Ranh giới!

Thứ Tư, 08/06/2022, 21:58

Mỗi lần tới Công an quận Tây Hồ, tôi đều vào Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Đội CSHS) làm việc. Nói làm việc cũng đúng mà vào chơi, uống nước chè, trò chuyện với anh em hình sự cũng đúng. Lần nào tiếp tôi cũng là Đội trưởng Nguyễn Đức Châu hoặc Đội phó Nguyễn Công Ngọc.

Tôi nhớ giọng nói hồ hởi, pha lẫn phấn khích của Châu mỗi khi gọi điện cho các nhà báo báo tin đã bắt giữ được thủ phạm trong vụ án nào đó. Tôi cũng nhớ Ngọc khi ngồi cung cấp thông tin, từng chi tiết vụ án được kể lại tỉ mỉ, tưởng như anh đã thuộc lòng. Nhưng giờ đây, cả hai người ấy đều đã vướng vòng lao lý. Dù đã từng lập nhiều chiến công, dù đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, nhưng đó cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Ranh giới là một vạch kẻ - đôi khi mơ hồ mà cũng rất rõ ràng.

image_6483441.jpg -0
Các bị cáo trong vụ cướp tài sản năm 2016 mà Công an quận Tây Hồ đã “bỏ lọt”

1. Câu chuyện "thằng bán tơ" bắt đầu từ vụ việc anh Nguyễn Công Thành, trú tại 15 phố Hàng Muối đã đến Công an phường Yên Phụ trình báo vào ngày 19/9/2016, anh bị một nhóm đối tượng bắt giữ để đánh và đòi nợ số tiền 4.000.000 đồng. Đội CSHS Công an quận Tây Hồ sau đó làm rõ đối tượng gây ra vụ án là Nguyễn Hữu Tài, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Biết sự việc của mình đang bị điều tra, ngày 22/9/2016, Tài đã đến Công an quận Tây Hồ đầu thú và bị tạm giữ hình sự 3 ngày do ông Phạm Quý Hải - Phó trưởng Công an quận Tây Hồ ký lệnh. Tài là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi. Thời gian đó Tài chuẩn bị lấy vợ, bố vợ tương lai anh ta lo lắng đám cưới sẽ không thành nên nhờ người kết nối với ông Phùng Anh Lê - Trưởng Công an quận Tây Hồ để lo chạy án cho con rể tương lai. Và người đứng ra làm trung gian cho vụ án vô tiền khoáng hậu này là Nguyễn Văn Bảy, chú họ của ông Phùng Anh Lê.

Ông Bảy gọi điện thoại cho ông Lê nói sự việc và đặt vấn đề nhờ giúp. Phùng Anh Lê đồng ý giúp cho hòa giải nhưng yêu cầu phải đưa số tiền 110 triệu đồng để bồi thường cho người bị hại. Tối 22/9/2016, ông Bảy đã cầm số tiền như ông Lê yêu cầu mang vào phòng làm việc đưa cho Phùng Anh Lê.

Trước đó, khi Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi bắt giữ và đánh anh Thành, Vũ Công Ngọc khi đó là Đội phó đã báo cáo Nguyễn Đức Châu là Đội trưởng và ông Phạm Quý Hải là Phó trưởng Công an quận, đồng thời phân công điều tra viên Phan Tất Hùng thực hiện thủ tục tiếp nhận lấy lời khai đối với Tài và đề xuất hướng giải quyết vụ việc.

Theo lời khai của Tài và các chứng cứ tài liệu thu thập, điều tra viên Phan Tất Hùng xác định Tài và các bạn của anh ta có dấu hiệu phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự, trong đó rõ nét nhất là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cần tạm giữ hình sự để làm rõ, nên đã báo cáo đề xuất ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đề xuất của ông Hùng được các cấp lãnh đạo đồng ý. Tiếp theo, Tài được làm thủ tục đưa vào nhà tạm giữ.

