Nỗi niềm "chứng sĩ"

Thứ Ba, 12/03/2024, 20:18

Sau những cú sập cay đắng chia đôi, chia ba tài khoản năm 2022, thị trường chứng khoán 2023 tưởng rằng đã lấy lại được niềm tin cho nhà đầu tư, thế nhưng dù có tăng trưởng hơn 12% năm 2023, lại liên tục tăng điểm từ đầu năm 2024 thì nhiều "chứng sĩ" vẫn mòn mỏi chờ đợi ở "nơi đảo xa" với kì vọng được "về bờ".

Khắc khoải "về bờ"

Kết thúc năm 2023, dù thị trường chứng khoán đã tăng điểm, thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mang tâm trạng chán chường khi tài khoản vẫn chia đôi. Khắp các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, hay trong những câu chuyện trà dư tửu hậu của các "chứng sĩ" chỉ thấy những lời than thở, hờn trách lãnh đạo những công ty mà họ "vô tình lướt sóng thành cổ đông". "Xanh vỏ đỏ lòng, thị trường xanh sao tài khoản mình vẫn đỏ", "Thế là chính thức chuyển lỗ từ 2023 sang 2024", "Mình vẫn đang gồng lỗ", "Tôi vẫn ở nơi đảo xa", "Anh em nào đã “về bờ” cho tôi xin một cánh tay". 

_xuycn~k.jpg -0
Thua lỗ nhưng anh Thụ vẫn cắm nhà vay ngân hàng để ném vào chứng khoán.

Anh Hoàng Hải Hùng, giám đốc một công ty truyền thông ở Cầu Giấy (Hà Nội) từng được bạn bè, đồng nghiệp coi là "tay to" khi ném vào tài khoản chứng khoán hơn 30 tỷ đồng. Anh kiếm bộn tiền khi ôm hàng từ lúc VN-Index mới gần 700 điểm. Người thân, bạn bè khuyên rút số lãi ấy ra mua một căn nhà mặt đất, vừa làm của để dành, vừa làm trụ sở công ty vì hiện công ty anh vẫn đang phải thuê trụ sở, nhưng anh không nghe. Và, cú sập của thị trường năm 2022 khiến tài khoản anh “bốc hơi” gần 20 tỷ đồng.

Cay đắng hơn khi anh còn ôm cổ phiếu họ FLC, đã bị hủy niêm yết. Không chấp nhận mất trắng, anh lại xoay xở ném thêm tiền vào tài khoản để trung bình giá, mong lấy lại những gì đã mất. Trước khi bước vào đợt downtrend tháng 9 - 10/2023, anh vẫn lãi hơn 15% danh mục và tin rằng thị trường đang trong xu hướng uptrend nên không chốt lời. Tuy nhiên, với việc VN-Index cắm đầu đi xuống, lùi về sát mốc 1.000 điểm hồi cuối tháng 10 đã đánh bay gần hết thành quả tăng điểm trước đó, chỉ trong 1 tuần giao dịch, tài khoản của anh “bốc hơi” vài tỷ. Vậy là số tiền cũ chưa lấy lại được, anh lại tiếp tục mất thêm. Chán chường, cuối năm 2023 anh cắt lỗ, rút ra gần hết, chỉ để lại vài trăm triệu duy trì.

Anh Trần Văn Thụ (Cầu Giấy) cũng là một nhà đầu tư lão luyện khi thường xuyên nắm được thông tin nội bộ của các công ty. Như anh Hùng, anh Thụ ôm nhiều cổ phiếu từ khi VN-Index 650 điểm nên thời gian đầu anh cũng bội thu nhờ chứng khoán. Từ vốn ban đầu 3 tỷ, anh kiếm lời được 4-5 tỷ. Thị trường khi ấy cứ đánh theo "lái", theo môi giới, theo người nội bộ công ty là thắng lớn. Khi thị trường downtrend năm 2022, đã có người khuyên anh nên cắt lỗ bán nhanh, nhưng tiếc của nên anh lừng chừng không bán, cuối cùng đành ngậm ngùi khi tài khoản “bốc hơi” hết số lãi và âm cả vào vốn bỏ ra.

Tiếc số tiền đã mất, sau khi bán một căn chung cư ở Cầu Giấy được 2 tỷ, anh vội vàng ném vào chứng khoán với hi vọng gỡ gạc. Thế nhưng, cú sập tháng 10/2023 lại khiến anh “bay” luôn căn nhà. Tiếp tục cắm sổ đỏ một ngôi nhà khác vay ngân hàng thêm 2 tỷ, anh lại ném vào chứng khoán và mong 2024 có thể gỡ được những gì đã mất của năm 2023. Số tiền đã mất của 2022, anh coi như làm ăn thua lỗ, không biết bao giờ mới "về bờ".

