Những nhân chứng lịch sử ngày “Tiếp quản Thủ đô”
Hàng năm, khi ngày 10/10 đến gần thì âm hưởng của bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao lại vang lên. Tôi bỗng nhớ đến những câu chuyện đã được nghe kể về Thủ đô những ngày kháng chiến và kỷ niệm về việc chuyển giao thành phố Hà Nội từ phía Pháp về tay chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Người đàm phán việc chuyển giao hành chính
Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài (1926 - 2016), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thuộc lớp cán bộ Công an tiền bối và cũng là người có khá nhiều kỷ niệm gắn bó với Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong nội thành và là Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Phó Giám đốc và quyền Giám đốc Công an đặc khu Hà Nội. Ít ai biết rằng, ông còn là một trong những người trực tiếp tham gia đàm phán với phía Pháp để Chính phủ ta tiếp quản được một Thủ đô Hà Nội gần như nguyên vẹn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, Hiệp định Genève được ký kết ngày 21/7/1954, ta chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Trong Hiệp định Genève có điều khoản 15 d, đảm bảo Chuyển giao hòa bình thành phố Hà Nội và khu 300 ngày, đây là điều thế giới chưa từng có. Hà Nội được gọi là khu 80 ngày. Trong thời hạn này, chúng ta phải đấu tranh với địch, tiến tới tiếp quản Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu tháng 8/1954, đang là Giám đốc Công an đặc khu Hà Nội (nay là Công an Hà Nội), Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Tài được dự một lớp học để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, ở Trường cải cách ruộng đất thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đang chuẩn bị học thì Ủy ban Liên hợp Trung ương cử người lên, xin bổ sung cán bộ để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.
Thành ủy Hà Nội cử ông Trần Vỹ và ông Nguyễn Tài tham gia Ủy ban, đàm phán với phía Pháp về việc chuyển giao Hà Nội. Ông cũng được cử là đảng ủy viên Đảng ủy tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đây là cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn ta trên bàn hội nghị ở Phù Lỗ, diễn ra từ ngày 17 đến 30/9/1954, buộc địch phải chuyển giao thành phố Hà Nội cho ta theo đúng các điều khoản của Hiệp định Genève: Pháp rút quân đúng thời hạn, bảo đảm an toàn, không phá hoại tài sản công cộng. Việc chuyển giao có hai phần, là về quân sự và về hành chính. Chuyển giao quân sự thì tương đối thuận lợi vì các công việc được Hiệp định ghi rõ ràng. Chuyển giao hành chính thì khá phức tạp, phải đạt được mấy yêu cầu lớn, là: Đảm bảo công việc hành chính không bị đứt đoạn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân và có Đội hành chính vào trước.
Việc tiếp quản Thủ đô gặp phải không ít khó khăn, thách thức do bọn hiếu chiến Pháp vẫn ngấm ngầm chống phá cách mạng Việt Nam, vì vậy phải có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các lực lượng. Ông kể: “Có một cơ quan, khi anh em vào thì cơ sở cung cấp bản mục lục tài sản, trong đó có cái xe ô tô, đến lúc phía Pháp bằng lòng trả cho phía ta thì chỉ còn có 3 bánh”. Vì thế vấn đề bồi hoàn tài sản trở thành rất quan trọng.
Chuyển giao thành phố trong hòa bình theo Hiệp định Genève là việc rất đặc biệt, trên thế giới chưa từng có, nên cả hai bên đều phải “mò mẫm” cách làm. Đồng chí Nguyễn Tài được cử làm trưởng đoàn của phía ta để làm việc với phía Pháp về việc chuyển giao hành chính. Nhiệm vụ đấu tranh trên bàn đàm phán để giữ được tài sản, đảm bảo thành phố vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường được đặt ra hết sức nặng nề. Đối với ông, nhiệm vụ này lại càng khó khăn vì đây là lần đầu tiên ông tham gia đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao, một công việc không phải sở trường của mình.
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo là cứ để cho phía Pháp nói trước các yêu cầu, phía ta sẽ căn cứ vào đó để thỏa thuận các vấn đề sao cho có lợi nhất cho ta. Thành ủy Hà Nội cử thêm ông Dương Văn Đàm là luật sư và một số người có chuyên môn về các ngành khác cùng tham gia đoàn của phía ta. Phía Pháp cử luật sư De Bresson là tùy viên pháp luật của sứ quán Pháp ở Sài Gòn.
