Quản lý phim trên mạng: Người xem phải tự “đề kháng”?

Thứ Bảy, 27/04/2024, 09:48

Trong cuộc họp mới nhất của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, trước thực trạng nhức nhối của phim chiếu trên mạng tràn lan, nhiều bộ phim có nội dung độc hại, người xem phải tự trang bị “sức đề kháng” cho mình chứ Cục quản lý không xuể khi nhân lực chỉ có 10 người. Thế nên, vấn nạn phim trên mạng, xem ra vẫn chưa có nút gỡ từ phía quản lý Nhà nước mà chỉ trông chờ vào chính “bộ lọc” của người xem.

Phim nhảm tung hoành trên mạng

Vào YouTube và các nền tảng mạng xã hội bây giờ có thể thấy hàng loạt phim với những cái tên kích thích sự hiếu kì như: “Sugar Daddy” và “Sugar Baby”, “Sugar Mommy”, “Sugar boy”, “Gái ngàn đô”, “Những cạm bẫy tình và tiền”, “Đại Cathay”, “Lan Quế phường”… Ngoài những phim Việt còn có một số phim nước ngoài được chiếu trên không gian mạng xuyên tạc lịch sử. Điển hình năm 2021, bộ phim Hàn Quốc “Little woman” phát trên nền tảng Netflix có những tình tiết xuyên tạc lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Quản lý phim trên mạng: Người xem phải tự “đề kháng”? -0
Hậu trường phim “Gái ngàn đô”.

Trong báo cáo công tác văn học, nghệ thuật quý I/2024 của Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây đã đưa ra cảnh báo về tình trạng những video được gắn mác "phim ngắn" đang tràn lan trên mạng. Các video này khai thác những chủ đề gây sốc, nội dung nhảm nhí, phản cảm "ẩn chứa mối họa gây ảnh hưởng xấu cho khán giả, nhất là giới trẻ" để thu hút lượng tương tác. Hiện nay, trên mạng vẫn tràn ngập những bộ phim mô tả cảnh đánh ghen, ngoại tình, loạn luân, giang hồ đánh đấm, bạo lực học đường...

Những bộ phim trôi nổi không ai kiểm soát rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, đầu độc tâm hồn trẻ nhỏ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), những nội dung xấu, độc hại đó có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc cho giới trẻ khi các em coi những điều đó là thực, đang diễn ra và cho rằng xã hội chỉ toàn những điều xấu xa.

Bản chất phim chiếu mạng (web drama) không xấu. Đó là những nội dung số cho phép người dùng xem những gì họ thích, từ diễn viên, quay phim, sản xuất, hậu cần, hậu kỳ được tập luyện, làm việc; các nhãn hàng quảng bá; xã hội có thêm các sản phẩm giải trí… Vấn đề nằm ở chỗ, mục đích của những nhà sản xuất ra những đoạn phim ngắn đó là để thu hút lượng người xem. Khi tiếp cận được số người xem đông thì đồng nghĩa với việc, doanh thu của họ sẽ tăng. Vì lợi nhuận, bài toán câu view, câu like đã khiến họ bất chấp những hậu quả đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ để sản xuất ra những đoạn phim độc hại và phản cảm. Còn phần đông giới trẻ Việt hiện nay không đủ “đề kháng” trước những bộ phim đó khi nền tảng giáo dục còn thiếu.

Quản lý phim trên mạng: Người xem phải tự “đề kháng”? -0
Phim chiếu trên mạng chưa được kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Cần những giải pháp quyết liệt

Đầu năm 2023, để xử lý phim chiếu mạng có nội dung nhảm nhí, phản cảm, Cục Điện ảnh đã trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ký ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chỉ có phim chiếu rạp được thực hiện theo chế độ tiền kiểm (cấp phép phổ biến). Phim chiếu trên mạng thực hiện theo chế độ hậu kiểm, các nhà phát hành chịu trách nhiệm phân loại phim và hiển thị cảnh báo cho người xem.

Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...

