu, một siêu thị hay trên đường phố.
Có lẽ khi ấy chẳng ai nghĩ về sau, bộ phim sẽ được nhớ đến không chỉ như tác phẩm đầu tay của đạo diễn Hong Sang-soo, mà còn là tác phẩm đầu tay của Song Kang-ho, người vừa trở thành nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes.
Một người không yêu phim ảnh nếu lỡ gặp Song Kang-ho ở ngoài đường có khi chỉ nghĩ đó là một ông chú vô danh nào đó. Sau gần ba thập niên diễn xuất, khi được hỏi vì sao các đạo diễn lớn thích tìm tới mình, anh chỉ khiêm tốn trả lời rằng “vì tôi không đẹp trai”. Kỳ lạ không? Kỳ lạ chứ, nhất là với một đất nước nổi tiếng với công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, với một làn sóng Hàn Lưu của những thần tượng đẹp như búp bê, của những “chàng trai đẹp hơn hoa”. Vậy mà minh tinh lớn nhất của nền điện ảnh đó lại có một gương mặt bự (càng bự hơn khi nhìn nghiêng) cùng đôi mắt hí, nói chung là không có một nét nào được coi là đẹp trai.
Vậy mà với gương mặt hết sức “hàng chợ” ấy, anh dường như lại hấp dẫn ống kính hơn bất cứ ngôi sao đẹp mã nào. Trong “Broker” (Người môi giới), bộ phim mà anh được Cannes trao thưởng, anh diễn chung với IU – nàng thơ tình đầu quốc dân của người Hàn, với nam thần Kang Dong-won đẹp không tì vết, anh cũng không có quá nhiều đất diễn và cũng không hề tỏ ra lấn lướt bạn diễn, nhưng từng phân cảnh của anh – một ông bố lông bông, một tay môi giới bán trẻ con tưởng thực dụng mà lại quá ư bịn rịn – đều tỏa sáng. Anh hài hước, nông nổi; anh quyến luyến, tình cảm; anh có thể khiến ta bật cười và bật khóc; anh như một mảnh đời sống được quay lén đưa lên phim, hoàn toàn tự nhiên và chân thật.
Một số người cảm thấy vai diễn Sang-hyeon trong “Broker” quá nhỏ khi so cùng những vai diễn khác mà Song Kang-ho từng đảm nhận, cũng như vai diễn được giải Oscar trong “The Revenant” chẳng hay bằng vô số những vai diễn trượt giải của Leonardo Di Caprio. Nhưng cũng như Di Caprio là viên thuốc kích thích của những đạo diễn Mỹ tầm cỡ nhất, Song Kang-ho được trao giải không phải chỉ vì Sang-hyeon, mà vì chính anh - người đã gắn bó với những đạo diễn làm nên nền điện ảnh Hàn đương đại từ khi họ mới chập chững vào nghề cho đến khi họ đạt tới đỉnh Parnassus của ciné (Hong Sang-soo, Lee Chang-dong, Bong Joon-ho, Kim Jee-won, Park Chan-wook,… tất cả họ đều đã “qua tay” anh), nhưng còn hơn thế, vì anh không chỉ một diễn viên. Song Kang-ho là sự nhỏ nhen của người Hàn Quốc mà cũng là lương tâm của người Hàn Quốc, là sự chịu đựng của người Hàn Quốc mà cũng là cơn thịnh nộ, thậm chí là cuộc cách mạng của người Hàn Quốc, là sự thờ ơ của người Hàn Quốc mà cũng là sự tỉnh ngộ của người Hàn Quốc. Không gì diễn đạt căn tính của người Hàn Quốc hiện đại triệt để hơn hình ảnh của Song Kang-ho khi đứng trên phim.
