Sau những drama đấu tố: Mất phương hướng hay bị “truyền thông bẩn” dắt mũi?
Một đêm thức trắng, không phải vì công việc hay nợ nần, mà vì cuộc chiến tình ái ồn ào trên mạng xã hội. Nước mắt, nước... bọt và những tình huống xoay chuyển chóng mặt khiến người ta không thể rời mắt khỏi drama giữa ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) - một streamer nổi tiếng và một rapper cá tính. Nhiều người tự hỏi, liệu giới trẻ hiện nay đang lạc lối hay bị "truyền thông bẩn" dẫn dắt?
Nghiện drama
Chỉ trong vòng 24 giờ, “bầu trời Internet” Việt Nam trở nên “rực rỡ” với một cuộc đối đầu không khoan nhượng. Trận chiến giữa tình yêu, phản bội, bóc phốt, dằn mặt và những cú rò rỉ tin nhắn khiến không khí căng thẳng hơn cả những bộ phim cung đấu.

Mở màn, ViruSs - một nhân vật khó định nghĩa là “nam chính”, “anti-hero” hay “chúa tể content” - bắt đầu livestream với tựa đề hứa hẹn sẽ tiết lộ tất cả. Nhưng, cuộc đời không như mơ, chỉ sau chưa đầy 10 phút, buổi phát sóng biến thành cuộc chất vấn giữa anh và Pháo. Khán giả chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì Ngọc Kem bất ngờ gia nhập livestream vào lúc rạng sáng, kéo theo cả Emma Nhất Khanh. Và rồi, như một món quà “trùm cuối” từ vũ trụ, Bọt - nhân vật bí ẩn bấy lâu - xuất hiện với kho dữ liệu khổng lồ, khiến cư dân mạng không kịp trở tay.
1,6 triệu người cùng hóng, các nền tảng bùng nổ, tài khoản tăng follow như diều gặp gió, tiền đổ về từ hội viên, quà tặng ảo lên tới hàng trăm triệu. Nhìn vào những con số này, ai dám nói nghề streamer đã hết thời? Ai dám bảo content Việt Nam thiếu sáng tạo? Tuy nhiên, điều đáng sợ không phải là thành công của những người tạo ra drama, mà là sự cuồng nhiệt của những người theo dõi.
Không phải 1, không phải 2, mà hàng triệu người thức trắng, mắt thao láo như vừa uống 10 ly cà phê, không phải vì công việc hay học hành, mà chỉ vì hóng phốt. Sáng hôm sau, công ty mất nhân viên, lớp học mất học sinh, xã hội mất năng suất lao động, chỉ vì một drama tình ái chẳng khác gì kịch bản tấu hài trên TikTok.
Điều đáng lo hơn nữa là gì? Chính là sự chuyển hóa của những cuộc bàn tán vô thưởng vô phạt thành thứ có sức ảnh hưởng tiêu cực lên nhận thức. Khi một thế hệ trẻ lớn lên với quan điểm rằng “content bẩn” là thứ đáng theo dõi nhất, khi những vụ bóc phốt trở thành tâm điểm truyền thông thay vì những thành tựu khoa học, văn hóa hay nghệ thuật - chúng ta đang vô tình tạo ra một cộng đồng nghiện scandal, sống nhờ drama như hít thở không khí.
Người ta không chỉ xem mà còn tham gia, từ đó hình thành thói quen. Hôm nay là chuyện tình tay ba, ngày mai là vụ bạo lực mạng, ngày kia là màn đấu tố công khai. Mọi thứ diễn ra như một vòng tuần hoàn, và dù có thể chán một drama nào đó, khán giả vẫn sẽ nhanh chóng lao vào một drama khác. Chúng ta đang bị điều khiển, không phải bởi thế lực siêu nhiên nào, mà bởi nhu cầu tiêu thụ nội dung của chính mình. Vì thế, nỗi sợ lớn nhất không phải là quá nhiều drama, mà là chúng ta không còn biết sống thiếu nó.
