Sân khấu mở livestream: Thế giới không góc khuất

Thứ Ba, 14/06/2022, 20:52

60 tỉ USD. Đó là GDP một năm của Uruguay năm 2020. Có thể là GDP tổng của cả 3 nước Gabon, Guinea và Mali cộng lại. Mà cũng có thể đó là doanh thu từ các hoạt động bán hàng livestream tính riêng ở Trung Quốc trong vòng 1 năm theo thống kê của Forbes. Con số này chưa phải chính xác và có thể còn cao hơn nhiều lần.

Livestream không chỉ là phần tất yếu của mọi kế hoạch digital marketing cho đủ kiểu mặt hàng, từ trang sức đến phim ảnh, từ đồ gia dụng đến ô tô. Livestream là một sân khấu mở cho tất cả mọi người, mọi thứ, mọi sự kiện. Điểm chung gì giữa một vị phụ huynh Việt Nam bêu xấu ngôi trường quốc tế nơi con cô theo học và vụ kiện tụng đình đám giữa minh tinh mấy thập kỷ của Hollywood cùng cô vợ cũ “đẹp nhất hành tinh”?

Điểm chung gì giữa đêm trao giải âm nhạc Grammy, việc SpaceX phóng một chiếc ô tô vào quỹ đạo với vụ một kẻ khủng bố cực hữu bắn chết chục người da đen trong siêu thị Buffalo? Đó là chúng đều được livestream với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem trực tiếp, như thể họ đang có mặt ngay tại đó. Kẻ giết người trong vụ thảm sát Buffalo nói rằng y được truyền cảm hứng từ sự kiện livestream thảm án Christchurch khi những kẻ tự xưng là chiến binh thánh chiến Jihad hành quyết 2 cảnh sát ở Pháp và y muốn livestream để khơi gợi cảm hứng nơi những người khác.

Y có đạt được mục tiêu không, ta không biết, nhưng chắc chắn y đã lôi kéo được vô vàn người theo dõi. Những người xem không phải không kinh hãi hay ghê tởm sự tàn độc ấy nhưng lòng tò mò vẫn thôi thúc họ muốn xem. Chris Rock, nam diễn viên hài từng bị ăn một cái tát của Will Smith đầu năm nay (tất nhiên sự kiện này cũng được livestream), nói: “Bạo lực không phải là điều mới nhưng ống kính camera thì mới”. Một câu nói đáng để lưu ý.

Sân khấu mở livestream: Thế giới không góc khuất -0
Livestream là một trong những yếu tố then chốt đưa kinh tế Trung Quốc vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19.

Thật ra thì “ống kính camera” cũng không phải mới lắm. Livestream đã có mặt gần 30 năm nay rồi. Chúng ta thường gán livestream như một phát minh của thời đại Facebook và YouTube, song thực tế thì “niên đại” của livestream lâu hơn thế nhiều. Nó đã có mặt khi người ta còn xem băng VHS và internet còn rất sơ khai, muốn kết nối thì máy tính bắt buộc phải cắm dây dợ lằng nhằng cùng một chiếc modem nho nhỏ. Chỉ là lúc đó livestream vẫn còn khan hiếm đến mức những thứ được livestream đều khá nghiêm túc, như một trận bóng chày của giải đấu nhà nghề NBA hay một bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.

Còn bây giờ, mọi thứ đều được livestream: một sự kiện ra mắt sách, một buổi hòa nhạc, một chương trình giới thiệu sản phẩm kem tẩy lông, một người mẫu vừa ăn cơm vừa ngoa ngoắt kể chuyện hậu trường showbiz, một phụ nữ tự sát bằng cách nhảy vào đầu tàu hỏa, thậm chí là một vụ hiếp dâm hay một vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Với livestream, tưởng như không có thứ gì nằm trong góc khuất.

