Những “ông trùm” tín dụng đen thời 4.0

Thứ Sáu, 12/01/2024, 20:45

Núp bóng bốc bát họ, nhưng thực chất là cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 146% -292%/năm, cùng với những quái chiêu đòi nợ nhức nhối, các “ông trùm” tín dụng “đen” trở thành nỗi ám ảnh của nhiều con nợ. Để quản lý chặt chẽ con nợ cũng như hồ sơ vay nợ, các “ông trùm” sử dụng các phần mềm công nghệ hiện đại vừa để điều hành chuyên nghiệp vừa để giấu mặt, ẩn thân, tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.

1. Nguyễn Văn Thành, tức Thành “bẹt” (sinh năm 1987), trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, từng có 1 tiền án, 1 tiền sự, thế nhưng ra tù, Thành vẫn chứng nào tật nấy. Không nghề nghiệp ổn định, Thành “bẹt” tìm mọi cách để có tiền tiêu xài cá nhân. Sau khi bàn bạc với Nguyễn Khang Nam, tức Nam “hổ” (sinh năm 1992); Nguyễn Quang Anh (sinh năm 1988); Trương Văn Thắng, tức Thắng “ỉn” (sinh năm 1996) cùng trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành quyết định cùng góp vốn để làm ăn bằng nghề cho vay nặng lãi.

Những “ông trùm” tín dụng đen thời 4.0 -0
Thành “bẹt” và các đối tượng trong đường dây tín dụng “đen”.

Cả 4 thống nhất góp 400 triệu đồng/ người để “khởi nghiệp” dưới hình thức cho vay bốc bát họ, đặt ra tỷ lệ 10 ăn 8, trả trong vòng 25-50 ngày (tương đương số tiền 4.000 đồng/triệu/ngày, lãi suất theo năm là 146% - 292%/năm). Thành đã quy tụ dưới “trướng” hơn 20 đối tượng trong đó có cả các đối tượng từng có tiền án tham gia đường dây tín dụng “đen”.

Để trao đổi công việc, các đối tượng tạo nhóm trò chuyện trên ứng dụng mạng xã hội Letstalk. Trong đó Thành “bẹt” đóng vai trò là “ông trùm” điều hành toàn bộ đường dây tín dụng “đen” cùng các “cổ đông” kiểm soát nguồn tiền cho vay, còn đàn em quản lý thông tin khách vay.

Dưới sự chỉ đạo của Thành, 5 đại lý được thành lập, trong đó Nam là người trực tiếp quản lý. Mỗi đại lý lại được các đối tượng giao cho 1 tổ trưởng cấp dưới hoạt động tại 3 địa điểm khác nhau trên địa bàn quận Cầu Giấy để tìm kiếm khách hàng vay tiền.

Khi có khách vay, các tổ trưởng sẽ giao cho các nhân viên trong tổ thẩm định trước. Sau đó Nam là người trực tiếp chốt số tiền thu được của khách trong ngày để thông báo lên nhóm. Thắng có nhiệm vụ đôn đốc, quản lý nhân viên trong các tổ. 

Quang Anh có nhiệm vụ mua 3 tài khoản “Phattailoc66666”; “Phattailoc9999”; “Phattailoc99999” giao cho 5 tổ trưởng trực tiếp quản lý, đăng nhập trên trang web 1Cash.Info nắm thông tin khách hàng, tiền cho khách vay, tiền lãi và nhắc tiền lãi, quá hạn. Các tổ trưởng này đều có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng quá khứ cũng bất hảo không kém gì các “ông anh”.

Khi có khách hàng vay tiền, các tổ trưởng sẽ giao cho các nhân viên trong tổ đi thẩm định trước khi cho khách vay tiền. Quá trình hoạt động, nhóm của Thành “bẹt” thuê một số các địa điểm nhà dân trong các ngõ, ngách nhỏ, kín đáo ít người qua lại, không treo biển hiệu trên địa bàn quận Cầu Giấy làm trụ sở hoạt động. Hàng ngày cứ 10 giờ, các đối tượng là “nhân viên” phải có mặt ở cửa hàng để tổ trưởng điểm danh, phân công công việc, gọi điện đôn đốc hoặc thu tiền của khách vay.

Quá trình hoạt động cho vay, các tổ trưởng chỉ sử dụng tên giả và các tài khoản ngân hàng không chính chủ để liên hệ cho vay và thu tiền của khách vay. Đối với những khách hàng chậm đóng tiền, các tổ trưởng sẽ chỉ đạo nhân viên gọi điện và đến nhà đe dọa khách hàng ép khách hàng trả tiền. Nếu không trả, các đối tượng này sẽ chửi bới, ném mắm tôm vào nhà để đe dọa, ép khách hàng trả tiền.

Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến khi bị bắt (tháng 12/2023), nhóm của Nguyễn Văn Thành đã cho gần 1.700 khách hàng vay tiền với tổng số tiền cho vay hơn 30,5 tỷ đồng, số tiền lãi thu được là hơn 6 tỷ đồng. Tiến hành khám xét khẩn cấp tại nhà và nơi làm việc của các đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 200g ma túy loại Ketamin, hàng chục chiếc điện thoại di động các loại, máy tính xách tay, máy tính cây và 4 can mắm tôm loại 5 lít, 1 can dầu luyn loại 20 lít; số tiền hàng trăm triệu đồng và một số giấy tờ cho vay. Điều đáng nói, khi bị lực lượng chức năng “đột kích”, một số đối tượng trong băng nhóm còn manh động đập hoặc ném điện thoại, máy tính thiết bị liên quan đến hành vi phạm tội sang nhà người khác nhằm tẩu tán tài liệu chứng cứ.