Khi quảng bá “Broker” ở Việt Nam, hãng phát hành phim từng sáng tạo nên một nội dung hài hước về ba vai diễn nổi bật gần đây của Song: trong “Taxi Driver” (Người tài xế), anh vào vai người lái xe taxi và phim lên thẳng vị trí dẫn đầu doanh thu phòng vé Hàn năm ấy, trong “Parasite” (Ký sinh trùng), anh lại làm người lái xe và phim thắng giải Oscar, đến “Broker”, anh lại là người cầm lái chuyến xe kỳ quặc gồm một đội nhóm những người muốn bán đứa bé sơ sinh mới lọt lòng mẹ, và ẵm giải của Cannes. Tất nhiên, Song Kang-ho không phải lúc nào cũng vào vai người lái xe, nhưng hình tượng người lái xe nói rất nhiều về Song Kang-ho: một người lao động bình thường với những ước mơ nhỏ bé đang vật lộn mưu sinh trong thế giới bị kiểm soát bởi những quyền lực thượng tầng, một người đàn ông yêu gia đình, thích tiền bạc (nhưng tiền lẻ thôi!), mưu mô vặt nhưng rồi trở thành một người hùng bất đắc dĩ với dân xóm liều.
Từ tay luật sư mới phất bỗng phải bảo vệ đứa con trai của vị ân nhân bị coi là thành phần phản động chỉ vì đọc một cuốn sách trong “The Attorney” (Luật sư) đến người cha bán hàng rong đi cứu cô con gái bị bầy quái vật sinh ra từ Kỳ tích sông Hàn cướp đi trong “The Host” (Quái vật sông Hàn), từ người tài xế vì kiếm một trăm ngàn Won mà đưa vị nhà báo người Đức vượt qua bao thiên la địa võng để tới Gwang-ju ghi hình vụ thảm sát người dân bị chính phủ độc tài ém nhẹm trong “Taxi Driver” tới vị thanh tra nhà quê bất lực trong việc truy tìm kẻ cưỡng hiếp và giết người hàng loạt trong “Memories of Murder” (Hồi ức kẻ sát nhân), gần như mọi vai diễn lớn của Song Kang-ho đều đã từng cố gắng hết sức để dĩ hòa vi quý với sự tàn bạo của cuộc sống, để xin nó chìa cho một góc bẩn thỉu bám víu lấy sự tồn tại mong manh. Song, cuộc sống là một cỗ máy tận diệt không chút nương tay, không ngừng dồn anh đến chân tường và anh buộc phải chiến đấu cho mình, cho người anh yêu. Các nhân vật của anh không phải những triết gia uyên áo về các phạm trù đạo đức, họ không nhìn thấy cấu trúc xã hội ở tầm vĩ mô, họ không chiến đấu nhân danh cái thiện lớn lao hay một lý tưởng chủ nghĩa nào, họ chiến đấu vì một bản năng nguyên thủy về công lý, về trách nhiệm của một con người với một con người khác.
Một trong những bộ phim không quá nổi tiếng của Song Kang-ho nhưng lại là một kinh điển về diễn xuất của anh, đó là tác phẩm hư cấu “The Presidents Barber” (Người hớt tóc của tổng thống). Anh vào vai Han-mo, người thợ hớt tóc sống gần Nhà Xanh, luôn tin tưởng những gì được phát trên tivi và hoàn toàn dửng dưng trước những cuộc biểu tình rầm rộ. Cảnh phim Han-mo đưa vợ đi đẻ trong khi đám sinh viên nổi loạn bị quân đội nã súng, kẻ nằm người ngồi gục bên Han-mo ngây thơ, chắc chắn là một trong những cảnh hài đen tối nhất của điện ảnh châu Á độ 20 năm qua.
Nhờ một sự cố tình cờ mà anh được Tổng thống Park Chung-hee cho làm thợ hớt tóc riêng của mình. Tổng thống đối xử với anh có vẻ thật tử tế, nhưng bi kịch ập tới khi dịch bệnh tả nổ ra, chính phủ coi ai mắc bệnh là dây dưa tới Bắc Hàn và đem đi tra tấn, và trong sự trung thành ngu ngơ với tổng thống, Han-mo lỡ để lạc đứa con trai vào tay quân đội. Nó bị tra tấn đến liệt đôi chân.