Trong quá trình đàm phán và xây dựng Hiệp nghị về chuyển giao hành chính thành phố Hà Nội, Thành ủy luôn luôn gửi đến cho đồng chí Nguyễn Tài tin tức từ nội thành về các hoạt động phá hoại của phía Pháp. Nhờ đó mà tuy không có kiến thức về luật, nhưng có ông Dương Văn Đàm là luật sư tư vấn các vấn đề về pháp lý, nên đồng chí Nguyễn Tài có cơ sở để đấu với phía Pháp những vấn đề họ làm sai Hiệp định. Ban đầu phía Pháp thanh minh là không làm sai. Bằng trí thông minh, sắc sảo, lại có tài liệu cụ thể, với vốn “tiếng Pháp như tiếng Việt”, ông đã đưa ra chứng cứ, lý lẽ xác đáng, buộc họ phải thừa nhận hành vi phá hoại. Nhưng họ lại cãi rằng chỉ có loại cơ quan hoạt động thường xuyên thì mới phải theo Hiệp định; còn cơ quan hoạt động không thường xuyên thì không cần như vậy.
Đồng chí Nguyễn Tài vạch cho phía Pháp biết rằng chỉ có cơ quan Quốc hội mới là hoạt động không thường xuyên, mà ở Hà Nội không có cơ quan đó. Ông nói: "Ông De Bresson là cố vấn pháp lý của tòa Đại sứ Pháp mà tuyên bố như vậy, tôi xin phép được công bố trên đài phát thanh lời tuyên bố ấy". Phía Pháp thấy những lý lẽ ông đưa ra rất cứng và chặt chẽ, họ hỏi nhau xem ông là người thế nào. Sau đó ông còn “dọa” thêm trưởng đoàn của Pháp là: “Chúng tôi sẽ đăng lên báo tất cả những tài sản bị phía các ông lấy trộm, lấy cắp đi”. Sợ bị mất mặt, phía Pháp phải tuyên bố “không phản đối việc bồi hoàn những tài sản đã bị lấy đi”. Đồng chí Nguyễn Tài nắm lấy ý đó để yêu cầu ghi vào Hiệp nghị chuyển giao hành chính.
Về “Đội hành chính vào trước”, đó là cán bộ gồm nhiều ngành, lập thành nhiều tốp. Cán bộ của ngành nào, sở nào thì đi vào tốp đó, nên vào đến nơi là họ quen việc ngay. Ông Nguyễn Tài lúc sinh thời đã kể lại: “Hồi đó các ngành cũng ít, đơn giản. Ban đầu, do chưa biết số lượng cơ quan cần chuyển giao nên khi phía Pháp hỏi bên ta định cử bao nhiêu người thì tôi bảo là cần độ một chục người. Sau này cơ quan Công an kiểm tra lại, thì thấy có đến hàng trăm cơ quan. Vì vậy Đội Hành chính vào trước cần phải có khoảng mấy trăm người thì mới đảm bảo mỗi cơ quan có một đến vài người nhận chuyển giao”. Phía Pháp cũng đồng ý với đề xuất của ta.
Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, nhờ có những chứng cứ cụ thể và đấu tranh kiên quyết, Hiệp nghị về chuyển giao hành chính đã được ký kết, buộc phía Pháp phải thực hiện đúng những điều đã cam kết, đảm bảo cho hoạt động bình thường của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp quản.
Ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp nghị số 13 chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự. Ngày 2/10/1954, ký tiếp Hiệp nghị số 14 chuyển giao về hành chính thành phố Hà Nội, trong đó phía Pháp phải nhận hoàn lại hoặc bồi thường các tài sản đã bị lấy đi hay hủy hoại.
Buổi chiều ngày 2/10/1954, Hiệp nghị số 14 chuyển giao về hành chính thành phố Hà Nội được ký kết, cũng là buổi chiều mà các Đội hành chính vào trước lên đường; ông Trần Danh Tuyên được cử làm trưởng đoàn các Đội hành chính vào trước, ông Nguyễn Tài là phó đoàn.
