Phận đời công nhân thời 4.0

Thứ Tư, 15/11/2023, 09:49

Với 230 tỷ USD vốn FDI vào các khu kinh tế, tại gần 12.000 dự án có hiệu lực, Việt Nam không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn xuyên quốc gia sau đại dịch. Với nhiều người lao động, lĩnh vực công nghiệp chính là nơi tạo ra nhiều công việc, giúp giải quyết bài toán thu nhập trong bối cảnh kinh tế biến động.

Làm công nhân trả nợ

Khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Hạnh từng có mơ ước trở thành giáo viên. Nhưng 20 năm trước, điều kiện học tập và đi lại ở quê Hạnh còn nhiều hạn chế khi mỗi ngày phải đạp xe từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà với tổng quãng đường trên dưới 40km. Quá nửa quãng đường đó đầy sỏi đá và bùn đất. 

anh1.jpg -0
Chị Nguyễn Thị Hạnh tìm đến công việc ổn định để trả nợ cho chồng

"Tôi còn nhớ vào những ngày mưa, đất bùn bám đầy vào xe, gần như mình chỉ có thể dắt bộ suốt vài cây số. Bố mẹ tôi thấy việc đi lại học tập vất vả quá, và hồi ấy vẫn còn giữ nếp nghĩ 'con gái không cần học nhiều' nên ép tôi nghỉ học cuối năm lớp 10", Hạnh hồi tưởng về những ngày đã qua.

Thầy cô giáo đã nhiều lần đến nhà động viên Hạnh trở lại học, nhưng họ không làm được. Từ quê nhà Yên Bái, Hạnh đã làm nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập. Nhưng chị chẳng gắn bó với công việc nào quá lâu, cho đến một ngày cuối năm 2020. Đó là thời điểm chị đến Hải Phòng tìm việc.

Quãng đường từ Yên Bái đến Hải Phòng dài trên dưới 300km đã đưa chị Hạnh đến với một nhà máy thuộc Khu công nghiệp Tràng Duệ. Mức lương chị nhận về trong giai đoạn thử việc vào khoảng trên dưới 8 triệu đồng. Không lâu sau đó, chị trở thành công nhân chính thức, hưởng lương trung bình 9,2 triệu đồng/ tháng.

"Ngày xưa tôi làm nhiều công việc tự do, thu nhập bấp bênh, lại phải lo nghĩ nhiều. Làm chủ cũng có cái hay nhưng phải có duyên nữa, mà tôi lại không có khiếu buôn bán. Từ ngày đi làm công nhân, tôi có thu nhập ổn định. Hàng ngày tôi đến nhà máy làm việc, đến hết ca lại về, ngủ rất ngon", Hạnh chia sẻ.

Mức lương 9,2 triệu đồng với Hạnh là số tiền đủ sống tằn tiện cho bản thân chị và gia đình. Tuy nhiên, nỗi lo cơm áo gạo tiền của người phụ nữ 35 tuổi vẫn còn đó. Mọi thứ đã dễ dàng hơn nếu như chị không phải gánh khoản nợ của chồng, một lao động tự do không có công việc ổn định. Chồng Hạnh làm nghề thợ sơn. Anh cùng một số đồng hương thường nhận việc theo công trình. Thu nhập của anh không quá tệ, nhưng anh lại sa đà vào cờ bạc, lô đề. Chủ nợ từng đến tận phòng trọ của vợ chồng chị Hạnh đòi tiền, khiến hai người sau đó to tiếng.

"Họ cử một nhóm ba người cầm gậy, tuýp sắt đến đòi nợ nhà tôi. Lúc đó tôi đang ôm con, tức quá nên nói ai vay thì tìm người đó trả. Bản thân tôi đã khuyên chồng năm lần bảy lượt nhưng anh ấy vẫn không chịu thay đổi. Lý do duy nhất khiến cả hai vẫn ở với nhau đến giờ là vì đứa con", Hạnh than thở.

Những điều gan ruột có thể được công nhân Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ nhiều hơn, nếu như chị không bị giám sát dây chuyền sản xuất nhắc nhở. "Không được nói chuyện" là một trong những nội quy đầu tiên mà công nhân sản xuất trong khu công nghiệp phải nhớ. Mọi thứ phải thực hiện một cách đồng bộ, như một cỗ máy.

Công tác mỗi ngày bằng ôtô

Sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, cô gái dân tộc Thái Lò Thị Thanh Trang có làn da trắng muốt, cùng đuôi mắt dài thu hút ánh nhìn của người khác giới. 7 năm trước, Thanh Trang rời Lào Cai để tới huyện Quế Võ, Bắc Ninh làm việc.

Điểm đến của Thanh Trang là một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại theo đơn đặt hàng của những tập đoàn lớn. Sau một số bài kiểm tra, cô được đưa vào tổ kiểm định chất lượng. Các chuyên viên nói Thanh Trang có thị lực và cảm quan tốt, một tố chất hiếm thấy mà kỹ thuật viên kiểm định phải có.

"Công việc hàng ngày của tôi là kiểm tra thành phẩm đầu ra tại công ty chủ quản. Tuy nhiên, trong trường hợp hàng gửi đến người mua bị phát hiện lỗi, tôi thường phải đi cùng một số công nhân khác đến nhà máy của đối tác để lọc lại hàng, loại ra những sản phẩm lỗi và bù lại bằng hàng tốt", Thanh Trang nói.

