Nói dzậy nhưng không phải dzậy
Tháng Tư về thì cũng nên điểm lại đôi chút những câu chuyện về một số người trong giới cầm quyền Sài Gòn xưa. Chuyện này xếp vào chuyên mục chuyện hài hước thư giãn cũng không sai. Không ít nhân vật chóp bu chế độ Sài Gòn luôn tuyên bố tinh thần vì nước, nhưng khi họ hành động thì lạ lắm, thường là quay ngoắt 180 độ.
Ngày 10/3/1975, Quân Giải phóng chiếm Buôn Mê Thuột. Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Vùng 2 chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa nhận nhiệm vụ tái chiếm Buôn Mê Thuột. Ngày 14/3, Phú tuyên bố khẩu khí xung thiên: "Tôi sẽ sống chết với cao nguyên. Tôi sẽ lấy máu mình để thu hồi Buôn Mê Thuột". Tuyên xong, ngày 15/3, Phú lên máy bay về Nha Trang, bỏ lại hàng vạn chiến hữu trên cao nguyên trong đám loạn quân loạn quan.
Cũng tháng 3 ấy tại Huế, tướng Ngô Quang Trưởng tuyên bố, "Cộng quân muốn vào Huế phải bước qua xác tôi". Nhưng có thách vàng cũng chẳng tìm được xác ông tướng này vì ông ấy đã đào tẩu ra tàu chiến đang neo ngoài biển. Thế gọi là ngôn hành bất tín.
Tối 27/3, trên sóng thông tin vô tuyến điện PRC 25 của Sư đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, binh lính còn nghe oang oang giọng của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh kêu gọi binh lính Sư đoàn 3 và tàn quân chạy từ Huế vào cùng tái phối trí tại Đà Nẵng để phản công "Cộng quân" ở đèo Hải Vân. Chỉ hai ngày sau, Hinh dắt vợ con và bộ sậu lên máy bay trực thăng, chuồn ra biển. Thế là ông này "tái phối trí" trên Hạm đội 7 của Hoa Kỳ.
Ngày 12/4, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 tuyên bố hùng hồn trước phóng viên nước ngoài tại Xuân Lộc: "Chúng tôi sẽ đánh một trận dập đầu cộng quân để thế giới biết sức mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa". "Gáy" rất ghê nhưng rồi "bức tường" Xuân Lộc gãy vụn. Tướng Đảo bỏ mặc anh em chiến hữu, cải trang làm dân thường lên xe lam (xe chở khách 3 bánh như xe tuk tuk) chạy tuốt về Sài Gòn.
Nhớ chuyện cũ Thế chiến 2, quân dân Leningrad đã ngoan cường trụ vững trước sự phong tỏa của phát xít Đức 871 ngày, từ 1941 tới 1944 là một kỳ tích lẫm liệt. Tháng 4/1975, khi sức ép của Quân giải phóng đè nặng lên đô thành Sài Gòn, Tướng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố, "Tôi sẽ biến Sài Gòn trở thành một Leningrad thứ hai". Tuy nhiên, ngày 29/4, tướng Kỳ đã tự lái trực thăng trốn khỏi Sài Gòn ra hạm đội 7. Người ta kể rằng trước kia, ông Kỳ rất sốt sắng đòi "lấp sông Bến Hải, giải phóng miền Bắc". Giai đoạn lưu vong sau này, có người phỏng vấn về "tuyên bố hùng hồn" trên thì ông Kỳ trả lời đại ý là có nói câu đó nhưng chỉ là nói cho khí thế chứ không thể làm được.
Khi bị Mỹ quay lưng, ngày 21/4, Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trấn an dư luận, "Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Chỉ 4 ngày sau, vị trung tướng kiêm chiến sĩ này đã bỏ anh em mà bay tới Đài Loan với ý do điếu phúng ông Tưởng Giới Thạch. Lúc này Tưởng Giới Thạch đã qua đời gần 1 tháng và tang lễ đã cử hành được gần 2 tuần rồi. Nếu gọi đó là thất tín bội ước thì cũng không sai li nào.
Chế độ Sài Gòn luôn ra sức khẳng định tính chính danh nhưng tất cả những gì họ làm đều chứng minh thân phận bộ máy làm thuê, đánh mướn. Chỉ cần "rút ống thở" viện trợ thì bộ máy ấy trở thành cái xác ngay lập tức. Ông Nguyễn Văn Thiệu khi đương nhiệm tổng thống có nói, "Quý vị có thể tưởng tượng trong thời gian Hoa Kỳ cắt viện trợ của chúng ta, mà chúng ta mất hết 60% tiềm lực chiến đấu thì cái gì sẽ xảy ra?". Ông tiếp: "Bây giờ, với cái quân đội này, súng thiếu, đạn thiếu, thuốc thiếu, xăng thiếu, máy bay thiếu, không có B.52 lại bảo tôi làm cái chuyện đội đá vá trời thì có khác gì mấy ông cho tôi 3 Mỹ kim mà bảo tôi đi máy bay hạng nhất, ở phòng ngủ 1 ngày 30 Mỹ kim, ăn một ngày 4-5 miếng thịt bò, uống một ngày 7-8 ly rượu. Không làm được. Phi lý".
Dù là ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Ngô Đình Diệm hay hàng loạt các hội đồng tướng lĩnh với danh nghĩa đứng đầu quốc gia, nhưng nhất cử nhất động đều phải dò xét ý Mỹ rồi mới dám ra quyết định. Ông Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký của mình có ý trách rằng người tây đã không dạy cho chúng tôi (chế độ Sài Gòn) cách cai trị nên mới sinh mọi rối ren. Chính ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng nhắc đến chữ “tay sai” trong hồi ký. Trong cuốn "Khi đồng minh tháo chạy", tác giả Nguyễn Tiến Hưng, cựu cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã viết một cách chua chát "…cả hai chính quyền ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ là sự nối tiếp của xu thế vọng ngoại từ cả trăm năm trước, nên lại tiếp tục làm tay sai cho ngoại bang…".
Đỗ Mậu, một tướng lĩnh, chính trị gia Việt Nam Cộng hòa nhắc nhiều lần chữ "tay sai" dành cho chính quyền Sài Gòn. Cụ thể là trong hồi ký, Đỗ Mậu nhắc tới 132 lần chữ "tay sai" nhằm vào chế độ mà ông ta phục vụ. Người "trong nhà" còn công nhận và dùng chữ đó thì không ai có thể cãi trắng được.
Từ cái gốc đó sinh ra ngôn hành bất tín, "nói dzậy nhưng không phải dzậy".