Tuy nhiên, sau khi Phùng Anh Lê nhận tiền từ ông chú họ Phùng Văn Bảy, khoảng 23h ngày 22/9/2016, ông Lê gọi điện hỏi Đội trưởng Nguyễn Đức Châu về việc tạm giữ Tài rồi chỉ đạo Vũ Công Ngọc mang hồ sơ đến phòng làm việc báo cáo ông Lê. Sau khi nghe Ngọc báo cáo, ông Lê cho rằng, "việc tạm giữ hình sự đối với Tài còn yếu". Thấy thủ trưởng có ý kiến như vậy, Vũ Công Ngọc trình bày đủ căn cứ xác định Tài có hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cần thiết phải tạm giữ hình sự để làm rõ thêm các hành vi phạm tội, nhưng ông Lê vẫn không đồng ý. Ông Lê gọi tiếp ông Nguyễn Lê Tuân, Đội phó đội Điều tra tổng hợp đến để cùng đánh giá.

Ông Tuân đến, được thủ trưởng nói tóm tắt lại nội dung vụ việc và hỏi quan điểm nhưng vì không đọc hồ sơ lại thấy ông Lê đang quát Ngọc và có ý như không muốn giam giữ Tài nên ông Tuân "đón" được ý của sếp nên chỉ nói "vụ việc gây thương tích mà chưa có giám định đã tạm giữ là non", rồi đi về. Tiếp sau đó, ông Lê chỉ đạo Ngọc đến nhà tạm giữ nhận bàn giao Tài ra, cho viết bản cam kết rồi cho về. Vũ Công Ngọc đổ mồ hôi hột vì biết đây là hành vi sai trái, anh ta cố gắng tiếp tục báo cáo rằng, Tài đang thi hành quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự, muốn thả ra phải có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ hoặc quyết định trả tự do của người có thẩm quyền nhưng Phùng Anh Lê vẫn chỉ đạo thả Tài và yêu cầu Ngọc khi đến nhà tạm giữ thì gọi điện thoại để ông Lê trực tiếp chỉ đạo người trực chỉ huy nhà tạm giữ là Lê Đình Trung.

2. Đây là vụ việc cực kỳ hy hữu và chưa từng có tiền lệ. Vừa tạm giữ sau đó lại thả ngay mà không cần bất cứ giấy tờ thủ tục nào thì xưa nay chỉ có trên phim và phải "gan to bằng cái nia" mới dám làm vậy. Biết ông Lê chỉ đạo thế là sai, Vũ Công Ngọc đi về phòng làm việc lấy hồ sơ và gọi điện thoại báo cáo Phó trưởng Công an quận Phạm Quý Hải nhưng ông Hải không nghe máy. Ngọc gọi tiếp cho Đội trưởng Nguyễn Đức Châu báo cáo. Châu cũng toát mồ hôi khi nghe điện thoại nhưng đành tặc lưỡi: "Trưởng Công an quận đã quyết định như vậy thì anh em mình phải thực hiện, không cưỡng lại được" và giục Ngọc đi thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Lê.

Khoảng 0 giờ 15 phút ngày 23/9/2016, Vũ Công Ngọc cùng một số cán bộ của Đội CSHS  đi đến nhà tạm giữ. Ngọc thông báo ý kiến của ông Lê với Lê Đình Trung về việc bàn giao Nguyễn Hữu Tài cho Đội CSHS. Thấy Ngọc không có thủ tục để bàn giao theo quy định, Trung không đồng ý và nói với Ngọc: "Sếp chỉ đạo mày chứ có chỉ đạo anh đâu". Ngọc liền gọi điện thoại cho ông Lê có mở loa ngoài để cho Trung nghe lời chỉ đạo. Qua điện thoại của Ngọc, ông Lê đã chỉ đạo Trung bàn giao Tài cho Ngọc, không tạm giữ nữa. Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của ông Lê, Trung gọi điện thoại báo cáo ông Lê Sinh Hùng - Phó trưởng Công an quận, Trưởng nhà tạm giữ thì ông Hùng nói: "Châu nó vừa gọi đây rồi, sếp đã chỉ đạo thế thì cứ thực hiện và phải photo lại hồ sơ".

