Nước mắt lời sau cuối

Thứ Tư, 10/04/2024, 10:03

Phiên tòa xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát đã đến hồi cuối. Trước khi tòa tuyên án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Đây có lẽ là lời nói chân thật nhất, xót xa nhất và cũng đau đớn nhất khi đời người sắp bước qua một ngã rẽ khác.

1. Giọt nước mắt của Trương Huệ Vân liên tục rơi trên khuôn mặt chứa đầy những nuối tiếc và khổ đau. Vân nói rằng, hơn 1 năm trong trại giam, cô học được nhiều bài học quý giá, đã nhận thức rõ bản chất sâu sắc của cuộc sống. “Bài học quý giá nhất chỉ được học qua khổ đau. Sau tất cả, bị cáo sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật", Vân nghẹn ngào rồi trích dẫn câu nói của triết gia Heraclitus về việc "không ai tắm hai lần trên một dòng sông", để thấy rằng, giờ đây Huệ Vân đã thấm thía mọi thứ nghiệt ngã mà cuộc đời đã chạm phải, con đường phía trước và những năm tháng còn lại, chắc chắn Vân sẽ sống khác đi.

Nước mắt lời sau cuối  -0
Trương Huệ Vân đã nhận thức sâu sắc giá trị cuộc đời.

Sau cùng, Vân mong tòa xem xét khoan dung cho các bị cáo, đặt các bị cáo trong hoàn cảnh phạm tội, lịch sử và xem xét cả giá trị phẩm chất của các bị cáo. Vân không quên nhắc đến “mẹ” Lan của mình, tha thiết xin một cơ hội để “mẹ” có thể dùng toàn bộ ý thức và nghị lực của mình giải quyết hậu quả vụ án. “Bên cạnh nỗi sợ hãi và khổ đau còn có niềm tin và hạnh phúc", Vân xúc động nói. Huệ Vân còn trẻ, chỉ mới bước sang tuổi 36. Những năm tháng thanh xuân, Vân sống ngập tràn trong ánh hào quang của tiền tài và danh vọng, Vân bị phủ mờ bởi những thứ hào nhoáng nhất mà cô ruột của mình ban tặng. Vân chưa từng có một ngày nào sống cho riêng mình, được thỏa thích làm theo bản ngã của chính cô. Cho nên, giọt nước mắt sau cuối trên công đường của Huệ Vân, nó nghẹn ngào, tức tưởi và đau xót cùng cực. 

Người ta thường nói, đàn ông khóc là khi nỗi đau đã chạm đáy, khiến họ không thể kìm nén được nữa. Ông Chu Lập Cơ cũng nghẹn ngào rớm lệ khi ngồi nghe vợ khóc, cháu khóc. Dù nói bằng tiếng Anh và nghe qua phiên dịch nhưng ông Chu Lập Cơ đã phần nào cảm nhận được sự bi đát của gia đình mình. Lời nói sau cùng, ông dành phần lớn để kể về vợ, bà Trương Mỹ Lan. “Vợ tôi đang phải chịu trách nhiệm tất cả cho những sai phạm dù là nhỏ nhất. Cảm giác xót xa với người vợ tao khang khiến tôi rất đau lòng”, ông Chu Lập Cơ nghẹn ngào. Rồi ông nói bản thân muốn xin lỗi vợ, vì để bà cô độc trong suốt hành trình kinh doanh lâu dài. “Giá như ngày ấy tôi sát cánh cùng vợ mình hơn, can ngăn bà thì đã không phải đối mặt với tình cảnh này", ông Chu Lập Cơ cúi đầu giãi bày.

Nước mắt lời sau cuối  -0
Ông Chu Lập Cơ ân hận vì không can ngăn vợ, dẫn đến sự việc như ngày hôm nay.

Khi được nói lời sau cùng, bà Trương Mỹ Lan bày tỏ lòng biết ơn với các cơ quan tố tụng, công an, điều tra viên, cán bộ trại tạm giam đã chăm sóc tinh thần, động viên bà vượt qua nghịch cảnh khắc nghiệt ập đến. Bà cũng cảm ơn chủ tọa đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ cho bà trình bày các quan điểm. “Khi trở về trại giam, hằng đêm tôi luôn day dứt một câu hỏi là vì sao tôi và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế này? Tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ bước ngoặt định mệnh dẫn đến việc tôi phải đối diện mức án tử hình hôm nay vì tôi hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về hoạt động ngân hàng. Tôi nhớ rõ từng thời khắc trôi qua trong suốt 18 tháng bị tạm giam. Có những lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Tôi dấn thân vào thương trường khắc nghiệt, vào hoạt động ngân hàng mà mình không thông thạo. Những ngày tháng tạm giam, gánh chịu cái rét của mùa đông miền Bắc hay ngày nắng nóng như đổ lửa ở phương Nam là những ngày chập chờn không ngủ được. Tôi nghĩ cảnh chồng và cháu tôi cũng đang bị tạm giam. Nghĩ đến tất cả các bị cáo ngày hôm nay bị thế này, nghĩ đến người thân, gia đình, con gái tôi bị bệnh...", bà Trương Mỹ Lan nói rồi bật khóc rất to.

“Trên chiếc xe tù dẫn giải rời khỏi tòa về trại giam, tôi chỉ ước bắt được những bàn tay vẫy gọi của người thân bên lề đường hay qua màn hình tivi để tìm cháu ruột, chồng, người thân của tôi. Tôi tan nát cả cõi lòng. Tôi đau không thể diễn tả thành lời", bà Lan nói trong tiếng nấc nghẹn.