Đoàn đi từ Phù Lỗ về Hà Nội bằng xe vận tải của phía Pháp, được bố trí ở tại Quân y viện Lanessan cũ (còn gọi là Bệnh viện Đồn Thủy, tức là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bây giờ). Trước đó, phía ta đã tổ chức nơi ăn chốn ở cho cán bộ vào; trụ sở của Ban chỉ huy cũng đóng trong bệnh viện ấy. Từ ngày 3/10/1954, cán bộ của ta đến các cơ quan hành chính ở Hà Nội, bắt đầu nhiệm vụ tiếp quản.
Việc bàn giao hành chính được thực hiện trong 7 ngày. Với sự giúp đỡ của công nhân, viên chức tại các cơ quan, chúng ta có được danh mục tài sản gốc, dùng để đối chiếu với danh mục tài sản còn lại do Pháp cung cấp. Từ đó xác định được những tài sản bị phía Pháp mang đi, làm cơ sở cho việc đòi bồi hoàn sau này. Đến chiều 9/10/1954, mọi công việc bàn giao đã hoàn thành. Cuộc tiếp quản Thủ đô của ta về cơ bản đã thành công trọn vẹn, không có nổ súng và không có bất cứ thương vong nào do giao tranh.
Sau khi tiếp quản các nơi xong, có một đoàn ngoại giao của các nước XHCN đến thăm Hà Nội và Hải Phòng, họ nói “Hiệp định này ký như thế là rất có lợi vì nếu đánh nhau bằng súng thì tan nát hết”.
Đồng chí Nguyễn Tài vô cùng tâm đắc: “Mình tiếp thu được cả thành phố còn nguyên vẹn, như thế là có lợi lắm, trên thế giới chưa bao giờ có như vậy”.
Sau này, phía Pháp phải bồi thường cho ta toàn bộ số tài sản họ đã mang đi. Trong số này đối phương đã thực sự hoàn lại một phần bằng hiện vật là những máy móc đáng giá; phần còn lại bồi thường bằng tiền với trị giá lên đến 265 triệu franc Pháp, quy đổi tỷ giá thành 2.120 triệu đồng ngân hàng thời kỳ đó. Đây thực sự là những thắng lợi vô cùng quan trọng.
Những đội viên thanh niên công tác tiếp quản thủ đô
Đoàn các Đội hành chính vào trước không chỉ có cán bộ các ngành mà còn có Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Các đội viên gồm 300 người, được tuyển chọn từ các trường Trung học kháng chiến, trường Sư phạm Khu học xá và một số đơn vị khác. Họ là những học sinh sắp tốt nghiệp tú tài, có trình độ văn hóa, có khả năng làm công tác vận động quần chúng.
Mỗi thành viên của đoàn được cấp một giấy Ủy nhiệm do Ban Liên hợp Bắc Bộ cấp để đi lại, làm nhiệm vụ trong những ngày này ở Hà Nội.
Các đội viên được trang bị đồng phục màu xanh ô liu hoặc váy màu kem, áo sơ mi trắng cổ lá sen, giày bata, mũ cát. Bộ đồng phục này thể hiện sự trang nghiêm, đồng nhất và cũng tạo nên niềm tin cho người dân Hà Nội. Những người biết tiếng Pháp thì được bố trí đi cùng các nhóm đến tiếp quản các công sở; đa số thì tham gia vận động nhân dân vệ sinh đường phố; thanh thiếu niên, học sinh tham gia công tác xã hội, văn hóa văn nghệ của thành phố; giác ngộ đồng bào hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ, không nghe theo địch cưỡng ép di cư vào Nam.
“Cô gái Việt Minh” Bùi Bích Phú, làm công tác dân vận, đã giành được cảm tình của người dân bằng những việc làm nho nhỏ: lấy khăn mùi xoa lau mũi cho một em nhỏ, gợi cho người dân thấy được hình ảnh bình an khi Việt Minh về Hà Nội. Có người dân rụt rè kể: “Những ngày Hà Nội còn bị tạm chiếm, họ nói về Việt Minh sợ lắm, nào là 5 Việt Minh đứng trên 1 cọng đu đủ mà không gãy, nào là Việt Minh về thì Hà Nội sẽ tắm trong biển máu,…”.
Nhưng rồi, nghe “cô gái Việt Minh” nói chuyện, thì họ nhận xét: “Các cô cậu, ai cũng khỏe mạnh, xinh xắn, bộ váy áo các cô mặc trông rất nền nã; đường phố sạch sẽ, rực rỡ cờ hoa và tiếng hát, chứ không tắm trong biển máu, người người đi lại đông vui, hồ hởi”. Rồi kết luận: “Các cô còn trẻ mà đã am hiểu lịch sử, tổ tiên. Thế mà bọn họ nói Việt Minh ngu ngơ”. Thật là một sự thay đổi cơ bản nhận thức về Việt Minh.