Theo ông Vi Kiến Thành, các chủ thể khi tham gia hoạt động phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng đều cần phải thực hiện theo các quy định này, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, hoạt động của mình. Công tác hậu kiểm có Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại; tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm, yêu cầu chủ thể dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm…

Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực của tổ rất mỏng, chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm việc kiểm tra, chia thành hai ca mỗi ngày, xem khoảng 5 bộ phim trong một ca, thường xuyên bị quá tải. Ngoài ra, 10 người này còn phải đảm bảo công việc chuyên môn chứ không riêng xem phim và phát hiện phim vi phạm. Trong khi số lượng phim chiếu mạng rất nhiều, không thể xem hết được. Vì thế, Cục không thể quản lý được hết phim chiếu mạng. Thế nên mới có chuyện, có những bộ phim cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, lan tràn trên mạng rồi chúng ta mới vào cuộc ngăn chặn.

Đầu năm 2024, Cục đã gửi văn bản đến nền tảng VieOn phải gỡ bỏ phim “Tình yêu 199- Muốn mãi mãi yêu” có hình ảnh, nội dung liên quan đến đường lưỡi bò phi pháp. Còn những bộ phim nội dung độc hại thì Cục kiểm soát không xuể và hiện tại phụ thuộc vào “sức đề kháng” của người xem.

Quản lý phim trên mạng: Người xem phải tự “đề kháng”? -0
Phim tràn lan “cõi mạng”.

Vậy là câu chuyện cuối cùng lại quay về với chính người xem. Người xem, hơn ai hết phải tự tạo cho mình một “màng lọc” trước “biển” phim vô cùng đa dạng trên mạng hiện nay. Muốn có “màng lọc” tốt thì gốc rễ của nó lại từ câu chuyện giáo dục, nền tảng về văn hóa của từng cá nhân trong xã hội. Nếu những đứa trẻ có nền tảng văn hóa tốt, chắc chắn sẽ không sa đà vào những bộ phim nhảm nhí, mang tính câu view trên mạng xã hội. Còn ngược lại, khi thiếu nền tảng về giáo dục, sự hiểu biết, thì giới trẻ dễ bị dẫn dụ vào những câu chuyện nhảm nhí, làm “ô nhiễm” tâm hồn của họ và gây ra nhiều hậu quả không lường.

Trước đó, Cục Điện ảnh dự kiến có quy chế giám sát phim, người xem thấy phim có vi phạm báo về Cục, nếu thông tin chính xác sẽ được thưởng 200.000 đồng kèm theo chứng nhận đã phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, quy chế không được Bộ VH-TT&DL đồng ý. “Nhà phát hành phải chịu trách nhiệm nội dung, hiển thị các cảnh báo cần thiết. Với các nội dung dung độc hại, người xem trên không gian mạng cũng phải tự có sức đề kháng”, ông Vi Kiến Thành nói.

Tuy nhiên, trước khi trông chờ vào ý thức, và sự chọn lọc của người xem, nhất là giới trẻ, chúng ta vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn từ phía nhà nước để thanh lọc những phim chiếu mạng mang nội dung độc hại, cần một cơ chế kiểm duyệt sát sao hơn và chế tài mang tính răn đe hơn. Không thể vì thiếu nhân lực, vì không có lực lượng quản lý mà để buông lỏng cho những bộ phim đó “tự tung tự tác” trên mạng xã hội. Bởi, mạng thì ảo nhưng thế giới, tâm hồn con người luôn thật. Từ ảo đến thật, ranh giới rất mong manh. Và hậu quả của nó, ai cũng hiểu, thật khó lường.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Tình trạng phim ngắn độc hại ảnh hưởng đến tâm lý người xem, đặc biệt là thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung này có thể tăng nguy cơ hành vi bạo lực. Phim ngắn chứa nội dung không lành mạnh cũng có thể lan truyền các vấn đề xã hội tiêu cực như bạo lực, tội phạm và tư duy không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa và đạo đức của xã hội".

Mỹ Trân
.
.