2. Trương Khánh Hoàn, nguyên quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB chỉ muốn được làm một công dân bình thường, là người con của cha mẹ hai bên, người chồng tử tế và người cha gương mẫu. “Bị cáo được ban phước làm cha 2 đứa con nhỏ nhưng đã vô phước khi đánh mất điều đó. Thời gian đầu bị bắt, bị cáo tự hỏi tại sao mình lại sai như vậy. Tới một ngày bị cáo nhận ra tuổi trẻ của mình quá nông nổi và bồng bột để lao vào mưu sinh, đánh mất mình là ai và mục đích cuộc đời là gì? Hoàn nói.

Bên dưới khán phòng, một vài người lấy vạt áo lau nước mắt. Họ đồng cảm với day dứt của Hoàn nhưng cũng nhận ra, bản thân mình đau khổ không kém. Tất cả những con người ngồi đây hôm nay, những ngày không xa về trước từng ngạo nghễ trên bậc cao của danh phận, quần là áo lượt, đi xe rước, về xe đưa.

Tôi nhìn Trương Khánh Hoàn khúm núm trong chiếc áo sơ mi trắng nhàu nhĩ vết nhăn, lại nhìn lên Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB cũng trong bộ dạng như thế, thật chạnh lòng xót xa.

Võ Tấn Hoàng Văn hôm nay rất bình tĩnh, trong suốt hơn 20 phút trình bày, ông không dùng văn bản, cũng không hề ngập ngừng suy nghĩ. Ông đã chuẩn bị thật kỹ lời nói sau cùng của mình. Đó hẳn đã thẩm thấu vào ông. “Tất cả những việc xảy ra trong thời gian qua đã đem đến cho rất nhiều người bài học lớn lao và có giá trị. Cá nhân bị cáo thấy rằng, dầu ý tưởng có tốt đẹp đến mấy mà không theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì mọi nỗ lực của cá nhân và tập thể đều không bền vững, an toàn. Bị cáo trả giá cho điều này bằng sự tự do của mình, sự đau đớn của cha mẹ, của vợ, 6 đứa con và chàng trai (người con út) bị cáo chưa được gặp mặt. Không có sự ăn năn nào lớn hơn...", ông Văn xúc động giọng nghẹn ngào.

Nước mắt lời sau cuối  -0
Cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn ăn năn hối hận muốn sớm được trở về làm lại cuộc đời.

Cựu Tổng Giám đốc SCB cũng cầu xin sự tha thứ cho bản thân mình và nhân viên SCB qua các thời kỳ vì họ chỉ làm theo những gì kế thừa. "Sự tha thứ của tòa không chỉ cho bản thân các bị cáo mà còn là sự tha thứ cho 86 gia đình, cho bậc làm cha mẹ, cho hàng trăm đứa trẻ chờ mong cha mẹ trở về với một câu hỏi đau đớn “sao cha mẹ lâu quá không về với con. 18 tháng bị cáo chưa được gia đình thăm, tạo điều kiện động viên về thể chất, tinh thần. Kính xin sự tha thứ, khoan dung của hội đồng xét xử. Sự tha thứ này chính là phép màu, tái sinh cho bị cáo được trở về với phiên bản tốt hơn”, một lần nữa ông Văn đã khóc.

“Tôi đã sai lầm và hèn nhát”, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã thốt lên như thế trong giàn giụa nước mắt khi được nói lời sau cùng. Bà Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền 5,2 triệu USD. Ra tòa, bà không biện hộ mà thừa nhận hành vi của mình. Trong hơn 10 phút trình bày, bà Nhàn nói trong nước mắt. Bà đau đớn nói: “Bị cáo có 35 năm công tác trong ngành ngân hàng, 24 năm gắn bó với công việc, dù ở vị trí nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao, được tặng nhiều bằng khen. Nhưng, chỉ vì phút sai lầm, hèn nhát mà phải trả giá đắt và đánh mất tất cả”.

Bà Nhàn không nói rõ hèn nhát là gì, nhưng tôi mường tượng bà đang tự sỉ vả bản thân. Bà hèn nhát trước cám dỗ của đồng tiền, không chiến thắng nổi lòng tham. Để hôm nay phải đứng đây, ân hận, xấu hổ về hành vi của mình. "Những ngày qua là những ngày tột cùng đau khổ đối với bị cáo, cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng với truyền thống hy sinh của cha mẹ, gia đình, người thân. Bị cáo cảm ơn mọi người vì đã không bỏ rơi mình trong những ngày ở trại giam. Cảm ơn các cán bộ trại giam, công an, bác sĩ... đã điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bị cáo trong thời gian qua. Xin tòa "mở lòng từ bi" khoan hồng cho bản thân và các cán bộ trong đoàn thanh tra vướng vào vụ án”, bà Nhàn khóc nghẹn khi kết thúc lời nói sau cùng.

Đau đớn, ân hận và nuối tiếc là những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau giữa các bị cáo khi họ lần lượt bước lên để nói lời gan ruột cuối cùng. Họ đều hiểu rằng, ngày mai tòa tuyên án thì cuộc đời họ cũng sẽ bước sang trang khác, một hành trình chuộc lỗi đầy nghiệt ngã.

Ngọc Hoa
.
.