Công tác vận động nhân dân, chống cưỡng ép di cư vào Nam cũng rất gian khổ. Lúc đó, ngoài việc dụ dỗ giáo dân “vào Nam theo Chúa”, bọn phản động còn đe dọa những người từng làm việc cho chính quyền cũ là: “Đi Nam hay ở lại để vào trại của Lý Bá Sơ?”, gây nên hoang mang cho số công chức cũ (Ông Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta ở Thanh Hóa lúc đó). Các đội viên của Đội không quản trời mưa rét, sáng nào cũng dậy từ 4 giờ sáng ra bến Phà Đen đón đồng bào từ Bùi Chu, Phát Diệm ra Hà Nội để vào Nam, tuyên truyền giải thích cho bà con. Có người lại đóng giả làm người đi buôn chuyến Hà Nội - Hải Phòng, nhập vào đoàn người định đi Hải Phòng để vào Nam, vận động bà con ở lại, bố trí nơi ăn chốn ở và ô tô đưa bà con về quê cũ. Chính vì vậy Đội đã góp phần giúp nhiều gia đình không mắc mưu địch.
Ông Nguyễn Khang, Trưởng Ban liên lạc Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô, năm nay 89 tuổi, mái tóc đã bạc phơ, nhớ lại: “Chúng tôi khi đó là một lực lượng trí thức trẻ vào Hà Nội trước – một đội quân tiền trạm để gặp gỡ thanh niên đường phố, nhân dân, làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị cho ngày 10/10 đón bộ đội về Hà Nội sau 9 năm xa cách. Đội công tác làm việc rất hiệu quả, thành công. Điều đó được minh chứng bằng việc đã lôi kéo được nhiều thanh niên Hà Nội lúc đó tham gia vào công tác; họ chịu ảnh hưởng của Đội thanh niên công tác, cùng chúng tôi làm việc tiếp quản. Sau đó họ thành lập một câu lạc bộ, lấy tên là Mùng 10 tháng 10 ở phố Hàng Nón”.
Ký ức “lớp lớp đoàn quân tiến về” của cậu bé 10 tuổi
70 năm đã qua đi. Vậy mà trong ký ức của ông Trần Hữu Dũng, những ngày Thủ đô vừa được giải phóng khỏi ách xâm lược vẫn như mới ngày hôm qua đây.
Năm 1954, ông Dũng mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi, gia đình ở tại số 34 Hàng Gai, góc Hàng Gai – Lê Quí Đôn (nay là phố Lương Văn Can). Những câu chuyện xảy ra trong gia đình, với bản thân, bạn bè trong cái thời khắc lịch sử rất ngắn ấy vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ ông cho đến ngày hôm nay; ông hồi tưởng mà như sống lại những ngày sục sôi ấy.
Thuở bé, ông Dũng thường theo người anh họ tên là Vũ Duy Tân, như một “đệ tử” trung thành. Vô tình, ông cũng tham gia vào những hoạt động của thanh niên học sinh lúc đó, chẳng hạn như dùng súng cao su bắn vỡ đèn đường để anh Tân rải truyền đơn, hoặc các việc lặt vặt do anh “sai”.
Có một chuyện xảy ra ngay trong gia đình Dũng, đó là việc ông nội giúp ông ngoại không đi di cư vào Nam. Thời điểm đó, rất nhiều người bị dụ dỗ, cưỡng ép đi Nam. Gia đình bên ngoại cậu Dũng cũng không ngoại lệ. Các bác muốn ông đi Nam vì sợ chính quyền mới về sẽ trả thù. Nhưng ông ngoại chỉ nghĩ rằng: mình chưa làm điều gì có hại cho dân cho nước thì mình không sợ gì cả, cứ quê cha đất tổ mà sống, việc gì phải đi đâu; nên ông quyết tâm ở lại miền Bắc. Từ quê, ông ngoại lên Hà Nội, tìm gặp ông nội, nói chuyện khá căng thẳng.
