Showbiz và những cú tự phong sát
Loạt sao quen mặt đồng loạt xin lỗi "copy-paste" vì quảng cáo sữa "thần thánh" khiến mạng xã hội dậy sóng. Không chỉ sản phẩm mập mờ, mà kịch bản cũ rích: quảng cáo sai - bị bóc - xin lỗi qua loa - rồi im lặng mới là điều khiến dư luận ngán ngẩm. Niềm tin đã vỡ, khó có lời xin lỗi nào cứu nổi.
Kịch bản cũ
Cư dân mạng lại một phen "cà phê đổ ra bàn phím" khi loạt nghệ sĩ nổi tiếng đột ngột đồng loạt có hành động giống hệt nhau, sau khi dính vào vụ lùm xùm quảng cáo một loại sữa được cho là "thần dược". Mà cũng chẳng có gì mới mẻ đâu - vài ngôi sao lấp lánh từ màn ảnh, sân khấu đến mạng xã hội chẳng may rơi vào cái bẫy sữa giúp trẻ em cao như cầu thủ bóng rổ, người lớn trẻ lại như thiếu niên đôi mươi. Nhưng, khi chuyện vỡ lở, họ ngay lập tức... "ngộ ra".

Như có sự sắp đặt từ trước, loạt người đẹp, kẻ hào hoa thi nhau đăng bài xin lỗi trên Facebook, Instagram, thậm chí cả TikTok. Nội dung thì gói gọn trong một lời hứa: “Xin lỗi nếu ai đó hiểu sai, tôi cũng chỉ là nạn nhân thôi, tôi tin sản phẩm, nhưng tiếc là sản phẩm không tin vào khoa học”. Có người livestream, mặt buồn thiu như vừa bị đứa khác cướp mất vai chính, giọng run run, nghẹn ngào kể về "bài học sâu sắc" trong sự nghiệp. Người khác thì đưa luôn ảnh con mình uống sữa, như thể muốn nói: “Tôi đâu có dối đâu, con tôi uống mà!” (dù hậu quả thì vẫn chưa ai biết). Một số nghệ sĩ lại chọn cách im lặng - kiểu im lặng tinh tế mà dân mạng vẫn gọi là "đợi bão qua rồi lại quảng cáo tiếp".
Không rõ họ “cùng uống chung hộp sữa” hay tốt nghiệp khóa học truyền thông khẩn cấp dành cho người nổi tiếng, nhưng kiểu phản ứng đồng loạt này thật khó tin. Những câu chữ giống nhau đến mức cư dân mạng đồn đoán liệu có phải họ đang dùng mẫu câu "copy-paste".
Khó mà trách được người nổi tiếng, bởi họ là "người của công chúng" - nhưng chỉ khác là công chúng thì giờ đâu có dễ dãi như xưa. Ngày xưa quảng cáo gì cũng tin, giờ phải qua "bác Google" duyệt mới dám mở ví. Họ rất đáng trách - vì họ không chỉ bán sản phẩm mà họ còn bán niềm tin. Mà niềm tin, một khi đã vấy bẩn bởi thì cho dù có xin lỗi đến trăm lần cũng không rửa sạch được.
Chưa hết, còn có cả một "dàn sao" tham gia quảng cáo nữa.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng, chẳng cần biết sản phẩm có chất lượng hay không, miễn là nhận thù lao. Họ cứ thế làm gương mặt đại diện cho sản phẩm sữa "thần thánh", điển hình là dòng sữa HIUP. Sản phẩm này đã bị phạt vì quảng cáo sai sự thật, nhưng vẫn cứ thản nhiên như không. Đúng là "bảo vệ thương hiệu" theo kiểu của các ngôi sao - im lặng, tránh xa chỉ trích và cứ tiếp tục xuất hiện trên Facebook, với hình ảnh "uy tín" của BTV Quang Minh, MC Vân Hugo, hay diễn viên Lê Khánh.
