Nỗi đau tấc đất tấc vàng
Mảnh đất ở Hà Nam mà gia đình tôi mua cách đây 2 thập niên đã tăng giá gấp 20 lần, bất chấp việc nó đã bỏ hoang trong từng ấy thời gian.
Vàng rơi vào đầu
Vào thời điểm mua, đây chỉ là một mảnh vườn hoang nhìn ra con đường đất nhỏ của làng, mà cứ đến mùa mưa là xe không đi vào nổi vì sình lầy. Mẹ tôi quyết định mua nó chỉ vì muốn sau này về già được về quê ở gần họ hàng, không có mục tiêu gì sâu xa. Ngày ấy, không nhiều người coi đây là một kênh đầu cơ. Họ mua trước hết là vì muốn có những lựa chọn tốt hơn về chỗ ở. Một "con" xe Spacy hay chiếc tivi màu vẫn có thể đắt hơn một mảnh đất.
20 năm sau, khi về đây hỏi cán bộ địa chính về mảnh đất này, anh còn nói đùa: "Vàng rơi vào đầu rồi nhé". Hàng xóm ở quanh đó đã bắt đầu thấy cò đất lảng vảng quanh đây: "Có mấy anh chị đầu xanh đỏ xuống đây ngó nghiêng hỏi mua rồi". Đất ở Hà Nam đã sốt vài năm nay và nhiều người bắt đầu đi lục lọi tìm sổ đỏ của những mảnh đất mà ngày xưa chỉ là chỗ khỉ ho cò gáy, chẳng ai nghĩ sẽ có giá.
Nhưng, trong 2 thập niên đó, một làn sóng ly nông và ly hương mạnh mẽ đã diễn ra. Họ hàng ở lại Hà Nam của gia đình tôi giờ chỉ còn các ông già bà cả, còn đâu đã thu xếp lên thành phố sinh sống và lập nghiệp từ mười năm nay. Những mảnh vườn họ để lại cứ âm thầm tăng giá, dù chẳng có ai ở. Giờ đây, ai cũng trông ngóng có thể sang tay lại cho người khác với một mức giá tốt hơn nữa.
Cách đó khoảng hơn 1.400 cây số đường chim bay, tại một huyện biên giới ở tỉnh Long An, những chiếc xe sang bắt đầu đổ về. Đứng trước thửa ruộng mênh mông ven lộ chính đi vào ấp, một người khoát tay nói với ông nông dân đứng cạnh: "Chỗ này có bao nhiêu mua hết, 700 triệu một mẫu (mẫu miền Tây), chú tính sao?".
Một mẫu ruộng này nếu làm ăn thật chăm chỉ, người nông dân chỉ thu về được lợi nhuận khoảng 20 triệu/năm. Trước đó, giá một mẫu ở đây chỉ rơi vào khoảng 300-400 triệu, nay đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Nghe đâu sắp có thêm nhà máy được mở ở cách đó vài cây số. Hiện, đây mới chỉ là tin đồn nhưng "tay to" có vẻ đã bắt đầu về mua gom.
Và, từ đây thì vòng quay trò chơi tài chính bắt đầu. Bạn sẽ bắt đầu đọc được trên báo về chuyện tỉnh này đang đề xuất xây sân bay, hay quy hoạch vùng này được dùng để xây khu công nghiệp hoặc đơn giản là tin khu vực này khu vực nọ có sốt đất. Một "tay to" ngành bất động sản kể với tôi về quy trình này: "Đầu tiên là lấy vị thế, nhắm các mảnh đất rộng, thoáng, gần lộ, đi mua gom lại. Sau đó bắt đầu "bơm" tin, tạo sốt bằng cách lấy tay trái bán tay phải để nâng giá. Bước cuối cùng là khi có thanh khoản thì bắt đầu thoát hàng dần và xong xuôi thì đi tìm "con mồi" mới".
Mảnh ruộng mà anh Xoài bỏ lại quê hương vì làm không đủ ăn tự dưng giờ lại có giá trong vòng quay bơm thổi tài chính. Nhưng, tại Biên Hòa (Đồng Nai), nơi anh đang làm công nhân trong một khu công nghiệp, mọi chuyện đang rối bời: Cách đây 6 năm, vì chán cảnh thuê nhà chật chội nóng bức và gia đình cũng có hai con, anh đánh liều mua một mảnh đất không sổ đỏ và nhiều khả năng nằm trong quy hoạch, chỉ có giấy sang nhượng viết tay, với giá 100 triệu đồng. Anh vay mượn tứ tung để xây lên căn nhà, hết tổng cộng 200 triệu nữa. Đùng một cái, năm ngoái, đất của anh nằm trong diện giải tỏa vì nằm trong quy hoạch xây dựng của thành phố. Giờ đây, anh đang tính bán đi miếng đất ở quê để trả nợ thành phố.
Vì quá thiếu nhà ở nên anh Xoài đã đặt cược vào một ván bài đầy rủi ro. Không riêng gì ở Đồng Nai, các quỹ nhà ở nhiều tỉnh chỉ đáp ứng được tối đa một nửa nhu cầu, không chỉ về quy mô xây dựng mà còn cả giá thành. Đa số chỉ có thể thanh toán ngay trong vòng 500 triệu đổ lại khi mua nhà.