Anh Nguyễn Mạnh Cường (Văn Phú, Hà Đông) tài khoản chỉ có hơn 1 tỷ đồng nhưng dùng margin nên trước cú sập 2022, anh cũng kiếm được vài trăm triệu. Có điều, anh Cường lại rất thích ôm những cổ phiếu ít lên xuống và cũng đánh theo thông tin mà anh tìm hiểu được trên các hội nhóm và theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán. Thêm nữa, tâm lý của anh Cường là đánh lâu dài nên dù có lãi, anh cũng không chốt mà để đó với hy vọng nhân đôi, nhân ba tài khoản và ăn cổ tức. Thế nên, ban đầu anh cứ chơi là thắng. Nhưng, cú sập năm 2022 khiến anh “bay” nửa tài khoản. Trong khi nhiều người đã cắt lỗ, chịu thua thiệt để đầu tư con khác cho nhanh “về bờ” thì anh vẫn miệt mài ôm hàng cho đến tận bây giờ. Có tiền, anh lại trung bình giá. Thế nhưng, mỗi lần trung bình giá lại một lần “bắt dao rơi”. Cứ đáy của hôm trước lại là đỉnh của ngày hôm sau. Những cổ phiếu anh đang ôm chỉ loanh quanh ở mức giá thấp, khi cả thị trường lên đến hơn 1.250 điểm thì tài khoản anh vẫn đỏ như lúc 1.000 điểm, thậm chí có cổ phiếu từng bị hạn chế giao dịch, có lúc còn bị dọa hủy niêm yết khiến anh phải vội vàng cắt lỗ mất nửa số cổ phiếu trong khi ôm cả 3 năm nay.

Nhiều lần anh muốn xóa app, nhưng cuối cùng sốt ruột, anh lại mở bảng điện tử theo dõi cả ngày. Theo anh Cường, ai đã dính vào chứng khoán thì rất khó dứt, bởi tâm lý càng thua càng muốn gỡ, có lãi lại càng ham chơi, có bao tiền lại "tất tay" vào tài khoản. Sau nhiều năm "chinh chiến", anh nhận ra rằng, những thông tin trên hội nhóm, hay khuyến nghị từ các công ty chứng khoán, các môi giới chỉ là cách "lùa gà", khi thông tin đến được với người chơi thì thị trường đã chuẩn bị bước vào đợt điều chỉnh.

Kỳ vọng năm rồng vượt đỉnh

Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, có những phiên tăng hơn 15 điểm. Trái ngược tâm trạng ủ rũ giai đoạn cuối năm 2023, thị trường bước sang năm 2024 trong trạng thái hưng phấn hơn với những tuần đầu giao dịch khá tích cực khi đà tăng của chỉ số đã được củng cố. VN-Index tăng một mạch từ 1.129,9 điểm phiên cuối của năm 2023 lên 1.181,5 điểm phiên ngày 19/1/2024, tương ứng mức tăng 51,6 điểm, xấp xỉ 4,6%. Đặc biệt, từ đầu năm âm lịch 2024, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, có những phiên VN-Index tăng hơn 15 điểm và chỉ trong thời gian ngắn đã đạt mốc 1.250 điểm, trong khi cả năm 2023 không thể đạt được.

_xuycn~n.jpg -0
VN-Index vượt đỉnh năm 2023 sau nhiều phiên tăng liên tiếp.

Với những người mới vào "nghề" trước và sau cú sập tháng 10/2023 thì chứng khoán vẫn là thị trường tiềm năng, hái ra tiền. Như chị Hoàng Anh (Phú La, Hà Đông), một nhà đầu tư nhỏ lẻ, với số vốn hơn 400 triệu, dù có sập chị cũng không cắt lỗ mà đợi cho đến lúc "về bờ" và với bản chất liều, cứ đỏ là mua, xanh là bán, chỉ đánh T+, có tiền là chị ném vào tài khoản để trung bình giá, nên năm 2023 chị vẫn lãi được hơn 100 triệu tiền chứng khoán. Năm 2024, chị Hoàng Anh kì vọng sẽ kiếm được nhiều hơn năm 2023.

Năm 2024 cũng là năm nhiều nhà đầu tư kì vọng VN-Index vượt được mốc 1.400, thậm chí còn lên 1.500-1.800 điểm, bởi ngay từ đầu năm, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tin vui. Đặc biệt, khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dần hồi phục từ mức nền thấp năm 2023, giúp P/E thị trường trở nên hấp dẫn hơn.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hiện thực hóa chủ trương hạ lãi suất trong năm 2024 sau tín hiệu được phát đi trong cuộc họp tháng 12/2023. FED giảm lãi suất sẽ là chất xúc tác có lợi đối với không gian điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cho tỷ giá, qua đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng. Trong những giai đoạn chính sách nới lỏng tiền tệ được duy trì, thị trường chứng khoán luôn cho hiệu suất tốt.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường và tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, cung cấp vốn cho thị trường, phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái chứng khoán. Đó cũng là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 ngày 28/2/2024 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu được nâng hạng lên nhóm mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, khi hệ thống KRX được vận hành ngay trong năm 2024 sẽ là cơ sở hạ tầng cần thiết để biến ước mơ đầu tư T+0 thành hiện thực, lúc đó, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi và nhiều nhà đầu tư có thể kì vọng về được "bờ".

Thế nhưng, thời gian gần đây, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có nhiều diễn biến khó lường, không sách vở, hay chuyên gia nào có thể phân tích được theo đúng quy luật. Có những phiên nhà đầu tư phải ngồi "tàu lượn" chóng mặt khi sáng đỏ chiều xanh, hay đảo chiều chỉ trong những giây phút ATC cuối phiên. Có những cổ phiếu được nhận định tăng giá khi báo cáo tài chính cho thấy tình hình công ty phát triển tốt, có lợi nhuận nhưng cuối cùng lại giảm liên tục. Bởi vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng, tự trang bị cho mình kiến thức, thói quen tiếp nhận thông tin đa chiều, khách quan, tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông để có thể đạt hiệu quả đầu tư cao nhất. 

Mai Ngọc
.
.