Những kẻ lừa đảo đội lốt giám hộ
Nước Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề người cao tuổi sống cô độc, không có ai chăm sóc. Một biện pháp được ngành Tư pháp nước này đưa ra là chỉ định người giám hộ cho các cụ già. Người giám hộ vừa chăm sóc các cụ, vừa thay các cụ quản lý tài chính. Nhưng chính sách nhân đạo như vậy lại đang bị những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp lợi đụng để đẩy người già vào cảnh khốn quẫn.
“Nữ hoàng” lừa đảo
Cụ ông Martin Chorost (71 tuổi) mất trong đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ông mắc bệnh tiểu đường, mất trí nhớ và một loạt vấn đề khác. Nhưng đáng lẽ ra ông Martin đã không mất sớm như vậy nếu như không bị lừa mất 800.000 USD. Cụ bị lừa bởi chính người giám hộ của mình. Tòa án thành phố New York chỉ định bà Yvonne Murphy làm người giám hộ cho cụ Martin Chorost vào năm 2011.
Kể từ đó đến khi cụ Martin mất vào năm 2019, năm nào Yvonne cũng chuyển cho công ty Beacon Eldercare từ 80.000 USD đến 100.000 USD lấy từ tài khoản của cụ Martin. Beacon đã nhận tổng cộng 417.697 USD, tương đương một nửa tài sản của cụ Martin. Chưa hết, ông cụ vẫn còn đang “nợ” Beacon tổng cộng 50.890 USD.
Bà Yvonne Murphy là Giám đốc của Beacon Eldercare. Beacon đăng ký doanh nghiệp là công ty chăm sóc sức khỏe cho người già, nhưng theo lời khai của những người hàng xóm và họ hàng xa của cụ Martin, công ty này không hề chăm sóc cụ được một ngày. Cụ Martin mất một phần vì cơ thể đã suy kiệt do bị suy dinh dưỡng kéo dài và phải sống trong căn hộ mất vệ sinh.
Cụ ông Martin Chorost không phải là nạn nhân duy nhất của Yvonne Murphy. Đối tượng này từng làm y tá, rồi sau đó được cấp chứng chỉ công tác người giám hộ vào năm 2006. Cùng năm đó, Yvonne lập ra Beacon Eldercare. Trong giai đoạn 2007-2023, Yvonne Murphy được tòa án thành phố New York chỉ định làm giám hộ cho hơn 100 người già. Trung bình mỗi người như vậy mất cho Beacon khoảng 110.000 USD.
Một nạn nhân khác của Yvonne và Beacon là cụ Thomas Burns. Năm cụ 90 tuổi, tòa án chỉ định Yvonne Murphy làm giám hộ cho cụ Burns vì cụ không có người thân hoặc bạn bè để chăm sóc. Trong vòng hai năm làm giám hộ cho cụ Burns, bà Yvonne vừa lấy của cụ Burns 6.700 tiền phí làm giám hộ, vừa chuyển 120.000 vào tài khoản của Beacon. Nạn nhân còn bị sở thuế vụ Mỹ phạt tiền vì bà Yvonne không đóng thuế thay ông cụ. Hiện người thân của cụ Burns đang kiện Yvonne Murphy ra tòa vì tội lừa đảo và không làm tốt trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Không ít trường hợp người thân, bạn bè của các nạn nhân của Yvonne Murphy đã đệ đơn khiếu nại lên tòa. Điểm đáng chú ý trong những trường hợp này là tòa án New York luôn đứng về phía Yvonne.
Một vị thẩm phán giấu tên từng làm việc với Yvonne Murphy giải thích: “Yvonne rất giỏi trong việc tự “đánh bóng” bản thân. Bà ta liên tục xuất hiện trong những chương trình truyền hình và phát thanh về chủ đề chăm sóc người già. Bà ta có bằng giám hộ và bằng bác sỹ tâm lý. Mặt khác các quan tòa khi chỉ định người giám hộ phải dựa vào cảm tính rất nhiều. Họ nhìn vào bằng cấp, tiểu sử công tác của người làm giám hộ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn dựa vào cảm tính cá nhân mà không có một quy trình hay hội đồng xét duyệt nào”.