Han-mo là một vai diễn điển hình của Song Kang-ho mà ta thấy sẽ còn lặp lại trong rất nhiều phim. Anh mới đầu chẳng quan tâm ai là người nắm quyền, ai nắm quyền người ấy cũng tốt cả, miễn anh và gia đình được sống ấm êm. Giống như vai ông chú lái xe Ki-taek sống trong căn nhà xập xệ khu ổ chuột được gia đình tài phiệt họ Kim trọng dụng trong “Parasite”, Han-mo mới đầu cũng lấy làm hãnh diện khi là người gần nhất với tổng thống. Tổng thống công du ở đâu, anh được đi theo tới đó. Nhưng trong mắt ông, anh thực ra cũng không hơn gì một chú chó trung thành, im lặng, thích được xoa đầu và luôn nằm bẹp ngoan ngoãn dưới chân tiêu khiển cho ông. Hành động run rẩy cạo lòng đen đôi mắt trên bức tranh lớn tưởng niệm tổng thống sau khi ngài bị ám sát để làm nguyên liệu nấu thuốc chữa cho con trai theo lời thầy cúng, thực ra chính là tiền thân cho nhát dao của Kim Ki-taek lấy mạng ông chủ trong bữa tiệc đẫm máu ở “Parasite” sau này.
Ngay cả khi đóng vai một người ở tầng lớp trên như trong “Sympathy for Mr. Vengeance” (Quý ông báo thù), Song Kang-ho cũng sẽ thấy mình bị mắc kẹt trong mâu thuẫn giai cấp vốn là khung của một xã hội phát triển quá nhanh nhưng quá bất công như Hàn Quốc, một mâu thuẫn không thể giải quyết bằng bất cứ điều gì ngoài một con dao vấy máu và một ổ cắm điện. Một mặt, nhiều nhân vật của Song thường có cách trả thù sởn gai ốc, man rợ, thậm chí là phản văn minh, nhưng mặt khác, ta luôn cảm thương cho anh, anh không hẳn là kẻ xấu, anh làm điều ác vì anh không thể làm gì khác hơn ngoài những điều độc ác.
Các vai của anh tất nhiên cũng không hẳn là người tốt theo đúng nghĩa. Còn nhớ trong “The good, the bad and the weird” (Thiện, Ác, Quái), một bộ phim được coi là khai sinh ra dòng phim Viễn Tây Kimchi của đất nước này, Song Kang-ho được giao vai Quái. Nhân vật Thiện hành động theo nguyên tắc vì lợi ích quốc gia và lợi ích bản thân. Nhân vật Ác đầy khao khát trả hận. Còn Quái, anh ta tốt hay xấu? Thật ra, anh ta luôn ở giữa hai điều đó, anh ta không có một nguyên tắc tối thượng nào, anh ta xấu/ tốt theo tự nhiên, xấu/ tốt tùy hoàn cảnh.
Còn trong bộ phim xứng đáng được coi là vĩ đại nhất sự nghiệp của Song Kang-ho, “Memories of Murder”, đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa anh và Bong Joon-ho, có một cảnh cuối khi nhiều năm sau, vai diễn thanh tra Park trở lại cái cống rãnh nơi hiện trường vụ án giết người năm xưa mà anh đã mãi mãi không phá được, một cô bé đi qua hỏi anh đang nhìn gì thế vì tuần trước cô cũng thấy một người đàn ông khác tới đây, nhìn vào cái rãnh y như anh. Tin rằng đó chính là hung thủ năm nào quay trở lại, anh hỏi cô bé trông gã thế nào, cô bé nói: “Người đó trông cũng bình thường thôi, một người có gương mặt rất bình thường”.
Có nhiều ẩn ý trong cái kết đầy sức nặng ấy, nhưng có một ý mà hẳn nhiều người sẽ bỏ qua, rằng khi cô bé nói xong câu đó, máy quay lại trở về với gương mặt của Bong Joon-ho, hai chữ “bình thường” cô bé nói vọng lại trên chính gương mặt của anh, một gương mặt rất đỗi bình thường, bình thường như một vị cảnh sát làng và hẳn cũng bình thường như một tay tội phạm, một gương mặt dễ dàng lẫn vào đám đông, một gương mặt không hẳn thiện cũng không hẳn ác, không hẳn tốt cũng không hẳn xấu, chỉ là gương mặt của một con người, một con người đến tận cùng những ý nghĩa của một con người.