Khi hàng triệu người dán mắt vào từng tin nhắn rò rỉ, từng dòng trạng thái ẩn ý, từng câu nói “móc họng” trên livestream, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao mình lại quan tâm đến chuyện này? Một cặp đôi yêu nhau, chia tay, ngoại tình, bị bóc phốt - có gì đáng để chúng ta bỏ giấc ngủ, mất thời gian, thậm chí tranh cãi trên mạng như thể đó là vấn đề của chính mình?
Chúng ta không chỉ xem mà còn tham gia. Chúng ta bàn tán, phân tích từng câu chữ, soi từng biểu cảm, cắt ghép clip để tạo meme, chế ảnh, sáng tạo content từ drama. Chúng ta không còn là khán giả thụ động mà đã trở thành những người khuếch đại drama, khiến nó ngày càng lan rộng.
Và rồi, một ngày nào đó, khi mạng xã hội tràn ngập những câu chuyện tương tự, khi drama trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, khi sự bận tâm của chúng ta dành cho scandal nhiều hơn cả những điều thực sự quan trọng trong đời sống - chúng ta sẽ nhận ra mình đã đánh mất điều gì?
Liệu có phải chính chúng ta đang tự tạo ra một nền văn hóa “nghiện drama”, một vòng xoáy tiêu cực mà không ai dám bước ra? Và, nếu không thoát ra, liệu có một ngày nào đó chúng ta sẽ mất luôn khả năng tận hưởng những điều đẹp đẽ, giản dị của cuộc sống mà không cần đến những cú phốt để khuấy động tâm trí?
Người xem đang rơi vào bẫy “truyền thông bẩn”?
Hàng triệu người, chủ yếu là giới trẻ, đã "hào hứng" theo dõi livestream đầy kịch tính giữa ViruSs và Pháo, nơi mà những tranh cãi về tình cảm và đời tư được phơi bày công khai, kèm theo những phát ngôn gây sốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng quá ngây thơ để không nhận ra rằng đằng sau sự ồn ào này là một cú "áp phe" khi mà ai muốn bình luận công khai trong buổi livestream phải đóng 135.000-155.000 đồng/tháng, kèm theo đó là chiến dịch truyền thông "bẩn", được dàn dựng tinh vi nhằm khai thác sự tò mò và thói quen "hóng chuyện" của một bộ phận cư dân mạng.
Trước khi buổi livestream "đỉnh cao" diễn ra, không khó để nhận ra những dòng trạng thái "úp mở" liên tục được tung ra, như thể họ đang cố tình tạo dựng sự tò mò. Và, dĩ nhiên, bài rap "Sự nghiệp chướng" của Pháo, với những lời lẽ công kích gay gắt, thu hút một lượng lớn người xem và nghe. Đoạn rap này không chỉ đơn thuần là một sản phẩm âm nhạc mà còn là một sản phẩm được chế tác có mục tiêu rõ ràng: đánh vào sự tò mò, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, đồng thời khuếch đại cảm xúc mạnh mẽ từ cả những người yêu thích lẫn những người phản đối. Với ngôn từ sắc bén, nội dung công kích mạnh mẽ và chút "thực tế cay đắng", bài rap không chỉ khiến người nghe phấn khích mà còn gia tăng sự kịch tính cho mọi thứ.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, có thể thấy rõ đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên hay cách thể hiện nghệ thuật tự do. Tất cả các chi tiết, từ những lời công kích đến cách phát hành bài rap một cách chiến lược, giống như một chiêu trò được dàn dựng tỉ mỉ để tạo ra một cơn bão xung đột. Và, như thế, cuộc xung đột này không chỉ giới hạn ở hai nhân vật chính mà còn kích thích sự tham gia của một lượng lớn cư dân mạng, biến họ thành một phần trong "trò chơi" của những người sáng tạo nội dung.