Câu hỏi tại sao người ta livestream đúng ra phải là, tại sao người ta thích xem livestream? Chủ một thương hiệu thời trang tôi từng cộng tác kể rằng, có những ngày không một ai bước vào cửa hàng, thậm chí chạy quảng cáo trên Facebook cũng không hiệu quả, nhưng chỉ cần livestream trong 2 tiếng là sẽ đạt KPI doanh thu ngày hôm đó dù nội dung nói không quá đặc sắc.

Vài năm trước, hãng phim Lionsgate ra mắt một bộ phim hài đen tương đối thành công về doanh thu và chất lượng mang tên “A Simple Flavor”. Nội dung câu chuyện kể về hai người phụ nữ, Emily là một vlogger ẩm thực được mến mộ trên YouTube, còn Stéphanie là giám đốc PR của một công ty thời trang. Một ngày nọ Stéphanie đột ngột mất tích và người ta tìm thấy xác của cô ở dưới hồ. Cho đến khi Emily khám phá ra Stéphanie vẫn còn sống và đang che giấu một bí mật động trời về quá khứ và tội ác.

Trong cảnh nút thắt cao trào, Emily đã gài Stéphanie khai tuốt tuột những điều cô ả thực hiện và ngay khi Stéphanie định giết Emily bịt đầu mối thì Emily nói ả hãy nhìn vào chiếc cúc áo trên sơmi mà cô đang mặc, đó thực ra là một camera bí mật: tất tật hoạt cảnh vừa rồi, những lời thú tội và cả hành vi đe dọa diệt khẩu của Stéphanie đều đang được livestream trực tiếp trên YouTube với hàng triệu người chăm chú xem, trong đó có cả cảnh sát. Một phút sau, kẻ thủ ác bị tóm gọn. Kênh YouTube của Emily càng thêm “viral”.

Bộ phim là một tóm lược về sức mạnh của thời đại chúng ta, sức mạnh của livestream - hay nói đúng hơn, sức mạnh của trực tiếp, của tốc độ tức thời, của sự giám sát lẫn nhau, của khao khát kiếm tìm sự thật. Người ta tin rằng, chỉ cần được trực tiếp chứng kiến một điều gì đó thì họ sẽ biết được chân tướng mọi điều, thứ chân tướng không bị bóp méo bởi bất cứ tay bồi bút hay hãng thông tấn cực đoan hay hãng thương mại giả dối nào. Livestream trong “A simple flavor” đủ sức vạch trần một kẻ nói dối, lấy lại sự công bằng cho người bị hại và củng cố công lý được thực thi.

Cũng chính lý do ấy khiến công chúng phẫn nộ vì việc những tờ báo uy tín như The New York Times hay The New Yorker đăng tải các bài viết đứng về phía Amber Heard sau khi nữ diễn viên thua Johnny Depp trong vụ kiện được cả thế giới dõi mắt theo. Họ đã trực tiếp xem các phiên xử được livestream không qua chỉnh sửa hay bất cứ can thiệp nào. Chính mắt họ đã thấy những bằng chứng hùng hồn của Depp, chính tai họ đã nghe những lời khai bất nhất, không đáng tin cậy, thậm chí bịa đặt của Heard, cho nên đừng cố gắng lấy chữ nghĩa và gồng gánh các loại chủ nghĩa ra để qua mặt họ và đừng nghĩ một vài bài báo nữ quyền giả hiệu có thể đổi trắng thay đen.

Sân khấu mở livestream: Thế giới không góc khuất -0
Nhờ sự trung lập, không cắt xén hay chỉnh sửa của livestream, Johnny Depp lấy lại được tình yêu của công chúng, còn Amber Heard mất tất cả.

Như thế, livestream thường được coi là một sự thật trần trụi, đôi khi hơi quá trần trụi đến phát bệnh, nhưng là một sự thật. Khi một người phụ nữ livestream trên Facebook sau khi hôn phu của cô bị cảnh sát bắn chết ngay trong xe hơi còn đứa con gái 4 tuổi của họ đang ngây thơ ngồi ở ghế sau, Mark Zuckerberg đã lên giải thích rằng cá nhân anh không muốn nhìn thấy một video khủng khiếp như thế được phát trực tiếp cho hàng tỉ người dùng, song mặt khác, sự tồn tại của nó nhắc ta nhớ rằng điều đau lòng như vậy vẫn xảy ra và ta còn rất nhiều điều phải làm để xây dựng một thế giới tốt hơn.