Có hai thế giới đang chạy bên nhau trong guồng quay lạnh lùng này: Một nơi là những mảnh ruộng vườn bỏ hoang đang lên cơn sốt, một nơi là những công nhân nghèo không có nhà và có lẽ cả đời cũng không dám mơ một căn nhà tử tế. Không có một cây cầu nào bắc nổi qua hai thế giới lúc này. Bên thừa thì thừa rất nhiều, còn bên thiếu thì cũng thiếu trầm trọng.
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 2.587 USD, trong khi đó cùng kỳ, GDP bình quân đầu người của Mỹ là 63.000 USD. Giá trung bình một căn nhà chừng 100-200 m2 ở Texas có 3 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh rơi vào khoảng 200 ngàn USD. Tức với thu nhập theo GDP đầu người, giả sử không ăn không tiêu thì trung bình người Mỹ sẽ cần khoảng hơn 3 năm để trả xong căn nhà. Chưa hết, lãi suất trung bình để vay ngân hàng mua nhà ở Mỹ chỉ rơi vào khoảng 3-5%/năm, còn tại Việt Nam, con số này phổ biến ở mức 10, thậm chí 12%. Nếu bạn chỉ làm công ăn lương, trừ đi các chi phí sinh hoạt, bạn có thể phải trả nợ đến hàng chục năm.
Sự khan hiếm này có lẽ không phải do những người tiêu dùng như chúng ta định đoạt. Tôi và bạn đều phải chật vật mới có nổi một căn nhà, trong khi rất nhiều đất vẫn bị bỏ hoang. Tháng 4 vừa qua, tại hội thảo do tờ Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết rằng việc đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn chỗ chưa lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp có quỹ đất liên tục hoãn thời gian triển khai dự án không chỉ vì thủ tục chậm, mà còn vì cố ý kéo dài đợi giá đất lên để bán sản phẩm thương mại.
Ông Thọ tiết lộ rằng, nghị quyết mới về chính sách pháp luật đất đai có thể sẽ được thông qua trong thời gian tới, trong đó nội dung trọng điểm là tăng mức thuế với đất bỏ hoang. Ông dẫn ra ví dụ rằng ở Australia, chính quyền đánh thuế 5% nếu doanh nghiệp tự nguyện khai báo việc triển khai dự án chậm, nếu nhà nước đi điều tra việc này sẽ áp dụng tới 20%. Vào tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đăng đàn đề nghị đánh thuế cao với các hành vi găm đất để đầu cơ.
Các mô hình thì có rất nhiều. Cụ thể, tại Anh, thuế trước bạ được áp dụng theo lũy tiến, tức giá chuyển nhượng nhà càng cao thì thuế đánh càng tăng. Ví dụ, căn nhà 250 ngàn bảng thì thuế suất 0%, nhưng từ 250 ngàn bảng trở lên đến mức 1,5 triệu, thuế tăng dần từ 5-12%. Tại Pháp, chính quyền đánh thuế tăng dựa trên thời gian bán ra: anh bán càng sớm thì phải chịu thuế lợi tức càng cao. Một bất động sản phải được nắm giữ tới 22 năm thì khi bán ra mới không phải chịu thuế.
Các chuyên gia dường như đều đã đồng thuận với phương án áp thuế để chống lại hành vi đầu cơ. Nhưng, vào tháng 3 vừa rồi, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa xây dựng dự thảo luật để đánh thuế bất động sản. Từ nay đến ngày Bộ phải báo cáo trước Quốc hội về việc rà soát Luật Thuế sử dụng đất chỉ còn 3 tháng và "con voi trong phòng" này vẫn phải nằm nguyên ở đó. Thị trường đầu cơ bất động sản sống sót và phát triển ngoạn mục bất chấp vài năm dịch COVID-19 đã qua, trong khi các thị trường tài chính khác như chứng khoán, crypto... lần lượt sụp đổ.
Tất nhiên là với tư cách một người tiêu dùng thực dụng, tôi vẫn sẽ phải cố thích ứng với điều này. Đất đai trong con mắt của đa số chúng ta vẫn giữ được ma lực nguyên vẹn của một tài sản đầu cơ mầu nhiệm: anh bạn tôi, một biên kịch có tiếng, cũng đã lặn lội đến những nơi xa xôi ở Tây Nguyên để cố tìm một mảnh đất được quảng cáo là "sắp tăng giá khủng". "Làm gì được một năm ra chừng ấy tiền hả ông?" - anh kể lại với tôi, sau khi vừa chốt lời nhanh một mảnh đất.
Điều nghịch lý là anh vẫn đang nợ tiền căn chung cư mua ở TP Hồ Chí Minh. Tại thế giới này, anh cũng đang vật lộn với con tính làm sao có một căn nhà. Ở một thế giới khác, anh vô tình khoét sâu thêm vào nỗi đau của nó, bằng việc tự nguyện tham gia vào lực lượng đầu cơ hùng hậu đang có.
Tất nhiên thì đấy không phải là lỗi của anh. Nắm giữ một mảnh đất bây giờ là cám dỗ hiển nhiên: bạn chả mất gì cả và khả năng được lại rất nhiều. Nếu hiểu về thế giới này sớm hơn, có lẽ chính tôi cũng đã gia nhập lực lượng đầu cơ này sớm hơn. Con voi này vô lý đến hiển nhiên, nhưng việc tư lợi từ nó, thật cay đắng, cũng là một điều hết sức hiển nhiên.