Cảm xúc của người xem được khuếch đại, từ sự phẫn nộ, bức xúc cho đến sự tò mò không dứt. Những "drama" như vậy tạo ra một vòng lặp không có hồi kết, khiến người xem luôn muốn tìm hiểu thêm và theo dõi câu chuyện đi đến đâu. Điều này tạo ra một nguồn lợi khổng lồ, không chỉ từ lượt xem và lượt nghe của bài rap mà còn từ việc tăng trưởng mạnh mẽ số lượng người theo dõi các tài khoản, trang cá nhân của các nhân vật chính. Mỗi lượt like, share, comment đều trở thành một phần của "cỗ máy" kiếm tiền, tận dụng sự tò mò và thói quen "hóng chuyện" của người xem.
Mỗi chi tiết trong vở kịch này đều được tính toán để thu hút tối đa sự chú ý. Mục tiêu cuối cùng, rõ ràng, không phải là giải trí hay tạo ra giá trị văn hóa thực sự, mà là kiếm lợi từ những sự kiện "giật gân". Các nhà sáng tạo nội dung hiểu rằng khi cảm xúc người xem lên đến đỉnh điểm, họ sẽ không ngần ngại tham gia vào cuộc chơi, đóng góp vào lượng tương tác để tăng "sức mạnh" cho mỗi video, mỗi bài đăng. Và, cuối cùng, trong guồng quay này, những người làm truyền thông là người chiến thắng, khi lợi nhuận từ quảng cáo và hợp đồng thương mại cứ thế chảy vào túi, trong khi người xem lại tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy này.
Không có gì bất ngờ khi đây là một ví dụ điển hình của truyền thông thao túng: lợi dụng đời tư để câu kéo sự chú ý, xào nấu những điều phản cảm để gây sốc, chỉ nhằm kéo theo lượt xem, lượt nghe và người theo dõi. Mọi "drama" này chẳng qua là mánh lới thương mại, mang về lợi nhuận khổng lồ khi lượt theo dõi tăng vọt sau mỗi buổi livestream, còn tiền từ quảng cáo và hợp đồng thương mại cứ đổ vào túi.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở sự phản cảm. Hiện tượng này còn vi phạm các quy định pháp lý về livestream và cung cấp nội dung trên mạng xã hội. Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, chỉ các nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép mới có quyền livestream có phát sinh doanh thu. Việc ViruSs và Pháo livestream trên nền tảng không rõ giấy phép, không xác thực danh tính người dùng và phát sinh lợi ích mà không công khai thực sự có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nội dung livestream còn tiềm ẩn các vi phạm nghiêm trọng về thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động. Việc công khai đời tư để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream với hàng triệu người theo dõi không chỉ là hành vi phản văn hóa mà còn làm tăng "chuẩn mực lệch lạc" trên mạng xã hội, tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ.
Đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ lại vui vẻ chìm đắm trong những cuộc tranh cãi vô bổ, độc hại này. Nhìn vào những "drama" trong showbiz thời gian qua, không khó để nhận thấy đây không phải là hiện tượng nhất thời mà là một biểu hiện rõ ràng của cuộc khủng hoảng chuẩn mực xã hội trong thời đại số, khi các nền tảng này đã bị chi phối bởi những người không có chút giá trị đạo đức hay trí thức nào.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở giải trí mà đã trở nên nghiêm trọng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý theo quy định.
Luật sư Nguyễn Tuấn Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định rằng, pháp luật không cấm việc bày tỏ quan điểm cá nhân với các vấn đề xã hội, bao gồm cả việc "đấu khẩu" để làm rõ mâu thuẫn giữa các bên trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng lời lẽ, ngôn ngữ, hình ảnh không phù hợp với chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội hoặc bịa đặt những câu chuyện không có thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 8, Luật An ninh mạng quy định một trong những hành vi bị cấm trên không gian mạng là: “Đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.