Người ta có thể coi đây lại là một lời trí trá nữa của ông chủ Facebook cũng được, nhưng mặt khác cũng có thể đồng tình phần nào với anh. Livestream có khi nói nhiều về bản chất của thế giới và con người không thua gì những tác phẩm nghệ thuật kinh điển: Thế giới thì hỗn loạn, dối trá, bắt nạt lẫn nhau và ác độc đến khó tin; con người thì khó giấu được những hiểu biết bí mật và những sự thật chỉ mình biết, họ giống hệt như anh thợ cạo đầu cho vua Midas không thể giữ kín bí mật rằng nhà vua có một đôi tai lừa, anh đành phải đào một cái hố rồi thì thầm vào đất. Với livestream, chúng ta không phải thì thầm vào đất rồi đợi những cây sậy truyền hiểu biết ấy cho nhau, ta có thể công khai nói cho cả thiên hạ biết về điều đó; tất nhiên, con người vừa muốn sự thật mà cũng vừa muốn cả sự quan tâm của công chúng: nếu tôi không thể đòi được công lý pháp luật thì chí ít tôi cũng có được tràng pháo tay của cộng đồng. Từ ham muốn bày tỏ sự thật, một số người tăng tiến thành ham muốn làm người hùng của sự thật.

Phần lớn chúng ta đều muốn được một lần tỏa sáng trên sân khấu, nơi mọi ánh mắt chĩa về phía ta, mọi tràng pháo tay rền vang vì ta. Khi Ophelia chết trôi trên sân khấu, nàng được khán giả khóc thương dào dạt; khi Hamlet phát điên trân sân khấu, chàng được thấu hiểu, tung hô. Chẳng phải đáng thèm muốn lắm sao khi ngay cả cái chết hay cơn điên cũng được người người theo dõi? Vì những con mắt dõi nhìn ấy mà một ca sĩ vô danh trên sân khấu âm nhạc đành mượn sân khấu livestream ngay tại ngôi trường con mình để thỏa mãn ẩn ức có những khán giả hùa theo tiết mục kịch tích của cô, bất chấp những nguyên tắc giáo dục cơ bản nhất, thậm chí lèo lái sự thật đi theo hướng cô muốn. Đúng thế, ngay cả livestream cũng chưa chắc đã là sự thật, cái ta thấy có thể cũng là một sự thật được chỉnh trang.

Nhưng, cầu được ước thấy. Muốn nổi tiếng, sẽ được nổi tiếng. Nổi tiếng chẳng phải là điều khó khăn gì trong thời đại này. Hàn Quốc từng có một bộ phim kinh dị dựa trên bệnh viện ma ám nổi tiếng Gonjam, kể lại hành trình của một nhóm thám hiểm quyết tâm livestream chuyến đi rùng rợn của mình vào di tích bệnh viện này hòng cán mốc 1 triệu lượt người xem trực tiếp. Họ tự bịa ra những kịch bản để làm mọi thứ đáng sợ hơn có thể, cho đến khi những điều đáng sợ thực sự xuất hiện. Số lượt người xem cứ tăng, tăng mãi, tăng mãi, đúng như ao ước của họ, nhưng điều đó thì quá dễ, điều khó là làm sao để thoát ra được mê cung quái quỷ kia. Ngay cả khi họ muốn dừng lại, cũng không kịp nữa rồi.

Livestream, dễ thôi, chỉ cần nhấn một nút trên Facebook hay YouTube là phơi bày được mọi thứ, nhưng khó là làm sao không bị chính cái gọi là “sự thật” cuốn trôi, bởi “sự thật thì hiếm khi thuần khiết và chẳng bao giờ đơn giản”.

Hiền Trang
.
.