Những “ông trùm” tín dụng đen thời 4.0 -0
Các đối tượng trong đường dây tín dụng “đen” của Vũ Ngọc Tiến.

2. Cũng giống Thành “bẹt”, Vũ Ngọc Tiến (39 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã từng có 2 tiền sự. Tiến chiêu mộ Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1987) và Phạm Hồng Giang (sinh năm 1978) cùng trú tại quận Đống Đa (Hà Nội), Trần Vũ Thanh Tùng (sinh năm 1980), trú tại quận Hoàng Mai, thành lập một đường dây tín dụng “đen”, hoạt động tinh vi, núp bóng doanh nghiệp, kết hợp sử dụng công nghệ cao, ứng dụng phần mềm quản lý tài chính để điều hành.

Tiến và Trần Vũ Thanh Tùng còn kết hợp với Lê Quang Huy (sinh năm 1977), trú tại quận Hoàng Mai; Phạm Điệp Anh (sinh năm 1997), trú tại quận Hai Bà Trưng, Nguyễn Trần Tùng (sinh năm 1987) và Đặng Văn Hùng (sinh năm 1980), cùng trú tại quận Hoàng Mai tổ chức đánh bạc trên mạng. Sau đó lợi dụng xới bạc online, Tiến và đồng bọn cho các con bạc vay nặng lãi ngay tại xới bạc.

Vũ Ngọc Tiến thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đồng Tiến, trụ sở tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực cho thuê xe ô tô. Bên ngoài Tiến treo biển cho thuê ô tô, nhưng bên trong lại hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất từ 3.000-6.000 đồng/1 triệu đồng/ ngày; tương đương 109,5% đến 219%/năm.

Tiến thuê Trần Vũ Thanh Tùng làm nhiệm vụ thẩm định khách vay, làm hợp đồng vay, nhận tiền từ Tiến để chuyển khoản cho người vay. Bản thân Tùng cũng là giang hồ cộm cán khi đã có 2 tiền án. Tùng còn có nhiệm vụ nhắc nợ, đòi nợ, nhận tiền lãi và gốc của khách thanh toán, đồng thời thực hiện theo sự chỉ đạo của Tiến để chuyển khoản trả lương cho các đối tượng khác thông qua tài khoản cá nhân của Tùng.

Tiến thuê Phạm Hồng Giang cũng làm nhiệm vụ nhắc nợ, đòi nợ, nhận tiền lãi và gốc của khách thanh toán qua tài khoản cá nhân. Tùng và Giang trở thành cặp bài trùng chuyên đi đòi nợ cho Tiến.

Về hoạt động quản lý khách hàng vay, Tiến giao Nguyễn Hoàng Sơn sử dụng phần mềm nhập dữ liệu và theo dõi khách vay số tiền lãi, thông báo người vay nào đến ngày trả lãi, trả gốc…

Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã tạo lập gần 500 hợp đồng với tổng số tiền cho vay trên 80 tỷ đồng, thu lời khoảng 20 tỷ đồng. Làm việc với nhiều người vay tiền của nhóm Tiến từ thông tin thu được qua dữ liệu phần mềm quản lý công nợ, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã cho vay các khoản từ 15 triệu đồng đến 2 tỷ đồng với lãi suất như trên. Ngoài việc cho vay lãi nặng, Vũ Ngọc Tiến còn tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá.

Tháng 8/2023, Tiến gặp Lê Quang Huy và Phạm Điệp Anh cùng một số đối tượng khác để thỏa thuận việc lấy các tài khoản cá độ bóng đá trên mạng từ các trang http://www.bbmeroom, http://www.bbmgr.com về tổ chức đánh bạc. Các trang này được Tiến giao cho Đặng Văn Hùng, Nguyễn Trần Tùng quản lý. Nguyễn Hoàng Sơn cũng là người được Tiến tin tưởng giao nhiệm vụ nhận các tài khoản cá độ để cấp cho các con bạc và hằng ngày đăng nhập vào các tài khoản quản lý để theo dõi, thống kê kết quả thắng - thua. Căn cứ vào số điểm đặt cược và kết quả, Sơn tính toán số tiền thắng - thua, số tiền phải thanh toán, thống nhất hình thức, thời gian thanh toán tiền với các con bạc và ghi chép lại báo cáo cho Tiến.

Dù lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch để triệt phá các ổ nhóm tín dụng “đen” thế nhưng hoạt động tín dụng “đen” vẫn hoạt động phức tạp với nhiều thủ đoạn càng ngày càng tinh vi.

Nổi lên là tình trạng các đối tượng thành lập hoặc mua lại các doanh nghiệp kinh doanh cầm đồ, tư vấn tài chính và thuê người đứng tên với nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa điểm khác nhau vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa sử dụng các website, phần mềm quản lý cửa hàng cầm đồ như Mecash, icash info... hoạt động trên không gian mạng, thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất.

Khi khách hàng không đủ khả năng trả nợ, các đối tượng sẽ tìm mọi quái chiêu để đòi nợ như sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo…) bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người đi vay; gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần, tạo áp lực để đòi nợ; thuê lưu manh, côn đồ tụ tập đến nhà riêng, nơi làm việc, đập phá tài sản, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi; khống chế, đe dọa giết người, giết người, cố ý gây thương tích… gây áp lực với người vay và thân nhân của họ, tạo sức ép, buộc họ trả nợ.

Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, khi cần vay vốn để sử dụng vào mục đích kinh doanh, mua sắm,… thì nên tìm hiểu kỹ thông tin, ưu tiên vay tại các ngân hàng có uy tín để tránh bị lừa và mắc bẫy tín dụng “đen”.

Mai Ngọc
.
.