Qua Giêng nói chuyện bánh chưng

Thứ Ba, 07/03/2023, 13:53

“Bạn có vài ký ức để nhìn lại” (you have memories to look back). Đó là cái thông báo mà mỗi ngày facebook vẫn gửi cho mỗi người dùng. Ai mà chẳng có ký ức. Có nhìn lại hay không thì còn tùy tâm tính mỗi người. Người không chơi facebook có khi còn có những mảng ký ức dày hơn những người chơi facebook rất nhiều.

Nhưng cái thứ ký ức mạng, tức những điều ta từng sẻ chia ngày này những năm xưa, lại là thứ cần được ai đó nhắc để mà nhớ nhiều hơn. Giản đơn, đôi khi chúng ta hứng chí lên về một chuyện gì đó, hay thất vọng não nề về một ai đó, ta dễ dàng để ngón tay mình vứt lên vài dòng, vài bức ảnh trên bức tường ảo. Và rồi chỉ vài ngày, hay vài tuần sau, ta đã quên đi và tiếp tục chìm sâu nhanh không ngờ vào một câu chuyện khác. Bởi thế, facebook mới thông báo nhắc nhở ta nhìn lại một phần ký ức cho dù đôi khi nó chỉ là thứ ký ức văng mạng, bạt mạng mà thôi.

3.jpg -0

Hôm nay tôi nhìn lại gì? Đã gần hết tháng Giêng rồi. Trong cái lạnh của Hà Nội sau một đợt nồm, tự dưng ký ức mạng nhắc lại đôi dòng tôi và bạn bè tôi viết về cái bánh chưng. Mà thật ra không hẳn là về cái bánh chưng. Nó là câu chuyện xoay quanh một cái tạp văn của một nữ văn sỹ về chiếc bánh chưng nhân dịp Tết năm ngoái. Chúng tôi, nhân danh bánh chưng, đã phản pháo bằng những câu chữ buột ra từ cảm xúc. Với chúng tôi, cái bánh chưng không chỉ là tấm bánh bình thường. Nó đại diện cho cả những tầng văn hóa cũ kỹ từ sâu hơn cả thời cụ kỵ. Nó là Việt Nam, thuần nhất, lâu đời nhất, và một trong những gì thiêng liêng nhất.

“Bọn trẻ con cũng biết ăn bánh chưng là ngán, đâu cần phải là một nhà văn mới biết cái ngán đó. Nhưng bọn trẻ chẳng bao giờ chê bai, chì chiết, đay nghiến cái bánh chưng. Còn một nhà văn thì có đấy”. Đó chính là ký ức của V.T.T, một nhạc sỹ nổi tiếng, được ghi lại đúng 1 năm trước.

Tôi đã chia sẻ lại những câu chữ của anh, và kèm theo đó, tôi cũng làm một bài thơ, tự xem mình đóng vai một cái bánh chưng, từ một góc bàn, cất tiếng. Trước đó, tôi cũng từng “phê” cái tạp văn kia, khi đọc được đoạn nữ văn sĩ nọ so sánh bánh chưng với văn chương là "Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn".

Tôi cho rằng nữ văn sĩ ấy đã “viết một bài đúng là to nhưng không lớn, rất chi là rắc rối nhưng chả có gì phức tạp, cũng lớp trong lớp ngoài nhưng chả có tầng tiếc gì cả, nghe có vẻ nghiêm nhưng lại thiếu cẩn, thậm chí hơi thô, và đặc biệt, không thể được mang đi "cúng cụ văn chương". Bây giờ, ngồi đọc lại ký ức cũ, tôi vẫn thấy mình đúng (chủ quan thật) mà đúng nhất là ở câu kết “Rán lên vẫn thơm. Xơi tuốt”.

Tự dưng, ngồi ngẩn người nghĩ không hiểu ở xa xôi nào đó (chả là nữ văn sĩ kia định cư ở trời Tây), chủ nhân cái tạp bút chưa kỹ nhưng đã cũ kia có ăn bánh chưng Tết năm nay? Và giật mình, tôi nhớ, ở Tết vừa qua thôi, chính chị ấy cũng có một tạp văn mới. Lần này không phang bánh chưng nữa mà chị phang con gà.

Với chị, con gà cúng là tâm điểm trong một tạp bút mắng mỏ cỗ Tết của người Việt. Chị viết: “Đỉnh cao của mâm cúng luôn là một con gà. Luộc. Nhạt nhẽo, nhàm, nhố nhăng. Gà trống mà ngày càng giống hoa hậu đi thi. Da con nào cũng óng mượt không tì vết, thần thái cùng một khuôn phép em đẹp em ngoan, em ngậm hoa hồng, em cựa dài cổ ngỏng, em vui cõng miếng tiết đỏ sậm của chính mình trên lưng và xòe cánh tiên thật khéo – dù đôi cánh ấy bị xuyên chéo và tàn bạo tọng vào họng. Chậm nhất từ mốt gà tạo dáng siêu mẫu lõa lồ, chút nghiêm cẩn cuối cùng sót lại nơi bàn thờ cũng theo hương khói bay đi”. Năm nay, tôi không buồn phê lại chị nữa. Tôi chán rồi.

