Những "phận người mini" trong đám cháy

Thứ Hai, 25/09/2023, 14:32

Những ngày qua, vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội nửa đêm 12/9/2023 là câu chuyện nóng nhất, day dứt, ám ảnh nhất với người dân Thủ đô. Chỉ sau một đêm, đã có nhiều người mãi mãi ra đi, những gia đình mãi mãi ly tán, những phận người bơ vơ, rơi vào thảm cảnh không nhà, không người thân. Lửa than đã nguội tắt, nhưng nỗi thống khổ của những “phận người mini” ấy còn dai dẳng mãi.

"Bẫy" chung cư mini

45 căn hộ và khoảng 150 người "nhồi nhét" trong ngôi nhà 1 tầng hầm, 8 tầng cao, 1 tum kín mít trên khu đất chỉ 200 m2 nằm trong ngõ hẹp, chỉ có duy nhất một mặt thoáng, còn 3 mặt khác giáp nhà dân. Khi vụ cháy xảy ra, cầu thang thoát hiểm cũng chính là nơi hút khói, còn các lối thoát khác như ban công, lô gia đã bị hàn kín để chống trộm. Đó là một "phối cảnh" mà bất cứ ai khi hình dung về địa chỉ số 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ cũng phải rùng mình.

Những
Vụ cháy chung cư mini để lại hậu quả thảm khốc.

Có đến 15 xe cứu hỏa được điều đến hiện trường, nhưng việc tiếp cận nhanh chóng đám cháy ở một khoảng cách gần là điều không thể bởi ngõ vào quá hẹp. Từ khoảng cách 400m, xe chữa cháy phải dừng lại, lực lượng chữa cháy phải kéo vòi rồng dẫn nước vào để dập lửa. Xe thang hiện đại cũng được điều đến nhưng không thể sử dụng, lính cứu hỏa phải sử dụng thang nhỏ hoặc trực tiếp leo tường lên các tầng nhà. Bởi thế, thời gian cứu hộ kéo dài, làm vuột mất nhiều cơ hội cứu sống nạn nhân. Trong khi đó, theo Quy chuẩn 06 về kỹ thuật an toàn cháy, các tòa chung cư cao từ 7 tầng trở lên phải đảm bảo đường vào cho xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy không xa quá 10m, tòa nhà phải bố trí các họng nước chữa cháy.

8 năm trước, chủ chung cư này là Nghiêm Quang Minh xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên diện tích 240 m2. Quận Thanh Xuân đã cấp phép xây dựng 6 tầng, diện tích tầng 1 là 167 m2, mật độ 70%, tổng chiều cao công trình là 20,2m không tính tum thang. Thế nhưng, khi xây dựng, Minh đã "hô biến" công trình thành chung cư mini 9 tầng, diện tích xây dựng "phình" ra đến 230 m2, mật độ gần 100%. Minh đã lách luật, cố tình xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng để không phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định.

8 năm qua, chung cư này vẫn vận hành êm xuôi. Những cái sai "chết người" kia dường như được "tàng hình". Theo ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân là người ký quyết định cấp phép xây dựng thì quận đã phát hiện công trình xây dựng sai phép và ra văn bản xử phạt, cưỡng chế. Tuy nhiên, tại thời điểm này, sau 8 năm, ông Thái nhớ lại là khi ấy ông đã ra quyết định cưỡng chế và giao phường Khương Đình thực hiện. Còn tiếp theo như thế nào thì... phải kiểm tra lại. Sau vụ cháy thảm khốc, nhiều người mới giật mình nhận ra rằng khâu cấp phép, giám sát quản lý về trật tự xây dựng loại hình chung cư mini đang bị buông lỏng.

Một tòa nhà không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và PCCC vô hình trung đẩy những người thuê/mua nhà đối mặt với nhiều rủi ro. Và, khi ngọn lửa bùng lên thì dễ hình dung được điều gì sẽ xảy ra. Tất cả những gì người dân có thể làm là trông chờ vào may rủi. Trong không gian mini ấy, tổn thất lại không hề mini tẹo nào khi có đến 56 người chết, nhiều người bị thương. Đây là vụ cháy có số người tử vong cao nhất trong hơn 20 năm qua, kể từ khi xảy ra vụ cháy trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh năm 2002 khiến 60 người chết, 70 người bị thương.

Những hiểm họa đó có nhìn thấy trước không? Hoàn toàn có! "Cái bẫy" chung cư mini giăng ra, bao nhiêu người vẫn hồn nhiên lao vào, bởi giữa một Thủ đô có mật độ dân cư "khủng" thì chỗ ở luôn là điều cấp bách. Những người lao động nghèo, túi tiền mỏng thì chỉ "với" tới được những căn chung cư mini. Sau vụ cháy, người ta mới "để mắt" tới những chung cư mini và giật mình nhận ra rằng nhiều chung cư ở Thủ đô có kết cấu giống hệt chung cư vừa bị cháy. Bên trong con ngõ 262 đường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, mặc dù đường đi lối lại chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau nhưng các căn chung cư mini thì nhiều vô kể. Hay như trên phố Hồ Tùng Mậu, đi sâu vào những ngõ, ngách sẽ nhận ra đây là "thủ phủ" của chung cư mini.

Ẩn họa rình rập từ rất lâu nhưng công tác rà soát, tổng kiểm tra PCCC tại chung cư mini cũng như chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ mật độ cao, nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được chú trọng. Để đến khi 56 người bỏ mạng, hàng chục người khác bị thương trong một đêm hỏa hoạn thì mọi nguy cơ mới được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, có khoảng 2.000 chung cư mini đang tồn tại ở khắp các ngõ ngách của Thủ đô. Và, hiện tại, có rất nhiều "lô cốt" như thế vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Trong những không gian chội có nhiều phòng, mỗi phòng có nhiều người và chứa nhiều đồ đạc, chẳng ai dám chắc những vụ hỏa hoạn tương tự ở phố Khương Hạ sẽ không còn xảy ra.