Tuy nhiên, không phải mọi đối tác mua hàng từ công ty của Thanh Trang đều nằm trong phạm vi huyện Quế Võ, hay tỉnh Bắc Ninh. Công ty này còn bán hàng cho một đối tác lớn ở Hải Phòng. Vì thế, Thanh Trang đã quen với những chuyến đi về giữa Bắc Ninh và Hải Phòng trong ngày. 

Một ngày bình thường của Thanh Trang bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng. Cô có 60 phút để dành cho bản thân trước khi đến công ty, rồi cùng một số công nhân "đi công tác" từ Bắc Ninh đến Hải Phòng. Chuyến đi thường bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng và kéo dài 1 giờ 30 phút. Họ chỉ về khi công việc kết thúc, và thường là khi trời đã tối mịt.

Tần suất đến Hải Phòng làm việc của Thanh Trang càng dày hơn khi những mẫu hàng mới được sản xuất. Thanh Trang kể: "Hàng sản xuất theo mẫu mới luôn có nhiều lỗi, nên chúng tôi có lúc phải túc trực, thuê nhà nghỉ ngay tại Hải Phòng để tiện đi làm". Họ buộc phải làm vậy nếu không muốn kiệt sức vì phải di chuyển quá nhiều.

Có việc là may mắn

Thanh Trang có vóc người nhỏ bé, nhưng điều đó không có nghĩa cô để người khác bắt nạt. Một công nhân từng bị Trang thẳng tay trừ tiền chuyên cần khi để lọt hàng lỗi lên dây chuyền sản xuất của khách hàng. "Đó là lỗi không thể chấp nhận được. Nếu hàng lỗi khiến dây chuyền sản xuất bị dừng, thiệt hại sẽ không thể ước tính nổi. Tôi đã phạt nhẹ nhất có thể rồi", Trang nói.

Chia sẻ của Thanh Trang không hề phóng đại. Công ty chủ quản của cô thường tuyển mới 2.000 công nhân/ năm. Tuy nhiên, họ không hề mở rộng quy mô sản xuất. Khi 2.000 công nhân được tuyển mới cũng có nghĩa 2.000 người khác sẽ phải ra đi. Mức độ đào thải của công nhân trong khu công nghiệp, ở một góc độ nào đó, còn khốc liệt hơn cả nhân viên văn phòng.

Công việc của một công nhân trong khu công nghiệp luôn đa dạng. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung: Ngày làm 8 giờ, chia thành 2 ca, mỗi ca lại bao gồm 2 phiên, mỗi phiên 2 giờ. Công nhân phải đứng liên tục trong 2 giờ đó, và họ gần như không được di chuyển. Nguyễn Thị Hạnh nói cái giá khi lựa chọn những công việc chân tay là phải làm việc không ngừng nghỉ.

Làm việc vất vả như chị Hạnh, hay đi sớm về muộn như Thanh Trang là điều không quá lạ lẫm với những công nhân trong khu công nghiệp. Với họ, còn được đi làm đã là hạnh phúc. Ở thời điểm hiện tại, có một công việc tốt cùng mức thu nhập ổn định vào khoảng 8-9 triệu đồng/ tháng không hề dễ dàng.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp tại thời điểm 1/10/2023 đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này nghe qua có thể không quá lớn, nhưng trên tổng số 12 triệu công nhân, nó tương đương với gần 170.000 người đã mất việc làm.

Đầu năm 2023, Nikkei Asia và một số tạp chí kinh tế thế giới từng nhận định, Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp. Luồng lao động có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề tự do hơn, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Số lượng đơn hàng sụt giảm nhanh chóng đã khiến tốc độ người mất việc còn nhanh hơn cả chủ động nghỉ việc.

Hiện tượng shipper, xe ôm công nghệ tranh giành khách của nhau thời gian gần đây chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy những "công việc tự do" đang dần trở nên bất ổn. Khi ấy, việc trở lại làm công nhân lại trở thành phương án an toàn và ít rủi ro, nhưng không phải ai cũng dễ dàng được lựa chọn như trước nữa.

Ăn cơm phần, uống nước túi

Mỗi phân xưởng sản xuất trong nhà máy thường có 200-300 công nhân làm việc. Vì thế, ngay cả khi bố trí nước lọc miễn phí cho công nhân uống, doanh nghiệp cũng không thể chuẩn bị được lượng cốc giấy theo nhu cầu. Vì thế, túi giấy uống nước chỉ dùng một lần đã trở thành sản phẩm thông dụng tại các nhà máy ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Một túi giấy uống nước có kích thước khoảng 5cm x 5cm. Người sử dụng chỉ cần bóp chiếc túi phẳng thành dạng phồng lên để dùng. Kích cỡ nhỏ gọn, lại không tốn diện tích khi thải ra. Tuy nhiên, đó là một trong những khác biệt cơ bản giữa công nhân làm việc tại xưởng và nhân viên văn phòng, những người có thể uống nước bằng cốc giấy.

Thứ duy nhất có thể giúp xóa nhòa khoảng cách giữa công nhân và nhân viên là những bữa ăn. Tất cả mọi người đều phải tuân thủ quy định xếp hàng lấy suất ăn của mình. Căng tin cũng là khu vực mở, không phân biệt chỗ ngồi giữa công nhân và nhân viên, hay giữa người Việt Nam và người nước ngoài.

Mỗi bữa ăn của công nhân tại khu công nghiệp có giá quy đổi tương đương 25.000-30.000 đồng. Việc được công ty "bao" ăn trưa, thậm chí là ăn tối trong những ngày tăng ca, có thể giúp công nhân tiết kiệm số tiền không nhỏ. Nếu chăm chỉ làm việc và tích lũy, họ hoàn toàn có thể có tích lũy theo thời gian.

Trần Thành
.
.