Không phải trường hợp riêng lẻ
Chính quyền và tòa án các địa phương tại Mỹ đang càng ngày chịu nhiều sự chỉ trích vì hệ thống chỉ định người giám hộ có quá nhiều vấn đề. Vấn đề chính là thiếu nhân lực. Các thành phố lớn như New York, Los Angeles,... không có đủ người để đi kiểm tra từng cụ ông, cụ bà. Người thân của các cụ có thể gửi đơn khiếu nại, nhưng tòa án bị quá tải nên có khi phải vài năm nữa mới xét đến lá đơn. Hậu quả là kẻ lừa đảo có thể lợi dụng các nạn nhân cao tuổi trong nhiều năm liền mà chẳng sợ bị pháp luật “sờ gáy”.
Luật pháp Mỹ có quy định rõ ràng rằng người được chỉ định làm giám hộ không được làm chủ sở hữu, cổ đông hay nhân viên của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Nhưng các trường hợp phạm pháp rõ ràng như Yvonne Murphy vẫn đang diễn ra ngang nhiên.
Giáo sư Nina Kohn tại trường Đại học luật Syracuse giải thích: “Hiện thành phố New York có 17.411 người hiện đang được giám hộ viên chăm sóc, nhưng lại chỉ có 14 quan tòa quản lý tất cả những trường hợp này. Không gì khó hiểu khi có nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng cơ hội này để “đội lốt” giám hộ nhằm lấy tiền của người cao tuổi”.
Theo tài liệu xét xử Beacon Eldercare được hãng tin ProPublica công bố thì mỗi năm doanh nghiệp này kiếm được trung bình 5 triệu USD. Đấy vẫn chưa là “bức tranh toàn cảnh” về thiệt hại Yvonne Murphy gây ra. Người giám hộ có quyền lấy tiền của người mà mình đang chăm sóc để đi đầu tư. Số lợi nhuận thu được sẽ về tay người được chăm sóc và sử dụng để giúp đỡ họ. Yvonne Murphy lấy tiền của nạn nhân đi đầu tư bất động sản, sau đó bỏ túi mình khoản lợi nhuận.
Bà Theresa Hastings được tòa án New York chỉ định Yvonne Murphy làm người giám hộ vào năm 2016. Người chồng quá cố của bà Theresa, ông Ingo Grezinger, có để lại cho vợ một số bất động sản với tổng trị giá gần 6 triệu USD. Yvonne đã lấy bất động sản và tiền của bà Theresa đi đầu tư và bỏ túi mình khoản lợi nhuận. Chưa hết, bà ta còn bán bốn ngôi nhà của bà Theresa cho một người tên là Patrick Toussaint với giá 3 triệu USD, quá thấp so với giá trị thực tế của bất động sản. Toussaint sau đó bán bốn căn nhà với giá 8 triệu USD và trả cho Yvonne 200.000 USD tiền hoa hồng.
Tòa án New York đã phát lệnh truy nã Yvonne Murphy. Bà ta đã bán công ty Beacon Eldercare hồi tháng 4 năm ngoái rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Loay hoay đi tìm giải pháp
Các chuyên gia pháp lý Mỹ đã dành hơn 30 năm để cảnh báo vấn đề hệ thống tư pháp không đủ khả năng quản lý mạng lưới người giám hộ. Nguyên thẩm phán Charles Devlin từng có nhiều năm quản lý công tác giám hộ tại hạt Weschester, New York. Ông Charles cho biết: “Luật giám hộ được ban hành vào cuối thập niên 1970 để bảo vệ những người cao tuổi không có gia đình. Trước đây những người già như vậy thường bị đưa vào các trại dưỡng lão, nhà thương điên và bị đối xử tệ bạc. Vậy nhưng luật người giám hộ vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề. Người già vẫn đang bị lợi dụng và đối xử tệ bạc. Điều đó cho thấy vấn đề cuối cùng vẫn là con người”.