Và, đừng quên hoa hậu Thùy Tiên - cái tên từng được tung hô như biểu tượng của vẻ đẹp tri thức, nhân ái, một “nàng hậu quốc dân” trong mắt người hâm mộ - bỗng chốc bị “đánh gạch” không thương tiếc khi dính vào vụ quảng cáo sản phẩm giả. Người ta không chỉ bất ngờ vì cô từng là hình mẫu của ngọc nữ trong sáng mà còn vì cách cô chọn im lặng trong thời điểm công chúng cần một lời giải thích hơn bao giờ hết. Đến khi lên tiếng thì cũng chỉ là vài dòng xin lỗi nhạt nhẽo, chẳng khác nào vài hạt mưa bụi bay phất phơ giữa sa mạc - gọi là có mưa, nhưng ko đủ ướt tóc. Cái gọi là “lời xin lỗi chân thành” dường như chỉ xuất hiện sau khi cộng đồng mạng đã kịp dọn cơn bão phẫn nộ và nhà tài trợ đã kịp... tính đường rút lui.
Rồi đến Hằng “du mục” - người mẫu “du mục” đúng cả nghĩa đen lẫn bóng, từ sàn diễn thời trang đến các chiến dịch quảng cáo sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Cô lướt từ thương hiệu này sang thương hiệu khác như cánh bướm đậu hoa - chỉ khác là mỗi lần “đậu” là lại thả xuống một quả bom truyền thông. Lúc bị bóc mẽ thì lại dùng đúng công thức “xin lỗi - rút bài - im lặng”, như thể cả showbiz đã phát minh ra một bộ quy tắc ứng xử hậu scandal. Tất nhiên, dù có lấp lánh bao nhiêu trên sàn catwalk, thì trong mắt công chúng, ánh đèn sân khấu chẳng đủ che mờ được lòng tin bị đánh đổi vì vài bài đăng quảng cáo vài chục triệu.
Còn Quang Linh “Vlogs” - người từng khiến khán giả cảm động với những đoạn clip chân chất từ châu Phi, với những việc thiện mang đậm tình người - cũng bất ngờ bị gọi tên trong một scandal quảng cáo. Không phải vì anh cố tình lừa dối, mà vì anh “quảng cáo theo cảm tính” chứ không kiểm chứng cặn kẽ. Ở một thế giới nơi vài chữ “review chân thật” có thể biến một sản phẩm từ vô danh thành hot trend, thì sự cả tin cũng có giá phải trả. Và, dù người hâm mộ có muốn tha thứ đến đâu, thì thực tế vẫn là: trong mắt công chúng, niềm tin một khi đã đánh mất thì dù có thật thà cỡ nào cũng khó mà lấy lại trọn vẹn.

Danh sách này còn dài lắm, đừng vội khép lại. MC Đại Nghĩa - người vẫn được khán giả yêu quý bởi hình ảnh nghệ sĩ tử tế, hay làm thiện nguyện, ăn nói nhẹ nhàng như ru ngủ - cũng không thoát khỏi vòng xoáy khi bị cư dân mạng "réo tên" vì liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm sức khỏe không rõ ràng. Người ta ngạc nhiên, rồi thất vọng. Bởi, từ chỗ là “người truyền cảm hứng”, anh lại trở thành “người truyền nghi vấn” - nghi vấn rằng: phải chăng cứ có hợp đồng, có tiền thì lời nói trở nên linh thiêng đến mức sản phẩm gì cũng thành tốt đẹp? Dù đã lên tiếng thanh minh, nhưng công chúng thì không dễ dỗ dành như trước, nhất là khi lòng tin đã rạn nứt từng mảng như bức tường ẩm mục lâu ngày không được trát vữa.
Còn NSND Hồng Vân, người tham gia quảng cáo cho HIUP, có vẻ như chẳng thèm bận tâm đến phản ứng dữ dội từ công chúng. Cô vẫn mải mê chạy show, không có động thái gì làm rõ vụ việc. Hay là, với những người nổi tiếng, mọi scandal chỉ là chuyện vặt?