Khoảng vài ngày sau, Nguyễn Hữu Tài được gọi lên trụ sở Công an quận Tây Hồ để hòa giải với anh Nguyễn Công Thành. Tại đây, có sự chứng kiến của điều tra viên Phan Tất Hùng, anh Thành đồng ý hòa giải với Tài, thống nhất để Tài bồi thường 15 triệu đồng và sửa chữa điện thoại iPhone 5 do nhóm của Tài làm vỡ.

3. Hơn 5 năm trôi qua, những tưởng vụ việc đã chìm vào quên lãng, nhưng đến đầu năm 2021, Công an TP Hà Nội đã phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Hữu Tài chưa bị xử lý nên tiến hành xác minh điều tra. Ngày 22/1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Tài cùng đồng phạm về tội cướp tài sản. Ngày 29/4/2021, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 24 tháng tù giam, các đồng phạm khác từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 tháng tù giam về tội cướp tài sản.

Quá trình Công an TP Hà Nội xác minh vụ việc nêu trên, ông Phạm Quý Hải, Vũ Công Ngọc và ông Phan Tất Hùng khai nhận: Vào tối 22/9/2016, ông Hải đã ký quyết định tạm giữ số 247 đối với Nguyễn Hữu Tài và đã bàn giao cho nhà tạm giữ nhưng ngay sau đó ông Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Vũ Công Ngọc đến nhà tạm giữ nhận bàn giao để thả cho Tài về. Kết hợp lời khai của ông Phùng Văn Bảy và những đối tượng liên quan, xác định có dấu hiệu tội phạm nên ngày 8/2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" và chuyển vụ án đến cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra cho kết quả như đã nói ở trên. Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định: Sau khi Nguyễn Hữu Tài được cho về nhà, Nguyễn Đức Châu tiếp tục đề xuất Phùng Anh Lê giải quyết vụ việc này theo hướng, tạm cho Nguyễn Hữu Tài về và giải quyết đơn trình báo của anh Thành nhằm tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm của Tài nhưng ông Lê vẫn không đồng ý. Ông Lê nói với Châu: "Việc này để tao bảo nó lên hòa giải rút đơn". Tuy nhiên, số tiền 110 triệu đồng mà ông Lê nhận từ Phùng Văn Bảy không được ông Lê đưa ra hòa giải bồi thường cho người bị hại, vì thế, Cơ quan điều tra đã có cơ sở xác định Phùng Anh Lê phạm tội nhận hối lộ.

Vậy là, chỉ vì "tình riêng", Phùng Anh Lê với tư cách Trưởng Công an quận đã cố tình chỉ đạo cấp dưới sai pháp luật, dẫn tới nhiều đồng đội vì ông Lê mà liên lụy. Liên quan đến vụ việc này, nhiều người đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền như ông Lê Sinh Hùng - Phó trưởng Công an quận, Trưởng nhà tạm giữ; ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận; ông Phan Tất Hùng - điều tra viên Đội CSHS;  Nguyễn Văn Thuận - cán bộ quản giáo trực nhà tạm giữ.

Đau xót nhất trong vụ án này là những người đã không dám phản kháng lại những sai trái của thủ trưởng, cũng không dám quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình như Vũ Công Ngọc, Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung. Cả ba người này đều nhận thức được hành vi của mình thực hiện theo chỉ đạo của Phùng Anh Lê là trái pháp luật, nhưng trước và sau khi thực hiện, họ không báo cáo lên cấp có thẩm quyền và không thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Hiếm có vụ án nào khiến cho tôi cảm thấy đau xót và day dứt nhiều đến thế. Rất lâu để có thể đào tạo một điều tra viên giỏi nghề, một lãnh đạo đội hình sự dày dạn kinh nghiệm, nhưng cũng rất nhanh để biến họ thành tội đồ. Giờ đây, những thành tích trong công tác chỉ là tình tiết giảm nhẹ, chứ không giúp được họ thoát tội. Bản cáo trạng ký chưa ráo mực, nhưng những bài học từ vụ việc này không phải là mới. Nên chăng, mỗi người hãy tự thiết lập cho mình một giới hạn, và cố gắng đừng bước qua!

Đinh Hiền
.
.