Dư luận Mỹ từng có lần bị sốc sau khi thông tin về bà Judith Zbiegnewicz được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bà Judith được tòa án chỉ định người giám hộ vào năm 2010, và từ đó cuộc sống của bà còn tệ hơn là trước khi có người giám hộ. Bà cụ sống trong một căn hộ gác mái đã dột mái. Căn hộ không có lò sưởi, nên cứ đến mùa đông là bà cụ lại nằm co ro trên tấm đệm đầy rệp, trên người chỉ mỗi mảnh chăn rách. Bà Judith chỉ nhận được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm sau khi báo chí đăng tải câu chuyện của bà giữa lúc bà lên cơn đau tim hai lần liên tiếp và phải vào viện để phẫu thuật điều trị sưng não,
Trong khi Judith Zbiegnewicz phải sống trong cảnh khốn quẫn, nơi có trách nhiệm giám hộ là NYGS vẫn tiếp tục bắt nạn nhân trả 450 USD/ tháng phí giám hộ cho họ. NYGS (viết tắt của “New York Guardianship Services”) thực chất là một liên minh các tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp người giám hộ cho người cao tuổi, bệnh nhân tâm thần,... ở bang New York. Theo điều tra của hãng tin ProPublica thì NYGS hoạt động không khác gì như doanh nhiệp, cũng tính toán doanh thu chi phí, có bộ máy công nhân viên được trả lương và giao chỉ tiêu. Họ bỏ bê người già được giám hộ cũng chỉ là cách để tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Như vậy là NYGS vừa thực hiện hành vi lừa đảo, vừa sử dụng danh nghĩa tổ chức phi lợi nhuận để trốn thuế.
Bộ máy chỉ định và giám sát người giám hộ tại Mỹ hiện có vấn đề nghiêm trọng. Vậy quốc gia này có cách nào để giải quyết vấn đề? Theo bà Rebekah Diller, chuyên gia về công tác giám hộ tại Đại học luật Cardozo, điều quan trọng nhất là chính quyền phải nhảy vào tài trợ: “Những người cần có người giám hộ là ai? Họ là người nghèo và không có ai nương tựa. Không thể có đủ nhân viên tình nguyện, nhà hảo tâm để chăm sóc, hỗ trợ hết số người gặp khó khăn. Đấy chính là “lỗ hổng” mà những kẻ lừa đảo chỉ chờ để nhảy vào... Việc có nguồn ngân sách công định kỳ sẽ giúp bộ máy giám hộ hoàn thành được nghĩa vụ của mình. Ngay cả việc được trả công hằng tháng cũng sẽ khuyến khích nhiều người tham gia chăm sóc bố mẹ, ông bà của mình”.
Đã có một số chính quyền địa phương Mỹ trực tiếp tham gia việc giám hộ người già, ví dụ như ở hai bang Illinois và Delaware có hẳn cục bảo hộ, chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi. Vấn đề đặt ra là đây không phải chính sách liên bang, mà chính quyền các cấp tiểu bang phải tự bỏ tiền túi của mình ra. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, thật khó để chính quyền các bang duy trì khoản hỗ trợ người già.
Biện pháp thứ hai là tăng cường lực lượng nhân viên công quyền, đặc biệt là đội ngũ thanh tra và thư ký tòa án. Như thành phố New York hiện có 17.000 người già được giám hộ nhưng lại chỉ có 175 thanh tra đi kiểm tra cảnh sống của các cá nhân trên. Vậy nhưng một lần nữa giải pháp lại gặp khó vì ngân sách. Ngành tư pháp Mỹ đang thực hiện cắt giảm cán bộ để đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách. Những người mang chức vị thấp như thanh tra và thư ký tòa án là các cá nhân đầu tiên bị mất việc. Việc cắt giảm nhân viên tư pháp vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc và dự báo còn gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống tại Mỹ, trong đó có vấn đề giám hộ người cao tuổi.