Nhưng tôi tự hỏi “liệu khi thắp hương trên bàn thờ gia tiên đêm giao thừa xứ xa, chị có luộc một con gà không nhỉ? Hay là vì đã Tây hóa triệt để rồi nên chị kiên quyết cũng chẳng lập bàn thờ gia tiên?”. Để rồi, tự dưng tôi thấy thương hại chị và những người như chị, những người đôi khi chỉ vì một mối giận cá nhân rất nhỏ nhoi nào đó đã trút hết lửa hận lên cả cội nguồn lẫn dân tộc, nơi mà tổ tiên, cha ông mình cũng đứng xếp hàng trong đó.

Tâm lý phản ứng luôn có thể được thể hiện theo một trong hai chiều đối nghịch nhau. Người tha hương, hoặc là luôn đau đáu hướng về quê nhà, hoặc là có phản ứng cự tuyệt nguồn gốc. Số người cự tuyệt nguồn gốc ít thôi, rất thiểu số.

Qua Giêng nói chuyện bánh chưng -0

Đại đa số là hướng về quê nhà, là hoài hương, là hồi ức những kỷ niệm ngày còn ở cố quận, với bạn bè xưa cũ. Cái thiểu số kia, như tôi nói ở trên, thật ra họ đáng thương vô cùng. Họ mang một vết thương nào đó và không cố vượt qua vết thương đó mà thay vào đấy, lại để nó được “nhắc lại như ký ức đậm sâu” và hành hạ họ đến thảm hại vô cùng. Như nữ văn sĩ kia chẳng hạn.

Qua Giêng nói chuyện bánh chưng -0

Chị là người tài hoa, nhưng văn chị luôn hằn học khi viết về quê hương. Chính cái hằn học ấy nhiều khi nó che mờ nhận thức để đến độ nhiều dòng chị viết ra rất ẩu về kiến thức. Ví dụ như bánh chưng. Chị quên mất một điều, nó không chỉ là chiếc bánh thông thường. Nó là NẾP. Việc ăn NẾP khiến người Việt đứng trong một cộng đồng khác biệt cực lớn với người Hoa Hạ về tập quán ẩm thực. Nó chính là một điểm trong những điểm quan trọng nhất của căn cước dân tộc. Nó còn mạnh hơn một món phổ thông và thường định danh Việt Nam trên trường quốc tế là Phở.

Viết về Phở, cụ Trần Quốc Vượng từng có ý cực hay khi nó về sức mạnh của căn tính dân tộc khi đã tiếp biến văn hóa để khiến một món vốn dĩ được xem là có nguồn gốc ngoại lai trở thành một thứ Việt hóa 100%. Có lẽ, cụ Vượng khác chị nhà văn nọ ở cái nước cụ uống, cái nơi cụ nằm, cái miếng cụ ăn, cái con người cụ ấp ôm bên cạnh. Hồn Việt còn giữ nguyên đó, nên vì thế, tình yêu với xứ sở là vô cùng.

Những người mang thân đi lưu vong đất khách đều có nỗi niềm và ta cần cảm thông với họ. Giữa những xã hội mà họ là thiểu số, thậm chí bị kỳ thị, bị đẩy ra ngoài lề, họ cần hòa nhập nên nhiều khi chọn phương án ngốc nghếch là chối bỏ nguồn gốc.

Chỉ có những ai đủ mạnh mẽ mới dõng dạc tuyên ngôn mình là người Việt, và tạo dấu ấn Việt trước những đôi mắt xanh thiếu thiện cảm. Ví như cậu em tôi quen thân, đang làm việc tại nước ngoài ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Sinh hoạt trong CLB đồng nghiệp ở Paris, cậu nhận được kha khá những kỳ thị từ những tay bản xứ vốn vẫn giữ đầu óc thực dân.

Và cách đáp trả của cậu là im lặng, nhưng liên tục vặt tay kỳ thị nọ vài trăm euro mỗi khi sinh hoạt bida trong nhóm. Cậu chơi bida lành nghề, điệu nghệ tầm tuyển thủ và mỗi lần thắng của cậu là mỗi lần tay kỳ thị kia lại nuôi thêm hậm hực. Càng hậm hực, nó càng hại tâm thân mình. Còn cậu em tôi ư? Quá vui. “Mày xem thường tao thì tao chiến thắng mày và lấy tiền của mày đi mua rượu vang thượng hạng về thưởng thức”, cậu từng kể với tôi như thế.

Mới hôm qua thôi, nhạc sỹ V.T.T có viết vài chia sẻ về những kẻ chối bỏ gốc gác của mình. Anh viết ngắn, nhưng sâu sắc. Và anh kết rằng anh luôn tự hào nói “Tôi là người Việt”.

Tôi cũng tự hào tôi là người Việt. Ký ức mạng cũ mèm kia càng làm tôi tự hào hơn. Còn bây giờ, tôi đi rán bánh chưng thôi. Tự hào thêm, tôi rán bánh chưng ngon số dzách…

Hà Quang Minh
.
.