Sau một hồi bàn tính, hai ông dắt nhau đi. Khi trở về thì chỉ có một mình ông nội. Vài hôm sau, các bác bên ngoại đến hỏi thăm thì ông nội nói tỉnh bơ, là không thấy ông ngoại đến. Mãi tới khi gia đình bên ngoại Dũng đã vào Nam hết thì ông ngoại mới trở về quê, sống cùng gia đình người con cả. Hóa ra là những ngày đó, ông nội đã đem “giấu” ông ngoại ở ngôi nhà của mình trong Ngõ chợ Khâm Thiên. Tâm trạng người dân lúc giao thời như thế đấy, đúng là “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”, dòng nước nào mạnh thì sẽ cuốn lòng người đi theo. Và dòng thác cách mạng đã chiến thắng. Ông ngoại của Dũng đã gửi lòng tin đúng chỗ.
Cũng chính cậu bé Dũng ngày đó đã được chứng kiến sự chuyển giao thành phố từ phía Pháp sang chính quyền ta. Đêm 9/10/1954, dọc con đường Hàng Bông, lính Pháp nằm la liệt trên vỉa hè, dưới lòng đường là xe ô tô quân Pháp. Tờ mờ sáng 10/10, khi quân Pháp bắt đầu rút đi trên con đường phía trước nhà cậu, số 34 Hàng Gai, cậu đã cùng nhà nhiếp ảnh xuống đường. Pháp rút đi, bộ đội ta tiến vào. Cứ thế, cậu bé Dũng cùng nhiếp ảnh gia đi giật lùi để chụp ảnh. Và cậu được anh chỉ huy bồng trên tay, đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, trở thành “người dẫn đầu một đoàn quân đi vào tiếp quản Thủ đô”. Thời khắc đó đã được ống kính của nhà nhiếp ảnh ghi lại. Ánh mắt ông Dũng lấp lánh niềm vui khi kể lại câu chuyện và xen lẫn sự tiếc nuối, vì tấm ảnh đó không được lưu lại trong gia đình.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, người dân Hà Nội bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường với làn gió mới, hơi thở mới. Cậu bé Dũng cùng với các bạn lại được cắp sách tới trường. Buổi học đầu tiên, lớp học không đầy đủ, một thầy giáo già lên lớp. Thầy hỏi thăm từng học sinh về những ngày qua. Rồi thầy nói: “Hôm nay thầy không giảng bài mới, nhưng có một bài bao giờ cũng mới; mà không phải chỉ có thầy mới dạy được các em, chính các em sẽ tự mình hiểu được bài này. Hôm nay, các em sẽ làm một bài luận, đề bài như thế này: các em suy nghĩ gì, hiểu như thế nào về bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Các em nghĩ như thế nào thì các em viết ra như thế”. Học sinh cắm cúi làm bài; ai nộp bài lên thầy đều đọc. Khi các trò đã nộp bài hết, thầy mới thong thả công bố: “Tất cả các em đều được điểm 10”. Học sinh trầm trồ, xuýt xoa. Thầy nói tiếp: “Thầy cho điểm 10 vì tất cả các em đều đã biến bài thơ này của Lý Thường Kiệt thành chính tấm lòng của mình, để khẳng định rằng: Tổ quốc Việt Nam là của người Việt Nam; tức là các em đã hòa nhập với lời dạy của thánh nhân và đã thấu hiểu được bản tuyên ngôn ấy. Và đó chính là điểm 10 dành cho các em”. Bài học đầu tiên sau ngày giải phóng như thế đấy, vô cùng sâu sắc, nó tạo nên dấu ấn đi theo cậu Dũng cho đến tận ngày hôm nay.
Bảy mươi năm đã qua đi. Tôi lại nhớ đến biết bao người con của Hà Nội đã từng chiến đấu ở Hà Nội, đã vì Hà Nội mà ra đi trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến để rồi lại trào nước mắt trên đường về tiếp quản Thủ đô. Những người con yêu dấu của Thủ đô, đã từng chứng kiến thời khắc thành phố chuyển mình mùa thu năm ấy, nay đã thành lớp người “xưa nay hiếm”, người còn người mất. Chỉ còn đọng lại trong tâm khảm thế hệ con cháu là lòng tự hào vì những chiến công thầm lặng ấy đã tạo nên dấu son lịch sử của dân tộc, để cả nước có được một Thủ đô gần như nguyên vẹn sau cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; để rồi ngày hôm nay chúng ta có được một Hà Nội xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Tháng 9/2024