Cục An toàn thực phẩm đã vào cuộc rồi, dù có phạt hành chính, sự thật vẫn là sự thật - quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng không có cơ sở khoa học. Quảng cáo HIUP cam kết "tăng chiều cao 3-5 cm sau 3 tháng" chẳng khác gì quảng cáo thuốc tiên. Nhưng, chắc chắn những người đứng sau các quảng cáo này không thiếu khôn ngoan. Họ biết rằng, dù bị phạt, tiền vẫn về túi họ và người tiêu dùng thì cứ tiếp tục tin vào những điều không tưởng.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: Khi nào chúng ta mới đủ tỉnh táo để nhận ra rằng không phải tất cả những gì lấp lánh trên mạng xã hội đều là vàng? Những quảng cáo "hỗ trợ tăng chiều cao thần kỳ" hay "cải thiện trí tuệ vượt trội" liệu có thật sự đáng tin không?
Không chỉ dừng ở xin lỗi
Có lẽ, chưa khi nào nghệ sĩ nhà mình bận đến thế, họ không chỉ chạy show, đóng phim, hát hò mà còn làm “đại sứ thương hiệu” cho... đủ loại sản phẩm, từ tinh chất mọc tóc thần kỳ đến thực phẩm chức năng chữa bách bệnh. Mà, quảng cáo gì thì kệ, miễn có tiền là được. Còn sai sự thật ư? Có lẽ, họ đã xác định một kịch bản quen thuộc là “xin lỗi”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải lên tiếng, đề xuất sửa Luật Quảng cáo, nhất là với giới nghệ sĩ kiêm KOLs sống ảo trên mạng. Ý là, thôi thì làm nghề gì cũng được, miễn đừng để cái danh “nghệ sĩ” trở thành tấm vé miễn trách nhiệm.
NSND Nguyễn Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng phải lên tiếng nhắc nhẹ rằng: Nếu đã cầm tiền quảng cáo rồi mà vẫn cố tình “tung hỏa mù” làm công chúng hiểu sai thì... xin mời lên thớt! Phải có quy định rõ ràng, chứ nghệ thuật mà không có đạo đức thì khác gì món ăn ngon mà để quá hạn sử dụng.
Phạt hành chính? Có đấy. Nghị định 38/2021/NĐ-CP ghi rõ: quảng cáo sai sự thật thì nộp phạt 60-80 triệu đồng. Nhưng, có người nhận quảng cáo vài tỷ, nên cái mức phạt đó... chắc cũng chỉ như tiền trà đá sáng của anh công chức lương 5 triệu thôi. Các chuyên gia đề xuất nên: nêu tên, đình chỉ, thậm chí “thu hồi danh hiệu” nếu tái phạm - nghe thì hơi căng, nhưng có lẽ thế mới đủ đô để "giữ gìn hình ảnh nghệ thuật nước nhà".
Khi bị bóc phốt, nhanh như chớp, họ tung lời xin lỗi rập khuôn, nào là “do thiếu kiểm chứng”, “không lường trước hậu quả”... Vâng, nghe cũng nỉ non, nhưng tiếc thay, người tiêu dùng thì vẫn thiệt, cả tiền lẫn sức khỏe. Bán danh tiếng để lấy tiền quảng cáo bậy, thì danh tiếng ấy chẳng còn là ánh hào quang, mà là cái đèn pin hết pin - soi đâu cũng thấy... tối.
Nghệ sĩ có quyền quảng cáo, đúng rồi. Nhưng, quyền thì phải đi liền với trách nhiệm. Không thể cứ “người ta mướn thì tôi nói”, còn hậu quả thì “xin lỗi được chưa” là xong. Đã đến lúc cơ quan chức năng nên "giơ cao đánh đau", ban hành luật thật rắn, để nghệ sĩ nào muốn “nói láo ăn tiền” cũng phải dè chừng. Và, bản thân người nổi tiếng thì cũng nên ngồi lại, soi gương mình mỗi tối: cái nào là nghệ, cái nào là gừng!