Ẩn họa vẫn chực chờ

Sau vụ cháy, trong những câu chuyện hằng ngày, người ta bàn nhiều đến lối thoát hiểm, nhắc nhiều đến thang dây, mặt nạ phòng độc... Có lẽ trước thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng này, người dân không/ít khi nghĩ đến tình huống cháy, các phương án thoát hiểm an toàn cho chính mình và người thân.

Những

Bao lâu nay, trong số rất nhiều người dân sống trong 2.000 chung cư mini kia, có bao nhiêu người nghĩ và phòng thân các kiến thức, kĩ năng ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra?

Trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, số đông hoảng loạn ùa ra hành lang, ào xuống cầu thang bộ, lại chen nhau ngược lên phía tầng thượng, rồi bị ngạt khói, tử vong nhanh chóng. Nhiều nạn nhân chui vào nhà vệ sinh đóng kín cửa, người khác chui dưới gầm giường, trốn vào tủ quần áo, có người nhảy từ trên cao xuống dẫn đến tử vong hoặc bị thương nặng. Đêm ấy, số người tự thoát nạn được không nhiều. Và, những người tự thoát được đều có kiến thức, kĩ năng về PCCC. Có gia đình ở tầng 3 đã dùng thang dây có sẵn trong nhà để trèo xuống dưới an toàn. Bằng chiếc thang dây này, 7 người ở 2 căn hộ khác cũng thoát chết. Lính cứu hỏa cũng theo thang dây lên tầng 5 cứu thêm được 4 nạn nhân. Một gia đình khác 5 người ở tầng 7 cùng 2 người hàng xóm chọn cách cố thủ trong căn hộ, đắp khăn ướt lên mũi, di chuyển thấp người. Họ dùng chăn thấm nước nhét khe cửa để ngăn khói vào nhà. Có lúc họ trùm chăn ướt lên đầu để ngăn hít phải khói, đồng thời dùng đèn pin phát tín hiệu và hét lớn để báo cho lực lượng cứu hộ, cuối cùng họ đã giữ được tính mạng.

Kiến thức, kĩ năng về PCCC có ở rất nhiều kênh thông tin, được truyền tải bằng nhiều hình thức như poster, tin bài, video dễ xem, dễ nhớ. Các buổi tập huấn phổ biến kiến thức PCCC vẫn được thực hiện tại nhiều cơ quan, tòa nhà, tổ dân phố... Nhưng, vấn đề là không nhiều người chủ động tìm đọc, chủ động trang bị kiến thức một cách nghiêm túc. Chúng ta có thể say sưa lướt Facebook, TikTok hàng giờ đồng hồ, nhưng lại thờ ơ với những clip vài phút hướng dẫn về PCCC, hướng dẫn thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn. Chúng ta có thể bỏ tiền ra mua sắm rất nhiều đồ dùng đắt tiền nhưng lại quên mất một việc nhỏ là mua thang dây, mặt nạ chống khói, bình chữa cháy phòng khi cần đến. Khi sinh sống, hoặc đến nơi làm việc, đi chơi, tham quan du lịch ở một khu nhà nhiều tầng, nhiều người chúng ta chỉ chăm chú vào việc tìm thang máy ở đâu, mà quên mất rằng phải quan sát cầu thang bộ, lối thoát hiểm ở khu vực nào, hành lang ra sao...

Ở bất kì vụ hỏa hoạn nào, lực lượng chữa cháy tại chỗ là quan trọng nhất, tức là chính người dân phát hiện đám cháy đầu tiên. Bởi từ khi nhận tin báo cháy đến khi lực lượng chữa cháy có mặt cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định để di chuyển. Bởi vậy, tiêu lệnh chữa cháy được dán ở các cơ quan, khu chung cư, hầm để xe tưởng như đã quá quen mắt nhưng lại lạ lẫm trong trí nhớ. Thao tác dùng bình chữa cháy tuy là một kĩ thuật đơn giản nhưng vẫn quá xa vời với nhiều người.

Sau vụ cháy, người ta cuống cuồng đối phó với "bà Hỏa". Nhiều nhà cưa cửa sổ, chuồng cọp để có lối thoát hiểm khi cần thiết. Đây đó, ở những chung cư mini, nhà cho thuê, thang thoát hiểm đang được hàn gấp rút, những cầu thang ngoài đang được lắp ghép. Nhưng, thiết nghĩ, đó chỉ là cách "làm chuồng" tạm bợ sau khi đã "mất bò". "Chuồng" được bổ sung thêm cấu kiện phụ, liệu có an toàn, có gây ra những hệ lụy khác, vẫn là điều gây ra những băn khoăn.

Chủ chung cư mini ở phố Khương Hạ đã bị bắt. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần xe môtô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga). Sẽ có nhiều người phải chịu trách nhiệm sau vụ cháy. Nhưng, khi mà tin tức về vụ cháy giảm nhiệt dần, thì có lẽ tinh thần PCCC của người dân cũng giảm theo, nếu không muốn nói là đâu lại đóng đấy. Và, những phận người mini vẫn đang bị nhốt trong rất nhiều "hộp diêm" thiếu chuẩn về nhiều mặt. Nếu việc siết chặt quản lý xây dựng và cấp phép cho chung cư mini không được thực hiện rốt ráo và mạnh mẽ thì mồi lửa từ những "hộp diêm" vẫn là ẩn họa chực chờ... 

Thái Hưng
.
.